Chuông chùa Ngũ Hộ - cổ vật trở về từ Tokyo
Chuông chùa Ngũ Hộ, ra đời cách đây gần 200 năm, được phát hiện trong một tiệm đồ cổ ở Ginza, Tokyo và đưa về Việt Nam.
Chuông là một trong hơn 300 hiện vật đang được giới thiệu tại triển lãm Di sản văn hóa Phật giáo tỉnh Bắc Ninh, kéo dài đến hết tháng 3. Chuông chất liệu đồng, đường kính 42 cm, cao 100 cm, nặng 120 kg. Quai chạm hình rồng hai đầu, miệng ngậm viên ngọc, hai chân trước quỳ xuống, thân uốn cong tạo thành quai treo.
Thân chuông chia làm bốn phần, phân cách bằng năm đường gờ chỉ chạy suốt từ trên xuống đến núm chuông. Bốn núm chuông phân đều bốn mặt, kích thước bằng nhau. Bốn phần của thân chuông mỗi phần lại chia làm hai ô. Ô trên hình chữ nhật đứng, ô dưới hình chữ nhật nằm. Bốn ô trên đúc nổi bốn chữ lớn theo trình tự: Ngũ, Hộ, Tự, Chung, kèm theo minh văn chữ Hán nêu triết lý Phật giáo, nguồn gốc ra đời của chuông. Bốn ô dưới trang trí hoa văn và chữ.
Số phận quả chuông có nhiều biến động. Theo hồ sơ hiện vật của bảo tàng, vào thời Nguyễn, năm gia đình ở Kim Đôi (Bắc Ninh) quyên góp xây dựng chùa, đặt tên là Ngũ Hộ. Họ đúc quả chuông đầu tiên, nhưng sau đó bị phá hủy do chiến tranh, phải làm lại quả khác. Tháng 2/1825, chuông mới bị cướp. Dân làng vốn quen với tiếng chuông nên tìm cách làm chiếc khác. Sau ba năm quyên góp tiền của, ngày 19/12 năm Minh Mạng thứ chín (1828), quả chuông thứ ba được hoàn thành. Thân chuông khắc tên 300 người thuộc 30 xã góp công đức.
Năm 1945, quân đội Nhật chiếm Bắc Ninh, sử dụng chùa Ngũ Hộ làm xưởng gỗ. Sau khi bại trận, quân lính vơ vét của cải, trong đó có chiếc chuông mang về nước.
Cuối năm 1977, Watanabe Takuro - luật sư, nhà sưu tập đồ cổ - nhìn thấy chuông treo tại một tiệm đồ cổ ở Ginza, Tokyo. Chủ tiệm cho biết chuông do một sĩ quan bán lại. Sau khi nghiên cứu phần minh văn, Takuro bất ngờ khi phát hiện đó là chuông quý của chùa Ngũ Hộ ở Việt Nam. Ông muốn mua lại để trao trả về nước. Chủ tiệm ra giá 9 triệu yen (1,5 tỷ đồng) - con số lớn thời bấy giờ. Watanabe Takuro rút toàn bộ tiền tiết kiệm để đặt cọc, tìm cách huy động tiền mua chuông. Watanabe Takuro tổ chức Cuộc vận động trao trả lại chuông cho Việt Nam, mời nhà sư Onishi - trụ trì chùa Kiyomizu-dera, sư Fujii - trụ trì chùa Nippon Myohoji, nhà văn Matsumoto Seicho đứng ra kêu gọi. Chương trình nhằm quyên góp 7 triệu yen (1,2 tỷ đồng) đến hết tháng 1/1978, với mong muốn kịp hồi hương chuông về Việt Nam vào dịp Tết âm lịch. Dù không kịp thời gian dự kiến, sau vài tháng, tổ chức thu được tổng số tiền 9,6 triệu yên (1,7 tỷ đồng). Chủ tiệm cũng giảm giá hiện vật xuống còn 5 triệu yen (875 triệu đồng). Trước khi cổ vật hồi hương, nhiều nơi ở Tokyo, Kyoto, Nara, Osaka và Kobe tổ chức lễ cầu nguyện cho chuông.
Ngày 14/6/1978, lễ trao trả chuông cho Việt Nam diễn ra tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Khi ấy, chùa Ngũ Hộ bị tàn phá trong chiến tranh, chưa được tu sửa lại, Hội hữu nghị Việt Nhật và Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam thống nhất gửi chuông về chùa Bút Tháp. Sau này, chuông được đưa về Bảo tàng Hà Bắc (nay là Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh) lưu giữ và bảo quản trong kho.
Tháng 9/2012, dịp kỷ niệm 35 năm chuông hồi hương, ông Watanabe sang Việt Nam dự lễ cầu nguyện vì hòa bình hữu nghị. Khi ấy, ông đã 89 tuổi, phải di chuyển bằng xe lăn. Đánh tiếng chuông ở Bảo tàng Bắc Ninh, Watanabe nói: "Hãy vang xa đến toàn thế giới. Tiếng chuông chùa Ngũ Hộ, tiếng chuông cao quý vì hòa bình".
Theo VnExpress
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kinh lá buông - “báu vật” của đồng bào Khmer An Giang
Trong nước 15:30 21/11/2024Là một trong Tam bảo của Phật giáo Nam Tông Khmer, kinh lá buông được xem như “báu vật” có giá trị đặc biệt trong đời sống tâm linh của đồng bào Khmer vùng Bảy núi An Giang.
Tiền Giang: Tăng Ni sinh lớp Trung cấp, Cao đẳng Phật học tri ân thầy cô giáo
Trong nước 16:00 20/11/2024Hòa cùng trong không khí hân hoan của bao thế hệ học trò đón mừng ngày Nhà giáo Việt Nam; sáng ngày 20/11/2024, tập thể Tăng Ni sinh các lớp Trung cấp và Cao đẳng Phật học Tiền Giang tổ chức tri ân chư Tôn đức ban Cố vấn, Ban Giám hiệu nhà trường.
Tiền Giang: 17 cơ sở tự viện tại H.Cái Bè được thành lập và bổ nhiệm Ban Quản trị
Trong nước 09:00 20/11/2024Ngày 19/11/2024 (nhằm ngày 19 tháng 10 năm Giáp Thìn) Ban Trị sự GHPGVN huyện Cái Bè tổ chức phiên họp lệ, trao quyết định thành lập và bổ nhiệm Ban Quản trị cho các cơ sở tự viện, tại Văn phòng BTS - chùa Thiền Quang, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2024 tại chùa Bái Đính
Trong nước 18:30 18/11/2024Tối 17/11, tại chùa Bái Đính, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tổ chức Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2024, với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”.
Xem thêm