Thứ sáu, 11/10/2024, 09:00 AM

Cuộc đời Tôn giả Mahã Kassapa qua kinh tạng Nikãya

Từ khi chào đời cho đến lúc nhập diệt, Ngài luôn sống trong thanh tịnh, hoàn thành chí nguyện xuất gia cũng như lối sống phạm hạnh đầu đà của mình.

Dẫn nhập

Sau 49 ngày đêm tư duy thiền định, đức Thế Tôn chứng quả vô thượng Chính Đẳng Giác dưới cội Bồ Đề, Ngài đã du hóa khắp lưu vực sông Hằng qua các vương quốc Magadha và Kosala thuộc đông bắc Ấn Độ, không phân biệt tầng lớp, giai cấp trong xã hội, hễ ai có duyên Ngài đều hóa độ.

Trong đó có thể kể đến các đại đệ tử lớn như: Sāriputta, Mahā Kassapa, Moggallāna, Anuruddha, Upāli, Rāhula…. và Tôn giả Mahā Kassapa được kinh điển khắc họa với những công hạnh nổi bật, không những là đệ tử Đầu đà đệ nhất, Mahā Kassapa còn là người có vai trò quan trọng đối với giáo đoàn trước cũng như sau khi đức Phật nhập Niết bàn.

Đặc biệt là trong Đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất. Đối với giáo đoàn mà nói, tài sản là những lời Phật dạy và để gìn giữ gia tài pháp bảo đó thì sự truyền thừa vững mạnh của các bậc chân tu thật sự rất cần thiết.

Tiêu biểu trong trọng trách ấy không thể không nhắc đến Tôn giả Mahā Kassapa. Với tâm nguyện ẩn dật ở chốn rừng núi, sống bằng hạnh đi khất thực và mặc y phấn tảo, Ngài đã dâng hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho đạo pháp.

Nội dung

Mahā Kassapa sinh ra trong một gia đình thuộc dòng dõi Bà la môn, với cái tên Pippalimānava. Ngài là con bà vợ chính của Bà la môn Kapila, tại làng Mahātithha, Rājagaha. Pippalimānava phước tướng đầy đủ, tư chất thông minh. Lúc khôn lớn, Ngài khác hẳn những người cùng lứa tuổi.

Các lạc thú ở đời Ngài không ham thích, kể cả vấn đề âu yếm. Ngài thường tỏ chán ghét, không thích đám đông, riêng ở một mình. Khi đủ tuổi trưởng thành, cha mẹ hối thúc Ngài lập gia thất thì Ngài xin ở vậy để chăm sóc cha mẹ cho đến khi họ qua đời Ngài sẽ đi tu nhưng cha mẹ đã không đồng ý.

Biết là không thể lay chuyển được ý định của cha mẹ nên Ngài thuê người làm tượng một thiếu nữ trẻ đẹp, đeo trang sức bằng vàng và nói với mẹ rằng nếu tìm được một thiếu nữ như vậy, Ngài sẽ chịu lập gia đình.

Bà mẹ sai các người Bà la môn đem theo tượng ấy và tìm cho ra một thiếu nữ giống như vậy. Rồi họ đi đến nước Madda. Tại đó, họ tìm thấy ở ngôi làng Sāgala một thiếu nữ xinh đẹp trông giống bức tượng. Nàng tên là Bhaddā con gái của một gia đình cũng nổi danh đại phú.

Các Bà la môn mừng rỡ liền theo chân nàng tìm đến nhà cha mẹ nàng để thưa chuyện và đồng thời đưa tin về Kapila. Nhưng cả Pippalimānava và Bhaddā đều không muốn lập gia đình, nên cả hai viết thư cho nhau nói rõ quyết định của mình. Hai người đưa thư gặp nhau giữa đường đã đưa thư cho nhau coi rồi đánh tráo hai bức thư khác, do vậy đám cưới được cử hành.

