Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Kinh Gò Mối

Kinh Gò Mối mang đến cho người đọc những bài học quý báu về sự vô thường của cuộc sống và tầm quan trọng của việc tu tập trí tuệ và đạo đức để đạt đến sự giải thoát.

383773852_3621732511484825_5305296183604597733_n

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sāvatthi, tại Jetavana, vườn ông Anāthapiṇḍika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Kumāra Kassapa trú tại Andhavana.

Rồi một vị Thiên, đêm đã gần tàn, với hào quang rực rỡ chiếu sáng toàn thể Andhavana, đến chỗ Tôn giả Kumāra Kassapa ở, sau khi đến, bèn đứng một bên. Sau khi đứng một bên, vị Thiên ấy nói với Tôn giả Kumāra Kassapa:

“Tỷ-kheo, Tỷ-kheo! Gò mối này ban đêm phun khói, ban ngày chiếu sáng.

“Một Bà-la-môn nói như sau: “Này kẻ trí, hãy cầm gươm và đào lên”. Người có trí cầm gươm đào lên, thấy một then cửa: “Thưa Tôn giả, một then cửa”.

“Vị Bà-la-môn nói: “Này kẻ trí, hãy lấy then cửa lên, cầm gươm đào thêm”. Người có trí cầm gươm đào lên, thấy con nhái: “Thưa Tôn giả, một con nhái”.

“Vị Bà-la-môn nói: “Này kẻ trí, hãy đem con nhái lên, cầm gươm đào thêm”. Người có trí cầm gươm đào lên, thấy con đường hai ngã: “Thưa Tôn giả, một con đường hai ngã”.

“Vị Bà-la-môn nói: “Này kẻ trí hãy lấy con đường hai ngã lên, cầm gươm đào thêm”. Người có trí cầm gươm đào lên, thấy một đồ lọc sữa: “Thưa Tôn giả, một đồ lọc sữa”.

“Vị Bà-la-môn nói: “Hãy lấy đồ lọc sữa lên, cầm gươm đào thêm”. Người có trí cầm gươm đào lên, thấy một con rùa: “Thưa Tôn giả, một con rùa”.

“Vị Bà-la-môn nói: “Này kẻ trí, hãy lấy con rùa lên, cầm gươm đào thêm”. Người có trí cầm gươm đào lên, thấy một con dao phay: “Thưa Tôn giả, một con dao phay”.

“Vị Bà-la-môn nói: “Này kẻ trí, hãy lấy con dao phay lên, cầm gươm đào thêm”. Người có trí cầm gươm đào lên, thấy một miếng thịt: “Thưa Tôn giả một miếng thịt”.

“Vị Bà-la-môn nói: “Này kẻ trí, hãy lấy miếng thịt lên, cầm gươm đào thêm”. Người có trí cầm gươm đào lên, thấy con rắn hổ: “Thưa Tôn giả, con rắn hổ”.

“Vị Bà-la-môn nói: “Hãy để con rắn hổ yên, chớ đụng chạm con rắn hổ, hãy đảnh lễ con rắn hổ”.

“Này Tỷ-kheo, hãy đến chỗ Thế Tôn ở và hỏi những câu hỏi ấy. Thế Tôn trả lời Tôn giả như thế nào, hãy như vậy thọ trì. Này Tỷ-kheo, Ta không thấy ai trên cõi đời, với chư Thiên, các Ma vương, với Phạm thiên, các chúng Sa-môn và Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người có thể hướng tâm để trả lời những câu hỏi ấy, trừ Như Lai, đệ tử Như Lai hay những ai đã được nghe hai vị này”.

Vị Thiên ấy nói như vậy. Sau khi nói xong như vậy, vị ấy biến mất ở nơi đây.

