Bài diễn văn của Thiền sư S.N. Goenka tại Hội nghị Thượng đỉnh
Vào mùa hè năm 2000, Ông Goenka, vị thiền sư chính của Thiền Vipassana viếng thăm Mỹ quốc và cùng với những nhà lãnh đạo tinh thần khác trên thế giới, diễn thuyết tại “Hội nghị Thượng Đỉnh Thiên niên về Hòa Bình Thế Giới” ở Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York.
Vào mùa hè năm 2000, Ông Goenka, vị thiền sư chính của Thiền Vipassana viếng thăm Mỹ quốc và cùng với những nhà lãnh đạo tinh thần khác trên thế giới, diễn thuyết tại “Hội nghị Thượng Đỉnh Thiên niên về Hòa Bình Thế Giới” ở Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York.
Bài diễn văn của Ông Goenka, trong phiên họp về Chuyển Hóa Xung Đột, chú trọng vào chủ trương hòa hợp tôn giáo, khoan dung và chung sống hoà bình.
Nguyên văn bài diễn văn của Ông Goenka như sau:
Khi nào có bóng tối thì cần đến ánh sáng. Ngày nay, với rất nhiều đau thương gây ra bởi xung đột tàn khốc, chiến tranh và đổ máu, thế giới rất cần đến hòa bình và hòa hợp. Đây là một thử thách lớn lao cho những nhà lãnh đạo tôn giáo và tinh thần. Chúng ta hãy chấp nhận sự thử thách này.
Mọi tôn giáo đều có một hình thức hay cái vỏ bên ngoài và một cốt lõi hoặc tinh túy bên trong. Hình thức bên ngoài gồm có nghi lễ, nghi thức, lễ hội, niềm tin, thần bí và giáo lý. Những hình thức này khác nhau từ tôn giáo này sang tôn giáo khác. Nhưng có một cốt lõi chung cho tất cả các tôn giáo: sự giảng dạy phổ quát về đạo đức và việc từ thiện, và một tinh thần tự kỷ và trong sạch tràn đầy tình thương và bác ái, thiện chí và độ lượng. Những nhà lãnh đạo tôn giáo phải chú trọng vào điểm chung này và tôn giáo phải theo đó mà tu tập. Nếu sự quan trọng đúng đắn được đặt vào tinh túy của mọi tôn giáo và nhiều khoan dung độ lượng hơn đối với những hình thức bề ngoài, xung đột có thể giảm thiểu.
Mọi người phải được tự do thực hành và đi theo tín ngưỡng của mình. Tuy nhiên, trong khi làm như thế, họ phải thận trọng đừng quên tu tập cái tinh túy của tôn giáo của mình, không làm phiền người khác bằng sự thực hành tôn giáo của mình, không lên án hoặc khinh rẻ tín ngưỡng của người khác.
Bởi vì có sự khác biệt lớn lao giữa những tôn giáo, làm sao chúng ta vượt qua những dị biệt và đạt được một kế hoạch chắc chắn cho hòa bình? Đức Phật, bậc Giác Ngộ, thường gặp nhiều người với những quan điểm khác nhau. Ngài thường nói với họ, “Chúng ta hãy bỏ qua một bên những dị biệt. Chúng ta hãy chú tâm đến những gì chúng ta có thể đồng ý, và chúng ta hãy thực hành chúng. Tại sao lại tranh cãi?” Lời khuyên khôn khéo đó cho tới ngày nay vẫn còn giá trị.