Tuy nhiên, vì sự khao khát được xuất gia, cả hai người đều giữ vững lối sống thanh tịnh và tôn trọng nhau. Để giữ vững quyết tâm này, mỗi đêm họ đặt một tràng hoa chia cách nhau trên cùng một chiếc giường trước lúc đi ngủ. Suốt ngày, cả hai cũng không cười nói gì với nhau, họ tránh xa khỏi các lạc thú ở đời. Mãi 12 năm sau, khi cha mẹ đều từ giã cõi đời, hai người thừa kế một gia sản đồ sộ. Lúc bấy giờ họ cảm thấy một sự thôi thúc tột độ phải đi tìm con đường giải thoát. (1)

Mahā Kassapa xuất gia trong Trưởng Lão Tăng kệ ghi lại rằng: Kassapa và Bhaddā cùng mặc áo vàng, cắt tóc, mang bình bát, trước cùng đi với nhau, sau thấy bất tiện nên từ giã nhau, Mahā Kassapa đi phía mặt, Bhaddā đi phía đường bên trái. Trước giới đức như vậy, quả đất rung động và Thế Tôn biết được nguyên nhân nên ra ngồi giữa đường từ Nālandā đến Rājagaha.

Gặp Thế Tôn, Mahā Kassapa đảnh lễ Thế Tôn, tôn Thế Tôn là bậc Thầy, tự nhận mình làm đệ tử. Thế rồi đức Đạo sư và đệ tử đều đi đến Magadha. Trên đường đi, đức Phật muốn nghỉ chân nên bước sang một bên và ngồi nghỉ dưới một gốc cây. Liền lúc ấy, Tôn giả Mahā kassapa xếp tấm y của mình thành bốn và thỉnh cầu Đức Phật ngồi trên đó: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ngồi xuống ở đây, để con được hạnh phúc an lạc lâu dài”.

Đức Phật ngồi xuống tấm y của Mahā Kassapa và nói rằng: “Thật là mềm dịu, này Kassapa, là tấm y Tăng-già-lê này làm bằng vải cắt của ông!”

“Bạch Thế Tôn, mong rằng Thế Tôn nhận lấy tấm y làm bằng vải cắt này từ nơi con, vì lòng từ mẫn đối với con”“Này Kassapa, ông có dùng tấm y phấn tảo làm bằng vải gai thô, đáng được quăng bỏ của Ta không?”“Con sẽ dùng, bạch Thế Tôn, tấm y phấn tảo làm bằng vải gai thô, đáng được quăng bỏ của Thế Tôn” (2)

Việc trao đổi pháp y là một vinh dự to lớn đối với Tôn giả Mahā Kassapa vì nó chỉ xảy ra giữa đức Phật với Mahā Kassapa mà thôi. Sau khi thọ giới và trao đổi pháp y với Phật, Tôn giả Mahā Kassapa tinh tấn tu tập mười ba hạnh đầu đà. Đến ngày thứ tám, Ngài chứng quả A-la-hán, đức Phật đã tuyên dương Ngài là vị đệ tử Đầu đà đệ nhất: “Trong các vị đệ tử Tỳ-kheo của Ta thuyết về hạnh đầu đà, này các Tỳ-kheo, tối thắng là Mahā Kassapa.” (3)

01

Trong mười ba hạnh đầu đà, Mahā Kassapa giữ trọn vẹn mười hai điều, riêng điều khất thực không chọn lựa thì Tôn giả chỉ đến khất thực trước nhà người nghèo. Theo Ngài người giàu đã thừa phước đức, ta không cần phải mang phước đến cho họ, còn người nghèo vì thiếu phước đức ta cần đem phước điền cho họ gieo trồng. Với chí nguyện này Tôn giả đã độ bà lão nghèo khổ, giúp bà thoát được kiếp nghèo bằng cách thọ nhận bát nước cơm do bà thành tâm dâng cúng.

Sau khi xuất gia theo Phật một năm và cũng là năm thứ ba kể từ ngày Phật thành đạo, Mahā Kassapa nhớ đến lời hứa với Bhaddā, Tôn giả bèn an tĩnh nhập định quan sát mới biết Bhaddā đang theo làm đệ tử một phái ngoại đạo bên bờ sông Hằng. Mahā Kassapa biết nàng đang cần sự tiếp độ của mình để truyền lại chân lý nhiệm mầu của Đức Thế Tôn hầu giúp cho nàng mau giác ngộ. Tôn giả bèn nhờ một vị tỳ kheo đi đón Bhaddā thay Ngài. Sau khi gia nhập Tăng đoàn, Bhaddā tinh tấn tu tập và đắc thánh quả A-la-hán. Tôn giả Mahā Kassapa rất hoan hỷ, với hai mặt đạo và đời Ngài đều thực hiện viên mãn, hết mối bận tâm.

