Chuyện đời kỳ lạ của Ấn Quang Đại sư - vị Tổ thứ 13 Tịnh Độ Tông
Những chuyện kỳ lạ của Ngài Ấn Quang: từ chuyện chữa lành mắt, niệm Phật hoá giải chướng ngại, không nhận bố thí của chúng dân, biết trước ngày giờ vãng sinh rồi thanh thản viên tịch....
Ấn Quang Đại Sư có thế danh là Thánh Lượng, tên hiệu là Thường Tàm. Đại Sư sinh năm 1861 và mất năm 1940. Ngài vốn sinh sống ở thời đại khoảng cuối đời nhà Thanh, trước khi chuyển sang Trung Hoa Dân Quốc. Ngài là người con trong một gia đình nhà họ Triệu ở Hiệp Tây. Khi còn thơ bé, gia đình đã cho ngài theo học nho giáo. Sau này khi trưởng thành ngài vẫn luôn lấy đạo Khổng làm gương sáng để noi theo.
Lúc đầu, Ấn Quang Đại Sư học theo thuyết của Hàn Dũ và Âu Dương Tu, đã phản bác Phật giáo. Thế rồi đột ngột ngài trở bệnh, mấy năm sau đó tự thấy lỗi lầm của mình đành hối lỗi, hồi tâm lại như trước kia. Khi ở tuổi 21 ngài đã thông hiểu hết tất cả các Kinh Phật, sau đó được Hòa thượng Đạo Thuần nhận làm đệ tử và xuất gia tại một ngôi chùa có tên là Liên Hoa Động, ở trên núi Chung Nam, của tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Không lâu sau đó Ngài lại có duyên với Thọ Đại Giới cùng với sư Ấn Hải Định tại chùa Song Khê, ở huyện Hưng An.
Chỉ vừa sinh ra được sáu tháng, Ấn Quang Đại Sư đã bị đau mắt, tuy không bị mù mắt nhưng mắt của ngài khá yếu. Mắt lúc nào cũng hơi đỏ, những cảnh vật xung quanh thì trông rất mờ ảo. Lúc đi thọ giới, vì tính cẩn thận và chữ viết đẹp nên ngài đã được đề cử lên làm Thư ký. Thế nhưng vì quá nhiều công việc, ngày nào cũng phải viết, nên đôi mắt của ngài càng ngày càng đỏ như máu.
Ấn Quang Đại SưTrong một lần khi đi phơi Kinh, Ấn Quang Đại Sư đã đọc được Long Thơ Tịnh Độ, nhờ đó mà ngài biết được việc, khi thường xuyên niệm Kinh Phật, sẽ tạo ra công đức quan trọng đến chừng nào. Lúc thọ giới, ban đêm mọi người đi vào giấc ngủ, còn ngài thì vẫn ngồi niệm Kinh Phật, ban ngày ngồi thì viết chữ, nhưng lúc nào tâm ngài cũng nghĩ về Phật. Nhờ cái tâm cung kính Phật, mà dù mắt của ngài có đỏ hoe, ngài vẫn cố gắng ghi chép.
Cho đến khi Ấn Quang Đại Sư được mãn thì bệnh mắt mới lành lại. Chính vì phép lành đó mà ngài biết không nên ngừng nghỉ việc niệm Phật, phải một lòng thường xuyên niệm Phật. Thế là ngài đã đưa ra lời khuyên cho mọi người khi niệm Kinh Phật. Nhờ nhân duyên đó mà ngài đi tu học khắp nơi tại một số chùa như, chùa Viên Quảng, chùa Tư Phước, chùa Long Tuyền và cuối cùng chính là chùa Pháp Võ tại Phổ Đà Sơn.
Cũng chính nhờ sự chăm tìm hiểu, một lòng để tăng công đức, là một người ham học, chính vì vậy mà Ấn Quang Đại Sư dễ dàng được thông qua các khóa học và đạt đến đỉnh cao của sự thấu hiểu Kinh Phật. Với kiến thức cao siêu, khi làm bất cứ việc gì ngài cũng đều rất cẩn thận chi tiết, cho nên ngài đã được Hòa thượng Hóa Văn và Pháp Sư Đế Nhàn mời đến làm đồng bạn, để đến Đế Đô thỉnh Tam Tạng Kinh, cho chùa Pháp Võ và chùa Đầu Đà ở Ôn Châu.
Sau đó vì để tỏ lòng cảm mến đức hạnh của ngài, nên Hòa thượng Hóa Văn đã thỉnh Ấn Quang Đại Sư về lầu Tàng Kinh để tu niệm tĩnh tâm. Trong suốt 33 năm trôi qua đến khi nhà Thanh tàn lụi, ngài vẫn luôn tu niệm mỗi ngày, yên tĩnh và ít giao tiếp với thế giới bên ngoài.
