Thứ ba, 16/02/2021, 11:00 AM

Bảo vật quốc gia trên non thiêng Yên Tử

Ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu, TP Uông Bí (Quảng Ninh) bộn bề công việc kép vừa chăm lo an sinh xã hội, tô đẹp sắc xuân đô thị vừa chống dịch Covid-19 và còn hoàn tất văn bản đề nghị Chính phủ công nhận một pho tượng quý trên danh sơn Yên Tử là bảo vật quốc gia.

Để xuân mới, mọi nhà có thêm tin vui mới nơi đất mình ở vượng khí chứa bảo vật quốc gia, niềm vui tâm linh ngày xuân đón thần tài thần lộc về nhà.

Pho tượng quý giá này nhiều người còn chưa biết đến. Đó là tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, còn gọi là Sơ tổ Trúc Lâm, được đặt trong tầng khám của tháp Huệ Quang (tháp Tổ) chùa Hoa Yên trong hệ thống chùa chiền, am tháp, danh thắng khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử.

Tượng được tạc bằng đá xanh, một trong hai loại đá sử dụng xây xếp tháp Huệ Quang hiện nay và cũng là loại đá xây dựng tháp Huệ Quang thời Trần. Các cấu kiện sử dụng xây xếp tháp Huệ Quang hiện tồn gồm có 2 loại đá chính là đá cát (sa thạch) và đá xanh.

Về kích thước, công trình gồm hai phần: Bệ và thân tượng được kết nối bằng mộng thắt, tổng thể cao 83,8 cm. Phần thân tượng cao 59 cm; hộp đầu rộng 13,5 cm x 16 cm (đo tại vị trí hai bên thái dương và trán chỏm đầu); đùi xếp bằng rộng 48,3 cm. Phần bệ, gồm hai thớt kích thước tổng thể của bệ rộng 59 cm x 48,5 cm; chiều cao tổng thể 24,8 cm, trong đó phần mặt vuông phía trên cao 8 cm, rộng 51,8 cm x 40,7 cm; phần chân quỳ và đế cao 16,8 cm, rộng 59 x 48,5 cm, đế rộng 59 cm.

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại tháp Huệ Quang (Yên Tử) trong khung niên đại Hoằng Định (1600 - 1619).

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại tháp Huệ Quang (Yên Tử) trong khung niên đại Hoằng Định (1600 - 1619).

Pho tượng được tạc hoàn toàn bằng bàn tay thợ thủ công. Tọa, tư thế thiền buông thư, kiểu ngồi bán kiết, bàn chân trái đặt lên đùi phải, lòng bàn chân ngửa lên. Thân thẳng vuông góc với bệ, đầu thẳng, mắt nhìn thẳng, mũi to, eo thon, ngực đầy nhưng không nổi khối. Bàn tay phải đặt trên đầu bàn chân trái, đầu ngón tay giữa và ngón cái chạm vào nhau, ngón trỏ đặt lên trên; hai đốt trên của ngón út và ngón áp út gập lại. Thế tay này khác lạ trong các thế thủ ấn của Phật giáo. Tay trái đặt trên chân trái, các ngón tay duỗi thẳng, không bắt ấn. Gương mặt thanh tú, tai to, trán rộng, cổ cao nhiều ngấn, thân hình thanh thoát, mà dáng vẻ uy nghiêm. Họa tiết trang trí trên vạt y trung, y hạ và y thượng. Nếp áo quần chồng xếp mềm mại, uyển chuyển hình sin; họa tiết hoa văn trên vạt áo, gấu quần chi tiết và sắc nét.

Tượng đặt trên một bệ hình chữ nhật kiểu sập “chân quỳ dạ cá”. Sập gồm hai phần, phần mặt vuông phía trên nổi cao giống như “Bồ đoàn”. Mặt trước của Bồ đoàn chia làm 5 ô hộc nhỏ; hai mặt bên tạo thành một hộc hình chữ nhật, trong lòng trang trí hoa sen và dây lá. Bệ sập được tạo thành hình dạ cá, hai mặt trước sau có thêm chân ở giữa. Các chân ở giữa được tạo theo kiểu chân quỳ biến tấu thành khối mây hình khánh, đặt lên trên một bệ hình vuông. Mặt trước bệ sập và mặt trước của các chân trước được trang trí hết sức cầu kỳ với nhiều đồ án hoa văn khác nhau, nơi tập trung nhiều họa tiết hoa văn nhất. Các hoa văn trang trí trên bệ tượng gồm hình rồng, phượng và hoa sen. Rồng được trang trí trong hai ô hộc hình chữ nhật ở mặt trước phần mặt bệ ở tư thế thân uốn lượn chầu vào bông sen ở chính giữa. Hai con rồng ở hai hộc có chút khác biệt, đặc biệt là ở phần thân rồng.