Trong số những Thánh đệ tử của đức Phật, Mahā Kassapa là người chuyên tu khổ hạnh và chỉ sống cuộc sống tri túc ở chốn rừng núi. Đã có lần đức Phật khuyên Tôn giả nên chấp nhận y của tín thí dâng cúng cũng như ở chỗ gần với đức Phật hơn chứ không nên sống xa xóm làng khi tuổi đã cao để tránh những nỗi khó nhọc, phòng khi đau ốm không ai chăm sóc, lo lắng, nhưng Tôn giả đã thưa rằng: “Từ lâu con đã ở trong rừng, sống bằng hạnh đi khất thực và mặc y phấn tảo, lối sống đó con đã quen thuộc và con cũng khuyên những ai có duyên nên thực hành vì lợi ích của đời sống như thế.” (4)

Khi Đức Phật hỏi rằng: “Ông hãy cho biết vì lí do gì ông phải sống theo cách như thế?” Mahā Kassapa thưa rằng: “Bạch Thế Tôn có hai lợi ích: thứ nhất con thấy tự mình hiện tại được an lạc trú; thứ hai vì lòng từ mẫn đối với chúng sinh sắp đến, mong rằng các chúng sinh sắp đến sẽ bắt chước”. (5) Đức Phật khen ngợi và tuyên bố rằng Thánh tăng Mahā Kassapa là người thiểu dục tri túc với bất kỳ các loại y phục, vật thực, sàng tọa và thuốc men nào mà Tôn giả có được: “Tri túc, này các Tỳ - kheo, là Kassapa này, với bất cứ loại y nào, và tán thán hạnh tri túc với bất cứ loại y nào; không vì y làm điều bất chính, bất xứng. Nếu không được y, vị này không có dao động. Và nếu được y, vị này dùng y không tham lam, không say đắm, không phạm tội, thấy nguy hại, quán xuất ly với trí tuệ…” (6)

Với công hạnh tri túc như vậy, Tôn giả Mahā Kassapa khuyên các tỳ kheo thực hành biết đủ liên hệ đến bốn vật dụng căn bản cho đời sống của người xuất gia qua các kệ ngôn:

1055. Từ trú xứ bước xuống, /Ta vào thành khất thực, /Ta cẩn thận đến gần, /Một người cùi đang ăn.

1056. Với bàn tay lở loét, /Nó bỏ vào một muỗng, /Khi bỏ vào muỗng ấy, / Ngón tay rời rơi vào.

1057. Dựa vào một chân tường, /Ta ăn miếng ăn ấy, /Đang ăn và ăn xong, / Ta không cảm ghê tởm.

1058. Miếng ăn đứng nhận được, /Xem như thuốc tiêu thôi, /Chỗ nằm dưới gốc cây, /Và y từ đống rác, /Ai thọ dụng chúng được, /Được gọi người bốn phương. (7)

Trong Tương Ưng Bộ kinh ghi rằng Tôn giả Ānanda đã ba lần thỉnh cầu Tôn giả Mahā Kassapa đến trú xứ của các tỳ kheo ni để thuyết pháp cho chư Ni với mong muốn khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Thế nhưng kết quả lại trái ngược với những gì ngài Ānanda mong đợi.

Sau bài pháp thoại đó, một vị tỳ kheo ni có tên Thullatissā đã nói ra những lời lẽ bất kính đối với Mahā Kassapa như sau: “Làm sao Tôn giả Mahā Kassapa trước mặt Ānanda lại nghĩ đến thuyết pháp, ví như một người bán kim lại nghĩ có thể bán kim cho người làm kim?” (8)

Khi Tôn giả Mahā Kassapa nghe đến những lời chỉ trích của tỳ kheo ni đó, Tôn giả đã cảnh báo Ānanda hãy cẩn thận chứ quá liên quan đến việc chăm sóc cho Ni giới, vì họ có thể trở nên quá yêu thương Tôn giả và khiến cho người khác có cảm giác nghi ngờ về Tôn giả.

Một lần khác, Mahā Kassapa đã khiển trách Tôn giả Ānanda về việc dẫn quá ba tỳ kheo đến nhà phật tử thọ trai: “Vậy thời vì sao, này Hiền giả Ānanda, Hiền giả lại cùng du hành với những tân tỳ kheo này, những người không hộ trì các căn, không tiết độ trong ăn uống, không chú tâm tỉnh giác? Ta nghĩ Hiền giả hành động thật là kẻ dẫm đạp ngũ cốc!” (9) Tất cả những lời đóng góp khiển trách dành cho Ānanda đều là vì lòng thương tưởng của Mahā Kassapa đối với chính pháp. Ngài lo lắng những việc làm đó của Ānanda sẽ khiến Ni giới dễ rơi vào tình cảm luyến ái và Ngài cũng sợ hàng tín thí sẽ mất niềm tin đối với chính pháp.

