Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 17/07/2022, 15:56 PM

Chuông chùa Thiên Mụ

Tọa lạc trên một ngọn đồi thuộc xã Hà Khê, cách cố đô Huế về phía Tây khoảng 05 km, “Thiên Mụ tự” nghiễm nhiên trở thành một thắng cảnh uốn quanh địa thế “Sông Hương núi Ngự”. Trong ý nghĩa được phác họa gần nhất, Thiên Mụ là bà lão nhà Trời.

Dẫn nhập: Kinh đô Huế cũng được xem là một cái nôi lưu giữ sự tồn tại và phát triển của Phật giáo xứ Đàng Trong hơn bốn thế kỷ. Với bề dày lịch sử lâu đời đó, Phật giáo cố đô Huế đã để lại không ít công trình tâm linh mang giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó, “Thiên Mụ tự” được biết đến là một danh lam thắng cảnh của Đại Việt nói chung và của lịch sử của Phật giáo Đàng Trong nói riêng.

47-1 (1)

KHÁI LƯỢC VỀ CHÙA THIÊN MỤ VÀ ĐẠI HỒNG CHUNG 

Tọa lạc trên một ngọn đồi thuộc xã Hà Khê, cách cố đô Huế về phía Tây khoảng 05 km, “Thiên Mụ tự” nghiễm nhiên trở thành một thắng cảnh uốn quanh địa thế “Sông Hương núi Ngự”. Trong ý nghĩa được phác họa gần nhất, Thiên Mụ là bà lão nhà Trời.  Điều này đã đan dệt không ít yếu tố mang tính truyền thuyết, kể về việc trấn yểm của Cao Biền. Truyền thuyết kể lại, theo lệnh vua Đường Ý Tôn, Cao Biền làm An Nam đô hộ phủ ở nước ta (860-873) đã tìm những nơi đất tốt có vượng khí để lập phép trấn yểm. Bấy giờ, ông nhận thấy ngọn đồi hình đầu rồng tại xã Hà Khê là một dấu hiệu tốt của vùng linh địa. Lại thêm nghe được tiên báo từ một bà lão tóc bạc: “Đời sau, nếu có bậc minh chủ, muốn bồi đắp mạch núi lại, đem lại linh khí cho đồi núi này, thì hãy lập chùa thờ Phật ở đây…” [1]. Từ huyền thoại này mà “Ngay sau khi Doãn Quốc Công Nguyễn Hoàng (1558-1613) vào trấn thủ đất Thuận Hóa, ông đã để ý đến việc lập chùa vào năm 1601…” [2] và tự tay viết biển chùa là “Thiên Mụ tự” (chùa Thiên Mụ – chùa bà lão nhà Trời).

Thực tế, chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng lại chùa Thiên Mụ trên nền một ngôi chùa nhỏ đã có trước đó. Điều này được Đỗ Văn An viết năm 1554, trong Ô Châu cận lục… Chùa Thiên Mụ không xây dựng trên một truyền thuyết hay sự ngẫu nhiên mà chùa Thiên Mụ được xây dựng là một sự tất yếu trong tổng thể xây dựng một mái nhà chung để Phật giáo quy mô và rạch ròi thời chúa Nguyễn Hoàng. Năm 1862, vua Tự Đức sợ chữ Thiên phạm đến trời, nên đổi tên chùa từ Thiên thành Linh Mụ. Đến năm 1869, nhà vua mới cho dùng lại tên Thiên Mụ như trước. Bởi vậy dân gian dùng cả hai tên Thiên Mụ và Linh Mụ.

Sau thời gian thành lập, Thiên Mụ đã trở thành trung tâm sinh hoạt lớn của Phật giáo Đàng Trong, bao gồm việc tổ chức các lễ nghi, truyền giới [3] và cũng trở thành nơi quy tụ, tiếp đón nhiều bậc Cao tăng nội lẫn ngoại quốc. Trong đó, có ngài Thạch Liêm [4], Lâm Tế, Liễu Quán… Các bậc quân vương thời Nguyễn như: Chúa Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Khoát, về sau có cả vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức đều hết lòng hộ trì: “Năm 1815, vua Gia Long sắc tu bổ lại chùa Thiên Mụ… Năm 1844, vua Thiệu Trị, theo di chúc của vua Minh Mạng, sắc dựng một ngôi tháp lớn bảy tầng ở chùa Thiên Mụ, gọi là Từ Nhân Tháp. Năm 1849, vua Tự Ðức sắc các chùa công như Thiên Mụ,… được chủ trì bởi một vị Tăng cương để lãnh đạo Tăng chúng tu học, các vị Tăng cương này đều có lương bổng của chính phủ chi cấp. Năm 1853, vua Tự Ðức lại sắc ban ruộng đất cho các chùa như Thiên Mụ,…” [5]. Điều này cho thấy, bên cạnh nỗ lực khôi phục vị thế Nho giáo của nhà Nguyễn, Phật giáo vẫn được các vua chúa hộ trì. Đặc biệt, Thiên Mụ nhanh chóng được xem là Quốc tự, mang rõ màu sắc Phật giáo cung đình. 