Tôi xuất thân từ vùng đất cổ xưa nơi có nhiều trường phái về triết lý và tâm linh khác nhau từ ngàn năm qua. Mặc dù có một vài bạo động lẻ tẻ, nước tôi đã là khuôn mẫu về chung sống hòa bình. Khoảng 2300 năm trưóc đây Ashoka Đại đế trị vì nước này, một đế quốc trải rộng từ Afghanistan tới Bangledesh. Trong thời gian trị vì, vị vua nhiều từ tâm này đã cho khắc nhiều châm ngôn vào bia đá, nói rằng mọi tín ngưỡng cần được tôn trọng; và kết quả là tín đồ của mọi truyền thống tâm linh cảm thấy được an toàn dưới sự trị vì của Ngài. Ngài đòi hỏi dân chúng phải sống một cuộc sống đạo đức, kính trọng cha mẹ và bậc trưởng thượng, và tránh sát sinh. Những lời của Ngài cho tới ngày nay vẫn còn phù hợp:
"Ta không nên chỉ tôn vinh tôn giáo của mình và lên án tôn giáo của nhũng người khác. Trái lại. ta phải tôn vinh những tôn giáo khác vì nhiều lý do khác nhau. Làm như vậy ta giúp tôn giáo của mình phát triển đồng thời cũng giúp cho tôn giáo của người khác. Nếu làm ngược lại, ta đào hố tự chôn tôn giáo của mình và đồng thời cũng làm hại các tôn giáo khác. Những ai tôn kính tôn giáo của mình và đả kích những tôn giáo khác có thể vì lòng tôn sùng tôn giáo của mình, nghĩ là, “Tôi sẽ làm tôn giáo của tôi được vinh quang”, nhưng hành động này làm tổn thương tôn giáo của người đó rất nhiều. Đồng thuận bao giờ cũng tốt. Mọi người hãy lắng nghe và sẵn sàng lắng nghe giáo lý của người khác. (Bia Đá số 12)"
Hoàng đế Ashoka tượng trưng cho một truyền thồng sáng chói về chung sống hòa hợp và hòa bình trường cửu. Truyền thống đó tiếp tục sống còn trong những chính phủ và các lãnh tụ ngày nay. Một ví dụ là quốc vương thánh thiện của Oman đã cống hiến đất đai cho nhà thờ và chùa chiền của những tín ngưỡng khác trong khi vẫn thực hành tôn giáo của Ngài bằng tất cả sự tôn kính và nhiệt tâm. Tôi tin chắc rằng trong tương lai, sẽ có nhiều nhà lãnh đạo và chính phủ như thế tại nhiều quốc gia trên thế giới. Như thường được nói, “Hãy ban ơn cho những người tạo ra hòa bình, vì họ được gọi là Con của Thượng đế.”
Thật quá rõ ràng là sự tàn bạo trước tiên làm hại những người thân. Họ có thể làm như vậy một cách trực tiếp, qua sự cố chấp, hay gián tiếp, bằng cách tạo ra phản ứng dữ dội lại những hành động này. Một mặt khác, thường được nói rằng, “Lành thay cho dung thứ, vì họ sẽ được dung thứ.” Đây là luật tự nhiên. Nó có thể gọi tương đương với luật đường lối của Thượng đế. Đức Phật nói, “Thù hận không thể xóa bỏ bằng thù hân nhưng chỉ bằng cách làm ngược lại. Đây là Dhamma (Pháp) vĩnh cửu (luật tâm linh).” Cái được gọi là Dhamma không liên quan gì tới Ấn độ giáo, Phật giáo, đạo Jain, Thiên chúa giáo, đạo Hồi, đạo Juda, đạo Sikhi hoặc bất cứ đạo nào khác. Nó chỉ là sự thật giản dị: trước khi quý vị hại người khác, quý vị làm hại mình trước bằng cách tạo ra tiêu cực trong tâm; bằng cách hết tiêu cực, quý vị có thể tìm được an lạc nội tâm và củng cố hòa bình trên thế giới.
An lạc nội tâm cho hòa bình thế giới
Mọi tôn giáo xứng với tên gọi đều kêu gọi tín đồ sống một cuộc sống đạo đức và chính đáng, làm chủ được tâm và vun trồng một tâm hồn thánh thiện. Một truyền thống bảo chúng ta, “Hãy thương yêu hàng xóm”; một truyền thống khác nói, Salaam walekum — “Nguyện cho bạn được hạnh phúc”; một truyền thống khác còn nói, Bhavatu sabba mangalan hay Sarve bhavantu sukhinak — “Nguyện cho mọi chúng sinh được hạnh phúc.” Cho dù là Thánh kinh, Kinh Koran, hay kinh Gita, kinh điển đều kêu gọi hòa bình và hòa hợp. Từ Mahavir cho đến Jesus, tất cả những người sáng lập ra những tôn giáo lớn đều có lý tưởng về khoan dung và hòa bình. Tuy nhiên thế giới của chúng ta thường bị xung đột bởi sự khác biệt giữa các tôn giáo và tông phái, ngay cả chiến tranh – bởi vì chúng ta chỉ chú trọng tới vỏ bên ngoài mà quên đi tính túy của tôn giáo. Đây là hậu quả của sự thiếu tình thưong và lòng bác ái.