Ấn Quang Đại Sư tuy sống ẩn mình, thế nhưng toàn thiên hạ thời ấy ai ai cũng biết đến. Có một vị cư sĩ tên là Cao Hạc Niên, trong một lần hành hương đến chùa Pháp Võ, đã đọc rồi đem vài bài văn Pháp của ngài Ấn Quang Đại Sư, đăng lên báo Phật Học ở Thượng Hải, để với tên tác giả là Thường Tàm. Chính nhờ vậy mà các độc giả đã hâm mộ ngài càng ngày càng đông, ai ai cũng dò hỏi là ngài đang ở chùa nào để đến cung kính.
Năm Ấn Quang Đại Sư được 52 tuổi thì ngài đã bị lộ ra nơi ở hiện tại, người người lũ lượt tìm đến chùa để xin ngài khai sáng. Còn vị cư sĩ Từ Uất Như, đã dùng những bài văn Pháp của ngài in ấn thành bộ Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, được tái bản nhiều lượt và truyền bá rộng khắp cả trong và ngoài nước. Vì lối sống ẩn tu của ngài, nên lúc đầu nếu ai tới xin xuất gia ngài sẽ không chấp nhận, và sẽ hướng dẫn đến với vị Pháp sư ở nơi khác. Cho đến một lần có vị cư sĩ tên Châu Mạnh, đã ba bốn lần đem cả gia đình lên núi khẩn cầu Ấn Quang Đại Sư để được làm đệ tử.
Sau khi Đại Sư quán xét nhận thấy cơ duyên, khó lòng từ chối, vì không muốn cản con đường tu hành của người khác, nên Ấn Quang Đại Sư đành chấp nhận. Năm đó Ấn Quang Đại Sư đã 59 tuổi, mới có một đệ tử xuất gia đầu tiên. Từ đó, rất nhiều người đã viết thư xin được theo ngài làm đệ tử, ai cũng một lòng mong muốn Ấn Quang Đại Sư chấp nhận, để được học và tu luyện hướng Phật. Dần dần số đệ tử từ một người mà lên đến cả trăm và rồi đến cả hàng ngàn người.
Ấn Quang Đại Sư được biết đến là một vị Đại Sư với tấm lòng ẩn dật, không thích sự hào hoa, phô trương. Ai cho đồ ăn, thức uống, y phục gì đi nữa thì ngài sẽ không bao giờ nhận. Nếu không thể từ chối được thì ngài cũng sẽ mang tặng cho người khác. Những đồ ăn thức uống thông thường thì ngài sẽ đưa cho chùa quản lý, để cúng dường dâng Phật. Dân chúng có đưa bao nhiêu tiền đi chăng nữa thì ngài cũng chỉ lấy đó để đi in sách Kinh, cứu nạn cho dân chúng khó khăn, đi làm từ thiện mà thôi chứ tuyệt nhiên không tiêu xài cho bản thân.
Từ năm Dân Quốc thứ 2 đến năm 28, do nghe theo lời của những kẻ đương quyền có tư tưởng duy vật, Chính phủ Dân Quốc đã nhiều lần đăng báo đưa tin, đưa tài sản chùa chiền sung vào công quỹ, lấy hết Tự viện để làm trường học. Ấn Quang Đại Sư cùng các chư Tăng, cư sĩ một lòng cung kính niệm Phật xin cách giải cứu, cuối cùng cũng giải trừ được kiếp nạn.
Năm Ấn Quang Đại Sư 70 tuổi, ngài đã dời Tô Châu về chùa Linh Nham, 3 năm tĩnh tâm niệm Phật. Đến ngày 24 tháng 10, tức năm Dân Quốc thứ 29, dự biết kỳ vãng sanh, nên Ấn Quang Đại Sư đã cho triệu tập chư Tăng và cư sĩ ở các nơi về chùa Linh Nham. Trong buổi Pháp thoại, ngài đã cử Hòa thượng Diệu Chơn làm trụ trì kế nhiệm, dặn dò các việc trước sau. Ấn Quang Đại Sư nói, Pháp môn niệm Phật không chỉ đặc biệt diệu kỳ, chỉ cẩn chúng ta niệm Phật khẩn thiết chí thành, thì tất cả đều được Phật tiếp dẫn.
Sang ngày mùng 4 tháng 11, Ấn Quang Đại Sư bị cảm nhẹ, nhưng vẫn tinh tấn niệm Phật. Niệm xong, ngài bảo mang nước rửa tay xong rồi đứng dậy nói, Phật A Di Đà đã đến tiếp dẫn ta, ta sắp phải đi rồi. Đại chúng nhớ phải tin và thường xuyên niệm Phật, để cầu nguyện được về Tây phương. Nói dứt, Ấn Quang Đại Sư bước lại ghế ngồi kết già, chắp tay trì hồng danh hiệu Phật, theo tiếng trợ niệm của đại chúng rồi thanh thản viên tịch. Khi ấy Đại Sư vừa tròn 60 năm tuổi đạo, và thọ 80 tuổi tại thế.
Ngày rằm tháng 2 của năm sau đó, vào tiết Phật nhập Niết Bàn, cũng vừa đúng 100 ngày Ấn Quang Đại Sư vãng sanh. Hàng ngàn tín đồ Phật tử các nơi đổ về chùa Linh Nham, trang nghiêm dự lễ trà tỳ hỏa táng Ấn Quang Đại Sư. Lúc đó trên bầu trời trong xanh bỗng hiện ra ánh sáng ngũ sắc, tỏa ra sự màu nhiệm của xá lợi. Sau đó những vị đệ tử đã cung kính gom tro cốt của ngài và tìm thấy được rất nhiều xá lợi.