Chùa Thiên Mụ cũng đối diện với những thời điểm khó khăn. “Vào cuối thế kỷ XVIII, chùa Thiên Mụ lại lâm vào tình trạng đổ nát, mãi đến năm 1815, thời Gia Long, chùa mới được xây dựng lại” [6]. Giai đoạn này cũng đã được Phan Huy Ích điểm lại cảnh hoang tàn trong chuyến đi đến Phú Xuân vào năm 1716 qua bài thơ “Phỏng Thiên Mụ tự chỉ tác” [7].

“Thăm nền của chùa Thiên Mụ

Ngăn sóng, đồi cao cỏ phủ dày

Chùa xưa hoang vắng khói hòa mây

Am Tăng, nền cũ, thành đàn tế

Điện Phật, lối nào, dấu nữa xe

Bia tạc, chữ mờ, rêu phủ kín

Khánh quý tiếng còn giục khách mê

Hai mươi năm trước từng viếng cảnh

Chiều tà, tiều hát, chẳng buồn nghe” [8].

“Những năm chinh chiến đã để lại bao nhiêu đổ nát trong xứ sở. Tự viện và Tăng sĩ cũng chịu chung số phận: Nhiều chùa chiền bị phá hủy, các trung tâm tu học bị giải tán, Tăng sĩ tản mác mọi nơi. Một số các Cao tăng trở về kiến thiết lại các tổ đình và tổ chức trở lại sự tu học” [9]. Đặc biệt, “Năm 1947, cùng chung số phận với hàng loạt các cơ sở Phật giáo cả nước, chùa Linh Mụ cũng bị Pháp đánh phá và chiếm đóng” [10].

Ngày nay, khi nghiên cứu về các giá trị văn hóa của Phật giáo Đàng Trong nói chung và Phật giáo cố đô Huế nói riêng, Thiên Mụ không chỉ là một danh lam quan trọn mà còn là nơi lưu giữa nhiều di tích lịch sử quý giá gắn liền với quá trình xây dựng, mở mang sự nghiệp của triều Nguyễn. Tìm về tư liệu lịch sử, quả chuông được Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu “đúc cúng chùa Thiên Mụ vào ngày mồng 08 tháng 4 năm Canh Dần (1710)” [11]. Đây là nơi duy nhất trong số bảo vật chùa Thiên Mụ được chúa Phúc Chu cho khắc bốn chữ “Thiên Mụ thiền tự”. Hơn thế, trên chuông còn khắc rõ bài minh: “Quốc chúa Ðại Việt Nguyễn Phúc Chu, nối dòng Tào Ðộng Chánh Tông đời thứ ba mươi, pháp danh Hưng Long, đúc hồng chung này nặng 3.285 cân, an trí ở chùa Thiên Mụ thiền tự để vĩnh viễn cung phụng Tam bảo. Cầu nguyện gió hòa mưa thuận quốc thái dân an, chúng sinh trong pháp giới đều hoàn thành đại viên chủng trí. Năm Vĩnh Thịnh thứ sáu, ngày Phật đản tháng Tư Canh Dần” [12]. Theo nội dung này, quả chuông không chỉ cập nhật những thông tin liên quan đến niên đại, nhân vật và ý nghĩa hộ trì Pháp bảo mà qua đó, Chúa còn khẳng định việc kế thừa, nối dòng tông phái Tào Động thứ 30 do Tổ Thạch Liêm truyền vào Việt Nam [13]. Ngày nay, trong việc tìm kiếm và đánh giá về chất lượng các đại hồng chung, “Chuông Thiên Mụ nổi tiếng cả nước với tiếng ngân vang xa rộng của nó” [14]. Điều đó cũng góp phần không nhỏ trong việc mang lại những giá trị văn hóa cao quý được hình thành và un đúc trên mãnh đất cố đô hơn 400 năm qua. Tập hợp tất cả những ý nghĩa và giá trị đó, đại hồng chung chùa Thiên Mụ đã được nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013.

