Thứ sáu, 07/03/2025, 18:07 PM

Tái thiết ngôi chùa nằm ở vùng đất chứng kiến vụ thảm sát Mỹ Lai

Chùa Bảo Lâm, nguyên thôn Mỹ Lại, xã Sơn Mỹ, sau năm 1975 là thôn Khê Ba, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, nay thuộc TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Chùa do vị thiền sư khai sơn 300 năm trước

Chùa tọa lạc trên khu đất triền dốc, có diện tích hơn một mẫu, do Thiền sư Thiệt Uyên - Chánh Thông - Chí Bảo khai sơn. Ban sơ chỉ là tre lá, đến nay có khoảng 300 năm.

Tái thiết ngôi chùa nằm ở vùng đất chứng kiến vụ thảm sát Mỹ Lai 1
Bên trong chánh điện đang xây dựng của chùa Bảo Lâm hiện nay. Ảnh: Thích Đồng Ân

Vào thập niên đầu thế kỷ thứ XX, nhân dân bổn đạo đồng tình cung thỉnh Hòa thượng Vạn thọ, quê làng Sung Tích, xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, về làm trụ trì. Hòa thượng đã kiến thiết chùa xây gạch, nhưng vẫn còn lợp tranh.

Hòa thượng Vạn Thọ viên tịch, Hòa thượng Vĩnh Thừa kế vị trụ trì một thời gian rồi chuyển về hành đạo tại Huế.

Năm 1938, Ngài đệ lục Tổ Thích Diệu Quang, trụ trì Sắc tứ tổ đình Thiên Ấn, hiệp cùng môn phong cử Hòa thượng Thích Huyền Tế, pháp danh Như Long, pháp tự Giải Thuyền, thay thế trụ trì. Ngài Huyền Tế cũng đã trùng tu chùa, lợp ngói ngôi Chánh điện, kiến lập Trai đường, Tăng xá và hướng dẫn tín đồ đi vào sinh hoạt Phật sự có nề nếp.

Năm 1946, một số Tăng sĩ trẻ hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, đã lên đường nhập ngũ. Bấy giờ, chùa có phần trống vắng, Phật sự có phần ngưng trệ, nhưng Hòa thượng Huyền Tế vẫn quyết tâm giữ gìn Tam bảo cho đến ngày Hiệp định Genève ký kết, hòa bình lập lại vào năm 1954.

Năm 1955, Tỉnh hội Phật giáo Tăng già Quảng Ngãi tiếp tục cử Hòa thượng Huyền Tế với vai trò trụ trì chùa Bảo Lâm. Lúc này, Ngài đã tổ chức khai Trường hạ tại đây cho Tăng Ni trong tỉnh, ngoài tỉnh về an cư tu học.

Năm 1965, chiến tranh lan rộng, ảnh hưởng nặng nề ngay trên cả vùng đất chùa, Ngài Huyền Tế và chư Tăng Phật tử phải lánh cư về tạm trú tại chùa Hội Phước, thị xã Quảng Ngãi (nay là TP.Quảng Ngãi). Tưởng một vài năm tình hình sẽ được ổn định, thì vụ thảm sát Sơn Mỹ xảy ra vào ngày 16/3/1968, thôn Mỹ Lai hứng chịu bao sự tang thương, chùa Bảo Lâm rơi vào điêu tàn, đổ nát.

Thảm sát Mỹ Lai

Vào ngày 16/3/1968, quân đội viễn chinh Mỹ đã xả súng xuống thôn Mỹ Lai (nay là làng Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê) sát hại 504 thường dân vô tội; trong đó có 182 phụ nữ, 173 trẻ em, 60 cụ già, 89 trung niên, cùng với hàng trăm ngôi nhà, gia súc, lương thực bị đốt sạch, giết sạch.

Thăng trầm, tiếp nối mạng mạch chư tiền bối

Sau 1975, đất nước hòa bình, non sông thu về một mối, Hòa thượng Huyền Tế cùng bổn đạo trở lại chùa xưa, tạm dùng tre lá dựng lại ngôi chùa cũ trên đống hoang tàn đổ nát ấy. Nhưng trước bối cảnh lịch sử ở buổi giao thời, chùa không thể thành tựu như ý nguyện, vì khuôn viên chùa đã sử dụng vào công trình xây dựng trường cấp II Tịnh Khê (nay là trường Trung học cơ sở Võ Bẩm).

Tiếp đến, Hòa thượng Huyền Tế viên tịch vào năm 1986, nay chỉ còn di tích cái giếng nước xi măng, bỏ lâu không dùng nằm ở góc tay mặt trước sân trường, và móng cũ của chùa còn nằm sâu dưới nền trường hôm nay.

Tái thiết ngôi chùa nằm ở vùng đất chứng kiến vụ thảm sát Mỹ Lai 2
Ngôi chùa hiện do Đại đức Đồng Ân - đệ tử Hòa thượng Thích Trí Thắng trụ trì, chăm lo xây dựng.