Phật giáo đương thời thấy được sự chân thật trong lối sống tu hành của ngài và sự màu nhiệm kỳ lạ đó mà nhận định rằng, ngài chính là bậc Thánh hiền. Sau đó kỉ niệm 1 năm viên tịch, mọi người đã tôn Ngài lên làm vị Tổ thứ 13 của Tịnh Độ Tông.
Đại sư Ấn Quang nói về pháp môn niệm Phật
“Pháp môn Tịnh Độ do Phật Thích Ca, Di Đà kiến lập, Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền chỉ quy, đức Mã Minh, Long Thọ hoằng dương, và các Tổ: Huệ Viễn, Thiên Thai, Thanh Lương, Vĩnh Minh, Liên Trì, Ngẫu Ích xướng đạo để khuyên khắp thánh, phàm, ngu, trí, đồng tu hành vậy.
Đã tu tịnh nghiệp, phải giữ luân thường, làm hết bổn phận, dứt niệm tà, gìn lòng thành kính, trừ bỏ các điều ác, vâng làm những việc lành, đừng giết hại, gắng ăn chay, thương tiếc hộ trì mạng sống loài vật, tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Bên trong phải vì ông bà, cha mẹ, anh em, chị em, bên ngoài vì thân thích, bạn bè, xóm giềng, làng nước, đem pháp môn Tịnh Độ này mà phụng khuyến, chẳng luận người có tin làm cùng không, chỉ hết sức mình khiến cho mọi người đều biết pháp mầu nhiệm này mà thôi.
Người niệm Phật, nếu tấm lòng chân thiết, tự có thể nhờ từ lực của Phật, khiến cho khỏi tai nạn đao binh nước lửa. Dù có bị túc nghiệp sâu dày, hoặc trường hợp chuyển qủa nặng địa ngục thành ra qủa báo nhẹ đời nay mà ngẫu nhiên bị tai nạn ấy, nếu lúc bình nhật có lòng tín nguyện chân thiết, quyết định lúc bấy giờ sẽ được nhờ Phật tiếp dẫn.
Đã tin sâu, nguyện thiết, phải tu chánh hạnh niệm Phật. Sự tu trì đây đều tùy theo thân phận của mình mà lập, không nên chấp định theo một pháp thức nào. Như người không việc chi hệ lụy, nên từ mai đến chiều, chiều lại mai, lúc đi, đứng, nằm, ngồi, nói ,nín, động, tịnh, khi ăn cơm mặc áo cùng đại tiểu tiện, tất cả thời, tất cả chỗ đều giữ một câu hồng danh không rời nơi tâm miệng. Nếu khi thân mình sạch sẽ, y phục chỉnh tề, chỗ nơi thanh khiết, thì niệm thầm hay ra tiếng đều được. Như lúc ngủ nghỉ, lõa lồ, tắm gội, đại tiểu tiện, hoặc ở chỗ không sạch chỉ được niệm thầm, không nên ra tiếng, niệm thầm công đức vẫn đồng, nếu ra tiếng thì có lỗi không cung kính. Chớ cho rằng những lúc ấy không nên niệm, chỉ e niệm không được mà thôi. Lại khi nằm nếu niệm ra tiếng, chẳng những không cung kính, mà còn bị tổn hơi, phải biết điều này.
Muốn cho tâm không luyến việc ngoài, chuyên niệm Phật được quy nhất, cũng không có phương pháp chi kỳ lạ, chỉ đừng quên cái chết rình rập bên mình, không biết xảy ra lúc nào....
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Phạm vi cõi Cực lạc
Tịnh Độ tông 20:45 18/11/2024Với pháp môn Niệm Phật, bất luận là bậc đại đức bác thông tam tạng hay là hạng độn căn tối dạ một chữ không học, hễ cứ nhất tâm chuyên niệm, dứt trừ được các mối nghi thì thảy đều được vãng sanh, không bỏ sót một ai.
Các kinh hướng về Tịnh độ
Tịnh Độ tông 18:00 07/11/2024Các kinh dạy về Tịnh độ nhiều như số cát sông Hằng, nay chỉ lược nói ra đây một số để phá bỏ lòng nghi.
Ý nghĩa Tịnh độ
Tịnh Độ tông 11:00 22/10/2024Tịnh Ðộ là chỉ cho quốc độ trang nghiêm thanh khiết an tịnh, quốc độ ấy tối thiểu phải có những điều kiện về nhân dân và thổ địa như sau:
Tín, Nguyện, Hạnh là ba tư lương về Tịnh độ
Tịnh Độ tông 15:20 03/10/2024Pháp môn Tịnh độ dễ tu nhưng khó tin. Trong kinh “Phật tuyết A Di Đà”, Đức Thế Tôn cũng thừa nhận như thế.
Xem thêm