Kinh thương yêu

Những ai muốn đạt tới an lạc thường nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết sử dụng ngôn ngữ từ ái, những kẻ ấy biết sống đơn giản mà hạnh phúc, nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn và không đua đòi theo đám đông.

Kinh thương yêu 1
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Hai chữ thương yêu lấy từ chữ từ trong Tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả), tức là bốn tâm không có biên giới, bốn tâm không đo lường được. Kinh này có thể gọi là Kinh Từ. Chữ từ tiếng Phạn là maitrī, tiếng Pāli là metta. Kinh này cũng được gọi là Karaṇīyametta Sutta. Karaṇīya nghĩa là cần phải làm, nên làm, không thể không làm. Thương yêu là chuyện cần phải làm, ta không thể không làm. Nếu không thực tập thương yêu thì ta không có hạnh phúc và sẽ không tạo được hạnh phúc cho người xung quanh.

Những ai muốn đạt tới an lạc thường nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết sử dụng ngôn ngữ từ ái, những kẻ ấy biết sống đơn giản mà hạnh phúc, nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn và không đua đòi theo đám đông.

Đó là câu mở đầu của kinh. Chữ an lạc bao gồm hai yếu tố: an có nghĩa là không bị quấy rầy, lạc có nghĩa là hạnh phúc. Khi tâm ta bị những phiền não như thèm khát, giận hờn, nghi kỵ, thù hằn, khuấy động thì ta không thể an được. An là điều kiện tất yếu của lạc. Nếu không có an thì không có khả năng lạc dù ta có trúng số độc đắc hay đạt được những điều kiện như ta mong ước. Có những người giàu có, đầy đủ những điều kiện vật chất nhưng họ vẫn cô đơn, tuyệt vọng, khổ đau và thậm chí tự tử tại vì tâm họ không an. Cho nên an là yếu tố căn bản. An nghĩa là không bị quấy động bởi những phiền não, tham ái, giận dữ, nghi ngờ và ganh tị.

Thẳng thắn có nghĩa là không quanh co, nghĩ cái gì thì nói ra cái đó, muốn cái gì thì nói ra cái đó. Tuy nhiên, khi nói phải sử dụng ngôn ngữ từ ái (loving speech). Thi sĩ Phùng Quán nói thế này: 

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chìu 

Cũng không nói yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêu.

Cái đó là thẳng thắn. Trong khi nói vẫn giữ nét mặt tươi cười và sử dụng ái ngữ. 

Học hạnh thẳng thắn, hạnh tức là phong thái, hành động (behavior).

Khiêm cung là không tự hào, không cho mình là giỏi, là hơn người, bởi vì trên đời này không ai giỏi hết, ai cũng cần phải học hỏi. Trong quá trình hành đạo, đức Thế Tôn cũng luôn luôn học hỏi.

Những kẻ ấy biết sống đơn giản mà hạnh phúc.

Đời sống hạnh phúc không phải là đời sống đầy đủ tiện nghi vật chất mà là một nếp sống đơn giản. Bởi vì sống đơn giản thì ta có nhiều thì giờ hơn để tiếp xúc và thấy được những mầu nhiệm của cuộc đời. Đơn giản mà hạnh phúc là tiêu chuẩn của nền văn hóa mới. Con người của thời đại chúng ta muốn có hạnh phúc đích thực cần phải tập sống đơn giản. Tuy vậy hiện nay chưa ai thấy được điều đó, đã có cái này lại muốn có thêm cái khác. Niềm vui của họ thường là đi mua sắm (shopping). Nhiều khi không có nhu cầu mua sắm gì nhưng vẫn cứ đi. Việc đi ngắm nghía các cửa hàng (window shopping) đã trở thành một căn bệnh của thời đại.

Nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn và không đua đòi theo đám đông.

Nếp sống từ hòa là nếp sống có sự thương yêu, hài hòa, hòa thuận. Chữ từ nghĩa là không dữ dằn ( not aggressive), chữ hòa nghĩa là hài hòa (in harmony). 

Điềm đạm là không vụt chạc, nóng nảy, không nổi giận một cách dễ dàng. Những ai dễ nổi nóng nên thực tập theo phương pháp An ban thủ ý hay được gọi là phép Quán niệm hơi thở. Mỗi khi thấy sự bực tức trong người dâng lên, ta liền nắm lấy hơi thở, vừa thở vừa mỉm cười. Ta tự nhủ là mình đang thực tập điềm đạm, bình tĩnh thì khuôn mặt của ta lúc đó sẽ không đỏ phừng lên theo dòng cảm xúc. 

Ít ham muốn, thiểu dục, là chìa khóa của hạnh phúc vì càng nhiều ham muốn thì càng nhiều đau khổ. Thiểu dục thường đi đôi với tri túc, tức là biết đủ, không cần phải tìm kiếm thêm nữa. Muốn tìm một con đường thoát cho thời đại, nền văn hóa mới phải được dẫn đạo bởi sự an lạc, ít ham muốn và không đua đòi theo đám đông.