Hòa bình trên thế giới không thể đạt được trừ khi có được an lạc trong mỗi cá nhân. Vọng động và an lạc không thể tồ tại chung với nhau được. Một đường lối để đạt được an lạc nội tâm là Thiền Vipassana hay thiền tuệ giác – một phương pháp không tông phái, khoa học và có kết quả thực tiễn, một phương pháp tự quan sát và nhận biết sự thật. Thực tập phương pháp này mang lại sự hiểu biết thực nghiệm về sự tương quan giữa tâm và thân. Bất cứ khi nào tiêu cực nẩy sinh trong tâm như thù hận, nó sinh ra những cảm giác khó chịu trong người. Bất cứ khi nào tâm sinh ra tình thương vô vị lợi, bác ái và thiện chí, toàn thể con người tràn ngập những cảm giác dễ chịu. Thực tập Vipassana cũng cho thấy rằng hành động tinh thần đi trước hành động bằng tay chân và lời nói, quyết định hành động đó là thiện hoặc bất thiện. Tâm quan trọng nhất. Đó là tại sao chúng ta phải tìm ra đường lối thực tiễn để làm cho tâm được an lạc và thánh thiện. Những phương pháp như thế sẽ gia tăng gấp bội sự hữu hiệu của bản hiến chương chung của Hội Nghị Thượng Đỉnh Về Hòa Bình Thế Giới này.
Nước Ấn độ cổ xưa cống hiến hai phương cách cho thế giới. Một là sự tập luyện yoga (Sanas) và kiểm soát hơi thở (Pranayama) để giữ cho cơ thể được khỏe mạnh. Thứ hai là sự tập luyện Vipassana để giữ cho tinh thần được lành mạnh. Con người thuộc mọi tôn giáo có thể và đang tập luyện cả hai đường lối này. Cùng một lúc, họ có thể theo tôn giáo của mình một cách bình yên và hòa hợp; không cần thiết phải cải đạo, một nguyên nhân thông thường đưa đến căng thẳng và xung đột.
Để cho một xã hội được hòa bình, càng nhiều dân chúng trong xã hội đó phải được an lạc. Là những nhà lãnh đạo, chúng ta phải có trách nhiệm làm gương và khích lệ. Một hiền nhân đã từng nói, “Một tâm hồn quân bình rất cần để làm quân bình những tâm hồn mất quân bình của người khác.”
Nói rộng hơn, một xã hội hòa bình sẽ tìm được cách sống hòa bình với hoàn cảnh thiên nhiên. Chúng ta đều hiểu sự cần thiết phải bảo vệ môi trường, chấm dứt làm ô nhiễm môi trường. Cái ngăn cấm chúng ta hành xử được đúng là vì những ô nhiễm trong tâm, như vô minh, tàn nhẫn, và tham lam. Dứt bỏ được nhhững ô nhiễm này sẽ đưa đến hòa bình giữa con người, đồng thời đưa đến một sự liên hệ quân bình và lành mạnh giữa xã hội loài người và môi trường thiên nhiên. Đây là cách tôn giáo có thể khuyến khích sự bảo vệ môi trường.
