Đại Bồ-tát Địa Tạng
Con đường đến với Phật pháp của mỗi người mỗi khác nhau, không ai giống ai. Nhưng chung quy, đến với Phật pháp, trước hết là lòng chân thật và dốc lòng tin theo không nghi ngờ với một Thầy hướng đạo đúng đắn
> Bồ tát Địa Tạng độ người vãng sinh
“Địa” là dày chắc, “Tạng” chứa đủ
Cõi nước phương Nam nổi mây thơm
Rưới hương, rưới hoa, hoa vần vũ
Mây xinh, mưa báu số không lường.
Lành tốt, trang nghiêm cảnh dị thường
Người, trời bạch Phật: nhân gì thế?
Phật rằng: Địa Tạng đến thiên đường!
Chư Phật ba đời đồng khen chuộng
Mười phương Bồ-tát chung tin tưởng
Nay con sẵn có thiện nhân duyên
Ngợi khen Địa Tạng đức vô lượng.
Khi nghe nói đến đại Bồ-tát Địa Tạng, chúng ta nghĩ ngay đến vị đại Bồ-tát thường cứu chúng sinh trong đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, hay những vong linh mới mất trong bốn mươi chín ngày, hay ngày giỗ ông bà, cha mẹ, anh chị em, hay lục thân quyến thuộc nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, hiện tại, vị lai... chúng ta thường thỉnh chư Tăng hoặc tự mình tụng đọc kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện Công Đức, để nhờ đến oai thần của Ngài hòng cứu giúp khổ nạn cho người thân chúng ta lúc mới qua đời.
Hình tượng vị đại Bồ-tát mình đắp áo cà-sa, tay phải cầm tích trượng, tay trái cầm hạt châu như ý, hiện tướng một vị Tỳ-kheo Tăng đứng trên tòa sen báu, đã in sâu vào tâm thức của người dân Việt Nam. Chúng ta thường thấy vị đại Bồ-tát này trong các chùa tháp thờ tro cốt, hương linh ở các tự viện, với mong muốn rằng vị đại Bồ-tát này có thể dẫn dắt hương linh của chúng ta thoát khỏi chốn u đồ tối tăm, về với ánh sáng Phật pháp; thoát khỏi khổ đau luân hồi sinh tử. Song chúng ta không biết được rằng, đại nguyện của vị đại Bồ-tát mà chúng ta đang chiêm bái hằng ngày, có những công đức phước báu mà chúng ta chưa hề được biết đến.
Việc hoằng hóa đem lại lợi ích, an lạc cho chúng sinh, chư Phật và Bồ-tát đã từ vô lượng ức kiếp thực hành lục độ Ba-la-mật, đạt đến cứu cánh viên mãn. Mỗi bước chân chúng ta đi, đã có không biết bao máu thịt xương cốt của các vị Phật, các vị Bồ-tát trải qua không biết bao nhiêu thân sinh tử ở trên mặt đất này mà nói cho hết được, gọi là “không thể nghĩ bàn”. Nhiều người cho rằng, chỉ có một vị Phật Thích-ca Mâu-ni và chư Thánh chúng đệ tử của Ngài thôi. Đây là hình tượng có thật, có lịch sử ghi chép lại, có sự chứng minh của khoa học, có kinh sách được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, ngoài ra không có vị Phật hay vị đại Bồ-tát nào khác nữa. Các vị suy nghĩ như vậy có được hay không.
Con đường đến với Phật pháp của mỗi người mỗi khác nhau, không ai giống ai. Nhưng chung quy, đến với Phật pháp, trước hết là lòng chân thật và dốc lòng tin theo không nghi ngờ với một Thầy hướng đạo đúng đắn; sau đó, mới dần dần học hỏi thêm các kinh sách Phật giáo, tích chứa những kiến thức Phật pháp, và sự tu tập của bản thân qua từng giai đoạn. Ta lại chấp chặt vào đó, cho rằng con đường mình đang tu là đúng đắn, là số một, mà quên đi rằng Phật pháp có sự uyển chuyển. Tâm trí của chúng ta giống như một cái lu đựng nước.
Cái chúng ta được tiếp xúc, được học tập, và được lưu giữ ở trong cái lu nước đó, mỗi ngày một ít, cho tới khi đầy tràn và không thể chứa thêm được nữa. Nếu như chúng ta cứ khư khư giữ cái sở học và sở tu của mình như cái lu nước đầy kia, thì chúng ta không bao giờ tiến xa hơn được, cũng như trí tuệ của chúng ta không tăng không giảm tí nào cả. Do vậy, nếu muốn tiếp cận cái mới, cái trí tuệ siêu việt hơn, thì chúng ta phải xả bỏ cái cũ; cũng giống như lu nước đã đầy và để lâu quá rồi nó sẽ sinh trùng và rất dơ bẩn, thì cần chúng ta phải đổ đi và dọn vệ sinh cho nó, để chứa lượng nước mới tươi mát hơn, thơm ngon hơn.