Không đua đòi theo đám đông nghĩa là ta có cái nhìn độc lập, có trí tuệ. Nhờ đó ta giữ được sự điềm đạm, không bị lôi kéo bởi những tình cảm và xu hướng của đám đông. Đám đông có khi rất dại dột, một người kích động thì những người khác thấy hạt giống của mình cũng bị tưới tẩm cho nên cùng la ó, giận hờn theo và vì vậy đám đông đánh mất mình một cách dễ dàng. Trong văn học Pháp có câu chuyện Những con cừu của Panurge, kể rằng trên chiếc tàu kia, có một người khách gây gổ với ông chủ của một đàn cừu vì sự mua bán. Người khách đó giận quá, bèn trả thật nhiều tiền chỉ để mua một con cừu thôi. Sau khi mua con cừu rồi, ông ta tới giữa đám cừu, khiêng con cừu đó liệng xuống biển. Những con cừu khác thấy vậy liền nhảy xuống theo và ông chủ đàn cừu mất hết tất cả những con cừu còn lại. Loài người hành xử cũng giống như những con cừu vậy. Khi trong đám đông có ai nói gì, bộc lộ tình cảm gì, hay có xu hướng gì, thì đám đông đều có thể hùa theo một cách mù quáng. Nếu ta là người điềm đạm, biết làm chủ bản thân thì sẽ không đua đòi và phản ứng theo đám đông. Đám đông như vậy nhưng ta phải có tuệ giác của riêng mình, phải có cái nhìn độc lập. 

Những kẻ ấy không làm bất cứ một điều gì mà các bậc thức giả có thể chê cười.

Các bậc thức giả ở đây là những người đã giác ngộ, gồm có các vị Bụt, các vị Thanh văn, Bồ tát và các bậc thánh nhân. Đức Thế Tôn thường hay dùng cụm từ “các bậc thức giả” vì đức Thế Tôn nhận ra rằng ngoài giáo đoàn Phật giáo cũng có những nhân vật có trí tuệ, có thương yêu. Vì vậy những bậc thức giả có mặt trong giáo đoàn mà cũng có mặt ngoài giáo đoàn. Cho nên đức Thế Tôn không nói rằng: “Không làm điều gì mà các vị A la hán, Bồ tát, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, v.v. chê cười” là vì vậy. Đức Thế Tôn dùng chữ “các bậc thức giả” (the wise ones) để chỉ những người có trí tuệ, có tình thương. Khi ta nghe cụm từ “các bậc thức giả”, ta biết đức Thế Tôn nói tới những người ở ngoài giáo đoàn của Ngài mà không phải chỉ có những người ở trong giáo đoàn mới được gọi như thế. 

Và đây là điều họ luôn luôn tâm niệm:

Tâm niệm tức là nhớ trong tâm, đừng để quên. Tâm niệm có nghĩa là chánh niệm (mindfulnessremembrance). Việc nhớ trong tâm đừng để quên là niệm. Nhớ điều có ích lợi cho thân tâm và cho thế giới gọi là chánh niệm, còn nhớ điều không có ích lợi cho thân tâm và cho thế giới thì gọi là tà niệm. 

Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.

Đây là một lời ước nguyện. Sự thực tập trước hết là một mong ước. Ta mong ước cho mọi người, mọi loài được sống trong môi trường an toàn. An toàn có nghĩa là không có tai nạn, thiên tai, bão lụt, lửa cháy, dịch bệnh, trộm cướp, tù đày, giặc giã, tai nạn xe hơi, không bị người ta đột nhập vào nhà để cướp của và chém giết. Người nào cũng muốn được sống trong điều kiện an toàn. Hiểu được nhu yếu đó của mỗi người cho nên ta mong ước rằng ai cũng được sống an toàn và hạnh phúc. Khi đi máy bay, các hành khách luôn được nhắc thắt dây an toàn – “For your safety, please fasten your seat belt” là vậy.

Tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.

Tâm tư hiền hậu là tâm tư hiền lành, bao dung, không có sự ác độc. Chữ hậu ở đây có nghĩa là dày, tiếng Anh là thick. Chữ hậu ngược với chữ bạc – mỏng (thin). Chúng ta thường nói trời cao đất dày. Dù đất có dày nhưng thỉnh thoảng cũng có núi lửa phun ra ngoài. Ở Việt Nam, có một Hòa thượng tên là Đôn Hậu. Chữ Hậu trong chữ Đôn Hậu là dày. Dày là một đức tính của đất. Một người có đức dày là người biết sống hạnh phúc và làm chỗ nương tựa cho rất nhiều người. Những người ngược lại gọi là bạc phước, tức là phước đức mỏng manh, bạc bẽo. Khi tâm tư mình dày thì mình không phản bội. Ngược lại nếu tâm tư mình mỏng thì mình phản bội rất dễ dàng. Phản bội ai? Phản bội chính mình, phản bội lý tưởng của mình. Chữ hậu và bạc cũng được dùng trong sự tiếp đãi. Tôi tiếp đãi anh rất hậu và tôi tiếp đãi anh rất bạc bẽo. Phần đầu kinh Địa tạng có một bài tán ca ngợi đức Bồ tát Địa Tạng: Địa ngôn kiên hậu quảng hàm tàng.

Địa là đất; kiên là vững chãi, kiên cố; hậu là dày và chứa đựng nhiều, xô không ngã được, vững như trái núi. Khi thầy đặt pháp tự cho sư chú Pháp Kiên, thầy có mong ước là sư chú sẽ vững như núi, không vì một lý do gì mà bị lung lay. Quảng là rộng lớn; tàng là chứa đựng. Quảng hàm tàng là chứa đựng một cách rất rộng lớn, chứa đựng rất nhiều, như cái bồ rất lớn có thể chứa nhiều lúa. Như một thiền đường lớn có thể chứa được mấy trăm người. 

