Búp bê Kumanthong - bùa chú đem lại tài lộc, may mắn liệu có linh nghiệm như nhiều người nghĩ?
Hiện nay, rất nhiều người nuôi và chăm sóc Kumanthong như nuôi và chăm sóc một con người thật. Họ cho rằng nếu biết cách nuôi, Kumanthong sẽ đem lại may mắn, tài lộc cho mình. Thậm chí có trường hợp, đi máy bay cũng đặt riêng một vé cho Kumanthong và chúng được phục vụ đầy đủ các chế độ như một con người.
Vậy bản chất của Kumanthong là gì? Chúng có đem lại may mắn cho người nuôi thật hay không? Chùa Ba Vàng kính mời quý Phật tử cùng theo dõi nội dung bài viết về Kumanthong qua lời chia sẻ của Đại đức Thích Trúc Thái Minh.
Kumanthong là gì?
Trước khi tìm hiểu về bản chất của Kumanthong, chúng ta cần hiểu Kumanthong là gì? Nói về Kumanthong, trong buổi Pháp thoại, Đại đức giải thích: “Kumanthong là một loại bùa ngải, xuất phát từ Thái Lan. Nó còn được gọi tên là quỷ linh nhi - tức là con quỷ bé con, linh thiêng. Hay gọi là cô bé vàng, cậu bé vàng”.
Truyền thuyết về Kumanthong
Theo lời của Đại đức chia sẻ, câu chuyện bùa chú Kumanthong xuất phát từ một truyền thuyết của Thái Lan, kể về Khun Phaen - một vị tướng trẻ, rất tài ba và thân cận với vua. Vậy nên Khun Phaen được một thầy phù thủy có thế lực trong nước quý mến nên đã đem con gái yêu của mình gả cho chàng. Một thời gian sau khi kết hôn, người vợ có thai; nhưng đồng thời lúc đó giữa Khun Phaen và bố vợ lại xảy ra mâu thuẫn căng thẳng do quan điểm của hai người tác động đến vua trái chiều nhau, đi đến xung đột đỉnh điểm. Vì chuyện này, ông bố vợ quyết định đầu độc giết chết con rể nên đã bày mưu cho con gái - vợ của Khun Phaen đầu độc chồng. Tuy nhiên, kế hoạch bị bại lộ. Khi Khun Phaen phát hiện ra sự thật này đã căm hận như một con quỷ dữ. Anh ta giết vợ rồi lấy bào thai và mang ra đền khấn nguyện để vong hồn thai nhi đó sẽ đi theo phù hộ cho mình. Nhờ có vong thai ủng hộ mà Khun Phaen được rất nhiều thứ. Đó là truyền thuyết khởi nguồn của bùa chú KumanThong.
Phương pháp chế tạo và cách nuôi Kumanthong
Để đại chúng hiểu được cách tạo ra Kumanthong, trong video “Giải Mã Hiện Tượng Bí Ẩn Búp Bê Kumanthong - Bùa Chú Rùng Rợn Nhất Thái Lan”, Đại đức giảng giải: “Họ làm Kumanthong bằng cách là đến bệnh viện và xin các xác bào thai do bị nạo, phá thai hoặc thai sẩy, chết non,… cho vào lò sấy khô lên. Những bào thai có hình hài lớn thì được sấy khô và sơn thếp vàng rồi thờ luôn. Các vị phù chú, chú nguyện vào đấy, coi như là một cái bùa hoặc họ lấy những chi phần của bào thai như: đầu, chân, tay, họ bỏ vào trong những con búp bê trẻ con, họ cũng phù chú vào đó và bán. Đó chính là búp bê Kumanthong”.
Bên cạnh đó, Đại đức cũng chia sẻ thêm về Kumanthong: “Cũng có những con búp bê không có xác của hài nhi trong đó nhưng vẫn bị các vị pháp sư phù chú”.