Qua vài khảo sát cho biết, cổ vật này được tôn trí trong một ngôi nhà lục giác, nằm bên phải tháp Phước Duyên. Tương ứng với 6 mặt ở nhà chuông, mỗi mặt đều có một cửa vòm. Trong đó, chỉ có một lối đi ba bậc cấp, lát đá thanh, hai bên không có lan can. Phần nóc chia làm hai tầng, lợp ngói âm dương tráng men vàng, các bờ nóc bờ quyết đắp xi măng hình mây hóa rồng. Trên chóp gắn hồ lô bằng xi măng. Xung quanh tường quét vôi màu vàng gạch và nâu nhạt. Dù không ai khẳng định về vai trò của địa thế phong thủy này, nhưng sự phối tiết mô tuýp chùa chiền cạnh ‘non nước’ cũng ngầm tỏ rõ sự hòa điệu với thiên nhiên trong việc cầu nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Mặt khác, nhắn gửi thông điệp về sự có mặt của một pháp khí rất quan trọng trong nghi lễ nhà chùa.

48-1 (1)

Với trọng lượng nặng gần 02 tấn, chuông được thiết trí treo trên một chiếc giá, đúc bằng bê tông sơn màu nâu giả gỗ. Đến nay, có giả thiết cho rằng, giá chuông này đã được làm lại cùng thời với đợt trùng tu điện Đại hùng bảo điện vào năm 1954. Đáng nói hơn, khác với nhiều đại hồng chung hiện thời, cổ vật này đã được hạ sát xuống thanh đỡ phía dưới. Điều này chứng tỏ, chuông đã ngưng hoạt động và cần được bảo trì để bớt tác động bào mòn qua nhiều triều đại lịch sử.

NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA ĐẠI HỒNG CHUNG CHÙA THIÊN MỤ 

Qua trình bày những sự kiện lịch sử liên quan đến niên đại, nhân vật đúc chuông kèm theo những mô tả chi tiết về cổ vật, có thể nói đại hồng chung chùa Thiên Mụ là một di sản chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học. Nó không chỉ có ý nghĩa đối với xứ sở Phật giáo Đàng Trong đầu thế kỷ XVIII mà còn mang một tầm vóc giá trị lớn cho Phật giáo Việt Nam kéo dài đến tận ngày nay.

Đối với giá trị lịch sử, đây là một bảo vật do chúa triều Nguyễn (Nguyễn Phúc Chu) dâng cúng. Nó không chỉ gắn kết với cuộc đời và sự nghiệp của chúa Nguyễn Phúc Chu mà còn gắn liền với bối cảnh Nam tiến của dân tộc. Ngoài việc khẳng định niềm tin và sự hộ trì Phật pháp, việc nhà Chúa cúng chuông cho nhà chùa cũng đã mở ra một tiền đề để các quân vương về sau quan tâm hơn đến thiện sự này. Bởi lẽ, ngoài ý nghĩa tâm linh thì động thái này cũng góp phần thể hiện chính sách tôn giáo mềm mỏng, nhu nhuyến đối với đạo Phật. Có thể nói, giữa một vùng đất đầy trầm mặc như chốn thần kinh thì tiếng chuông ấy không chỉ mang thông điệp thức tỉnh mà còn là tiếng đồng vọng về những khát khao chung cho mọi con người trong hành trình Nam tiến. Từ đó, Quốc tự Linh Mụ đã dần thu hút lượng lớn quần chúng tín đồ mến mộ Phật giáo. Cũng trong sự gắn kết đó, triều đình có thể thu phục được lòng dân, tạo được lòng tin và sự ủng hộ của nhân dân, góp phần ổn định đất nước. Trong ý nghĩa lớn lao đó, đại hồng chung chùa Thiên Mụ đã trở thành một pháp khí góp phần “gắn kết Phật giáo với Hoàng đồ và Đạo đế trong vai trò hệ tư tưởng chính thống” [15].

