Kinh Tám điều trai giới
Thế nào gọi là trì trai chân chính đúng với pháp Phật? Phật tử thuần thành, mỗi tháng sáu ngày, tiếp nhận tám giới với tâm thanh tịnh, thực hành nghiêm túc, làm mới thân tâm, mang lại hạnh phúc, an lạc dài lâu.
BA LOẠI TRAI GIỚI
Tôi nghe như vầy. Một thời đức Phật ở điện Thừa Tướng, thuộc thành Xá-vệ, mẹ quan Thừa Tướng là bà Duy-da và các con dâu đến thăm viếng Ngài. Sau khi lễ Phật, họ ngồi một bên, thỉnh Phật tuyên thuyết các lợi ích của Bát quan trai giới. Này bà Duy Da, về trì trai giới có ba nhóm loại: Một là trì trai như người chăn trâu. Hai là trì trai như đạo lõa thể. Ba là trì trai đúng với Phật pháp.
Thế nào gọi là trì trai giống như những kẻ chăn trâu? Những kẻ mục đồng thường mong ước được nước sạch, cỏ xanh cho trâu ăn uống. Chiều về họ nghĩ cánh đồng phong nhiêu, để vào ngày mai lùa trâu đến đó. Công việc của họ là chăn và lùa, cho ăn, lấy sữa. Tương tự, nam nữ đã nhận trai giới lại bận tâm vào tham dục, sản nghiệp, thức ăn ngon ngọt, để làm thỏa mãn cái tâm ham thích. Tiếp nhận trai giới như cách vừa nêu không được lợi lạc và thiếu sáng suốt.
Thế nào gọi là trì trai giống như tu đạo lõa thể? Vào những ngày rằm, người theo đạo này nằm sát xuống đất, tiếp nhận trai giới, họ lạy thần linh trong mười cây số và cầu nguyện rằng: “Hôm nay ngày trai, tôi không làm ác, tôi không dám nói có nhà của người hay nhà của mình, tôi không thân quen; vợ, con, tôi tớ không phải sở hữu, tôi không phải là chủ nhân của họ”. Cách làm như thế chẳng qua chỉ là loại học văn sang mà chữ thì hèn, không có thực tâm. Qua sáng hôm sau, đâu cũng vào đấy, không chút thay đổi tâm tánh, thói quen. Trì trai như thế không lợi ích lớn do thiếu sáng suốt.
Thế nào gọi là trì trai chân chính đúng với pháp Phật? Phật tử thuần thành, mỗi tháng sáu ngày, tiếp nhận tám giới với tâm thanh tịnh, thực hành nghiêm túc, làm mới thân tâm, mang lại hạnh phúc, an lạc dài lâu.
TÁM ĐIỀU TRAI GIỚI
Trai giới thứ nhất trong một ngày đêm, như bậc chân nhân, thương tưởng chúng sanh, không gieo sát nghiệp với người, thú vật và loài côn trùng; không dùng dao, gậy giết hại chúng sinh; góp phần xây dựng thế giới hòa bình, xã hội an vui; hết lòng thực tập giới này thanh tịnh. Trai giới thứ hai trong một ngày đêm, như bậc chân nhân, chuyển hóa lòng tham, từ bỏ trộm cắp, những gì không cho thì không được lấy; tôn trọng sở hữu của những người khác; thích hạnh bố thí, chia sẻ giúp người; khi tặng biếu ai rất là trân trọng, không gây mặc cảm; cho không mong cầu đền đáp về sau; bỏ tâm tham lam, keo kiệt, bủn xỉn; hết lòng thực tập giới này thanh tịnh. Trai giới thứ ba trong một ngày đêm, như bậc chân nhân, không có dâm ý, không vướng dục lạc, không màng tính dục, không thích nhan sắc; tu hạnh thanh cao; hết lòng thực tập giới này thanh tịnh. Trai giới thứ tư trong một ngày đêm, như bậc chân nhân, không nói vọng ngữ, tâm niệm chân chính, ngôn ngữ chân thật, không lời dối gạt, miệng tâm khớp nhau, nói gì làm nấy, làm gì nói nấy; hết lòng thực tập giới này thanh tịnh. Trai giới thứ năm trong một ngày đêm, như bậc chân nhân, không uống rượu bia, ma túy, thuốc lá và độc tố khác; tâm không mê loạn, không bỏ chánh niệm, ý không buông lung, hạnh luôn đoan chánh; hết lòng thực tập giới này thanh tịnh. Trai giới thứ sáu trong một ngày đêm, như bậc chân nhân, không trang sức phẩm, không xức nước hoa, không xoa phấn sáp, không ăn mặc đẹp; không ca, hát, múa; hết lòng thực tập giới này thanh tịnh. Trai giới thứ bảy trong một ngày đêm, như bậc chân nhân, không nằm giường nệm sang trọng đắt tiền, không ngủ quá nhiều; sống ngày giản dị; vui với Phật pháp; hết lòng thực tập giới này thanh tịnh. Trai giới thứ tám trong một ngày đêm, như bậc chân nhân, ăn uống đúng thời, sau ngọ không ăn; tiết chế ăn uống, làm nhẹ thân thể; vui với Phật pháp; hết lòng thực tập giới này thanh tịnh.