Từ những lời đồn thổi về búp bê Kumanthong đem lại tài lộc, may mắn khiến không ít người tin đó là sự thật. Mặc dù đây chỉ là búp bê nhưng búp bê này lại “đòi hỏi” người nuôi nó phải chăm sóc nó như chăm sóc con người. Đại đức chia sẻ: “Nuôi nó giống như nuôi một đứa trẻ con, cũng phải cho nó uống sữa, ăn bánh, mua các thứ cho nó; rồi phải cưng chiều, nâng niu như một đứa trẻ con. Đi chơi cũng phải bế nó đi, đi máy bay cũng mua vé cho nó. Đáng lẽ, mình mang búp bê đi chơi bình thường thì không phải mua vé cho búp bê nhưng mà nuôi Kumanthong là mua riêng vé cho nó, không mua là không xong với nó. Nó vòi bằng cách dùng con lắc hỏi Kumanthong: “Thế có phải mua vé cho bé không?” Nó xoay thế này là phải mua, xoay thế kia là không mua”.
Kumanthong có tác dụng thật hay không?
Từ lời Đại đức giảng, chúng ta đã biết Kumanthong là do các vị phù thủy, pháp sư yểm linh hồn thai nhi vào búp bê. Vậy ở góc độ tâm linh, yểm linh hồn thai nhi như vậy có tác dụng thật hay không? Để đại chúng hiểu được vấn đề này, Đại đức chia sẻ: “Chúng ta biết rằng các vong hồn thai nhi, quả thật chúng có tác dụng. Ở chùa chúng ta cũng biết vong thai ảnh hưởng thế nào rồi. Nhập vào bà để bóp cổ cháu, chúng ta đã được xem câu chuyện rất thật. Vậy thì những quỷ linh nhi, những con búp bê Kumanthong này sau khi đã được các thầy pháp phù chú cho thì nó cũng đều có tác dụng”.
Tuy nhiên một câu hỏi được đặt ra rằng: tác dụng thực sự của búp bê Kumanthong là như thế nào? Nó có đem lại tài lộc, may mắn như nhiều người nghĩ? Hãy cùng tìm hiểu về bản chất thực sự của Kumanthong!
Bản chất của Kumanthong là gì?
Nói về bản chất của Kumanthong, Đại đức cũng giảng giải: “Tất cả những vong thai là do pháp sư cúng cho nó ăn, sai khiến nó. Nó chấp trước vào búp bê, chấp trước vào cái hình xác cũ của nó, cái xác khô của nó nên nó đi theo. Một vật vô tình thế này nhưng mà khi có một linh, nó chấp trước vào thì nó cũng trở thành có chuyện. Một hòn đá mà có một linh gá vào cũng thành chuyện. Ta đụng vào nó là cũng có chuyện”.
Như vậy theo lời Đại đức giảng, bản chất thật của Kumanthong là do vong linh thai nhi chấp vào thân búp bê và đi theo các thân xác đó.
Kumanthong có đem lại tài lộc thật hay không?
Kumanthong không thể cho người nuôi phước báu
Đại đức giảng giải: “Đã gọi là vong linh thai nhi, chúng ta biết là nó bạc phước, nó không có phước được làm người. Gọi là tiểu quỷ, bởi nó cũng rất quậy, quậy lắm! Khi chúng ta rước nó về, bố thí cho nó ăn uống thì nó cũng có thể gọi cho chúng ta cái này, cái kia, mời khách,… Cái đó có thể làm được một chút. Nhưng nó cũng chỉ làm trong phần phước của nó thôi mà nó rất ít phước. Khi nó hết phước thì nó phải chịu thôi”.
Đồng thời, Đại đức cũng lý giải theo góc nhìn của đạo Phật về việc ban phước: “Chúng ta biết Đức Phật còn không ban phước cho mình được, không cho mình phước được thì làm sao mấy vong thai, quỷ thai này mà cho chúng ta phước báu được. Bà Chúa Kho cũng chẳng thể cho mình phước được nữa là cho mình lộc được đâu. Cho nên, việc mà nói là nuôi quỷ linh nhi, nuôi bùa Kumanthong này để nó đem tài lộc đến cho mình là hoàn toàn không có được lợi ích”. Do đó, quan niệm nuôi Kumanthong đem lại tài lộc là điều không đúng đắn.