Mặt khác, kiệt tác này đã phản ảnh một lịch sử giao lưu, phát triển lớn giữa các nền mỹ thuật điêu khắc, hội họa và kỹ nghệ đúc đồng đặc sắc thời chúa Nguyễn. Điều này cũng đã đánh dấu một cột mốc lịch sử lớn trong việc hình thành và truyền bá kỹ nghệ đúc đồng của làng nghề (phường đúc). Đặc biệt, sự ảnh hưởng Hán tự của Trung Hoa và Bát bửu của Đạo giáo và Nho giáo. Tất cả những yếu tố này cũng chính là cơ sở để giới nghiên cứu làm giàu thêm cá tính đặc thù của lịch sử Phật giáo Đàng Trong ở những buổi đầu tiếp biến và canh tân tư tưởng, triết lý nhà Phật. Điều đó cũng có nghĩa, lịch sử Phật giáo Việt Nam sẽ không hoàn toàn đầy đủ, nếu ta bỏ quên một nền văn hóa, một nền nghệ thuật được ngự trị chân thành trong lòng vua chúa và thần dân triều Nguyễn.

49-1 (1)

Đối với giá trị về văn hóa, đại hồng chung là bảo vật tiêu biểu được công nhận Di sản văn hoá vật thể trong số rất nhiều các bảo vật khác tại chùa Thiên Mụ. Các họa tiết trang trí trên chuông vô cùng độc đáo mà không có một chuông nào so sánh được, kể cả chuông tại chùa Thiên Mụ do vua Gia Long dâng cúng. Việc thiết kế quả chuông và phân chia các ô trên thân chuông đã nói lên tính kế thừa văn hóa thời Lê và được phát triển vào thời Nguyễn. Đặc biệt, sự phối hợp giữa Bát bửu Phật giáo và Bát bửu Nho giáo và Đạo giáo đã đánh dấu cho sự dung nạp và tạo dựng nên một văn hóa mới trong đạo Phật. Xem đó, những yếu tố này đã minh chứng cho sự hòa quyện, giao thoa giữa các nền văn minh, các luồng tư tưởng, văn hóa dân tộc ta dưới thời chúa Nguyễn. Nói khác là thể hiện sự gắn bó mật thiết trong đời sống xã hội, được nhìn từ đức tin và ước nguyện của quần chúng, của triều đình. Cụ thể là thông qua việc dung hợp, tiếp biến các tín ngưỡng văn hóa giữa 03 đạo giáo: Phật – Nho – Lão giáo.

Riêng nói về kỹ thuật đúc chuông đồng thời Nguyễn, có thể nói phát triển rực rỡ và huy hoàng nhất. Rất nhiều sản phẩm của Phường Đúc thời ấy nay đã trở thành những kiệt tác di sản trong kho tàng văn hóa vật thể của kinh thành Huế, mà đại hồng chung chùa Thiên Mụ năm 1710 là một điển hình. Ở đó, không chỉ toát lên những đường nét tinh xảo mà còn phản ánh trình độ thâm niên và sự am hiểu giá trị văn hóa tín ngưỡng của những bậc thầy đúc đồng khi chuyển tải tất cả những yếu tố đó trên một khối kim loại thô cứng. Bên cạnh những giá trị về sắc chất thì giá trị về âm thanh cũng được đánh giá cao. Ở đó, “tiếng chuông chùa Thiên Mụ biểu trưng cho sự hiện diện của Phật giáo hằng ngày, sớm và chiều tại cố đô Huế, trong lòng mỗi người dân tại cố đô Huế” [16]. Do vậy, rất nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài rất ấn tượng khi thấy chuông cổ chùa Thiên Mụ.

Như vậy, lược bỏ những giả thiết trấn yểm của Cao Biền trên vùng linh địa Hà Khê, rõ ràng “Dân Việt Nam có xây chùa thờ Phật là mọi phép yểm của Cao Biền đều bị phá hết” [17]. Bởi lẽ không có sức mạnh nào lớn bằng sức mạnh của chân lý và cái thiện. Do vậy, trong phạm vi ảnh hưởng của Đạo Phật, bao gồm cả Tam bảo và sự luân chuyển của bánh xe Chánh pháp, không có sự trấn yểm nào có thể bẻ gảy, uốn cong được hướng đi của Đạo Phật. Tuy nhiên, trong sự kỳ vọng và tín mộ của quần chúng, Phật giáo cũng dựa trên tinh thần phương tiện để chuyển tải một thông điệp chung được gửi gắm không chỉ qua lời kinh tiếng kệ mà còn qua cả âm thanh vang vọng của chuông chùa. Hợp cùng sức mạnh đó, việc chọn địa thế tôn trí chuông cũng pha một chút ý nghĩa của phong thủy nhưng không phải để ‘trấn’ mà để hợp cùng sức mạnh của sông nước làm nên tiếng vang vọng lớn cho đất trời cố đô.