Thảnh thơi nghĩa là không bận bịu, không vướng mắc. Không bận bịu không phải là không làm gì hết mà là không bị vướng mắc. Có những người làm việc mà bị vướng mắc vào công việc. Vướng mắc vào công việc, nghiện công việc, tiếng Anh gọi là workaholics. Còn có những người khác làm việc thì thấy thảnh thơi, không bị công việc kéo đi.

Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.

Đây là một sự mong mỏi, là tâm tư của mình, chưa phải là hành động. Nhưng sự mong mỏi phải lớn, nếu sự mong mỏi không đủ lớn thì không đi tới được hành động. Ví dụ, việc xuất gia, nếu sự mong mỏi xuất gia của mình không lớn thì không thể nào xuất gia được. Hay sự mong mỏi giúp đời của mình chưa đủ lớn thì không bao giờ mình giúp đời được. Cho nên sự mong mỏi rất cần thiết, sự mong mỏi là một dạng năng lượng. Năng lượng đó đưa tới năng lượng của hành động. Và ở đây là sự mong mỏi cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất được sống an lành. Không những ta mong ước cho bản thân được sống an lành, không gặp  tai nạn mà ta cũng mong cho những người sống gần mình hoặc sống xa mình cũng được như vậy. Không những ta mong ước cho loài người mà ta cũng mong cho các loài cầm thú, cỏ cây và đất đá được sống an lành và không bị tiêu diệt. Ta muốn cho con sông được an lành, muốn cho trái núi được an lành, muốn cho biển cả được an lành, muốn cho không khí được an lành. Vì vậy, đây là một mong ước không phải chỉ riêng cho con người mà cho tất cả mọi loài và cho môi trường sinh sống của mọi loài, tức là sinh môi.

Những loài yếu, những loài mạnh.

Khi ta yếu đuối, ta dễ bị ăn hiếp đã đành nhưng khi ta mạnh, ta cũng có thể bị ăn hiếp. Bởi vì luôn luôn có kẻ mạnh hơn. Ở trong rừng, những con vật yếu lo tìm cách để bảo vệ mình, nhưng những con mạnh cũng phải vậy. Những con mạnh cũng có thể bị những con mạnh hơn khác đe dọa, tấn công, tiêu diệt. Những loài rất mạnh vẫn có thể bị những loài  rất yếu tiêu diệt. Như trong kinh có nói về trường hợp một con sư tử bị những con vi trùng trong cơ thể tiêu diệt, kinh gọi đó là những “sư tử trung trùng” hoặc “sư tử trùng thực sư tử nhục”. Sư tử trung trùng nghĩa là trong con sư tử có vi trùng. Chúng ta đều có vi trùng trong người, vi trùng của sự nghi ngờ, giận hờn, tham ái, tức là trùng độc tham, sân, si, và nếu chúng ta để cho những loại trùng độc đó hoạt động liên tục ngày đêm thì một ngày kia giới thân và tuệ mạng của ta sẽ tiêu tán. Điều đó cho chúng ta thấy rằng,  nếu không có chánh niệm thì chúng ta sẽ có thể bị những cái rất nhỏ trong ta tiêu diệt chứ không phải là kẻ thù bên ngoài của ta. Còn khi có chánh niệm thì không lực lượng nào có thể tiêu diệt chúng ta được. 

Những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.

Ngày xưa khi đức Thế Tôn nói có những loài sinh vật mà ta không nhìn thấy được. Có người sẽ nghi ngờ hỏi tại sao? Nếu là sinh vật thì ta phải thấy chứ; nếu không có thì ta mới không thấy. Nhưng đức Thế Tôn biết có những loài mắt chúng ta không thể thấy được. Những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh. Không những cần thương yêu, bảo hộ cho những loài đã sinh mà ta còn phải thương yêu và bảo hộ cho cả những loài sắp sinh. Những loài sắp sinh là những bào thai, những sinh mạng chưa ra đời. Cho nên chuyện phá thai đích thực là hành động sát sinh, vì ta đã phá hỏng, tước đoạt đi sự sống, không cho sinh mạng được ra đời. Đó là một hành động không có từ bi. 

Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào.

Đây là một ước muốn, mình không muốn loài nào sát hại loài nào. 

Đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.

Câu này nếu chúng ta đọc và nhìn sâu thì sẽ thấy có nhiều điều để quán chiếu. Đọc kinh với tâm hồn thanh tịnh, ta sẽ khám phá ra những điều mà trước đó ta không thấy. Còn nếu đọc phớt qua một câu kinh, ta tưởng là đã hiểu nhưng sự thật có thể ta chưa hiểu. Nhìn hình thức thì thấy loài sư tử sát hại loài nai để ăn thịt. Ta không thể nói sư tử ơi, mày đừng có sát hại loài nai nữa. Nói như vậy không thực tế lắm. Sư tử là loài ăn thịt, nên thế nào nó cũng phải giết những con nai, những con bò mộng. Có một điều là sư tử chỉ bắt nai hay bò mộng khi nó đói. Khi sư tử ăn no rồi thì nó sẽ để phần còn lại cho những loài khác tới ăn như chó sói hoặc kên kên. Và khi không đói thì nhất định nó không đi săn mồi. Loài người không như vậy, loài người không đói cũng cứ đi săn, tom góp, tích lũy. Đó là sự khác biệt giữa loài người và các loài cầm thú. Ngày xưa khi chúng ta còn là kẻ du mục, chúng ta phải đi săn. Nhưng giờ đây các cửa hàng bày bán thịt làm sẵn khắp nơi, thế thì tại sao chúng ta phải đi săn, đi khủng bố các loài khác nữa? Mùa đông ở các vùng quê nước Pháp, vào những ngày Chủ nhật, chúng tôi hay nghe tiếng súng nổ và biết rằng có con nai, con heo rừng xấu số nào đó đã bị trúng đạn, chúng tôi thấy cảm thương cho các loài sinh vật đó. Chúng tôi biết các thợ săn đi săn thú hoang như vậy chỉ để tiêu khiển mà thôi.

 Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào. Đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai. 

Không chỉ tính mạng loài người là quý, tính mạng của các loài khác cũng quý không kém. Vì tính mạng các loài khác cũng có liên hệ đến tính mạng loài người. Nếu các loài khác bị tiêu diệt thì loài người cũng bị tiêu diệt. Đó là tinh thần bất hại, là lý duyên khởi, vô ngã, tương tức trong đạo Bụt. Trong cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ, chúng ta thấy người ta đã không thực tập giới điều này và lời dạy này. Bộ chỉ huy của quân đội Hoa Kỳ không thấy được điều này cho nên thường làm cho người dân thường (không phải quân sự) mất mạng trong những cuộc hành quân. Khi ta ngồi trên máy bay oanh tạc và thả một trái bom xuống, ta đâu biết dưới đó xảy ra chuyện gì. Ta có rất nhiều bom vì đất nước chế tạo ra rất nhiều bom đạn để bán cho các nước khác và để sử dụng trong chiến tranh. Ta trút xuống hàng tấn bom nhưng ta không biết được điều gì đang xảy ra bên dưới. Có thể có những em bé mới sinh, có những em bé ba tuổi, có những người già, có những cậu bé 12 tuổi đang cắp sách đến trường. Ta coi nhẹ sinh mạng của nhau. Nói như vậy không có nghĩa là bên Việt Nam có thực hành giới điều này.

Trong cuộc chiến tranh, những người dân thường bị chết rất nhiều và thường người ta chỉ nhắm tới thành công về phía quân sự chứ không thấy được sự thiệt thòi về mặt dân sự. Chính phủ Hoa Kỳ đã làm đủ mọi cách để bảo vệ tính mạng của những người lính Mỹ, nhưng sinh mạng của những người lính Việt và những thường dân Việt lại được coi  nhẹ. Điều này ai cũng phải công nhận. Nếu chúng ta đã từng đi qua cuộc chiến tranh Việt Nam chúng ta thấy rất rõ. Đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai. Anh là một người, tôi là một người, tại sao anh lại được bảo vệ nhiều hơn. Tính mạng của người lính Việt Nam Cộng hòa bị coi nhẹ hơn tính mạng của người lính Mỹ. Đó là điều ai cũng trông thấy trong cuộc chiến Việt Nam. Và khi nói tới tính mạng của người dân thì ta có thể nói người ta không coi trọng tính mạng của những người dân thường.

Đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.

Đây là một giáo huấn rất thực tế và rất sâu xa. Khi nổi giận, ta muốn trừng phạt, ta muốn người đó đau khổ, ray rứt; ta muốn người đó ngóc đầu lên không nổi để cho đã cái giận của ta. Trong ta ai cũng có khuynh hướng đó. Khi tức giận, ta khổ đau và khi khổ đau, ta có khuynh hướng làm người kia khổ để cho bõ ghét. Ta nghĩ rằng khi người kia khổ thì ta sẽ bớt khổ, đó là một tư duy sai lầm. Cho nên khi giận ta phải tập quán chiếu là ta đang khổ và ta không muốn làm người kia khổ theo. Vì vậy ta đừng để ý muốn phục thù, ý muốn trừng phạt biểu hiện, vì nếu làm như vậy thì ta không phải là đệ tử của đức Thế Tôn.

 Đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.

Đây là một lời dạy về tâm hành bất hại (ahiṃsāno harming), một tâm hành thiện trong 51 tâm hành. Chúng ta tranh đấu thì tranh đấu nhưng phải tranh đấu theo con đường bất hại, bất bạo động. Chúng ta phải tranh đấu thì nhân loại mới tiến bộ được. Nhưng chúng ta phải theo đường lối bất hại, tức là bất bạo động. Và chúng ta tranh đấu không phải bằng năng lượng của sự giận hờn, ác tâm mà phải tranh đấu bằng năng lượng của từ bi. Năng lượng từ bi có thể rất lớn, người ta có thể hy sinh tính mạng vì thương. Vì vậy khi cuộc tranh đấu của chúng ta được hướng dẫn bởi năng lượng của từ bi thì chúng ta có thể thay đổi được hoàn cảnh và thời cuộc mà không cần dùng đến năng lượng của sự giận hờn hoặc ác tâm. Giận hờn và ác tâm cũng là năng lượng rất mạnh nhưng năng lượng đó là năng lượng mù quáng. Vì trong giận hờn, trong ác tâm có chất si mê, điều này rất rõ trong giáo lý đạo Bụt. Trong tham, trong sân đều có si. Vì si mê, hiểu lầm nên mới tham, mới sân. 