THỰC TẬP NĂM NIỆM
Này các đệ tử, đó là tám giới mà những người đời tập tu một ngày như người xuất gia. Để ngày trì trai được quả phúc lớn, người nhận trai giới cần luôn ghi nhớ năm niệm sau đây. Một là niệm Phật với mười đức hiệu: “Phật là Như Lai, là bậc Chí chân, bậc Chánh đẳng giác, bậc Minh hạnh túc, bậc Thế gian giải, bậc Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, bậc thầy trời người, là bậc Thế Tôn”. Nhờ tâm niệm Phật, trạng thái ngu si, ác ý, phẫn nộ và các bất thiện đều không khởi lên; tâm thiện lớn mạnh, vui với niệm Phật, đức lành tăng trưởng, được người quý mến; như người gội đầu trừ sạch gàu bẩn.
Hai là niệm Pháp là trí tuệ lớn, soi sáng thế giới, xóa tan khổ đau, mang lại hạnh phúc. Giáo pháp rất nhiều, gồm trong ba bảy yếu tố giác ngộ: Bốn điều quán niệm, bốn thứ tinh tấn, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy chi giác ngộ và tám chánh đạo. Nhờ tâm niệm pháp ta có giải pháp thoát mọi khổ đau.
Ba là niệm Tăng, đoàn thể xuất gia, bốn đôi tám bậc, có lý tưởng lớn, học tu Phật pháp, tỏ ngộ Phật tuệ, chứng đắc đạo quả hoặc đang trên đường chứng đắc đạo quả, từ quả thứ nhất đến A-lahán. Tăng đoàn đạt được đạo đức, thiền định, trí tuệ và tuệ giải thoát; đầy đủ các hạnh, tròn đầy thánh đức; đáng làm ruộng phước cho đời gieo trồng. Nhờ niệm Tăng đoàn, các nghiệp si mê, ác ý, phẫn nộ đều được trừ sạch, tâm hoan hỷ sanh, vui thích việc thiện. Như lấy tro chín giặt tẩy áo quần không còn nhơ bẩn.
Bốn là niệm Giới. Khi đã tiếp nhận giới luật của Phật, nên giữ trọn vẹn, không tạo tỳ vết, không để thiếu sót, giữ gìn trang nghiêm và luôn miên mật; tâm không dao động, thân không phóng túng; tất cả việc làm đều hợp trí tuệ, không hề hối hận; không còn phân biệt, dùng tâm bình đẳng giáo hóa, độ người; điều phục đại chúng theo đường đạo đức; tâm luôn hoan hỷ, sống trong an lành. Ví như mài gương, phẳng lì, sáng tỏ, chiếu soi các vật. Người giữ giới hạnh, thân tâm thanh tịnh, an lạc tràn đầy.
Năm là niệm Thiên, gồm Tứ thiên vương, Đao lợi, Diêm ma và trời Đâu suất, cùng nhiều trời khác. Nên hiểu tin rằng tái sinh cõi thiên là do thực tập chánh tín, giới hạnh, bố thí, trí tuệ… và nhiều nghiệp lành. Ví như châu báu, chiếu tan tối tăm, mang lại ánh sáng. Người niệm chư thiên, tăng thêm niềm tin về nhân quả lành, vững đường đạo đức.