50-1 (1)

Đối với giá trị khoa học, đây là hiện vật gốc có giá trị rất lớn cho các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Đàng Trong nói riêng. Góp thêm tư liệu cho ngành khảo cổ học Phật giáo trong việc tìm kiếm các dấu vết lịch sử, văn hóa tại vùng đất Thần kinh đầu thế kỷ XVIII. Cung cấp nguồn tư liệu quan trọng cho các ngành khoa học có thể tiếp cận nghiên cứu: Khảo cổ, lịch sử, văn hóa, văn hóa Phật giáo, mỹ thuật, đúc đồng, … đặc biệt là quá trình Phật giáo theo đoàn di dân tiến vào miền Nam Tổ quốc.

Nhìn ở khía cạnh khác, chuông chùa Thiên Mụ có thể nói là một chất xúc tác lớn cho âm nhạc và thi ca. Trong đó, những câu hò ví dặm, những làn điệu ‘nam ai’ mang mác như: “Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương” đã trở thành một âm hưởng văn hóa ăn sâu trong tiềm thức của dân xứ Huế. Riêng đối với mảng văn học, chúng ta cũng phải ghi nhận sự đóng góp của vua Thiệu Trị khi ông “đã bỏ nhiều công sức để phân hạng và đề vịnh thơ hai mươi thắng cảnh tiêu biểu của đất Thần kinh…” [18]. Trong số đó, Thiên Mụ tự [19] cũng được nằm trong ba danh lam thắng cảnh được vua vịnh thơ.

“Cao cương cổ sát trấn tiền xuyên

Nguyệt tướng thường viên tự tại thiên

Bách nhị hồng thanh tiêu bách kiết

Tam thiên thế giới tỉnh tam duyên

Tằng hoằng ngọ nhật u minh cảm

Liêu lượng dần tiêu đạo vị huyền

Phật tích thánh công thùy hải vũ

Thiện nhân phước quả phổ cai diên” [20].

Nội dung bài thơ “Ca ngợi sắc tướng của Phật … nhấn mạnh tính chất thức tỉnh của tiếng chuông cùng lẽ nhiệm mầu của lời kinh tiếng kệ. … hai câu kết là cái mong ước bình thường của một ông vua mộ Phật về sự gắn bó tốt đẹp giữa Phật giáo và đất nước, dân tộc” [21]. Qua đó, cũng thể hiện tấm lòng cùng kiến giải của nhà vua đối với Phật pháp. Song, điều dễ nhận thấy ở đây là giáo lý Đạo Phật đã trở thành tư tưởng chủ đạo trong áng văn thơ của nhà vua, tạo nên nét tương đồng rõ rệt khi so sánh với thơ văn của Phật giáo Lý Trần.

KẾT LUẬN

Nhìn tổng thể, chùa Thiên Mụ là một trong số ít các danh lam đã tạo được sự liên hệ đậm đà với sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo dưới vương triều nhà Nguyễn. Bên cạnh những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thì văn học, hội học, thi ca cũng không ngừng ca ngợi về chốn danh lam, cổ tự này. Đặc biệt, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc chùa chiền đã thể hiện rõ nét về vị trí của Đạo Phật trong đời sống tinh thần của cư dân đến vùng đất mới. Tất nhiên, Thiên Mụ cũng trở thành niềm tự hào và là biểu tượng thịnh vượng của Phật giáo nước nhà khi được xứng tầm trong một nền Phật giáo cung đình Huế.

Riêng về đại hồng chung dưới góc nhìn của giới nghiên cứu, rõ ràng là một đại kiệt tác phản ánh tinh hoa dân tộc nói chung và là điểm tựa tinh thần của người dân cố đô nói riêng. Ngoài việc gián tiếp thể hiện tinh thần dân tộc, tinh thần hộ quốc an dân của Phật giáo, tiếng “chung cổ” bên dòng sông Hương đã góp phần không nhỏ trong việc khẳng định vai trò của một Quốc tự. Đặc biệt, khơi dậy một mối liên hệ mật thiết, hòa quyện giữa tinh thần từ bi, giải thoát của đạo Phật với bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt. Ngang qua đó, tinh thần nhập thế của Phật giáo đã được len lõi vào trong những âm thanh lớn nhỏ vang vọng trên bầu trời và trong lòng người dân cố đô. Cũng ngay tại đó, người ta chỉ muốn gạn đục khơi trong, lắng đọng tâm tư để tìm về một cuộc sống bình yên, thanh nhàn thực sự.