Bây giờ đức Thế Tôn đi tới hành động: 

Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài.

Bà mẹ không phải là một lý thuyết mà là một hành động, mang con trong bụng chín tháng, sinh con ra, cho con bú, nhai cơm cho con, mặc áo cho con, tắm rửa cho con v.v. thì người mẹ không chỉ là một ước mong, người mẹ tượng trưng cho hành động. Năng lượng của sự thương yêu trong ta một khi đã đủ lớn thì sẽ đẩy ta đi tới hành động. Hành động này trước hết là sự đối xử của ta đối với người ngồi bên phải ta, đối với người bên trái ta, với những người ở gần và người ở xa ta và đối xử bằng năng lượng của một bà mẹ đối với con mình. Phải thương như vậy vì bà mẹ có cảm tưởng đứa con của mình chính là mình. Điều đó rất đúng. Nhưng không phải chỉ có con mình là mình mà cha mình cũng là mình, mẹ mình cũng là mình, anh em mình cũng là mình; những người đó đều có liên hệ rất mật thiết đến mình. 

Ban đầu người ta chỉ thấy có một người phụ nữ đang mang thai và khi đứa bé bắt đầu tượng hình trong bụng mẹ thì đứa bé chỉ lớn bằng một hạt mè. Nhìn vào ta chỉ thấy có một nhưng nhìn kỹ lại thì ta thấy trong cái một có cái hai. Và thai nhi đó lớn dần, lớn dần cho đến khi ra đời, thành ra hai nhưng chưa phải là hai vì giữa hai sinh vật còn có một sợi dây nối liền gọi là dây rốn (nhau), tiếng Anh gọi là umbilical cord. Đứa con được nối với bà mẹ bằng một sợi dây nhau và tất cả dưỡng khí mà bà mẹ thở được truyền cho con qua sợi dây đó, tất cả thức ăn bà mẹ ăn sẽ được truyền bằng đường dây đó. Cho nên mẹ thở cho con, mẹ ăn cho con, mẹ buồn thì con cũng buồn, mẹ vui thì con vui, mẹ khổ con cũng khổ v.v. Một bà mẹ phải sống rất chánh niệm thì mới nuôi con được. Nếu mỗi ngày nuôi con bằng sự tuyệt vọng, giận hờn thì đứa con sinh ra sẽ rất khổ, sẽ mang theo những nguồn năng lượng tiêu cực đó. 

Người mẹ không những nuôi đứa bé bằng dưỡng khí, bằng thức ăn mà còn bằng cả tâm tư của mình. Nếu bà mẹ thực tập bất hại thì đứa con khi sinh ra và lớn lên sẽ có hạt giống bất hại. Khi đứa bé ra đời người ta dùng kéo cắt sợi dây rốn đó để chính thức là hai nhưng kỳ thực hai mà còn là một. Cái cuống rốn đã cắt rồi, ta không thấy sự dính liền nữa nhưng ta vẫn biết rằng mẹ với con là một. Cái thấy đó có một ít tuệ giác bên trong nhưng cũng có một ít vô minh. Vì thấy mình với con là một là đúng nhưng mình buộc con phải làm, phải nghe theo tất cả ý thích của mình là không đúng. Con mình là một với mình nhưng mình không thấy rằng con mình cũng có nhận thức, cũng có cuộc đời riêng. Vì vậy khi một đứa con lớn lên, bà mẹ phải học để thấy đứa con vừa là mình vừa không phải là mình. Đó là tuệ giác không một không khác. Khi bà mẹ có được cái thấy đó thì đứa con mới có hạnh phúc. Còn nếu bà mẹ chưa học được điều đó, chưa có được cái thấy đó mà vẫn nhốt con mình trong vùng điều khiển của mình thì đứa con sẽ đau khổ vì không có tự do, không có không gian. Một người anh với một người em, một người em với một người chị, phải nhìn thấy cuống rốn của mình có liên hệ với người kia. Khi thấy được điều đó thì ta không nỡ tàn sát, trừng phạt và làm cho người kia khổ đau vì người kia cũng là con của mẹ. Ta với người anh của ta, ta với người em của ta, ta với người con của ta, ta với người cháu của ta có một sự liên hệ. Sự liên hệ đó tuy không thấy bằng mắt nhưng có thể thấy bằng chánh niệm. Do đó ta không vì giận hờn, ác tâm mà trừng phạt, làm cho họ đau khổ. Trái lại ta phải biết che chở cho những người đó. 

Ở Việt Nam, chúng ta thường nói: ông vua này, ông quan nọ thương dân như con đỏ. Con đỏ là con mới sinh ra còn đỏ hỏn. Câu đó cũng nằm ở trong tinh thần này, một ông vua đích thực thì phải biết thương dân như con, gọi là “dân chi phụ mẫu” (vua quan như cha mẹ của dân). Cha mẹ thì không thể nào làm khổ con được. Vì vậy một ông vua, một ông quan thì phải làm cho dân có hạnh phúc. Đó là bổn phận, là lý do tồn tại của một ông vua, một ông quan. Làm cho dân của mình có hạnh phúc cũng như lý do tồn tại của bà mẹ là làm cho đứa con có hạnh phúc. Chân lý này không phải chỉ có trong đạo Bụt mà còn nằm ở ngoài đạo Bụt, nghĩa là chúng ta phải thương nhau như thương đứa con còn nhỏ của chúng ta.

Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài. 

Câu kinh này chỉ có ý nghĩa nếu chúng ta biết quán chiếu và áp dụng vào đời sống hằng ngày, nếu không thì đó chỉ là lời tuyên bố suông. Ta phải thương yêu mọi loài. Ai mà không đồng ý chuyện đó? Ai mà không muốn như vậy? Nhưng làm thế nào để thương yêu? Thật sự, chúng ta phải thấy rằng thương yêu là cái đẹp nhất trên đời. 

Trong kinh Tương ưng bộ, Bụt có nói rằng: thực tập từ thì mình đạt tới cái đẹp. Khi lật bản chữ Hán ra, chúng ta thấy các vị ngày xưa đã dịch: thực tập từ thì đạt tới sự thanh tịnh. Dịch như vậy là không đúng. Câu nói rất rõ: thực tập từ thì mình đạt tới cái đẹp. Vì vậy từ bi là cái đẹp nhất ở trên đời. Nếu trong trái tim ta không có từ thì ta không có gì đẹp để hiến tặng cho ta và cho người khác. Cho nên con đường của đạo Bụt được gọi là con đường của thương yêu, con đường của hiểu biết. Muốn thương yêu thì phải hiểu biết. Một người mà chất liệu thương yêu đã cạn, đã khô thì con người đó khổ đau lắm và rất cô độc. Chúng ta hãy nhìn xung quanh ta để quán chiếu và thấy rằng những người đau khổ nhất trên đời là những người mà trong đó dòng suối thương yêu đã cạn, rất tội. Chỉ có cách làm khơi dậy để cho nước từ bi được phun lên trong lòng suối thì đời sống người đó mới có hạnh phúc. Nếu ta thấy trong tâm ta dòng suối yêu thương cạn bớt thì ta phải được báo động. Khi nào dòng suối thương yêu của ta không có nước, không tuôn chảy nữa thì lúc đó ta đã lâm vào nguy hiểm. Vì vậy thực tập từ bi cũng là thực tập hạnh phúc. Thương một người khác, giúp một người khác, tạo hạnh phúc cho một người khác thì ta  nghĩ rằng chỉ có người khác được nhờ thôi, nhưng kỳ thực khi tình thương được khơi dậy trở lại trong tâm, khi ta chỉ mới có ước muốn thương thôi thì tự nhiên trong thân tâm ta đã khỏe rồi. Chưa làm gì hết, chưa nói gì hết, chỉ mới có ý muốn làm cho người kia bớt khổ và có hạnh phúc thì ước muốn đó đã là một năng lượng làm cho ta khỏe, nhẹ, và hạnh phúc thêm rồi. Cho nên ước muốn rất quan trọng. Một người bị khô cạn năng lượng của tình thương là một người rất cô độc, luôn cảm thấy mình bị cắt đứt ra khỏi dòng chảy của cuộc đời. Và đối với những người đó, sự cô đơn là một địa ngục, vì người đó sống rất cô đơn, không thiết lập liên lạc được với ai. Người đó đánh mất khả năng hiểu và thương bản thân và người khác. Cho nên chúng ta phải biết rằng thương yêu là một chất liệu giúp ta thiết lập liên hệ với loài người, các loài cầm thú, các loài cỏ cây và đất đá. Lúc ấy ta sẽ thấy được ta với họ cùng chung một dòng chảy của sự sống. Hành xử của ta sẽ là hành xử của sự bất hại, thương yêu. Ta không có ý muốn trừng phạt nữa, ta không có ý muốn loại trừ, tiêu diệt nữa mà ta có ý muốn bảo vệ, chở che. 

Chúng ta có một bài kệ để thực tập khi soi gương:

Chánh niệm là đài gương

Gương soi hình tứ đại

Đẹp nhất là tình thương 

Và cái nhìn rộng rãi.

Cái nhìn rộng rãi là cái nhìn đưa tới sự chấp nhận, đưa tới tình thương mà tình thương là điều đẹp nhất trên đời. Một kiệt tác hội họa hay một bản nhạc trứ danh tuy đẹp thật nhưng tất cả những cái đó so với tình thương thì không ý nghĩa gì. Tình thương là đẹp nhất. Mỗi buổi sáng, khi cầm bàn chải để chải răng, ta hãy để ra vài giây nhìn vào trong gương, không việc gì phải vội vã, ta hãy nhìn vào mặt mình một chút xíu thì ta sẽ thấy được thân tứ đại của mình và nở một nụ cười lân mẫn với chính mình. Ta ban cho ta nụ cười để giúp cho khuôn mặt của ta đỡ căng thẳng, nhăn nheo; đó đã là thương rồi. Trong ta có một dòng suối của yêu thương hay không? Ngày hôm nay ta làm gì để cho dòng suối yêu thương trong ta có nước? Ta phải thực tập nhìn mọi người bằng cái nhìn rộng rãi, tức là cái nhìn thương yêu, từ nhãn thị chúng sanh. Bụt dạy ta hãy tập nhìn bằng con mắt của đức Bồ tát Quan Thế Âm vì đức Quan Thế Âm biết nhìn bằng con mắt thương. Trong khi chải răng ta phải nhìn ta trong tấm gương để thấy rằng đối tượng thương yêu trước hết là chính ta; ta phải thương ta, ta phải mỉm cười với ta, phải khơi dậy dòng suối thương yêu trong ta để cho dòng suối tuôn chảy trở lại. Làm được điều đó với chính ta rồi thì ta mới có thể nhìn người anh, người em, người chị của ta bằng cái nhìn rộng rãi, yêu thương. Khi nhìn được như vậy ta sẽ rất khỏe. Và người anh, người em, người chị của ta cũng rất khỏe vì cái nhìn của ta không phải là cái nhìn soi mói, chỉ trích, vạch lá tìm sâu; cái nhìn của ta là cái nhìn của sự tha thứ, bao dung, độ lượng, cái nhìn của bà mẹ nhìn đứa con của mình. 

