Có phải sắc thân đức Phật Dược Sư có màu xanh lam?
Lời phát nguyện này của đức Dược Sư với mong muốn thân mình trong suốt, thanh tịnh như ngọc lưy ly không có chút nhơ bợn, toả hào quang ánh sáng chói lọi khắp nơi chứ không phải mong muốn thân sắc của mình là ngọc lưu ly...
Trong hệ thống Phật giáo Đại Thừa có rất nhiều các vị Phật, các vị Bồ Tát với các hạnh nguyện rộng lớn của riêng mình mong muốn cứu độ chúng sinh như đức Phật A Di Đà, đức Phật Dược Sư, đức Bồ tát Quán Thế Âm, đức Bồ tát Địa Tạng.... Mỗi vị Phật, Bồ Tát đều có những hình tướng, sắc thái, hạnh nguyện riêng nhưng đều xuất phát lòng từ bi lân mẫn, thương xót vô hạn và lợi ích cho hết thảy các giống hữu tình, vô tình.
Đức Phật Dược Sư là một trong những vị Phật ứng thân thị hiện ra đời cứu độ chúng sinh được dân gian tín ngưỡng từ những thời kỳ đầu Phật giáo Bắc truyền, ngoài đầy đủ thập hiệu của các đức Phật trong mười phương như Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, Ngài có các tên gọi như Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật, Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, Dược Sư Lưu Ly Như Lai, Đại Y Vương Phật hoặc Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật. Hình tượng của Ngài thường được thờ chung với Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật A Di Đà hoặc thờ riêng cùng với Nhật Quang Biến Chiếu Bồ tát, Nguyệt Quang Biến Chiếu Bồ tát gọi là Đông phương Tam Thánh hay còn gọi là Dược Sư Tam Tôn.