Vậy nên, việc tìm hiểu về bảo vật hơn 400 năm trong ngôi đại cổ tự xứ Huế là quá trình tìm lại những giá trị vàng son được gắn kết với biết bao thăng trầm trong buổi đầu Nam tiến. Nó không chỉ phản ánh việc chuyển tải đạo lý nhà Phật mà còn giới thiệu con người về một thời kỳ Phật giáo phát triển rất hưng thịnh ở Đàng Trong dưới sự hộ trì của tầng lớp vua chúa. Qua đó, góp phần xây dựng ý thức bảo tồn để đại hồng chung luôn giữ dáng vẻ cổ kính và nét đẹp nên thơ của nó.

Chú thích:

[1] Thích Minh Châu, Chánh pháp và hạnh phúc, Chùa Việt Nam và mối liên hệ với nền văn hóa dân tộc, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2001, tr.252.

[2] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập 2, Nxb. Văn Học – Hà Nội, 2009, tr.444.

[3], [4] Thích Như Tịnh, Hành trạng chư Thiền đức xứ Quảng, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2008, tr.15.

[5] Nguyễn Lang, Sđd, tr.526.

[6] Thích Trung Hậu – Thích Hải Ấn, Chư Tôn Thiện đức & cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa, Tập 1, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2011, tr.642.

[7] Phan Huy Ích, T2, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1978, tr.118 – 119

[8] Thích Trung Hậu – Thích Hải Ấn, Sđd, tr.642.

[9] Nguyễn Lang, Sđd, tr.526.

[10] Thích Trung Hậu – Thích Hải Ấn, Sđd, tr.233.

[11] Thích Như Tịnh, Lịch sử truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2009, tr.113.

[12] Nguyễn Lang, Sđd, tr.483 – 484.

[13] Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2010, tr.506.

[14] Thích Minh Châu, Sđd, tr.251

[15] Trần Đình Hằng (01/2021), “Di sản Phật giáo Quảng Ngãi; Trích lời của học giả Thích Quang Tư trong bài viết Vương triều Nguyễn với di sản Phật giáo”, Tạp chí Liễu Quán, số 22, Nxb. Thanh Hóa,

[16], [17] Thích Minh Châu, Sđd, tr.252.

[18] Thích Trung Hậu – Thích Hải Ấn, Sđd, tr.638.

[19], [20] Thái Văn Kiểm, Đất Việt trời Nam, Nxb. Nguồn Sống, S, 1960, tr.352-353.

[21] Thích Trung Hậu – Thích Hải Ấn, Sđd, tr.642.A

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tiền Giang: BTS H.Gò Công Tây trao quyết định thành lập Ban Quản trị đến 17 tự viện

Trong nước 07:00 22/11/2024

Ngày 21/11, tại Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN H.Gò Công Tây - chùa Linh Sơn (TT.Vĩnh Bình), Ban Trị sự Phật giáo huyện tổ chức họp định kỳ, trao quyết định bổ nhiệm và thành lập Ban Quản trị 17 cơ sở tự viện trên địa bàn huyện.

Kinh lá buông - “báu vật” của đồng bào Khmer An Giang

Trong nước 15:30 21/11/2024

Là một trong Tam bảo của Phật giáo Nam Tông Khmer, kinh lá buông được xem như “báu vật” có giá trị đặc biệt trong đời sống tâm linh của đồng bào Khmer vùng Bảy núi An Giang.

Tiền Giang: Tăng Ni sinh lớp Trung cấp, Cao đẳng Phật học tri ân thầy cô giáo

Trong nước 16:00 20/11/2024

Hòa cùng trong không khí hân hoan của bao thế hệ học trò đón mừng ngày Nhà giáo Việt Nam; sáng ngày 20/11/2024, tập thể Tăng Ni sinh các lớp Trung cấp và Cao đẳng Phật học Tiền Giang tổ chức tri ân chư Tôn đức ban Cố vấn, Ban Giám hiệu nhà trường.

Tiền Giang: 17 cơ sở tự viện tại H.Cái Bè được thành lập và bổ nhiệm Ban Quản trị

Trong nước 09:00 20/11/2024

Ngày 19/11/2024 (nhằm ngày 19 tháng 10 năm Giáp Thìn) Ban Trị sự GHPGVN huyện Cái Bè tổ chức phiên họp lệ, trao quyết định thành lập và bổ nhiệm Ban Quản trị cho các cơ sở tự viện, tại Văn phòng BTS - chùa Thiền Quang, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Xem thêm