Để cho công phu của chúng ta có tiến bộ, chúng ta nên sử dụng một cuốn tập, một quyển sổ tay để ghi chép. Một ngày chúng ta cống hiến cho sự tu học là một ngày rất quý báu. Chúng ta có một ngày trọn vẹn để công phu, vậy tại sao chúng ta coi thường ngày tu tập của chúng ta! Ta được ban tặng hai mươi bốn giờ đồng hồ để sống, để tu tập, tại sao ta không sống, không làm hết mình. Khi chúng ta đi hướng dẫn một ngày chánh niệm, chúng ta tổ chức, lên chương trình rất kỹ: sư anh nào nói pháp thoại, sư anh nào hướng dẫn thiền hành, sư anh nào hướng dẫn thiền ngồi, và đến giờ ăn cơm ai sẽ đọc lời quán nguyện, v.v. chúng ta hoạch định rất chu đáo cho một ngày chánh niệm. Một ngày sống trong thiền viện cũng vậy, ta phải thiết kế ngày đó cho thông minh, đừng để trôi đi như lục bình trôi riu ríu trên dòng sông. Ta phải nắm lấy quyền tự chủ, phải tổ chức cho ngày thực tập của mình trở thành một ngày có giá trị, trong đó mỗi giây phút của đời sống có thể làm lớn lên tình thương trong ta. Có một cuốn sổ tay, có một cây bút, tại sao ta không làm điều đó. 

Buổi sáng trong thời ngồi thiền, tại sao ta không dùng thời giờ thiền tập đó để quán chiếu, để nhìn sâu và thấy rõ ngày hôm nay ta phải sống như thế nào để ngày hôm nay trở nên một tặng phẩm quý giá của ta đối với bản thân ta và của ta đối với người khác. Tại sao ta cứ ngồi đó mà trông chờ cho đến khi hết giờ ngồi thiền. Giờ ngồi thiền ta phải dùng để quán chiếu. Không ai cấm chúng ta đem một cuốn sổ tay đi vào thiền đường trong giờ ngồi thiền cả. Cố nhiên là trong giờ ngồi thiền chúng ta không suy nghĩ vẩn vơ, không dùng giờ ngồi thiền để làm bài hay làm gì khác nhưng trong giờ ngồi thiền nếu quán chiếu thấy được cái gì hay trong mình và trong tăng thân thì ta có thể ghi chép lại. Cái thấy đó sẽ giúp ta thực tập thành công và ta làm cho ngày đó trở thành một ngày hạnh phúc. Chúng ta biết rằng ngày đó ta có hạnh phúc thì người anh, người chị, người em của ta cũng sẽ có hạnh phúc.

Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ một cái gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù. 

Chữ không giới hạn được dịch từ chữ vô lượng (unlimited, boundless). Từ là một tâm vô lượng trong Tứ vô lượng tâm. Từ có thể phát triển tới vô cùng nên gọi là từ vô lượng. Có những việc chỉ phát triển tới mức tối đa của nó và không thể nào phát triển hơn được nữa nhưng từ thì phát triển tới vô cùng vô tận nên ta gọi từ là vô lượng tâm. 

Khi người kia dễ ghét, khi hoàn cảnh khó khăn, khi người kia phụ bạc, khi người kia có lòng oán hận ta, khi người kia tìm cách làm hại ta, v.v. thì những việc đó không làm suy giảm sự thương yêu của ta. Thương yêu đích thực chỉ đơn giản là thương thôi. Người kia không dễ thương ta vẫn thương được. Đó gọi là từ. Còn người kia dễ thương nên ta thương thì đâu có sự thực tập gì. Đó chỉ là vấn đề hưởng thụ. Thương cái không dễ thương mới thật là thương. Ta thấy người đó giận hờn, thù hận, ích kỷ, hẹp hòi, dại dột, khổ đau, v.v. ta đã không giận mà còn thương và tội nghiệp cho người đó. Bởi vì người đó chưa được gặp thầy, bạn hiền, chưa được gặp tăng thân nên người đó mới làm như vậy. Thay vì giận hờn và chê bai người đó, ta phải tìm cách tạo ra những cơ hội để giúp người đó vượt thoát tình trạng của họ.

Không bị bất cứ một cái gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù. Đối trị với cơn giận, đối trị với sự căm thù là một phần thực tập của từ quán. Từ quán là phương thuốc để trị bệnh hận thù. Trong kinh Pháp cú, Bụt dạy: Không thể lấy hận thù để đối đáp với hận thù, chỉ tình thương mới có thể đáp lại với hận thù mà thôi. Đó là một lời giáo huấn bất hủ. Chỉ có tình thương mới trả lời được với hận thù. Tại vì hờn oán, căm thù có trong tâm ta nên khiến ta đau khổ. Ta đau khổ thì tất nhiên ta sẽ làm cho người khác đau khổ theo. Đó là con đường ngược lại với con đường đạo Bụt.

Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi. 

Từ bi không phải là một lời tuyên bố, từ bi không phải là tụng kinh Thương yêu mỗi buổi sáng. Từ bi là phải nuôi ước mong sống thương yêu mỗi giây phút trong đời sống hằng ngày. Đó gọi là chánh niệm từ bi (mindfulness of love). Ta phải biết vun xới, giữ gìn cho chánh niệm từ bi trong ta còn mãi trong suốt 24 giờ. Đi cũng thương, ngồi cũng thương, nằm cũng thương, làm việc cũng thương v.v. Tất cả mọi hoạt động trong ngày của ta đều được thực hiện bằng tình thương. Khi dỗ dành con nít ăn cơm, lúc các bé không chịu ăn, người ta thường khơi dậy tình thương trong lòng bé: “Con ăn muỗng này cho ông nội nè”. Ăn muỗng đó xong rồi, em bé lại ngậm miệng, không chịu ăn nữa. Người ta lại dỗ tiếp: “Con ăn muỗng này cho mẹ nè”. Người ta động viên con nít bằng tình thương như vậy. Bởi vì người ta biết rằng tình thương rất quan trọng. Ta thương ta, ta thương cha mẹ ta, ta thương tăng thân, ta thương nhân loại, thương lý tưởng của ta. Cho nên mỗi cử chỉ, mỗi hành động trong ngày của ta phải được thúc đẩy bằng tình thương, khi đó ta là hiện thân cho tình thương, là nguồn an lạc cho đại chúng, cho mọi người, mọi loài và cho cả trái đất. 

Chánh niệm từ bi nghĩa là sự có mặt của năng lượng từ bi một cách thường xuyên. Khi nào năng lượng từ bi không có mặt tức là không có chánh niệm từ bi. Khi có chánh niệm thì ta đi vào định, gọi là định từ bi. Sống với định từ bi là một nếp sống rất đẹp, vì nơi chúng ta sống hay địa chỉ mà chúng ta sống đích xác là nơi sống và địa chỉ của chư Bụt và chư vị Bồ tát. Chỗ đi về của chư Bụt và Bồ tát là từ, bi, hỷ và xả. Vậy khi ta nuôi sống chánh niệm từ bi trong ta thì ta biết rằng mình đang ở chung với Bụt và chư vị Bồ tát. Khi chánh niệm từ bi tắt đi thì định về từ bi cũng tắt đi, ngay tức khắc ta rơi vào vùng của sự hận thù và xa rời thiên đường của thương yêu. 

Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất.

Không lạc vào tà kiến, loại dần ham muốn, sống nếp sống lành mạnh và đạt thành trí giác, hành giả sẽ chắc chắn vượt khỏi tử sinh.

Tà kiến là những cái thấy sai lạc (wrong view). Muốn đừng đi vào những tà kiến, những kiến chấp sai lạc thì ta phải thực tập quán chiếu, loại dần ham muốn. Khi tà kiến bớt đi rồi, những đam mê của chúng ta càng ngày càng ít. Lúc ấy ta bắt đầu có một nếp sống lành mạnh và đạt tới trí giác lớn, đó là trí giác của Bụt. Có trí giác lớn thì ta không còn trở lại cõi sinh tử đầy khổ đau nữa. Không còn trở lại cõi sinh tử đầy khổ đau không có nghĩa là vắng hết khổ đau mà chỉ có nghĩa là người có trí không còn bị những tà kiến, tri giác sai lầm lung lạc nữa, không còn rơi vào lối sống tiêu cực, kỳ thị, phân biệt, hẹp hòi, cố chấp, gây tổn hại đến bản thân, mọi người và mọi loài. Người có trí đã đạt tới chánh kiến – có được trí tuệ cao siêu và từ bi rộng lớn thì không còn sợ hãi một điều gì nữa cả.

(Trích từ Thiền Môn Nhật Tụng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Kinh A Nan Nhất Dạ Hiền Giả

Kinh Phật 17:10 24/03/2025

Phật nói Kinh A Nan Nhất Dạ Hiền Giả, trích từ Kinh Trung Bộ tập 3, Kinh A Nan Nhất Dạ Hiền Giả số 132, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.

Kinh Hiền ngu

Kinh Phật 17:00 23/03/2025

Phật nói Kinh Hiền ngu, trích từ Kinh Trung Bộ tập 3, Kinh Hiền ngu số 129, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.

Kinh Hoa Nghiêm: Phẩm Hiền Thủ Thứ mười hai (tập 1)

Kinh Phật 20:04 22/03/2025

Kinh Hoa Nghiêm là bộ kinh đại thừa, là vua trong các kinh, với nội dung siêu việt tuyệt luân hùng vĩ, tráng lệ nguy nga, thể hiện pháp thân, tư tưởng và tâm nguyện của Phật.

Đại Kinh đoạn tận ái

Kinh Phật 17:00 21/03/2025

Phật nói Đại Kinh đoạn tận ái, trích từ Kinh Trung Bộ tập 1 , Đại Kinh đoạn tận ái số 38, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.

Xem thêm

Phật Giáo
Phật Giáo

Từ điển Phật giáo

Phật Giáo
Phật Giáo
Phật Giáo