Quốc độ của Phật Dược Sư có tên là Tịnh Lưu Ly, nằm ở Phương Đông cách thế giới Ta Bà khoảng 10 hằng hà sa số Phật Độ, thệ nguyện của Ngài là cứu độ chúng sinh, tiêu trừ tất cả bệnh tật phiền não do tham, sân, si tạo tác từ thân và tâm, cứu vớt chúng sinh khỏi sinh tử khổ đau, từ bản nguyện thanh tịnh như vậy nên thân Ngài phát ra ánh sáng trong suốt thanh tịnh như lưu ly nên gọi là Dược Sư Lưu Ly Quang, Dược Sư mang ý nghĩa là Thầy thuốc.
Có lẽ chính từ tên gọi đó, xuất phát từ màu sắc chủ đạo ngọc lưu ly là màu xanh lam hoặc tím mà trong xã hội hiện nay tại Việt Nam nói riêng và một số nước theo Phật giáo Đại thừa tạo tác rất nhiều hình tượng của Phật Dược Sư Lưu Ly mang màu xanh lam hoặc được miêu tả sắc thân Phật Dược Sư có màu xanh lam, đây là điều rất dễ gây nhầm lẫn và cần có sự nghiên cứu, kiến giải một cách tường tận, chính xác.
Thứ nhất, trong Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bản nguyện Công đức nhắc đến đệ nhị đại nguyện của đức Phật Dược Sư khi còn đang hành Bồ Tát đạo đã phát nguyện rằng: "Nguyện ngã lai thế, đắc Bồ đề thời, thân như lưu ly, nội ngoại minh triệt, tịnh vô hà uế, quang minh quảng đại, công đức nguy nguy, thân thiện an trụ, diệm võng trang nghiêm quá ư nhật nguyệt. U minh chúng sinh tất mông khai hiểu, tuỳ ý sở thú tác chư sự nghiệp", dịch nghĩa là: "Ta nguyện đời sau, khi đắc đạo Bồ Đề, thân ta như ngọc lưu ly, trong ngoài sáng suốt, tinh sạch hoàn toàn, không có chút nhơ bẩn, ánh sáng quang minh chói lọi khắp nơi, công đức cao vời, an trú giữa tầng lưới dệt bằng tia sáng, tỏ hơn nhật nguyệt. Chúng sanh trong cõi U Minh nương ánh hào quang, tâm trí mở mang, tạo tác sự nghiệp tuỳ ý sở cầu". Lời phát nguyện này của đức Dược Sư với mong muốn thân mình trong suốt, thanh tịnh như ngọc lưy ly không có chút nhơ bợn, toả hào quang ánh sáng chói lọi khắp nơi chứ không phải mong muốn thân sắc của mình là ngọc lưu ly, nếu lời nguyện rằng thân ta là ngọc lưu ly thì việc tạc hình tướng được Phật Dược Sư có màu xanh lam mới có căn cứ, mới có thể cho rằng sắc thân màu xanh lam là do đức Phật Dược Sư phát lời thệ nguyện mà thành.
Thứ hai, trong Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bản Nguyện Công Đức nhắc tới lời đại nguyện thứ nhất của đức Phật Dược Sư khi còn đang hành Bồ Tát Đạo rằng: "Đệ nhất đại nguyện, nguyện ngã lai thế đắc A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề thời, tự thân quang minh xí nhiên, chiếu diệu vô lượng vô số vô biên thế giới, dĩ tam thập nhị đại trượng phu tướng, bát thập tuỳ hình trang nghiêm kỳ thân, linh nhất thiết hữu tình như ngã vô dị", dịch nghĩa là: "Nguyện lớn thứ nhất, ta nguyện đời sau khi chứng được quả vị Bồ Đề, thân ta có hào quang sáng chói, chiếu khắp vô số thế giới, dùng ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp thân ta khiến cho tất cả chúng hữu tình đều được như ta không hề sai khác".
Chúng ta đều biết trong các Kinh sách Phật giáo đều nhìn nhận rằng một vị giác ngộ thành Phật đều có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp như trong Kinh Đại Bản Duyên, Kinh Đại Bổn, Kinh Tam Thập Nhị Tướng...., cụ thể, Kinh Tam Thập Nhị Tướng có đoạn:
"Bấy giờ đức Thế Tôn dạy: Này các Tỳ-kheo, các người muốn Như Lai nói về ba mươi hai tướng không? Bậc Đại nhân mà thành tựu ba mươi hai tướng thì chắc chắn có hai trường hợp, chân thật, không hư dối. Nếu ở tại gia thì chắc chắn vị ấy làm Chuyển luân vương, thông minh trí tuệ, có bốn loại quân, chỉnh trị thiên hạ, tự do tự tại, là Pháp vương hành động theo Chính pháp, thành tựu bảy báu. Bảy báu ấy là xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, cư sĩ báu, tướng quân báu. Vị ấy có đủ một ngàn con trai dung mạo đẹp đẽ, dũng mãnh, không sợ, nhiếp phục được địch quân. Vị ấy thống lãnh toàn thể cõi đất này cho đến biển cả, không dùng đao gậy mà dùng pháp giáo hoá khiến cho an lạc. Nếu vị ấy cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, thì chắc chắn chứng đắc quả Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chính Giác, tiếng tăm vang dội, mười phương đều nghe......
Phật nói: Lại nữa, thân của Đại nhân màu hoàng kim giống như vàng ròng tía. Đó là tướng của Bậc Đại nhân".
Như vậy, sắc thân của đức Dược Sư khi thành Phật là đã hội đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp như Kinh sách miêu tả, sắc thân đó có màu hoàng kim giống như màu vàng ròng tía chứ không thể nào là màu xanh lam giống ngọc lưu ly được, Ngài thệ nguyện cho tất cả chúng sinh được như Ngài, mang đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, và lẽ tất nhiên, trong 32 tướng tốt đó sắc thân của Ngài là màu hoàng kim toả hào quang rực rỡ như những bậc Chính đẳng Chính giáo trong Phật giáo.
Thứ ba, trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, đức Phật bảo A Nan và Vi Đề Hy có chi tiết: "Trong sắc lưu ly chiếu ánh sáng vàng, trong sắc pha lê chiếu ánh sáng đỏ, trong sắc mã não chiếu ánh sáng xà cừ, trong sắc xà cừ chiếu ánh sáng lục trân châu...".
Từ những ý trên có thể thấy sắc thân của đức Phật Dược Sư đang có sự nhầm lẫn căn bản so với kinh sách Phật giáo, mặc dù sắc thân của Phật có là màu gì, toả ánh hào quang màu gì thì đối với thần thông và đạo hạnh của các đức Phật cũng không phải là vấn đề quan trọng, đồng thời việc cố chấp vào sắc thân tượng Phật để bàn luận là điều không cần thiết đối với người tu tập nhưng trên ý nghĩa tạo tác hình tướng Phật để chúng sinh hướng tới sự giác ngộ, ứng dụng giáo lý của Phật pháp vào trong đời sống xã hội thì việc tạo ra hình tướng các đức Phật, Bồ tát đúng theo các Kinh điển mô tả cũng là một yêu cầu đúng đắn, thiết thực trong giai đoạn công nghệ thông tin phát triển thần tốc như hiện nay nhằm xác định rõ, có hướng sửa đổi tránh tạo sự mâu thuẫn giữa kinh sách và thực tế. Mặt khác, giúp những người sơ học, mong muốn tìm hiểu Phật giáo sẽ được tiếp cận chân thực nhất về các nhận biết căn bản mỗi hình tướng của các vị Phật, Bồ tát cùng với các đại hạnh nguyện của các Ngài để từ đó dễ dàng quy nạp một cách nhanh nhất những lợi ích, giáo lý từ hình tướng của các Ngài, mang lại an vui trong cuộc sống cũng như truyền tải thông điệp đúng đắn, chân thực đến cho tất thảy chúng sinh.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn


Đức Quan Thế Âm Bồ tát đản sinh
Nghiên cứu
Nhân ngày kỷ niệm đức Quán Thế Âm Bồ Tát (19/02) hiện thân ra đời cứu độ nhân sinh, nhiều người chưa biết nhiều về giáo lý của đạo Phật nhưng họ rất kính mộ tôn sùng lễ bái đức Quán Thế Âm Bồ Tát một cách thuần thành, cho nên hầu hết các chùa ở Á Đông và trên mảnh đất thân yêu này đều có hình tượng của ngài.

Niết-bàn trong tư tưởng Phật giáo: Giải thoát tuyệt đối hay sự chuyển hóa tâm thức?
Nghiên cứu
Niết-bàn (Nirvāṇa) là một trong những khái niệm cốt lõi của Phật giáo, được xem là mục tiêu tối hậu của con đường tu tập.

Về vị Đại sư sửa sang, phù trợ nước Việt
Nghiên cứu
Đại sư Khuông Việt là vị Tăng thống (đứng đầu các vị tăng của đất nước, quốc sư) đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, chính là cháu đích tôn của Vua Ngô Quyền, người đáng lẽ kế vị vua nhưng lại chọn lối đi riêng là xuất gia.

Ai là người kế thừa sau khi Phật nhập diệt?
Nghiên cứu
Từ lời Phật dạy trong kinh, các ngươi lấy pháp làm nơi nương tựa, cho đến lúc Phật sắp nhập Niết-bàn biến thành câu: sau khi Như Lai nhập diệt các ngươi lấy Pháp và Luật làm thầy, cho đến Luật tạng thì lại đề cập: Sau khi Như Lai nhập diệt các ngươi lấy giới luật làm thầy. Từ lấy Pháp làm nơi nương tựa, đến lấy ‘Pháp’ và ‘Luật’ làm nơi nương tựa, cuối cùng ‘lấy giới luật’ làm thầy rõ ràng là sự diễn biến khá phức tạp.
Xem thêm