Bản di chúc viết sẵn của người mẹ có tấm lòng Bồ tát của 'chú lính chì' Thiện Nhân
Nhắc đến cái tên Thiện Nhân hẳn nhiều người chưa thể quên câu chuyện đầy ám ảnh của cậu bé có biệt danh “chú lính chì dũng cảm” này. Người có tấm lòng Bồ tát nhận em về nuôi đó là chị Trần Mai Anh, khi nhiều người can ngăn và đúng như tiên liệu: Đây là một hành trình không có hồi kết.
Đó là khoảng giữa tháng 7/2006, người dân ở khu vực Núi Thành (Quảng Nam) phát hiện một bé trai bị mẹ bỏ rơi và thú hoang cắn mất một chân và bộ phận sinh dục. Dù trải qua 3 ngày không ăn uống và cơ thể bị thương tổn nặng, nhưng bé vẫn chiến thắng tử thần. Bé được mọi người đặt tên là Thiện Nhân với mong muốn điều thiện, lòng nhân ái sẽ theo bé mãi mãi.
Như một định mệnh, khi cậu bé được hơn 9 tháng tuổi, chị Trần Mai Anh (SN 1973, ở Hà Nội) cùng một người bạn lặn lội vào Quảng Nam thăm bé. Ngay trong những giây phút đầu tiên nhìn thấy Thiện Nhân, chị Mai Anh đã muốn được nuôi nấng, chăm sóc cho cậu bé. Không suy nghĩ nhiều, chị quyết định tiến hành các thủ tục nhận nuôi Thiện Nhân và khi Thiện Nhân được hơn 1 tuổi thì chính thức được đưa về Hà Nội sống cùng gia đình mẹ Mai Anh.
Từ khi nhận nuôi Thiện Nhân, người mẹ mỏng manh với thân hình nhỏ bé ấy đã cùng cậu bé trải qua một hành trình chữa bệnh đầy gian khổ với mong muốn đem lại cho Thiện Nhân một cuộc sống hoàn thiện, tốt đẹp hơn. Nhớ lại những ngày đặc biệt ấy, chị Mai Anh cho biết, khi đón Thiện Nhân về Hà Nội, cậu bé khóc thét trong suốt hành trình từ Quảng Nam ra và khi vào tới nhà thì rất hoảng sợ, chỉ ôm chặt anh Thiên Minh khi ấy mới 7 tuổi, không dám nhìn một ai.
Chị Mai Anh đã viết trong bản di chúc của mình:
7 cái dây coin platinum nút cho động mạch chủ khỏi vỡ bung đã nằm trong não tôi từ nhiều năm. Di chúc cho 3 cậu con trai Thiên Minh, Hải Minh, Thiện Nhân tôi cũng đã viết trước khi vào ca nút mạch sinh tử đó.
Chính vì vậy, nếu chỉ còn một ngày để sống tôi không cần lo viết di chúc nữa. Bởi những gì một người mẹ di chúc lại dặn dò 3 đứa con trai bé bỏng yêu thương nhau không bao giờ là cũ.
Trong bản di chúc ấy, riêng cậu Út Thiện Nhân, thì được dặn thêm: "…Còn Thiện Nhân là bé nhất, ở cạnh mẹ ít nhất nên thiệt thòi nhất. Mẹ thương con nhất trong mấy anh em. Thiện Nhân nhạy cảm, thông minh, tinh lanh nhưng con nhớ không được hư nhé.
Con phải nghe lời các anh, chăm sóc các anh cho mẹ nghe chưa. Con phải học thật giỏi, thật thành đạt, phải là chàng trai mạnh mẽ, đầy lòng nhân ái, sẵn lòng giúp đỡ mọi người dù bất cứ kết quả chữa bệnh của con được tới đâu…".
Đấy là nguyên văn đoạn di chúc tôi viết năm 2012. Nhưng bây giờ, nếu bảo tôi có muốn chỉnh sửa gì không thì chắc chắn tôi sẽ xóa đi hai 3 từ “học thật giỏi”. Tôi không muốn gây áp lực cho con và cũng biết rằng học giỏi không phải là tất cả.
Tôi có thói quen trong hoàn cảnh nào cũng chọn làm điều tốt nhất có thể rồi bước tiếp, không mất thời gian cho việc quay đầu lại "giá như" hay ân hận. Mỗi ngày của tôi là đi làm văn phòng, nuôi dạy 3 đứa con rồi đùa nghịch với chúng.
Tiếp đến là dành một phần năng lượng đeo đuổi hành trình phẫu thuật "Thiện Nhân và những người bạn", viết lách và yêu đương. Với tôi thế là đủ.
Khi ra khỏi nhà vào buổi tối, dù là đi có việc tôi vẫn thường nói với bọn trẻ :"Mẹ mặc thế này được chưa, mẹ đi chơi đây nhé". Bọn trẻ sẽ góp ý mẹ thay cái váy nào hợp hơn, đi cùng đôi giày nào thì mới chất.
Sau khi hài lòng với người mẹ xinh đẹp của chúng, thì chúng sẽ bảo "mẹ đi chơi đi, đi thoải mái đi, mẹ không cần lo về đâu". Và tôi hiểu, với các con tôi, mẹ chúng vui vẻ hạnh phúc là điều làm chúng vui nhất.
Vậy chỉ còn một ngày để sống, tôi sẽ có nguyên ngày đó để sống thật "vô trách nhiệm" nhất và chỉ rong chơi. Tôi sẽ ra đi thoải mái, không cần lo về đâu – các con tôi cũng đã dặn như thế.
Khi chúng ta đã chấp nhận và đeo theo mình rất nhiều trách nhiệm trong suốt cuộc đời này, thì "vô trách nhiệm" cũng là một thứ nhân quyền mà chúng có thể sử dụng một lần trong ngày cuối cùng của mình.
