Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 28/10/2015, 11:45 AM

Chiêm bái chùa Đại Bi

Mỗi khi mùa đông về không chỉ cho chúng ta cảm giác se lạnh vào mỗi buổi sáng sớm, sự đầm ấm vào ban đêm khi các gia đình quây quần bên mâm cơm, mà còn cho mỗi phật tử cảm xúc khác nhau khi đến thăm các ngôi chùa quê. 

Những xúc cảm như thế đã đưa bước chân của những người làm truyền thông Phật giáo về với thế giới nhà Phật tại chùa Đại Bi tại thôn Ngọc Lâm, xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương trong nắng sớm cuối thu.
 
Ngay từ sáng sơm, chúng tôi đã rời Tp.Hải Dương ngược quãng đường dài gần 30km để về chiêm bái chùa Đại Bi. Nhưng mãi đến tận trưa, chúng tôi mới tìm về tới chùa. Bởi lẽ chùa nằm sâu trong ngõ, lại là chùa nhỏ mới được phục dựng cách đây vài năm, nên nhân dân hầu như không ai biết. Nếu như không có duyên với nhà Phật, được đi chiêm bái nhiều chùa, thì có lẽ tôi cũng không nghĩ đây lại là ngôi chùa. Thoạt nhìn, ai cũng cũng lầm tưởng là nhà thờ họ, nhà thờ Tổ nào đó, nhưng đó chính là chùa Đại Bi mà chúng tôi đã được mọi người kể truyền tai từ nhiều năm trước đó.  
 
“Hôm nay, chú vào chùa chưa chắc đã có ai ở đó đâu, Thầy kiêm nhiệm trụ trì ít khi ở đây, còn bà sãi chúng tôi vừa gặp đã đi chợ” – Mấy bác nông dân đang bán hàng ngoài ngõ chỉ đường rồi tận tình bảo chúng tôi. Quả thật, đúng như những lời mấy bác nông dân nói. Cổng Tam quan khép hờ được xây mới với hệ thống tường bao chắc chắn vẫn còn in màu sơn mới đang hiện ra trước mắt chúng tôi. Những hàng cau cao vút được trồng ngay ngắn, thẳng hàng đang đung đưa đón chào ngày mới. Mạn phép nhà chùa, chúng tôi đẩy cổng Tam quan để vào chùa với những cảm xúc khác nhau. 
 
Khuôn viên trong chùa Đại Bi thật thoáng mát, dễ chịu và trong lành. Khoảng sân rộng được lát gạch đỏ như tôn thêm vẻ huyền bí, uy linh của ngôi chùa. Ở bên phía trái cổng Tam quan là những hàng cây cau to và dài được những cây trầu quấn xung quanh xanh mướt. Những gốc trầu với dây to quấn chằng chịt quanh gốc cau như sự bền chặt gợi cho chúng tôi về sự tích Trầu cau nói về tình cảm vợ chồng. Cạnh đó, những chậu hoa giấy, hoa mười giờ, hoa đại và hoa xương rồng cảnh cũng đang thi nhau khoe sắc đỏ. Khuôn viên chùa Đại Bi rộng khoảng chừng 100m2 nhưng sạch sẽ và ngăn nắp. Từ chiếc chổi rơm, đồ lau sàn đến từng chậu cây cảnh được sắp xếp gọn gàng, theo vị trí … Chỉ từng ấy thôi cũng nói lên quy tắc của nhà chùa và tính cẩn thận chốn chùa của bà sãi. 
 
Hôm nay không phải ngày Rằm và mồng Một, nên chính Điện của chùa đóng cửa. Nhưng rất may cho chúng tôi, khi bà sãi đã đi chợ về. Có lẽ trên quãng đường từ chợ quê về đến chùa, bà sãi đã được người dân thông báo có khách, nên mới về đến cổng, bà đã đon đả. 

- Cháu về thăm chùa hay về tìm Thầy vậy?

- Dạ! cháu đến chiêm bái chùa thôi ạ. Con điện cho Thầy, Thầy bảo có công việc phật sự đang làm, nên cháu tự tìm về đây.

- Thế à! Đợi bà lát nhé! 

Qua phần trò chuyện ngắn ngủi, chúng tôi thấy như lòng mình được cởi bỏ đi gánh nặng ưu tư. Cất vội những mớ rau muống xanh non và những bìa đậu mộc trắng mịn. Bà Đặng Thị Gẫm – bà sãi của chùa mở cửa ngôi Tam Bảo và nhà Mẫu cho chúng tôi vào chiêm bái. 

- Khi nào xem và chụp ảnh xong, xuống phòng bà ngồi chơi, uống nước.

- Dạ vâng ạ!

Khi bà sãi vừa khuất bóng, chúng tôi bước vào ngôi Tam Bảo mới được xây dựng kiên cố nhưng mang đậm chất chùa cổ vùng Bắc bộ. Một cảm giác mát lạnh chạy khắp sống lưng, đó là điều tôi cảm nhận được đầu tiên. Nền gạch thật sạch và mát, không gian tĩnh lặng đến mê lòng người. Ngước mắt lên ngôi Tam Bảo, chúng tôi thấy sự oai nghiêm, linh thiêng và nét trầm mặc của 6 lớp tượng Phật đang toạ lạc nơi đây. Hai ông Hộ Pháp đứng sừng sững hai bên tựa mình vào lưng sư tử như một sự oai hùng nơi cửa Phật.  
 
