Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 31/12/2012, 10:44 AM

Chùa Kẻ Sặt - Âm vang vị đạo ý đời

Chùa Kẻ Sặt được xây dựng trên cơ sở giữ gìn bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá Phật giáo truyền thống Việt Nam. Vì điều kiện đất đai nơi đô thị, chùa được xây dựng hai tầng. Tầng trên là nơi thờ Phật, tầng dưới là nơi sinh hoạt, tu tập

Thoáng trên ngọn cỏ cành cây đón gió xuân về - giữa mảnh đất Hải Dương tràn đầy phong sắc nên thơ - ta bắt gặp một ngôi già lam cổ tự uy linh hiện hữu đó chính là chùa Kẻ Sặt, thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Xuôi dòng sông Sặt, dọc theo quốc lộ 5 (Hà Nội - Hải Dương) sang quốc lộ 38, đến ngã ba Sặt rẽ phải vào mảnh đất "Rồng chầu Hổ phục" - "Tiền thuỷ hậu san" thẳng tiến con đường là dẫn đến ngôi Đại hùng Bảo điện - Chùa Kẻ Sặt - Nơi sâu lắng giữa dòng đời tấp nập.

Hai từ "Kẻ Sặt" không chỉ thiêng liêng trong tâm khảm và trái tim của những người con Kẻ Sặt, mà đối với nhiều người trong nước cũng như ở hải ngoại đều hết sức gần gũi thân thương.

Vốn từ lâu, người ta đã biết đến địa danh Kẻ Sặt - biết đến vùng đất từ ngàn xưa đến nay còn lưu dấu nhiều nét truyền thống cùng bao biến đổi thăng trầm của lịch sử.
       
Hai từ "Kẻ Sặt" có nguồn gốc từ việc các nhà truyền giáo Tây Ban Nha dùng để gọi làng "Tráng Liệt Bình" - Được phát âm nguyên bản là "Kẻ Sáp", nhưng vì người dân phát chệch âm mà dần dần thành tên "Kẻ Sặt".
         
Nói đến Kẻ Sặt là nói đến Công giáo, nói đến những lễ hội sắc màu mang đậm nét Đức Chúa trời. Song, từ xưa cho đến nay, trên mảnh đất Kẻ vẫn còn dấu tích - nền móng rêu phong của một ngôi già lam cổ tự. Đến những năm 90 của thế kỷ trước, khi người dân tiến hành đại trùng tu ngôi "Phạm Vũ" thì đất Kẻ Sặt không còn riêng là vùng đất của người Công Giáo. Ánh sáng từ bi trí tuệ của Đức Phật đủ để hun đúc lên ngôi Đại hùng Bảo điện - "Kẻ Sặt Thiền Tự" lại càng làm cho vùng đất này trở nên hiền hoà thanh bình ấm áp hơn bao giờ hết. Vì vậy, hiện hữu cùng nhà thờ "Kẻ Sặt" là ngôi Đại Hùng Bảo Điện – “Kẻ Sặt Thiền Tự”, mà người dân nơi đây thường gọi bằng hai từ gần gũi mà thiêng liêng nhất: Chùa Kẻ Sặt.
       
Tương truyền từ xa xưa, ông cha trong làng đã xây dựng ngôi chùa uy nghiêm bề thế. Tại thời điểm đó, người dân thuần tuý theo Phật giáo. Chùa làng vừa là nơi nuôi dưỡng tâm linh, vừa là trung tâm sinh hoạt văn hoá trong làng. Song, do thời gian bào mòn, chiến tranh tàn phá, ngôi "Phạm Vũ" vì thế mà bị ảnh hưởng chỉ còn lại phế tích nền móng một thời đã qua.
       
Người dân Kẻ Sặt đa phần theo Công giáo, tuy vậy dù Lương hay Giáo, dù là tôn giáo nào thì truyền thống văn hoá dân tộc luôn chảy trong mạch nguồn trái tim của mỗi người con đất Việt, truyền thống ấy từ xa xưa cho đến hiện thực luôn gắn liền với truyền thống tinh thần Phật giáo.

Ngày 19 tháng 8 năm 1991, nhân dân làng Kẻ Sặt, Tráng Liệt tiến hành trùng tu ngôi "Phạm Vũ" lần thứ nhất. Vì điều kiện kinh tế còn hạn chế nên lần trùng tu chùa thứ nhất này mới được phần nào, chưa đủ cơ sở hạ tầng để phục vụ tu tập, tín ngưỡng nhân dân. Ngày 04 tháng 10 năm 2008, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo tín đồ Phật tử, được sự ủng hộ, phát tâm của nhân dân, chính quyền địa phương, Đại đức Thích Thanh Toàn - Trụ trì chùa Kẻ Sặt cùng nhân dân Kẻ Sặt tiến hành đại trùng tu toàn bộ chùa Kẻ Sặt lần thứ hai. Đến ngày 21/12/2009 Công trình đại trùng tu chùa Kẻ Sặt đã hoàn thành.