Vài năm gần đây, bổn đạo địa phương đã có đơn xin phục hồi chùa Bảo Lâm vào các ngày 9/3/2007 và 15/3/2007 lên các cấp thẩm quyền trong tỉnh, tạo điều kiện hoán đổi đất khác để tái thiết lại ngôi chùa đã từng là nơi tu học, đào tạo Tăng tài, đóng góp vào lịch sử Phật giáo xứ Đàng Trong.

Năm 2017, có quyết định thành lập Cơ sở Tôn giáo chùa Bảo Lâm tại núi Đầu Voi được gọi là "Bạch Tượng sơn Bảo Lâm tự", thôn Tư Cung, xã Tịnh Khê. Theo đó, Quyết định về việc thành lập cơ sở Tôn giáo số 029/QĐ-BTS ngày 6/3/2017, đồng thời giao cho Hòa thượng Thích Trí Thắng phụ trách trùng hưng, kiến tạo chùa Bảo Lâm.

Bên cạnh đó, theo Quyết định số 145/QĐ-BTS ngày 15/11/2017, Ban Trị sự tỉnh Quảng Ngãi bổ nhiệm Hòa thượng Thích Trí Thắng trụ trì chùa Bảo Lâm.

Tái thiết ngôi chùa nằm ở vùng đất chứng kiến vụ thảm sát Mỹ Lai 3
"Bạch Tượng sơn Bảo Lâm tự" khi xây dựng xong sẽ là nơi quy hướng tâm linh cho người dân Quảng Ngãi, "âm dương lưỡng lợi".

Năm ngoái, 2024, sau khi họp môn phong tổ đình, chư tôn thiền đức đã nhất tâm giao chùa Bảo Lâm cho Đại đức Thích Đồng Ân, đệ tử của Hòa thượng Trí Thắng trụ trì, chăm lo công tác xây dựng.

Hiện, ngôi chùa đã dần hình thành, với những công trình chính được xây dựng cơ bản, vẫn còn thời gian dài hoàn thiện nhiều hạng mục. Vị tân trụ trì - Đại đức Đồng Ân - hiện vừa tham gia công tác giảng dạy Trung cấp Phật học tại tỉnh nhà vừa quán xuyến xây dựng, tổ chức khóa tu, hướng dẫn đạo tràng tu tập…

"Ngôi chùa xây dựng hoàn thiện sẽ là nơi quy hướng tâm linh cho người dân địa phương, cũng là biểu tượng về sự bình yên cho mảnh đất tang thương - làng Mỹ Lai năm xưa - nơi những hồn oan nằm xuống được nghe lời kệ kinh, hóa giải oán đối", Đại đức Thích Đồng Ân nói.

Tái thiết ngôi chùa nằm ở vùng đất chứng kiến vụ thảm sát Mỹ Lai 4
Chùa Bảo Lâm khởi công xây dựng từ năm 2018. Do vướng đại dịch Covid-19, nên bị gián đoạn, đến nay đang tiến hành từng hạng mục nhỏ, do kinh phí còn nhiều hạn chế. Ảnh: Đồng Ân

_________

* Bài viết có sử dụng tư liệu từ cuốn sách Lịch sử Phật giáo và các ngôi chùa Quảng Ngãi (Nxb Đà Nẵng)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Kim Quang Minh Tự: Ngôi chùa còn non trẻ trên vùng rừng rú núi đồi

Chùa Việt 10:25 28/03/2025

Khởi đầu từ một khoảnh đất rẫy đồi rừng nơi hoang vắng thuộc thôn Bắc Sông Giang, (xã Khánh Trung, huyện miền núi Khánh Vĩnh) còn chằng chịt um tùm cây lá do một Phật tử tín tâm hiến cúng để đón những bóng dáng nâu sồng lặng lẽ về đây dựng xây nơi an trú với tâm nguyện phụng sự chúng sinh qua chương trình “Hiểu và Thương” còn rất mới lạ với bà con nghèo vùng sâu vùng xa…

Ở Sài Gòn, hỏi về chùa Nam tông Khmer, mọi người nghĩ ngay đến nơi này

Chùa Việt 10:27 25/03/2025

Giữa lòng TP.HCM nhộn nhịp, chùa Chantarangsay là nơi mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo Nam tông Khmer.

Hoa Lâm Ngự tự - ngôi chùa cổ gần 800 năm

Chùa Việt 15:45 19/03/2025

Chùa Hoa Lâm, thường gọi chùa Ngự ở xã Hoa Lâm, sau là thôn Tiền Hậu, xã Văn Lâm, tổng Văn Lâm, nay là làng Văn Lâm, xã Lâm Trung Thuỷ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh năm 2008 (theo Quyết định số 1796/QĐ-UBND ngày 27/6/2008 của UBND tỉnh Hà Tĩnh).

Ngôi chùa có 'báu vật' lớn bậc nhất Việt Nam

Chùa Việt 11:21 19/03/2025

Nằm cách TP Hà Nội hơn 100km, chùa Cổ Lễ (thuộc địa phận huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) là công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo ở Việt Nam.

Xem thêm