Ai cũng có thể thành Bụt?
Trong kinh nói: Người nào cũng có thể thành Bụt. Bụt là gì? Bụt là một con người nhưng có nhiều chất liệu của hiểu và thương. Hiểu là trí tuệ, thương là từ bi.
Câu hỏi:
1. Có rất nhiều Phật tử đi chùa tụng kinh. Vậy con xin hỏi tụng kinh để làm gì?
2. Bụt nói rằng ai cũng có thể trở thành Bụt. Xin Thầy giải thích tại sao Bụt nói như vậy?
Thầy trả lời:
1. Tụng có nghĩa là ôn đọc lại. Có nhiều thứ kinh, ví dụ như sáng hôm nay chúng ta đã học kinh Quán Niệm Hơi Thở. Mỗi kinh có một chủ đề và mình tụng kinh không phải để cầu nguyện mà để nhớ lại những điều Bụt dạy mà làm theo. Đó là mục đích của sự tụng kinh. Vì vậy chúng ta đừng tụng kinh như những con vẹt. Ta đừng nghĩ là ta tụng kinh thì Bụt thích lắm, Bụt rất ưa ta tụng kinh.
Bụt muốn ta tụng kinh và làm theo lời dạy. Tụng kinh có nghĩa là nhớ lại những lời Bụt dạy và làm theo mà không phải là để có công đức. Nếu ta không làm theo thì có tụng bao nhiêu cũng vậy thôi. Ví dụ ta thường niệm “Nam mô A Di Đà Phật” hay “Nam mô Bụt Thích Ca Mâu Ni”. Tụng và niệm hơi giống nhau. Niệm là nhớ lại, tụng cũng để nhớ lại. Nhưng mình nhớ lại như thế nào để có thể đem lại sự bình yên, đem lại khả năng hiểu và thương trong con người thì nhớ lại mới có ích lợi. Còn nếu quí vị cứ “Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô A Di Đà Phật” hoài mà sự căng thẳng, sự giận hờn, buồn phiền trong lòng không bớt chút nào thì quí vị có lặp lại câu “Nam mô A Di Đà Phật” một triệu lần cũng không có ích lợi gì, cũng như mình nói “một, hai, ba, bốn, năm, sáu,…” vậy thôi.
Niệm Bụt có mục đích để tiếp xúc được với Bụt. Mà Bụt là gì? Bụt là khả năng có bình an, khả năng hiểu và thương. Vì vậy mình phải niệm Bụt như thể nào để chế tác được từ từ khả năng đó trong con người của mình. Chúng ta không thể làm như một con vẹt hay như một cái máy.
Có một câu chuyện buồn cười xảy ra trong bệnh viện tâm thần Biên Hòa. Một ông nọ có tri giác sai lầm về ông, ông nghĩ mình là một hạt bắp. Vì vậy mỗi khi thấy con gà đi ngang thì ông sợ hãi bỏ chạy. Ông nghĩ con gà sẽ tới mổ ông. Trên đời có rất nhiều tri giác sai lầm. Người ta không thù mình mà mình nghĩ là người ta thù mình. Người ta không ghét mình mà mình tưởng là người ta ghét mình. Ngưòi không muốn thủ tiêu mình mà mình tưởng là người ta muốn thủ tiêu mình. Người không muốn lợi dụng mình mà mình cứ tưởng tượng là người ta lợi dụng mình.
Bác sĩ nói với ông bệnh nhân:
– Anh nên biết, anh là một con người, anh không phải là một hạt bắp. Anh làm bài tập đi! Anh viết xuống câu “Tôi là một con người, tôi không phải là một hạt bắp”. Mỗi ngày anh phải viết xuống và lặp lại nhiều lần”.
Đó là tụng niệm. Viết xuống nhiều lần là chép kinh. Đọc đi đọc lại là tụng niệm.
Sau đó một tháng anh ta lên gặp bác sĩ, bác sĩ hỏi:
– Anh là cái gì?
Anh ta nói:
– Thưa bác sĩ, tôi là một con người! Tôi không phải là một hạt bắp!