Tổng thể công trình kiến trúc từ thần thái, dung mạo, họa tiết y phục bức tượng đến hoa văn trang trí ngai bệ cho thấy nhà điêu khắc là người uyên thâm về thần học, tôn giáo, tài năng hội họa.

Về thần tích Tháp Huệ Quang, trong thư tịch ghi chép thường gọi là Huệ Quang kim tháp (慧光金塔), hoặc Huệ Quang tháp (光光塔). Sách Tam tổ thực lục chép ngày 22 tháng 2 năm Bính Dần, niên hiệu Khai Thái thứ 3 (1326). Pháp Loa phụng chiếu của vua Trần Minh Tông đến chùa Hoa Vân trên núi Yên Tử, tôn trí xá lỵ của Điều Ngự vào Kim tháp Huệ Quang.

Tháp Huệ Quang do vua Trần Anh Tông phát tâm xây dựng và được trùng tu xây dựng lại vào thời Lê Trung Hưng. Khi trùng tu lại tháp, người hưng công đã sử dụng lại một số cấu kiện tháp và vậtn liệu xây dựng thời Trần còn sử dụng được, trong đó rõ nhất là những cấu kiện góc mái, bệ sen và đế tháp. Tháp có cấu trúc gồm bệ, khám và 4 tầng mái, pho tượng Phật Hoàng được an trí trong tầng khám của tòa tháp Huệ Quang.

Tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên (Yên Tử) - Khu di tích quốc gia đặc biệt.

Tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên (Yên Tử) - Khu di tích quốc gia đặc biệt.

Tiểu sử Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông

Về niên đại công trình mỹ thuật tôn giáo này, các nhà khảo cổ xác định dựa trên phân tích các họa tiết hoa văn, phân tích thành phần khoáng chất và hóa học của đá tạo tượng. Kết quả phân tích khẳng định, đá tạo bệ tượng và đá tạo tượng có cùng một nguồn gốc xuất xứ, đây cũng là loại đá xanh xây xếp tháp. Đá xanh này vốn là đá xây dựng tháp Huệ Quang thời Trần.

Họa tiết hoa văn trang trí trên bệ và trên tượng thể hiện tính thống nhất về niên đại rất cao. Các họa tiết điển hình trên hình rồng ở bệ như văn mây hình đao lửa; lưng uốn kiểu yên ngựa thể hiện những nét đặc trưng tiêu biểu của mỹ thuật thời Lê Trung Hưng. Suy rộng ra, so sánh hình tượng rồng thể hiện trên bệ tượng với rồng trên các bia 6 mặt ở Côn Sơn (Hải Dương) và Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) cho thấy chúng có nhiều nét tương đồng. Các họa tiết và sen dây trên y trung, y hạ và hoa sen trên bệ là đồng nhất về phong cách, cấu trúc và hình thức thể hiện.

Hoa sen dây trên pháp phục gặp nhiều trên văn bia và tượng thờ thời Lê Trung Hưng, tiêu biểu có thể so sánh với các trang trí trên bộ tam thế chùa Ngọc Khám (Thuận Thành, Bắc Ninh). Bộ tam thế chùa Ngọc Khám được tạo tác năm Hoằng Định thứ 13 (1612). Với những đặc trưng và nét tương đồng nổi bật về hoa văn như vậy, có thể xếp pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại tháp Huệ Quang trong khung niên đại Hoằng Định (1600 - 1619), đầu thế kỷ XVII.

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông tại tháp Huệ Quang là hiện vật nguyên gốc, độc bản. Phật hoàng Trần Nhân Tông, một vị Thái thượng hoàng đi tu và đắc đạo, người sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm, do vậy Phật hoàng được thờ phụng ở nhiều nơi. Hầu khắp các chùa lớn của Phật giáo Trúc Lâm từ Nam chí Bắc đều thờ phụng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng hai hình thức chính là long ngai bài vị và tượng.