Chùa Kẻ Sặt được xây dựng trên cơ sở giữ gìn bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá Phật giáo truyền thống Việt Nam. Vì điều kiện đất đai nơi đô thị, chùa được xây dựng hai tầng. Tầng trên là nơi thờ Phật, tầng dưới là nơi sinh hoạt, tu tập.
       
Bố cục chùa được thiết kế theo kiểu chữ Công. Phía trước thượng điện, phía sau là nhà Thờ Tổ, nối liền với nhau bằng ba gian ống Muống. Kiến trúc chồng diêm tám mái kiểu "Tàu đao mái hiên" có cổ diêm cao vừa đủ bao gồm nhiều cột đỡ chạy dài, phía trên mái chảy ngói mũi hài, đường cong mái đao rồng chầu hướng về thượng đỉnh tổng cộng có "Tam thập nhị long chầu Kẻ Sặt Thiền Tự" cộng với bốn linh vật, hiệu chùa tại đỉnh tượng chưng cho 37 phẩm trợ đạo Phật giáo.

Phía bên trong chùa có 13 gian, bao gồm năm gian Thượng điện, ba gian ống muống, năm gian hậu cung. Hệ thống cột đan xen vào nhau tổng cộng có 60 cột phân chia thành 24 cột cái - 36 cột quân. Tường ghép ván gỗ, nền chạy ván gỗ.

Chùa kết cấu theo kiểu kiến trúc truyền thống cổ truyền lộng, tàn, chồng giường, kẻ truyền, đấu sen - Thượng chồng giường con nhị, hạ giường nách ván hiên - giá chiêng kẻ suốt - được thiết kết bằng các loại gỗ đinh, lim, sến, táu... kết hợp với gam màu gỗ nâu gụ, bố cục hài hoà, hợp lý tạo ra không gian hết sức ấm cúng đầy thi vị thiền.
       
Hệ thống tượng thờ trong Chính điện được thiết kế tượng thờ theo bố cục các chùa miền Bắc. Phía trên cùng có Bộ tượng Tam Thế quá khứ, hiện tại, vị lai. Tiếp theo Di Đà Tam Tôn.... tả Thánh hiền hữu Đức ông, Hộ pháp Thiện, Ác...
       
Bên ngoài chùa có hành lang chạy xung quanh bao gồm 48 cột đá vuông thắt cổ bồng chạm nổi cánh sen tiết tấu câu đối Hán. Lan can đá được ghép bằng 108 bức phù điêu truyền tải giáo pháp giải thoát của 108 Đức Phật. Thẳng giữa chính điện phía hai bên có hai cầu thang đá tháp đỉnh đèn gấp khúc vào phía trong nội tự diễn tả ý nghĩa "Trung đạo" của pháp "Tối vi tiệp kính" nối với tầng dưới gặp nhau ở lối đi trục giữa thông trước sau. Thiết kế này là biểu tượng của "Bách pháp minh môn", "Tam thừa hiển nhất quy chân". Theo các nhà phong thuỷ kiểu bố cục trên hợp lý với tất cả các địa thế phong thuỷ.
       
Từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, hàng ngày, tiếng chuông chiều mõ sớm vang vọng chan hoà với tiếng chuông nhà thờ tạo nên âm vang tiết tấu lên một khúc nhạc an lành mà dường như chỉ người dân đất Kẻ là một trong những nơi hiếm có. Âm thanh ấy vang lên không chỉ chứa đựng ý đạo sâu sắc mà ý đời cũng thật thấm thía sâu xa. Nghe kĩ, ngẫm kỹ nhiều lúc ta cứ ngỡ đó như một tấm lưới đa năng đang gạn lọc đi những bụi ưu phiền đầy tăm tối si mê, như một chất xúc tác gạn đục khơi trong giữa cõi đời đầy nhiễm uế, như gạch nối giữa sự nóng - lạnh làm cho gió ngừng thổi khiến mặt biển trở nên thanh bình êm ả. 
       
Không biết xuất phát từ truyền thống, từ tôn chỉ đạo, hay từ nhận thức văn minh, nhưng những người dân ở đây, dù Lương hay Giáo - người dân nơi đây sống thật thân thiện, thân thiện đến mức dường như đến đây ta chỉ còn bắt gặp một cái duy nhất - an vui - chan hoà - nhân ái. Các Phật tử có thể đến nhà thờ tham quan, giao lưu như những người giáo dân. Các giáo dân có thể đến chùa như những người Phật tử bình thường. Đặc biệt xung quanh chùa đa phần là những gia đình Công giáo sinh sống. Chắc mọi người sẽ hỏi: cách cư xử của họ ra sao? Kỳ thị hay không kỳ thị? Không! Không đâu, thưa bạn! Người Công giáo ở đây rất thân thiện. Nhiều người trong số họ đã thấm thía giáo lý từ bi của Đức Phật mà quy y Tam Bảo điều đó được thể hiện mỗi khi chùa có việc thì thật là một điều bất ngờ: giúp đỡ các công việc tại chùa có cả những thanh niên nam, nữ Công giáo.
       