Hướng dẫn cách tụng và tải kinh Địa Tạng
Trong kinh Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Thập Luân, phẩm Tựa chép:
Như vầy tôi nghe, một thời, đức Thế Tôn cùng với đại chúng Bí-sô, vô số chúng đại Thanh văn Tăng và chúng đại Bồ-tát, vô số chúng đại Bồ-tát Tăng trú ở núi Khư-la-đế-da, trú xứ của chư tiên ẩn sĩ.
Sau khi Phật thuyết kinh Nguyệt Tạng xong, ở phương Nam nổi lên vầng mây thơm lớn, mưa hương thơm lớn; nổi lên vầng mây hoa lớn, mưa hoa lớn; nổi lên vầng mây đồ trang sức quý báu tốt đẹp lớn, mưa đồ trang sức quý báu tốt đẹp lớn; nổi lên vầng mây y phục xinh đẹp lớn, mưa y phục xinh đẹp lớn. Các vầng mây, trận mưa này đầy khắp núi ấy, nơi trụ xứ của chư tiên ẩn sĩ. Từ các hương hoa, vật trang sức quý báu, y phục, phát ra hàng trăm ngàn âm thanh thuyết pháp vi diệu như là: âm thanh quy kính Tam Bảo, âm thanh thọ trì giới luật, âm thanh nhẫn nhục nhu hòa, âm thanh tinh tấn dũng mãnh, âm thanh điều phục bốn ma, âm thanh hướng đến trí tuệ, âm thanh khen ngợi rộng lớn vang khắp ba cõi, âm thanh khuyên tu pháp niệm – định tổng trì thù thắng, âm thanh không – vô tướng – vô nguyện, âm thanh nhàm chán, xa lìa tham dục, âm thanh sắc như bọt nước, âm thanh thọ như bong bóng nước, âm thanh tưởng như sóng nắng, âm thanh hành như thân cây chuối, âm thanh thức như vật huyễn hóa, âm thanh vô thường – khổ – vô ngã – không, âm thanh tàm quý, âm thanh xa lìa, âm thanh hộ niệm, âm thanh từ – bi – hỷ – xả, âm thanh chứng đắc các pháp, âm thanh sanh thiên – Niết bàn, âm thanh hướng đến ba thừa, âm thanh chuyển đại pháp luân, âm thanh mưa pháp lớn, âm thanh giáo hóa hữu tình, âm thanh độ thoát ba đường ác, âm thanh tu tập viên mãn sáu pháp Ba-la-mật, âm thanh phương tiện quyền xảo, âm thanh hướng đến mười địa, âm thanh an trụ thần thông, âm thanh an trụ Đại thừa vô thượng thanh tịnh, âm thanh địa vị Bất thối chuyển, âm thanh Vô sanh pháp nhẫn, âm thanh địa vị thọ pháp quán đảnh, âm thanh hướng vào biển lớn của tất cả chư Phật…
Khi ấy, trong chúng hội, có đại Bồ-tát tên là Hảo Nghi Vấn, đứng dậy sửa y phục, trịch một vai áo, gối phải chấm đất, làm lễ chân Phật, chắp tay thưa:
- Bạch Thế Tôn! Thiện nam tử này từ đâu đến đây? Ở cõi Phật nào? Cách đây gần hay xa? Thành tựu những công đức thiện căn gì mà được Thế Tôn khen ngợi? Vị ấy lại tán thán biển giáo pháp công đức bất khả tư nghì của Phật. Chúng con xưa nay chưa từng nghe thấy, nguyện xin Ngài giảng nói cho chúng con.
Đức Thế Tôn bảo:
- Thôi đi, thiện nam tử! Công đức thiện căn của ngài Địa Tạng đại sĩ này, tất cả đại chúng trời người trong thế gian đều không thể suy lường được. Nếu các ông nghe Như Lai giảng thuyết công đức thiện căn của bậc Đại sĩ này, thì tất cả đại chúng trời người trong thế gian đều mờ mịt hoặc không tin hiểu.
Khi ấy, Bồ-tát Hảo Nghi Vấn lại thưa thỉnh:
- Nguyện xin Như Lai thương xót, giảng thuyết cho chúng con!
Phật dạy:
- Hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ông mà giảng thuyết sơ lược. Vị Đại sĩ này thành tựu vô lượng công đức thù thắng bất khả tư nghì, có thể an trụ định thù thắng Thủ-lăng-già-ma, hoàn toàn ngộ nhập cảnh giới Như Lai, đã chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn tối thắng. Đối với các pháp chư Phật đã được tự tại, có khả năng chứng đắc địa vị Nhất thiết trí, có thể vượt qua biển Nhất thiết trí, có thể an trụ định Sư-tử-phấn-tấn-tràng, có thể leo lên núi Nhất thiết trí, có thể bẻ gãy tà luận của ngoại đạo. Vì muốn giáo hóa tất cả hữu tình, nên an trụ ở tất cả cõi Phật…
- Này thiện nam tử! Giả sử có người mong cầu sở nguyện mà chí tâm quy y, xưng niệm danh hiệu, đọc tụng, lễ bái, cúng dường các vị Bồ-tát thượng thủ trong vô số các đại Bồ-tát như Di-lặc, Diệu Cát Tường, Quán Tự Tại, Phổ Hiền, trải qua trăm kiếp không bằng người chí tâm quy y, xưng niệm danh hiệu, đọc tụng, lễ bái, cúng dường đại Bồ-tát Địa Tạng trong một bữa ăn, sở nguyện sẽ mau thành tựu viên mãn. Vì sao? Vì đại Bồ-tát Địa Tạng làm lợi ích an lạc cho tất cả hữu tình, làm cho sở nguyện của các hữu tình được viên mãn như ngọc châu như ý, cũng như kho tàng. Vị Đại sĩ này vì muốn giáo hóa cho các hữu tình, nên đã từ lâu tu tập đại bi đại nguyện kiên cố, dõng mãnh, tinh tấn hơn các Bồ-tát. Do đó, các ông nên cúng dường Bồ-tát Địa Tạng…
Như vậy, công đức phước báu của vị đại Bồ-tát thật là không thể nghĩ bàn. Công đức phước báu của chúng ta so với đại Bồ-tát Địa Tạng, không bằng một mảy bụi hay hạt cát nhỏ. Vì thế, chúng ta nên học tập theo hạnh tu tập của Ngài mà giáo hóa chúng sinh, tinh tấn dõng mãnh kiên cố mà tu tập. Tổ Quy Sơn có dạy: “Không nên nản chí thối lui, không vì con đường thành Phật lâu xa mà sinh tâm khiếp sợ. Ai kia là trượng phu thì ta đây cũng vậy”. Cho nên, tu hành cần phải trải qua vô lượng ức kiếp, phát đại bi đại nguyện kiên cố, có lý tưởng và mục đích rõ ràng, thì thân tâm ta cảm thấy an lạc và hạnh phúc trong một trụ xứ nào đó. Kính chúc mọi người luôn luôn có được hỷ lạc trong việc tu tập.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cuộc đời Tôn giả Mahã Kassapa qua kinh tạng Nikãya
Nhân vật Phật giáo 09:00 11/10/2024Từ khi chào đời cho đến lúc nhập diệt, Ngài luôn sống trong thanh tịnh, hoàn thành chí nguyện xuất gia cũng như lối sống phạm hạnh đầu đà của mình.
Tôn giả Ananda và 8 đặc ân khi làm thị giả của đức Phật
Nhân vật Phật giáo 07:35 31/05/2024Sau khi nghe Đại đức Ānanda giải thích ý nghĩa của mỗi đặc ân, Đức Phật chấp thuận đủ tám đặc ân của Đại đức Ānanda. Bắt đầu từ thời gian ấy, Đại đức Ānanda chính thức là thị giả thường trực ngày đêm lo chăm sóc, phục vụ Đức Thế Tôn, cho đến lúc Đức Thế Tôn tịch diệt Niết Bàn.
Thời niên thiếu của Tôn giả Mục-kiền-liên
Nhân vật Phật giáo 19:20 26/03/2024Tôn giả Mục-kiền-liên, bậc Thánh đứng hàng thứ hai trong mười vị Đại đệ tử của đức Phật. Ngài được đức Thế Tôn khen ngợi là vị có thần thông đệ nhất và hiếu tâm lớn nhất trong hàng đệ tử xuất gia của Phật.
Thiền sư Khương Tăng Hội – Người khai sáng Thiền tông Việt Nam
Nhân vật Phật giáo 09:03 20/03/2024Người khai sáng Thiền tông Việt Nam là Thiền sư Khương Tăng Hội – sơ Tổ của dòng phái Thiền Việt Nam, người đã có công góp phần xây dựng cơ sở nền móng hoạt động để Trung tâm Phật giáo thứ II ở vùng Đông Bắc Bộ phát triển từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XI.
Xem thêm