Tôi sẽ:
- Kệ các con đói, không thèm nấu cho chúng ăn, trước sau gì chúng cũng không đói mãi, những đứa trẻ thông minh và háu ăn ấy sẽ tự biết làm.
- Không nhấc bất cứ cuộc gọi nào vì quá ghét các kiểu chuông kêu, các kiểu giục giã.
- Thôi không lo nghĩ chuyện mấy đứa trẻ con ở đâu đó còn đang chờ được phẫu thuật. Một ngày thì đâu có giải quyết được gì trong chúng còn cần phải nhiều nhiều kỳ mổ nữa.
- Lờ tịt luôn mấy chuyện yêu đương, đừng trông đợi người nào khác vì mình mà hy sinh hay chết thay.
Tôi sẽ tìm lại một khu rừng, mở mắt dậy lần cuối trong căn nhà gỗ bé xíu, chờ bình minh hiện lên trên con hồ nhỏ. Bình minh là thời khắc đẹp nhất bắt đầu của một ngày, kết thúc của một đêm dù nắng đẹp hay bão dông. Tôi sẽ ra đi như thế.
Bản di chúc của mẹ Mai Anh thật đáng yêu, toàn những lời như dỗi hờn, cứ như là lờ tịt bọn trẻ đi, nhưng thực ra, là tràn ngập tình yêu thương. Bởi có lẽ sâu trong tâm khảm, sự thảnh thơi, ung dung hưởng thụ của chị Mai Anh quá khó bởi sự không - đành - lòng - bỏ - đi, hay làm ngơ trước những nỗi đau của những đứa trẻ thiếu bộ phận sinh dục. Chị luôn nói: Nỗi đau của Thiện Nhân là cánh cửa mở ra cho những đứa trẻ thiếu may mắn khác, bởi Quỹ Thiện Nhân và những người bạn đang tích cực hỗ trợ giúp đỡ để tổ chức tái tạo bộ sinh dục cho những đứa trẻ không may mắn.
Sau những năm tháng chiến đấu miệt mài với số phận để giành lại cuộc sống và nhiều thứ quý giá nhất cho Thiện Nhân, Trần Mai Anh đã cùng nhà hảo tâm Greig Craft và bác sĩ Roberto De Castro, lập ra Chương trình Thiện Nhân và Những người bạn (TN&F) để tổ chức phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may mắn.
TN&F đã được sự góp mặt tình nguyện của hàng chục bác sĩ khắp thế giới. Từ tháng 8-2011 đến nay, TN&F đã khám tư vấn 1.500 ca, phẫu thuật 410 ca, tổ chức nhiều hội thảo trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực tiết niệu, tái tạo bộ phận sinh dục…
Trần Mai Anh còn vận động rất nhiều nhà hảo tâm khác giúp đỡ về kinh tế (chu cấp hàng tháng) đối với nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên nhiều tỉnh thành cả nước.
Hồ sơ xin được thăm khám và chữa bệnh cứ ngày càng một nhiều. 1.000 hồ sơ đang chờ, nghĩa là có 1.000 ông bố bà mẹ đang cạn nước mắt vì con, đang chìa tay ra xin giúp đỡ, với hy vọng mong manh con họ sẽ được sống một cuộc đời lành lặn, cả về thân thể lẫn tâm hồn.
Chương trình gây quỹ vẫn được tiếp tục tại https://www.facebook.com/ThienNhanAndFriends/ và mong nhận được sự ủng hộ dành cho các em nhỏ đang bị khiếm khuyết một phần quan trọng của cơ thể trên cả nước.
Trần Mai Anh (Mẹ Còi) sinh năm 1973 tại Hà Nội. Chị là trưởng Ban biên tập tạp chí Heritage. Chị Mai Anh là một trong những người sáng lập Hành trình Thiện Nhân và những người bạn thuộc Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á khám, tư vấn và phẫu thuật miễn phí cho trẻ em khiếm khuyết bộ phận sinh dục.
Năm 2017, chị được Tạp chí Forbes uy tín tôn vinh là 1 trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đưa tạng chàng trai chết não đi 3 miền để ghép cứu người
Gieo mầm thiện 09:30 03/12/2024Trong 24 giờ đợi bác sĩ đánh giá chết não, chàng trai 18 tuổi chuyển biến nặng tưởng chừng tử vong, song đã giữ được nhịp tim đến cùng dưới sự hỗ trợ của máy móc để hiến tạng cứu 7 người.
Chùa Tường Nguyên khởi công xây dựng 2 cầu bê-tông nông thôn tại tỉnh Hậu Giang
Gieo mầm thiện 05:20 02/12/2024Ngày 1-12, Đại đức Thích Minh Phú, Phó Thường trực Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) tổ chức khởi công xây dựng công trình cầu nông thôn tại tỉnh Hậu Giang.
Chùa Bồ Đề - mái ấm nơi cửa Phật
Gieo mầm thiện 10:20 01/12/2024Chùa Bồ Đề ở phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) là nơi cưu mang những mảnh đời bị bỏ rơi giữa chốn nhân gian. Đây không chỉ là nơi tu hành đạo Phật mà còn là mái ấm của những em nhỏ có hoàn cảnh éo le.
Tình nguyện vá đường, hiến máu sau lần sẻ chia ở chùa
Gieo mầm thiện 18:09 30/11/2024Trong 14 năm qua, Phạm Văn Hiếu cùng nhóm tình nguyện đã lặng thầm "vá" hàng ngàn ổ gà tại các tuyến đường trong ngoài thành phố. Không những thế, anh còn hiến máu, hiến tiểu cầu hơn 80 lần và vận động được hàng trăm cùng người tham gia.
Xem thêm