Qua những thứ họ cảm nhận được từ các Phật tử, từ thầy trụ trì, từ các sư, họ đã hiểu ra giá trị của Đức Phật hoàn toàn thánh thiện, đó là một ngọn nến muốn thắp sáng, muốn chiếu soi, muốn cho cuộc đời và con người trở nên tốt đẹp gắn kết hơn. Bởi vậy khi đến chùa Kẻ Sặt ta không biết những người ra lễ chùa ở đây họ là Phật tử hay giáo dân. Ta cũng thấy rất nhiều người là Phật tử nhưng nếu có dịp đi thăm nhà thờ, ta vẫn bắt gặp họ làm dấu Chúa xưng "A Men".
       
Chân lý cuối cùng Đức Phật tuyên bố đó là chân lý của Ánh sáng trí tuệ. Ánh sáng trí tuệ và chân lý thì vốn tồn tại ở mọi chỗ, mọi nơi, trong mọi thứ mà Phật thường gọi là cái "Như Thị". Phải chăng người dân Kẻ Sặt đã phần nào gạt bỏ đi cái hư ảo của đời sống vật chất để hướng đến giá trị đích thực của đời sống tinh thần. Chân lý đó không tồn tại ở khái niệm "Chúa" hay "Phật", mà chân lý ấy chỉ là hai chữ "Thiện" - "Ác", và cao hơn cả đó là ý nghĩa của hai chữ "Tình người". Điều này tuy chưa thể đạt đến mức "Tuyệt đối" nhưng thực sự cũng rất đáng quý, rất đáng trân trọng.

Chẳng vậy mà nhiều khi các sư vào Nhà thờ Kẻ Sặt thăm quan, nhiều giáo dân rất niềm nở, lúc gọi "Thầy" xưng con, lúc gọi "Cha" xưng con. Một câu gọi không phải là quay lại với truyền thống tôn giáo mình - mà câu gọi xưng hô ấy thể hiện một bước tiến mới của thời đại - một xu thế hướng đến một xã hội an hoà thực sự. Nó đã phá đi những mặc cảm, những chấp trược bình thường để rồi chỉ còn đọng lại những giá trị tinh anh.
       
Quả thực, ở đâu đâu, trên khắp nẻo đường thôn quê, trên khắp các vùng năm châu lãnh thổ trên thế giới. Con người - dù là ai đi chăng nữa, dù theo đạo nào, dù có đạo hay không có đạo, mọi người cứ chan hoà, chan hoà, thân thiện thân thiện như người dân Kẻ Sặt thì cuộc sống - xã hội thanh bình biết bao.
       
Chùa Kẻ Sặt - Cái tên gắn liền với những sự kiện của vùng đất Công giáo lại phát tích lên đoá sen thơm - "Kẻ Sặt Thiền Tự". Đất văn minh, - nơi hun đúc hồn thiêng sông núi, con người Lương - Giáo thân thiện chan hoà cùng chung xây cuộc sống tương lai. Mỗi khi ánh bình minh lên, mỗi khi chiều về tiếng chuông chiều mõ sớm chan hoà trong tiếng chuông nhà thờ ngân vang đã tạo nên giai điệu ngọt ngào chứa đầy  “Vị Đạo Ý Đời”. Ta hãy đến đây, đến Kẻ Sặt lắng lòng nghe những âm thanh đến ru lòng người đó và rồi hay để nó bay xa đến mọi chân trời.


Đại đức Thích Thanh Toàn - Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội
Nguồn: Ban Tôn giáo Chính phủ


CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Về Bình Thuận, viếng thăm ngôi chùa trên núi Tà Cú

Chùa Việt 14:40 23/04/2024

Nằm trên núi Tà Cú, chùa Linh Sơn Trường Thọ thu hút du khách bởi không gian thanh tịnh, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Một vài đặc điểm kiến trúc của ngôi chùa Việt

Chùa Việt 10:25 16/04/2024

Ngôi chùa được xem là bảo tàng nghệ thuật, là nơi lưu giữ nhiều di sản Phật giáo có giá trị. Bản thân kiến trúc chùa còn chuyển tải nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và tôn giáo.

Ngôi chùa cổ nằm chênh vênh trên vách núi hơn 500 năm

Chùa Việt 08:30 15/04/2024

Tương truyền, chùa Vô Vi được khởi dựng từ thời Đinh (thế kỷ X), sau nhiều biến cố của lịch sử, chùa được dời lên vách núi như ngày nay đã hơn 500 năm.

Hàng cây cổ thụ độc nhất vô nhị dẫn lối vào ngôi chùa màu hồng hơn 400 năm tuổi

Chùa Việt 07:45 14/04/2024

Chùa Hàng Còng, ngôi chùa duy nhất trong tỉnh An Giang có hàng cây còng cổ thụ nối dài từ cổng vào đến bên trong khuôn viên với bề dày lịch sử hàng trăm năm.

Xem thêm