Rồi Tôn giả Kumāra Kassapa, sau khi đêm ấy đã mãn, đến tại chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến xong, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Kumāra Kassapa bạch Thế Tôn

—Bạch Thế Tôn, đêm nay, một vị Thiên, đêm đã gần tàn, với hào quang rực rỡ chiếu sáng toàn thể Andhavana, đến chỗ con ở, sau khi đến liền đứng một bên. Khi đứng một bên, vị Thiên ấy nói với con: “Tỷ-kheo, Tỷ-kheo! Gò mối này, ban đêm phun khói, ban ngày chiếu sáng. Một vị Bà-la-môn nói như sau: “Này kẻ trí, hãy cầm gươm đào lên”. Người có trí cầm gươm, đào lên thấy một then cửa … (như trên) … đệ tử Như Lai hay những ai đã được nghe hai vị này”. Bạch Thế Tôn, vị Thiên ấy nói như vậy, nói xong liền biến mất tại chỗ ấy.

Bạch Thế Tôn, gò mối là gì, cái gì phun khói ban đêm, cái gì chiếu sáng ban ngày, ai là Bà-la-môn, ai là người có trí, cái gì là cây gươm, cái gì là đào lên, cái gì là then cửa, cái gì là con nhái, cái gì là con đường hai ngã, cái gì là đồ lọc sữa, cái gì là con rùa, cái gì là con dao phay, cái gì là miếng thịt, cái gì là con rắn hổ?

—Này Tỷ-kheo, gò mối là đồng nghĩa với cái thân do bốn đại thành, do cha mẹ sanh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, phấn toái, đoạn tuyệt, hoại diệt.

Này Tỷ-kheo, cái gì thuộc về công việc ban ngày, ban đêm suy tầm, suy nghĩ, như vậy là ban đêm phun khói.

Này Tỷ-kheo, cái gì sau khi suy tầm, suy tư ban đêm, ban ngày đem ra thực hành, về thân, về lời nói, về ý, như vậy là ban ngày chói sáng.

Này Tỷ-kheo, Bà-la-môn là đồng nghĩa với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Này Tỷ-kheo, người có trí là đồng nghĩa với Tỷ-kheo hữu học. Này Tỷ-kheo, cái gươm là đồng nghĩa với trí tuệ của bậc Thánh. Này Tỷ-kheo, đào lên là đồng nghĩa với tinh tấn, tinh cần.

Này Tỷ-kheo, cái then cửa là đồng nghĩa với vô minh; đem then cửa lên là từ bỏ vô minh này; kẻ có trí, cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.

Này Tỷ-kheo, con nhái là đồng nghĩa với phẫn nộ hiềm hận; đem con nhái lên là từ bỏ phẫn nộ hiềm hận này; kẻ có trí cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.

Này Tỷ-kheo, con đường hai ngã là đồng nghĩa với nghi hoặc; đem con đường hai ngã lên là từ bỏ nghi hoặc này; kẻ có trí cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.

Này Tỷ-kheo, đồ lọc sữa là đồng nghĩa với năm triền cái: dục tham triền cái, sân triền cái, hôn trầm thụy miên triền cái, trạo cử hối quá triền cái, nghi hoặc triền cái; đem đồ lọc sữa lên là từ bỏ năm triền cái này; kẻ có trí cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.

Này Tỷ-kheo, con rùa là đồng nghĩa với năm thủ uẩn, tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn; đem con rùa lên là từ bỏ năm thủ uẩn này; kẻ có trí cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.

Này Tỷ-kheo, con dao phay là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng, tức là các sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức … Các hương do mũi nhận thức … Các vị do lưỡi nhận thức … Các xúc do thân cảm xúc, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn; lấy con dao phay lên là từ bỏ năm dục trưởng dưỡng này, kẻ có trí, cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.

Này Tỷ-kheo, miếng thịt là đồng nghĩa với hỷ tham; lấy miếng thịt lên là từ bỏ hỷ tham này; kẻ có trí, cầm gươm đào lên là ý nghĩa này.

Này Tỷ-kheo, con rắn hổ là đồng nghĩa với vị Tỷ-kheo đã diệt trừ các lậu hoặc; hãy để con rắn hổ yên, chớ đụng chạm con rắn hổ, hãy đảnh lễ con rắn hổ, là ý nghĩa này.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Bình giảng:

Giới thiệu Kinh Gò Mối - Vammika Sutta.

Kinh Gò Mối, hay Vammika Sutta, là một trong những bài kinh nổi bật trong hệ thống kinh điển Pali của Phật giáo Nguyên Thủy. Bài kinh này không chỉ mang giá trị tâm linh sâu sắc mà còn chứa đựng những hình ảnh ẩn dụ sống động, tạo nên một bức tranh tinh tế về hành trình tìm kiếm và giải thoát khỏi khổ đau của con người.