LỢI ÍCH THỰC TẬP
Này các đệ tử, những ai thực tập trọn vẹn tám giới và năm tâm niệm vừa được nêu trên, hiện đời an lạc do dứt bất thiện, tăng trưởng điều lành, phát triển tâm linh, chứng đạt niết-bàn; đến khi qua đời, sanh về cõi lành hoặc các cõi trời. Những người có trí ra sức thực tập, chuyên tâm làm phúc, chuyển hóa khổ đau. Này bà Duy-da và các đệ tử, phước và an lành của ngày thực tập Bát quan trai giới đáng được khen ngợi, còn vượt trội hơn tài sản, của báu của mười sáu nước gộp lại cùng nhau.
Tuổi thọ cõi trời dài lâu không xiết. Có những cõi trời, một ngày một đêm bằng năm mươi năm ở địa cầu này. Tại cõi Tứ thiên, người sống rất thọ, đến năm trăm năm, bằng trên địa cầu chín trăm vạn năm. Giữ Bát quan trai trọn vẹn trang nghiêm sẽ được tái sanh về các cõi trời. Cả một trăm năm trên địa cầu này chỉ bằng một ngày trên trời Đao lợi. Người ở Đao lợi thọ một nghìn tuổi bằng trên dương gian ba nghìn sáu trăm vạn năm dài dẳng. Hai trăm năm dài trên địa cầu này chỉ bằng một ngày của cõi Diêm thiên. Tuổi thọ của người trên cõi Diêm thiên dài hai ngàn tuổi, bằng trên trần gian một ức năm nghìn hai trăm vạn năm. Cả bốn trăm năm trên địa cầu này chỉ bằng một ngày của trời Đâu-suất. Người trời Đâu-suất thọ bốn nghìn tuổi, bằng trên trần gian đến sáu ức tám trăm vạn năm dài… Chênh lệch thời gian ở địa cầu này với các cõi trời là vô cùng lớn, không thể kể hết. Người giữ trang nghiêm Bát quan trai giới, đầy đủ chánh tín, thực tập bố thí, phát triển trí tuệ, đến khi qua đời sẽ được sanh về các cõi trời ấy, tùy theo phước báu của mình đã tạo, để hưởng an lạc, dài lâu vô cùng.
Nói về việc thiện thì nhiều không xiết. Trong pháp hội này, ta chỉ lược nói một vài trường hợp. Ai làm việc thiện, sống được hạnh phúc, chết thì nhẹ nhàng, tái sanh cõi lành, hoặc các cõi trời, để hưởng hạnh phúc, an lạc dài lâu. Phật vừa dứt lời, quý bà Duy-da và người có mặt vô cùng hoan hỷ, đảnh lễ Thế Tôn, tán dương việc thiện, phát nguyện tiếp nhận Bát quan trai giới sáu ngày mỗi tháng, đồng thời phát nguyện nỗ lực làm phúc, giúp người cứu đời, không hề thoát lui. Mọi người hạnh phúc, giữ gìn trai giới.
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Sa môn Thích Nhật Từ soạn dịch
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kinh Lửa Cháy (Aditta-pariyaya Sutta)
Kinh Phật 14:35 06/11/2024Vài tháng sau khi giác ngộ, Ðức Phật giảng bài pháp nầy cho 1000 tu sĩ theo phái thờ thần lửa. Qua lối giảng siêu việt của Ngài, Ðức Phật đã dùng ví dụ về lửa cháy (lửa tham, sân, si) để dạy về tâm xả ly đối với các cảm thọ qua sáu căn.
Kinh Thiên sứ
Kinh Phật 06:26 31/10/2024Trong Trung Bộ Kinh (Kinh 130), Phật bảo (tóm tắt): "Này các Tỳ Kheo! Ðiều Ta đang nói, Ta không phải nghe từ một Sa Môn hay Bà La Môn nào khác. Những điều Ta đang nói chỉ được Ta biết mà thôi, chỉ được Ta thấy mà thôi, chỉ được Ta hiểu mà thôi".
Kinh Điều Ngự
Kinh Phật 23:40 28/10/2024Trung Bộ Kinh chép: Một hôm có Aggivessana dòng Bà La Môn đến hỏi Phật về phương pháp tu hành, Phật dạy:
Phật nói kinh vô thường
Kinh Phật 14:45 03/10/2024Tôi nghe như vậy. Một thời Phật tại thành Thất la phiệt nơi rừng Thệ đa, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ Phật bảo các Tỳ kheo rằng trong các thế gian có ba pháp không thể yêu, không trong sạch, không thể muốn, không vừa ý. Ba pháp là gì?
Xem thêm