Tài lộc là do phước báu của người nuôi trổ quả
Có nhiều người lúc mới đón Kumanthong về cảm thấy công việc thuận lợi, tình duyên như ý, nhưng sau đó không được như ý nữa. Thậm chí, trong nhà xảy ra rất nhiều chuyện như tối ngủ mơ thấy trẻ con chạy loạn trong nhà, la hét om sòm. Về vấn đề này, Đại đức giải thích: “Những người nuôi Kumanthong trước đó, họ cũng có thể làm những việc phúc nhất định thì bây giờ nhân duyên khi rước búp bê Kumanthong về, với tâm mong cầu tài lợi thì quả phước của mình trổ ra. Nhà Phật gọi là cái này sinh thì cái kia sinh, cái này có mặt thì cái kia có mặt. Quả phước lúc này trổ ra để cho mình thụ hưởng xong, sau đó mình chịu họa”.
Quả báo cho người tạo bùa Kumanthong
Từ những lời Đại đức phân tích, chúng ta thấy Kumanthong không đem lại tài lộc như lời đồn đại, mà còn làm tổn hại lợi ích của người. Thậm chí, có trường hợp một cô bé 20 tuổi nhảy lầu chết; nguyên nhân được xác định là do nuôi Kumanthong. Theo góc nhìn nhân quả của đạo Phật, chúng ta gieo lời nói, suy nghĩ, hành động thiện lành, mang lợi ích cho người khác thì chúng ta gặt quả báo tốt đẹp. Ngược lại, chúng ta gieo những suy nghĩ, lời nói, hành động đem đến sự tổn hại cho người khác thì chúng ta gặt quả báo xấu. Như vậy, đối với những người tạo bùa Kumanthong gây nên bi kịch cho người khác, Đại đức giải giảng: “Đây là những việc làm hoàn toàn sai lầm, mê hoặc quần chúng, không dạy cho tín đồ, cho nhân dân đi vào con đường chính đạo mà lại dạy người ta tin vào bùa chú. Nếu tin Kumanthong sẽ đem tài lộc thế thì không tu dưỡng, không làm phúc gì nữa. Cho nên những người làm việc này đều sẽ bị quả báo”.
Nhân quả nào để có được tài lộc theo Phật giáo
Theo lăng kính của Phật giáo, làm thế nào để chúng ta có được tài lộc, mọi việc như ý?
Đại đức có giảng dạy: “Chúng ta phải hiểu, chúng ta sẽ kiếm tài lộc bằng phước báu chân chính của mình, chứ không cầu những chuyện linh tinh. Không có ông thần nào cho phước, cho lộc mình được; đều phải từ sự làm phước của mình mới có. Có câu chuyện trong Phật giáo, vợ chồng ông ăn mày có mỗi cái khố ông phát tâm cúng dường, ông được phước báu. Không bố thí, không cúng dường thì làm gì có phước báu về tài sản, phải không? Phải bố thí, cúng dường, làm phước thì mới được; ngồi không mà lại đòi con búp bê đem đến cho mình tài lộc, hoàn toàn phi lý, không có chuyện ấy”.
Từ lời của Đại đức, chúng ta có thể thấy tài lộc của chúng ta phụ thuộc vào phước báu mà chúng ta tạo ra. Đôi khi tài lộc có thể đến muộn nhưng chúng ta tin vào nhân quả nghiệp báo, chăm chỉ tích phước, thành tâm bố thí cúng dường thì tài lộc sẽ đến.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh căn dặn: “Chúng ta phát tâm quy y Tam Bảo, thọ trì giới cấm của Phật, một lòng tin chắc Tam Bảo, không nương tựa vào đối tượng nào thì không có bùa chú nào tác động vào mình được, không ảnh hưởng gì cả. Khi ta thụ giới Phật là giới Thần hộ trì cho mình”. Mong rằng qua bài viết này quý Phật tử sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn về Kumanthong và cảnh giác với loại bùa chú này để tránh tiền mất, tật mang, làm tổn hại đến bản thân mình.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm