Con đường trung đạo đưa con đến học bổng Tiến sĩ
Một chiều cuối mùa hè năm 2009, cậu bé sắp tròn 7 tuổi líu ríu bám áo mẹ lên máy bay, chọn TP.HCM làm quê hương mới, cho một hành trình mới chỉ có hai mẹ con.
Sáng sớm hôm sau được cậu và mẹ đưa đến lớp, con nhìn lớp học lạ lẫm rồi đi giật lùi ra cầu thang, miệng nhắc đi nhắc lại chỉ một câu, “Mẹ ơi, con ghét Sài Gòn.” Mấy ngày tiếp theo con liên tục hỏi, “Nhà mình ở đâu rồi mẹ?”. Mẹ ôm con vỗ về, “Nhà mình là nơi con có mẹ. Nơi nào con có tình thương, nơi đó con sẽ gọi là nhà.”
Từ đó, ngôi nhà của con mỗi ngày một lớn, khi con hồ hởi theo mẹ đến trường buổi sớm mai, khi vòng tay mẹ ôm con vào giấc ngủ, khi đôi chân mẹ hăng hái chạy cùng con đá bóng đánh cầu. Tình thương của mẹ nhân đôi, để bù lại một tình thương khác đã rớt rơi đâu đó giữa lưng chừng gió bụi.
Con đường tuổi thơ của con êm đềm không sóng gió. Con học hành, con vui chơi, thành tích không có gì vượt trội. Mỗi lần mẹ hỏi con trai mẹ hôm nay được điểm gì, con trả lời con không biết nữa, mẹ cứ lật vở ra xem đi. Mẹ vẫn cười, kệ, miễn rằng con trai mẹ vui trọn vẹn tuổi thơ, thế cũng đã tròn đầy hạnh phúc.
Con đường thiếu niên của con vẫn bình yên một lối đi về. Ngôi nhà vẫn chỉ có con và có mẹ. Có những bài học chữ nghĩa mẹ dạy con đêm đêm. Có những câu chuyện vu vơ mẹ thì thầm dẫn lối cho con trước đường đời muôn ngả. Con vẫn học, vẫn vô lo, vẫn bình thản đi sau các bạn. Mẹ con vẫn vui cười và vẫn vô ưu, bởi mẹ đã thấy thấp thoáng phía trước con đường trung đạo.
Đường trung đạo của con tuyệt nhiên vắng bóng những lớp học chuyên ở trung tâm thành phố và những lớp học thêm sớm tối đi về, bởi một lẽ giản đơn là mẹ con không thể nào thu xếp nổi việc sớm hôm ngược xuôi đưa đón, bởi mẹ nuôi con chỉ có một mình.
Đường trung đạo của con khi bập bùng điệu ghi ta, lúc trong trẻo tiếng dương cầm, khi mênh mang tiếng tiêu trầm sáo bổng, bởi một lẽ giản đơn là mẹ con chỉ muốn con mẹ an vui, khi con biết nương tựa vào những vỗ về của thanh âm để cân bằng mệt nhoài chữ nghĩa.
Con vào đại học, theo thầy lên lớp rồi vào lab, học từ thầy kiến thức và học từ thầy một tinh thần cống hiến nghiêm túc cho học thuật. Qua tháng, qua năm. Qua bao nhọc nhằn của một thời sinh viên phấn đấu. Những lúc con mệt quá là những lúc luôn có mẹ ngồi bên, để lắng nghe từng lời con hát, để giúp con gọt cho tròn những nốt nhạc chưa hay, để con nương theo tiếng mẹ vỗ tay mà vững bước trên con đường trung đạo.
Ngày con tốt nghiệp, mẹ hân hoan dõi mắt theo con nhanh nhẹn bước qua lễ đài, cúi mình chào các thầy cô đã đưa con đi qua những tháng ngày gian lao được đổi lại bằng ngọt ngào hạnh phúc. Ngày con được vị giáo sư đáng kính của đất nước Singapore sang Việt Nam phỏng vấn và trân trọng đón con về, mẹ đã bao lần rơi nước mắt theo đêm dài mất ngủ.
Rồi đây con sẽ đi tiếp những nẻo đường thênh thang khác không còn có mẹ đồng hành qua từng bước. Trong tất cả những lời mẹ dặn, con cần ghi nhớ nhất một lối đi vào tương lai qua ngả con tim, bởi ân sủng lớn nhất của cuộc đời là được cho đi và nhận lại những ân tình nhân ái.
(Viết cho con trai Lâm Quang Thiện, mong con vững chãi trên mọi bước đường)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Con đường trung đạo đưa con đến học bổng Tiến sĩ
Phật pháp và cuộc sống 18:58 11/12/2024Một chiều cuối mùa hè năm 2009, cậu bé sắp tròn 7 tuổi líu ríu bám áo mẹ lên máy bay, chọn TP.HCM làm quê hương mới, cho một hành trình mới chỉ có hai mẹ con.
Cô gái điêu khắc dưa hấu thành hình tượng Phật
Phật pháp và cuộc sống 16:47 11/12/2024Nhờ đôi bàn tay khéo léo cùng sự tỉ mỉ, cẩn trọng Nguyễn Thị Hoàng Kim (30 tuổi), ngụ tại tỉnh Đồng Tháp, đã điêu khắc dưa hấu thành các tác phẩm tuyệt đẹp.
Học theo hạnh của Bồ Tát Thường Bất Khinh
Phật pháp và cuộc sống 16:00 11/12/2024Làm thế nào để khi đối diện với một người đầy tính xấu hoặc không coi trọng ta, mà ta vẫn có thể thấy họ đẹp như một vị Phật được?
Người phụ nữ 16 năm miệt mài trồng thuốc nam làm từ thiện
Phật pháp và cuộc sống 14:33 11/12/2024Suốt 16 năm, bà Lê Thị Ngọc Mai (50 tuổi, ngụ xã Lịch Hội Thượng, H.Trần Đề, Sóc Trăng) miệt mài trồng thuốc nam cung cấp miễn phí cho các phòng khám từ thiện khắp các tỉnh thành miền Tây.
Xem thêm