– Giỏi lắm! Anh về đi, chiều nay chúng tôi sẽ cho anh xuất viện!
Trưa hôm đó đi lang thang gặp một con gà, anh ta bỏ chạy làm cô ý tá chạy theo bắt lại không kịp. Bác sĩ rất thất vọng. Ông triệu tập bệnh nhân tới văn phòng hỏi:
– Hồi sáng này anh nói rất rõ với tôi rằng anh là một con người, anh không phải là một hạt bắp. Vậy tại sao trưa hôm nay gặp con gà anh lại bỏ chạy?
– Tôi biết rất rõ tôi là một con người chứ không phải là hạt bắp. Nhưng con gà đâu có biết, nó vẫn tưởng tôi là một hạt bắp nên tôi phải bỏ chạy thôi.
Kiểu tụng niệm như vậy không có ích lợi gì cả vì không có tuệ giác. Vì vậy niệm Bụt A Di Đà hay niệm Bụt Thích Ca một triệu lần cũng không có ích lợi. Nếu trong mình không có sự bình an, mình không làm tăng thêm cái hiểu và cái thương, mình nhìn người kia vẫn còn hận thù, bực bội thì tụng kinh không có ích lợi.
Như vậy có nghĩa là: không phải tụng kinh niệm Bụt không có ích lợi, nhưng tùy theo cách mà mình tụng kinh niệm Bụt. Nếu mình tụng như cái máy, như con vẹt thì không có ích lợi gì hết. Nghe chuông cũng vậy. Chúng ta ai cũng nghe chuông, nhưng có người nghe chuông thì rất khỏe còn những người khác nghe chuông như vịt nghe sấm, có nghe một ngàn tiếng cũng vậy thôi. Trong khi đó chúng ta nghe ba tiếng chuông thôi mà có rất nhiều bình an.
2. Trong kinh nói: Người nào cũng có thể thành Bụt. Bụt là gì? Bụt là một con người nhưng có nhiều chất liệu của hiểu và thương. Hiểu là trí tuệ, thương là từ bi. Trong chúng ta ai cũng có cái hiểu và cái thương, nhưng có thể hiểu và thương của ta còn ít quá. Chúng ta hiểu mình chưa đủ, và khi chưa hiểu được mình thì làm sao mà hiểu được người khác. Chúng ta có những nỗi khổ niềm đau mà ta chưa hiểu và nhận diện được thì làm sao ta có thể hiểu được nỗi khổ niềm đau của người kia.
Ta có cái hiểu nhưng cái hiểu đó chỉ lớn bằng hạt đậu phụng trong khi cái hiểu của đức Thế Tôn thì rất lớn. Ngài hiểu được nỗi khổ niềm đau của chính Ngài. Ngài hiểu được nỗi khổ niềm đau của con người và của muôn loại. Tại vì có hiểu và thương nhiều nên hạnh phúc cũng rất nhiều. Khả năng hiểu và thương được gọi là Phật tính. Người nào cũng có Phật tính, nhưng ta phải tu tập hàng ngày để cái hiểu và thương đó mỗi ngày mỗi lớn lên. Chúng ta phải đặt câu hỏi:”Hôm nay cái hiểu và thương của tôi có lớn hơn hôm qua chút nào không?” Nếu nó không lớn hơn là ta giẫm chân tại chỗ. Trong sự liên hệ vợ chồng ta có thể hỏi:”Này anh, anh có thấy cái hiểu và thương của em có lớn hơn ngày hôm qua không? Anh nói thật đi!”
Là một người tu thì mỗi ngày cái hiểu và thương của mình phải lớn lên. Mình phải giúp nhau, mình có thể giúp cho người kia hiểu thêm và thương thêm. Hạnh phúc tùy thuộc vào cái hiểu và cái thương. Mình chế tác cái hiểu và cái thưong cho mình và giúp người kia chế tác cái hiểu và cái thương. Người kia có thể là con hay là bố của mình.
