“Cơm chay miễn phí, xin mời...”
Vừa ghé xe vào quán cơm, một chú lớn tuổi đã nhiệt tình mời khách: “Cơm chay miễn phí, xin mời…”. Hình ảnh đó khiến chúng tôi ấn tượng, không chỉ vì những bữa ăn thiện nguyện mà đúng như lời ông bà xưa dạy “của cho không bằng cách cho”.
Quán cơm chay miễn phí nằm trên trục quốc lộ 91, thuộc địa bàn khu vực Phụng Thạnh 1, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, đoạn ngang trụ sở của Quận đội Thốt Nốt. Sau lời mời cơm, chúng tôi lại càng ấn tượng hơn với tấm biển treo cao: “Quán chay miễn phí” và “phục vụ các ngày 14-15-29-30-01 âm lịch”. Theo phương châm của những người thực hiện mô hình thiện nguyện này, đây là quán, mà đã là quán thì người đến đều là khách hàng, là “thượng đế”, dù miễn phí. Quán phục vụ theo đúng nghĩa dịch vụ. Cũng từ phương châm ấy mà không gian quán rất cởi mở, vui vẻ. Anh Nguyễn Văn Vẹn, một trong những người khởi xướng mô hình này, chia sẻ: “Ai cần cứ đến nhận, bao nhiêu cũng được, người giàu hay người nghèo cũng được, không có một giới hạn nào”.
Cũng theo anh Vẹn, nhiều bà con là công nhân, buôn bán không thể rời vị trí làm việc được, họ gọi điện cho quán chay, nhờ gửi cơm. Vậy là nhóm chuẩn bị từng phần, có khi lên đến 30-40 phần, mang giao tận nơi cho khách, không lấy bất kỳ sở phí nào. Nhiều người thấy hoạt động của quán, mang trái cây, quần áo đã qua sử dụng đến để tại quán. Trái cây thì đựng ra thau, quần áo thì treo trên sào, ai ăn cơm xong, thấy cần thì cứ lấy.
Bà Nguyễn Thị Em, một người nhặt ve chai, vừa đặt túi đựng ve chai xuống, bước vào trong lấy dĩa, bới cơm và chọn thức ăn mình thích, hào hứng: “Thức ăn hôm nay món nào cũng ngon. Ăn gì thì tự lựa chọn rồi bưng dĩa ra ghế ngồi ăn, như nhà mình vậy”. Còn chú Nguyễn Văn Tuấn, người bán vé số, thì nói: “Chú ăn cơm thấy ngon miệng lắm. Buôn bán khó khăn, kiếm đồng vô đồng ra không dễ, nên có được cơm miễn phí như vầy thì đỡ lắm. Chú ăn rồi thì đem về cho vợ chú một phần”.
Quán chay miễn phí này đã hoạt động gần 4 tháng qua với quy mô rất lớn. Mỗi buổi phục vụ, quán nấu 150-170kg gạo, hơn 1 tấn rau, củ, quả để chế biến thức ăn, cùng rất nhiều tàu hủ, nguyên liệu. Những con số “biết nói” ấy cho thấy sự tận tâm và cũng không kém phần cực nhọc của những người thực hiện. Để có được cơm ngon phục vụ khách, ngoài điểm phục vụ, còn có 4 điểm khác để nấu bếp, chế biến thức ăn. Thức ăn được đổ ra khay, bày trên bàn lớn, với hàng chục món theo kiểu phục vụ tự chọn. Ai ăn gì thì cứ lấy bọc gắp mang về ăn, hoặc muốn ăn tại chỗ, hoặc muốn ăn cơm hộp cũng được, tùy nhu cầu. Thức ăn cứ được châm liên tục cho đến khi hết thì thôi. Không thể tính số lượng phần cơm được phục vụ mỗi ngày nhưng trung bình cũng khoảng 1.200-1.500 phần. Ngồi bới cơm vào hộp cho khách, anh Đặng Văn Tần, vui vẻ: “Sáng giờ bới chắc cỡ 800-900 hộp cơm, mỏi tay nhưng vui lắm, thấy bà con ăn ngon miệng, nói cười vui vẻ, quên hết mệt luôn”.