Nội dung chính

Kinh Gò Mối bắt đầu với bối cảnh khi Thế Tôn (Đức Phật) đang ở tại Jetavana, vườn ông Anāthapiṇḍika, thành phố Sāvatthi. Tôn giả Kumāra Kassapa, một trong những đệ tử xuất sắc của Thế Tôn, lúc bấy giờ đang trú tại khu rừng Andhavana. Một đêm nọ, một vị Thiên với hào quang rực rỡ đến thăm Tôn giả Kumāra Kassapa và đặt ra một loạt câu hỏi ẩn dụ thông qua câu chuyện về gò mối.

Mỗi chi tiết trong câu chuyện về gò mối mang một ý nghĩa triết lý sâu sắc:

- Gò mối: Biểu tượng cho thân xác con người, được sinh ra và nuôi dưỡng nhưng không thể tránh khỏi sự vô thường, biến hoại.

- Khói ban đêm và ánh sáng ban ngày: Tượng trưng cho những suy tư, suy nghĩ ban đêm và hành động ban ngày.

- Bà-la-môn và người có trí: Đại diện cho Đức Phật và các vị đệ tử, những người đã giác ngộ và hiểu rõ bản chất của cuộc sống.

- Cây gươm: Trí tuệ của bậc Thánh, công cụ để loại bỏ vô minh và tham ái.

- Các hình ảnh như then cửa, con nhái, con đường hai ngã, đồ lọc sữa, con rùa, con dao phay, miếng thịt, và con rắn hổ: Từng bước mô tả quá trình tu tập và loại bỏ những chướng ngại, từ vô minh, phẫn nộ, nghi ngờ, năm triền cái, năm thủ uẩn, năm dục trưởng dưỡng, hỷ tham, đến cuối cùng là sự diệt trừ các lậu hoặc.

Kinh Gò Mối mang đến cho người đọc những bài học quý báu về sự vô thường của cuộc sống và tầm quan trọng của việc tu tập trí tuệ và đạo đức để đạt đến sự giải thoát. Qua các hình ảnh ẩn dụ, kinh nhắc nhở chúng ta về hành trình nội tâm đầy thử thách nhưng vô cùng quý giá để loại bỏ những phiền não, đạt được sự thanh tịnh và giác ngộ.

Kinh Gò Mối không chỉ là một tác phẩm tôn giáo mà còn là một bức tranh nghệ thuật triết lý, mời gọi chúng ta suy ngẫm và khám phá bản chất thực sự của chính mình. Đọc và thấm nhuần những lời dạy trong kinh, chúng ta được khuyến khích tiến bước trên con đường tu tập, từ bỏ những chướng ngại để tìm đến sự giải thoát và an lạc thực sự.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Bài kinh: Người nghèo

Kinh Phật 09:26 08/09/2024

Một thời Thế Tôn ở thành Vương Xá (Ràjagaha), tịnh xá Trúc Lâm (Veḷuvana), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

Kinh quả báo

Kinh Phật 10:00 30/08/2024

Không phải ở trên trời cao, không phải ở dưới biển sâu, không phải ở trong hốc núi đá mà có thể tránh được nghiệp báo tai ương mình đã tạo ra.

Kinh người cày ruộng làm biếng

Kinh Phật 17:42 24/08/2024

Nghe như vầy! Một thời đức Phật cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị đại Tỳ kheo và chúng Bồ tát ở tại vườn Trúc, xứ La Duyệt Kỳ. Bấy giờ, Phật từ La Duyệt Kỳ đến Xá Vệ. Chư Bồ tát dẫn đường phía trước. Thích, Phạm, y phục thân thể như bốn đại thiên vương.

Kinh Gò Mối

Kinh Phật 08:30 12/08/2024

Kinh Gò Mối mang đến cho người đọc những bài học quý báu về sự vô thường của cuộc sống và tầm quan trọng của việc tu tập trí tuệ và đạo đức để đạt đến sự giải thoát.

Xem thêm