Bây giờ mình cũng đã là Bụt rồi nhưng là Bụt rất nhỏ. Khi nào cái hiểu và cái thương của mình lớn thì mình mới thật sự là Bụt lớn. Mỗi người đều có khả năng làm cho cái hiểu và thương trong con người mình lớn lên. Vì vậy cho nên trong kinh nói người nào cũng có khả năng thành Bụt. Nếu có thì giờ tu thì mỗi hơi thở, mỗi bước chân có thể giúp cho cái hiểu và cái thương của mình lớn lên hơn. Và mình phải có sự tiến bộ.
Trong chùa có truyền thống “an cư kiết hạ”. Mỗi năm các thầy, các sư cô tu chung với nhau trong vòng 90 ngày để đào sâu và làm lớn lên cái hiểu và cái thương của mình. Đến rằm tháng 7 tức ngày tự tứ thì tính sổ xem thử cái hiểu và cái thưong của mình đã lớn được chừng nào. Trong ngày lễ tự tứ một thầy quì trước một thầy khác và hai thầy đối thoại với nhau:
– Bạch thầy, con đã có cơ hội tu với thầy trong 90 ngày. Xin thầy dạy cho con trong 90 ngày đó con có sự tiến bộ trong sự thực tập hiểu và thương hay không hay là con còn giẫm chân tại chỗ? Xin thầy nói thẳng cho con biết.
Khi được hỏi như vậy người kia sẽ nói thật cho mình biết là mình đã tiến bộ được bao nhiêu. Đó gọi là lễ tự tứ vào ngày rằm tháng bảy. Các thầy, các sư cô, các vị Phật tử được tu 90 ngày có cơ hội trong 90 ngày để làm lớn lên cái hiểu và cái thương của mình.
Mình đừng nên tưởng tượng Bụt là một vị thần linh. Bụt là một con người như mình, nhưng là một người có rất nhiều khả năng hiểu và thương. Vì vậy Bụt không khổ đau nhiều, có khả năng làm hạnh phúc cho rất nhiều người và giúp cho người bớt khổ đau. Có nhiều hiểu biết và từ bi thì quí vị là một người hạnh phúc và quí vị có thể giúp cho người khác bớt khổ và có nhiều niềm vui. Như vậy thì quí vị đã là một vị Bụt gọi là Phật sống.
Ở đời có rất nhiều Phật sống, mình đừng nên coi thường. Có những người không mang danh hiệu Phật tử nhưng họ có cái hiểu và cái thương rất lớn. Ngay trong loài người đã có những vị Bụt và những vị Bồ tát, tuy họ không tự xưng mình là Bụt hay là Bồ tát. Đó là những Bồ tát đại nhân. Vì vậy trong kinh nói “ai cũng có thể thành Bụt”, có nghĩa là ai cũng có thể làm lớn lên khả năng hiểu và thương của mình để cho mình bớt khổ và giúp cho người khác cũng bớt khổ và có niềm vui.
Trích phần vấn đáp trong pháp thoại dành cho người Việt ngày 09.08.2014, tại EIAB, Đức
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Theo Phật giáo, con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?
Hỏi - Đáp 17:46 18/12/2024Thưa Ngài, theo triết học cuả Phật giáo thi con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?
Cảnh giới của "Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” như thế nào?
Hỏi - Đáp 12:27 18/12/2024Kinh Vô Lượng Thọ có đoạn: “Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” (mạng chung mộng thấy Đức Phật A Di Đà), xin giải thích cảnh giới này như thế nào? Nếu ở trong mộng gặp A Di Đà Phật, chẳng may bị người thân quyến thuộc gọi tỉnh giấc, có phải là đánh mất cơ hội vãng sanh rồi không?
Lưu thông sách về Tây phương cực lạc sẽ tạo nghiệp ác?
Hỏi - Đáp 12:15 18/12/2024Con đem sách Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Du Ký giới thiệu nhưng có đồng tu nói sách đó nói không đúng sự thật, lưu thông sẽ tạo nghiệp, xin lão Hòa thượng khai thị.
Dọn cơm cúng thế nào cho đúng?
Hỏi - Đáp 11:14 08/12/2024Tôi thường thấy lúc cúng vong, có ba chén cơm để ngang nhau...
Xem thêm