Anh Nguyễn Văn Vẹn cho biết: Quán chay thiện nguyện này bắt đầu hoạt động sau Tết Nguyên đán, phục vụ bà con vào mỗi 14, 15, 29, 30 và mùng 1 âm lịch hằng tháng. Trước đó, anh Vẹn và bà con lân cận có chung chí hướng phát tâm thiện nguyện nên thường xuyên có các hoạt động tặng quà người nghèo, cất nhà, làm đường, tìm thuốc nam, tặng quan tài… Nói chung, giúp được gì cho bà con có hoàn cảnh khó khăn thì nhóm sẵn lòng. Vậy rồi, nhóm phát tâm thực hiện quán cơm này, kinh phí từ sự đóng góp của các thành viên, các nhà hảo tâm và sự đóng góp rau củ của bà con tiểu thương ở các chợ trên địa bàn quận Thốt Nốt, TP Long Xuyên (tỉnh An Giang). Điểm mở quán cơm là nhà của chị Nguyễn Thị Thanh Trầm và chị cũng là người tích cực tham gia phục vụ cơm cho bà con. Mẹ chị, bà Khuya, cũng là nhà hảo tâm đứng phía sau, hỗ trợ hết mình để quán cơm được duy trì.
Thấy được việc làm thiện lành của nhóm cũng như hiệu quả từ quán chay thiện nguyện, nhiều bà con phát tâm tham gia, đồng hành. Vốn đồng hành cùng nhóm làm từ thiện, nên khi mở quán chay, ông Lê Hữu Thoại ngụ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang đều đặn có mặt tại quán cơm mỗi bữa phục vụ. “Làm được gì làm, từ bưng bê, gọt rau củ, đến dọn dẹp… mỗi người một tay một chân cho mau rồi việc” - ông Thoại chân tình. Hay như bà Chế Thị Tuyết Loan, đầu bếp của quán, nói vui: “Mấy nay trong người không khỏe nhưng vào bếp xào nấu cùng chị em, với lại nghe bà con khen cơm ngon, tự nhiên thấy hết bệnh luôn”. Bà Nguyễn Thị Liên, thành viên của nhóm, thì kể rằng, để có cơm phục vụ đúng lịch, trước một bữa, các thành viên đã có mặt để sơ chế, nấu nướng, nhưng ai cũng nhiệt tình vì thấy vui, thấy việc làm mình có ý nghĩa.
Nhìn cách phục vụ của quán chay thiện nguyện này, chúng tôi chợt nghĩ, đó là những bữa ăn “không khoảng cách”, bữa ăn của tình người, của lòng nhân ái bao la.
Nguồn: Báo Cần Thơ Online
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đưa tạng chàng trai chết não đi 3 miền để ghép cứu người
Gieo mầm thiện 09:30 03/12/2024Trong 24 giờ đợi bác sĩ đánh giá chết não, chàng trai 18 tuổi chuyển biến nặng tưởng chừng tử vong, song đã giữ được nhịp tim đến cùng dưới sự hỗ trợ của máy móc để hiến tạng cứu 7 người.
Chùa Tường Nguyên khởi công xây dựng 2 cầu bê-tông nông thôn tại tỉnh Hậu Giang
Gieo mầm thiện 05:20 02/12/2024Ngày 1-12, Đại đức Thích Minh Phú, Phó Thường trực Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) tổ chức khởi công xây dựng công trình cầu nông thôn tại tỉnh Hậu Giang.
Chùa Bồ Đề - mái ấm nơi cửa Phật
Gieo mầm thiện 10:20 01/12/2024Chùa Bồ Đề ở phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) là nơi cưu mang những mảnh đời bị bỏ rơi giữa chốn nhân gian. Đây không chỉ là nơi tu hành đạo Phật mà còn là mái ấm của những em nhỏ có hoàn cảnh éo le.
Tình nguyện vá đường, hiến máu sau lần sẻ chia ở chùa
Gieo mầm thiện 18:09 30/11/2024Trong 14 năm qua, Phạm Văn Hiếu cùng nhóm tình nguyện đã lặng thầm "vá" hàng ngàn ổ gà tại các tuyến đường trong ngoài thành phố. Không những thế, anh còn hiến máu, hiến tiểu cầu hơn 80 lần và vận động được hàng trăm cùng người tham gia.
Xem thêm