Bất bạo động: Chìa khóa để Định nghĩa Tôn giáo
Sự khác biệt giữa các tôn giáo đương nhiên phải có. Tuy nhiên, bằng cách tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Về Hòa Bình Thế Giới này, những nhà lãnh đạo của các tôn giáo lớn chứng tỏ rằng, họ đều mong muốn làm việc cho hòa bình. Bây giờ hãy để hòa bình là nguyên lý đầu tiên cho “tôn giáo đại đồng”. Hãy để chúng ta cùng tuyên bố rằng chúng ta sẽ tránh không giết hại, rằng chúng ta lên án bạo động. Tôi cũng khuyến khích các nhà lãnh đạo chính trị tham gia vào tuyên ngôn này, trao cho họ vai trò chính yếu trong việc mang lại hòa bình hoặc chiến tranh. Dù họ có hội nhập với chúng ta hay không, ít nhất cũng để chúng ta có lời thệ nguyện nơi đây và ngay bây giờ: thay vì khuyến khích bạo động và giết hại, chúng ta hãy tuyên bố rằng chúng ta lên án vô điều kiện những hành động như thế, đặc biệt là bạo động mượn danh nghĩa của tôn giáo.
Một số các nhà lãnh đạo tinh thần đã có sự thánh thiện và cam đảm để lên án những bạo động dưới danh nghĩa tôn giáo của mình. Có thể có những triết lý và triết thuyết khác nhau trong quan niệm về cách tìm kiếm sự tha thứ và hối hận về sự bạo động và chém giết trong quá khứ; nhưng chính sự xác nhận có bạo động xẩy ra trong quá khứ ám chỉ rằng điều đó là sai trái và không thể khuyến khích trong tương lai.
Dưới sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc, chúng ta hãy hình thành một định nghĩa về tôn giáo và tâm linh chú trọng về bất bạo động, và từ chối chấp nhận bạo động và chém giết. Không có bất hạnh nào lớn hơn cho nhân loại cho bằng sự thất bại trong sự định nghĩa tôn giáo cũng đồng nghĩa với hòa bình. Hội nghị Thượng đỉnh này có thể đề xuất một quan niệm về “tôn giáo đại đồng” hoặc “tâm linh không tông phái”, để Liên Hiệp Quốc bảo trợ.
Tôi tin chắc rằng Hội nghị Thượng đỉnh này sẽ giúp thế giới đặt trọng tâm vào mục đích đích thực của tôn giáo:
Tôn giáo không chia rẽ chúng ta; Tôn giáo giảng dạy tâm an lạc và thánh thiện.
Tôi tán thán nỗ lực và sáng kiến của những người tổ chức Hội nghị Thượng Đỉnh lịch sử này. Và tôi tán thán những nhà lãnh đạo tôn giáo và tinh thần đã làm việc một cách khôn khéo cho sự hàn gắn, mang lại hy vọng cho nhân loại là tôn giáo và tâm linh sẽ đưa đến một tương lai hòa bình.
Nguyện cho mọi chúng sinh thoát khỏi thù hận và được hạnh phúc.
Nguyện cho hòa bình và hòa hợp đắc thắng.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi
Phật pháp và cuộc sống 09:50 02/11/2024Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...
Hạnh phúc khi biết an trú tâm trong hiện tại, bây giờ và ở đây
Phật pháp và cuộc sống 08:30 02/11/2024Có một người khi sanh tiền rất hiền lương, hay giúp đỡ người khác nên sau khi chết sanh lên thiên giới và được phong làm thiên sứ. Thiên sứ thường xuống trần gian làm việc thiện, giúp đỡ người khác để cảm nhận hương vị của hạnh phúc.
Ra đi để biết nẻo về
Phật pháp và cuộc sống 13:50 01/11/2024Có một cô bé vì làm quấy nên bị mẹ quở mắng, cô cãi lại mẹ rồi tức giận bỏ nhà ra đi. Cô đi lang thang từ sáng đến tối mà chẳng biết về đâu, bụng đói meo vì không có gì bỏ vào cả, trong túi của cô cũng chẳng có tiền.
Thấy rõ nhân - duyên - quả để an nhiên
Phật pháp và cuộc sống 13:04 01/11/2024Lập gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, có con cái sum vầy và nuôi dạy chúng nên người là niềm vui, hạnh phúc đồng thời cũng là mong muốn chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, không phải ai mong muốn gì cũng đều được như nguyện.
Xem thêm