Ai làm ta đau khổ?
Đi tìm một lý do là tài năng của bản ngã.
Trong mọi hoàn cảnh, bản ngã luôn yêu cầu được bảo vệ. Nếu không tại thì bị. Vòng lẫn quẫn của do mình hay do người cứ ám ảnh tâm trí. Hoài nghi mình; mặc cảm mình. Đỗ lỗi người; thách thức người. Ngay cả đã bước chân trên con đường tự nguyện giải thoát, việc bước ra khỏi ám ảnh tìm kiếm một lý do cho bản ngã vẫn còn đó là một vấn đề lớn thật sự lớn của muôn kiếp nhân sinh.
Có một lần, vị lõa thể Kassapa hỏi Đức Phật Gotama có phải khổ do tự mình làm ra?
Không phải vậy, này Kassapa. Đức Phật trả lời.
Kassapa hỏi tiếp có phải khổ do người khác làm ra?
Không phải vậy, này Kassapa. Đức Phật trả lời tiếp.
Như vậy, Kassapa lại hỏi, có phải khổ do mình và người cùng làm ra, có phải khổ không do mình và người cùng làm ra, hay khổ do tự nhiên sanh?
Đức Phật trả lời tất cả đều không phải.
Kassapa khó hiểu và hoài nghi phản biện lại Đức Phật: Vậy thì không có khổ? Hay thật sự Đức Phật không thấy khổ và không biết khổ?
Đức Phật cho biết Ngài có biết khổ và có thấy khổ. Nhưng không có khổ nào tự sinh và khổ nào bất biến cả. Sau đó, theo thỉnh cầu của Kassapa, Đức Phật cho biết:
Một người làm và chính người làm ấy cảm thọ (kết quả). Này Kassapa, như Ông gọi ban đầu “khổ do tự mình làm ra”, như vậy có nghĩa là Thường Kiến.
Một người khác làm và một người khác cảm thọ. Này Kassapa, như vậy đối với người bị cảm thọ, được xảy ra như: “Khổ do người khác làm ra”, như vậy có nghĩa là Đoạn Kiến.
Này Kassapa, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo con đường trung đạo: Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử và sầu khổ. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Nhưng do ly tham và đoạn diệt hoàn toàn vô minh, các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt... (như trên)... Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.[1]
Kassapa nghe xong, xin quy y và xuất gia trong giáo pháp do Đức Phật giảng dạy. Không bao lâu, Kassapa thành tựu A-la-hán.
Do mình hay do người là một hoài nghi lớn của ngã ái. Nó là lý do của tự khổ và là chướng ngại của tự giải thoát. Chiến tranh có mặt cũng từ đi tìm lý do cho ngã ái này.
Một người có tĩnh lặng và biết quán sát mình, người ấy thấy mọi hiện hữu, bao gồm khổ thọ, đều sinh diệt. Hiện hữu sinh diệt tùy thuận nhân, duyên và quả. Không có ai và cũng không tại ai cả. Mình và người đều nằm trong hiện hữu sinh diệt theo nhân, duyên và quả đó. Khi tham ái có mặt thì chấp thủ có mặt. Khi chấp thủ có mặt thì khổ đau có mặt. Từ tham đến thủ rồi đến khổ chỉ là những hiện tượng sinh khởi và đoạn diệt trôi chảy trên dòng sông nhân, duyên, quả. Đi tìm khổ do mình hay khổ do ai trong các hiện tượng sinh diệt trên dòng sông nhân, duyên, quả này là một sai lầm.
Giải thoát cuối cùng không bao giờ có người giải thoát. Khổ đau cuối cùng không bao giờ có người khổ đau. Đi tìm giải thoát trong nhận thức do mình hay do người đều không thể tìm thấy giải thoát. Theo đuổi lời giải khổ đau do mình hay do người đều không thể khép lại khổ đau. Chỉ có ghi nhận khổ đau như một hiện thực và thấy nhân duyên sanh diệt của hiện thực đó trong ánh sáng duyên khởi mới đi đến chấm dứt được khổ đau.
Có thể nói, người muốn chấm dứt khổ đau, người ấy đừng đi tìm lý do tại mình hay tại người nữa. Người ấy cần thấy hiện thực mình có khổ. Mình khổ là do có ái và thủ. Ái cái gì và thủ cái gì làm mình khổ cần phải được nhìn thấy. Xả ly cái mình ái và mình thủ đã được nhìn thấy đó trong ánh sáng tư duy và kinh nghiệm vô thường, bất toại nguyện và chấp ngã. Xả ly và tự nghiệm hiện thực cảm được trên thân và tâm mình. Dùng hiện thực cảm được để minh chứng hiện thực. Có hết khổ hay không có hết khổ khi đã xả ly ái và thủ, tự mình sẽ biết. Không cần chứng nhận mà cũng không còn đi tìm nữa một lý do cho khổ đau tự cảm nơi mình hay bất cứ nơi đâu.
----------
[1] SN 12.17 (Tương Ưng Bộ)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Oán gia không muốn kẻ thù được khen ngợi
Lời Phật dạy 17:40 11/11/2024Người có tâm oán thù thì không mong kẻ thù có danh tiếng, được khen ngợi. Ngược lại, họ còn cầu cho kẻ thù luôn bị tiếng xấu, thậm chí thân bại danh liệt. Âu đó cũng là chuyện thường của thế gian.
Những phương pháp sống khỏe theo lời Phật dạy
Lời Phật dạy 07:56 11/11/2024Đức Phật luôn khuyến khích con người sống một lối sống lành mạnh, bằng cách thay đổi tư duy về ăn uống, nghỉ ngơi và làm việc để có một thân thể quân bình cả thân lẫn tâm.
Khởi lên ý niệm cai trị, quản lý liền rơi vào lưới ma
Lời Phật dạy 19:00 07/11/2024Pháp thoại này cho thấy Thế Tôn đã từng nghĩ đến việc thiết lập một xã hội đức trị lý tưởng trong đó có cai trị mà “không giết hại, không để người giết hại; không chinh phục, không khiến người chinh phục; không sầu muộn, không khiến người sầu muộn”. Đây là một ý tưởng tuyệt vời, tâm nguyện vì chúng sanh cao cả.
Xem thêm