 
Chùa Đại Bi còn có tên gọi là chùa chùa Chìn. Đây là ngôi chùa cổ có từ lâu đời, là chùa thuộc 3 xóm: Độc Lập, Tiền Tiến và Việt Thắng. Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, ngày trước chùa Chìn có diện tích và quy mô rộng hơn chùa Đại Bi hiện nay một chút, chùa quay theo hướng Tây, xung quanh chùa có nhiều cây cối xanh tốt, nhiều cây cổ thụ vài người ôm không hết. Chùa Chìn thờ Phật theo Thiền phái Trúc Lâm. Trải qua những biến cố của lịch sử, thăng trầm của thời gian, đặc biệt do sự tàn phá của hai cuộc chiến tranh, chùa Chìn đã bị hư hỏng nặng. Toàn bộ phần gỗ, ngói và các xà, cột của chùa được mang đi xung công xây dựng các công trình phục vụ dân sinh lúc bấy giờ. Chùa Chìn chỉ còn một gian hậu cung nhỏ.  

Năm 2009, bằng cơ duyên nhà Phật và Tâm, Đức của những người hành Đạo. Đại đức Thích Thanh Hải trụ trì chùa Phúc Duyên đã về phát tâm công đức, vận động nhân dân, con dân cháu làng và các phật tử mọi nơi để xây dựng, tu bổ chùa Chìn. Trong quá trình phục dựng lại ngôi chùa cổ, sư Thầy Thích Thanh Hải đã phát hiện ra bức thư pháp in trên cột đá cổ có nội dung nói rằng: “…Chùa Chìn có tên gọi lúc mới xây dựng là chùa Đại Bi….” và tên chùa Đại Bi cũng được Đại đức và nhân dân lấy lại từ đó. 
 
 
Chùa Đại Bi có diện tích trên 2 sào Bắc Bộ, gồm chùa chính, nhà Tổ, động Mẫu, nhà khách và các công trình phụ trợ khác. Chùa chính được quay theo hướng Tây Nam với 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung được xây mới hoàn toàn bằng vật liệu cứng. Toàn bộ ngói mũi của chùa được đặt từ ngói giếng đáy mang hình hài từ ngói cổ. 

- “Cháu thấy chùa quê bà có nghèo không? Thực sự là dân ở đây còn khó khăn quá, nếu không có Đại đức Thanh Hải thì không biết bao giờ làng bà mới xây được ngôi chùa to đẹp và khang trang như thế này. Chùa tuy nhỏ, dân tuy nghèo, nhưng chùa linh thiêng lắm đó” – bà sãi coi chùa lên trước ngôi Tam Bảo dâng hương cho chúng tôi biết.

Sự linh thiêng của ngôi chùa thì bản thân chúng tôi đã được người dân và Đại đức Thích Thanh Hải chia sẻ từ trước. Có lẽ ở đâu có chùa, ở đâu có đức Phật thì ở đó có sự linh thiêng, có sự phổ độ chúng sinh, có sự sáng soi của nhà Phật để cú khổ cứu nạn những chúng sinh khổ hạnh. Rời ngôi Tam bảo và đi chiêm bái cảnh vật của chùa, chúng tôi mới thấy hết công lao của những người hành Đạo, truyền bá đạo Phật khi phải vất vả xây dựng chùa để mang lại sự ấm no, an vui cho dân làng. 

Trở về gian phòng nhỏ bé của bà sãi được sắp xếp ngăn lắp, gọn gàng với bình trà tươi nóng ấm được bà rót mời chúng tôi. Những câu chuyện không đầu không cuối được chúng tôi chia sẻ với bà sãi trong sự ngưỡng vọng của bà. Và chúng tôi tự hỏi rằng: Phải chăng chùa Đại Bi là thế giới thu nhỏ của đức Phật? Phải chăng người dân nơi đây đã hiểu được giáo lý của nhà Phật? hay họ đang tự hào và biết ơn những người đã có công tạo dựng ngôi chùa cổ này…

Chào tạm biệt bà sãi để đến với những miền đất hứa khác khi ánh nắng mặt trời đã lên cao. Cái nắng hanh vàng se lạnh hoà quyện với khói hương trầm đang toả ra từ ngôi Tam Bảo và không gian lĩnh lặng của chùa Đại Bi khiến cõi lòng chúng tôi vấn vương, xúc cảm…

Đức Tuỳ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Ngôi chùa cổ kính giữa biển khơi

Chùa Việt 11:20 27/03/2024

Linh Quang tự nằm trên một ngọn đồi cao ở thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh, là ngôi chùa đầu tiên trên đảo Phú Quý, gắn chặt với đời sống văn hóa tín ngưỡng và tâm linh của các thế hệ người dân trên đảo.

Tìm về ngôi chùa cổ xưa bậc nhất TP. HCM

Chùa Việt 18:50 24/03/2024

Tọa lạc trên đường Đặng Văn Bi, thành phố Thủ Đức, chùa Huê Nghiêm (còn gọi là Huê Nghiêm cổ tự) là ngôi chùa lâu đời bậc nhất ở TPHCM, do Thiền sư Thiệt Thoại – Tánh Tường lập vào thế kỷ 18.

Viếng chùa Tân Chánh

Chùa Việt 17:35 23/03/2024

Chùa Tân Chánh toạ lạc trên diện tích khoảng 3.300m2 thuộc tổ 3 thôn Phú Lộc Đông, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà.

Thiền Viện Trúc Lâm Phú Yên, nơi tĩnh lặng và bình yên trên Cao nguyên Vân Hòa

Chùa Việt 11:00 21/03/2024

Được xây dựng trên Cao nguyên Vân Hòa, Thiền Viện Trúc Lâm Phú Yên trở thành điểm đến của nhiều Tăng Ni Phật tử cùng du khách, nơi tất cả được hòa mình vào thiên nhiên, tìm kiếm sự tĩnh lặng và yên bình trong tâm hồn.

Xem thêm