Tháp Huệ Quang do vua Trần Anh Tông phát tâm xây dựng và được trùng tu xây dựng lại vào thời Lê Trung Hưng.

Tháp Huệ Quang do vua Trần Anh Tông phát tâm xây dựng và được trùng tu xây dựng lại vào thời Lê Trung Hưng.

Khởi công tu bổ, tôn tạo chùa Ngoạ Vân - Nơi đức vua Trần Nhân Tông hóa Phật

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được tạo tác khi tháp Huệ Quang được trùng tu dưới thời Lê Trung Hưng là hiện vật gốc. Sách Tam tổ thực lục, cuốn sách giới thiệu về hành trạng của ba vị tổ Phật giáo Trúc Lâm có chép về việc phân chia và tôn trí xá lỵ của Phật hoàng vào bảo tháp Huệ Quang và đúc tượng Phật hoàng thờ tại Hoa Yên: “Vua đem ngọc cốt để vào bảo khám, chia xá lỵ làm hai phần, đựng trong bình vàng bảy báu. Việc ma chay xong liền rước ngọc cốt tôn trí vào Đức Lăng, tôn miếu hiệu là Trần Nhân Tông; lại lấy một phần xá lỵ cất vào bảo tháp tại khu đất Đức Lăng ở Long Hưng và một phần cất vào Kim tháp chùa Hoa Yên núi Yên Tử, đặt tên là Huệ Quang Kim Tháp”.

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được tạo tác khi trùng tu tháp Huệ Quang vào thời Lê Trung Hưng và an trí tại tháp từ đó cho đến nay. Mặc dù trải qua hơn 300 năm tồn tại, với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, nhưng đến nay tượng vẫn được bảo quản tốt. Hàng năm, hàng triệu tín đồ Phật tử và du khách hành hương đến Yên Tử chiêm bái.

So sánh với các tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông khác hiện biết, có thể khẳng định, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên không trùng lặp với bất kỳ pho tượng nào khác về cả tư thế, pháp phục, họa tiết trang trí và thậm chí là cả hình tướng. Do vậy, có thể khẳng định tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên là hiện vật độc bản.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc tiêu biểu, pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại tháp Huệ Quang xứng đáng và có đủ các tiêu chí đề nghị được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.

Xuân Tân Sửu, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên non thiêng Yên Tử, Khu di tích Quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia, thì Uông Bí xuân mới thêm tin vui mới. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Bảo vật quốc gia chuông chùa Thiên Mụ

Chùa Việt 09:28 19/12/2024

Chùa Thiên Mụ, nằm bên bờ sông Hương thơ mộng, không chỉ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thành phố Huế mà còn là một công trình kiến trúc và văn hóa có giá trị lịch sử sâu sắc.

Độc đáo ngôi chùa cổ ở TP. HCM được trang trí bằng 30 tấn mảnh sành, sứ

Chùa Việt 09:37 18/12/2024

Mất khoảng 20.000 ngày công để gắn hơn 30 tấn mảnh sành, sứ phế liệu lên toàn bộ công trình, chùa An Phú sở hữu nhiều kỷ lục Việt Nam, trở thành ngôi chùa có kiến trúc độc đáo bậc nhất TPHCM.

Truyền thuyết ly kỳ ở ngôi chùa cổ có mái xanh nổi bật TPHCM

Chùa Việt 10:02 09/12/2024

Không chỉ là một trong những ngôi chùa cổ nhất TPHCM, chùa Huê Nghiêm còn lưu truyền truyền thuyết ly kỳ về người phụ nữ giàu có, sau khi chết tái sinh thành công chúa.

Chiêm ngưỡng nhiều cảnh “độc, lạ” ở chùa Linh Sơn

Chùa Việt 09:37 07/12/2024

Nằm trên gò cao bên triền núi Ba Thê, chùa Linh Sơn có kiến trúc nghệ thuật độc đáo trong quần thể di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn). Từ lâu, nơi đây được xem là địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng khắp vùng. Tham quan ngôi chùa trăm năm tuổi, chúng ta sẽ cảm nhận vẻ đẹp an yên, thanh tịnh ở đây.

Xem thêm