Tôn giả Mahā Kassapa đã có nhiều đóng góp to lớn cho giáo đoàn kể cả trước hay sau khi Phật nhập diệt. Sở dĩ chính pháp còn tồn tại đến hôm nay thì không thể không nhắc đến công lao của Ngài. Vào thời điểm đức Phật nhập Niết bàn chỉ có hai trong năm đại đệ tử có mặt là Tôn giả Ānanda và Anuruddha. Sāriputta và Moggallāna đều đã nhập Niết bàn trước đó. Khi ấy Mahā Kassapa cùng với một hội chúng tỳ kheo đang trên đường từ Pāvā đến Kusinārā. Rồi Tôn giả bước xuống đường và đến ngồi tại một gốc cây. Lúc bấy giờ, có một tà mạng ngoại đạo Ājīvaka cầm một cành hoa Mandārava đang đi từ xa đến phía Tôn giả. Thấy vậy, Tôn giả liền hỏi tà mạng ngoại đạo ấy về tin tức của đức Phật.

“Này Hiền giả, Hiền giả có biết bậc Đạo sư chúng tôi không?”

Tà mạng ngoại đạo đáp: “Này Hiền giả, tôi có biết. Sa-môn Gotama đã diệt độ cách hôm nay một tuần. Từ chỗ ấy, tôi được hoa Mandārava này.” (10)

Lúc ấy, một số tỳ kheo chưa diệt trừ tham ái thì than khóc, lăn lộn, còn một số tỳ kheo đã diệt trừ tham ái thì an trú chính niệm, tỉnh giác. Bên cạnh đó, có tỳ kheo Subhadda xuất gia khi lớn tuổi đã nói với chư vị tỳ kheo đang than khóc rằng: “Thôi các Hiền giả, chớ có sầu não, chớ có khóc than! Chúng ta đã thoát khỏi hoàn toàn vị đại Sa-môn ấy, chúng ta đã bị phiền nhiễu quấy rầy với những lời: Làm như thế này không hợp với các ngươi; làm như thế kia không hợp với các ngươi. Nay những gì chúng ta muốn, chúng ta làm; những gì chúng ta không muốn, chúng ta không làm”. (11)

Lúc bấy giờ, các vị Mallā ở Kusinārā châm lửa thiêu giàn hỏa Thế Tôn nhưng châm lửa không cháy. Khi Tôn giả Mahā Kassapa cùng hội chúng tỳ kheo đến, đi nhiễu quanh giàn hỏa và đảnh lễ chân Thế Tôn xong thì giàn hỏa tự bốc cháy.

Qua sự kiện này chúng ta thấy được rằng Tôn giả Mahā Kassapa quan trọng như thế nào đối với giáo đoàn cũng như chính pháp. Và đồng thời qua lời phát biểu của tỳ kheo Subhadda, chính là nguyên nhân mà ngay sau khi Phật nhập diệt khoảng ba tháng Tôn giả Mahā Kassapa đã triệu tập 500 Thánh tăng A-la-hán để kết tập kinh điển, nhằm tránh sự sai biệt cũng như bảo tồn giáo pháp và giới luật cho được trọn vẹn.

Sau khi diễn ra cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất, sự kính trọng Tôn giả Mahā Kassapa lại càng lớn hơn, và Tôn giả được xem như là người lãnh đạo Tăng đoàn.

Phẩm hạnh và lạp trưởng cao niên của Tôn giả cũng đã góp phần làm nên điều đó, bởi vì lúc bấy giờ Tôn giả là một trong những vị đệ tử cao niên nhất vẫn còn sống.

Vì vậy, Tôn giả Mahā Kassapa được mọi người công nhận là xứng đáng nhất trong việc kế thừa y bát của Phật và sau đó thì Mahā Kassapa đã chọn Tôn giả Ānanda là người xứng đáng nhất trong việc kế thừa tiếp theo rồi Ngài nhập Niết bàn ở núi Kukkuṭapāda.

Kết luận

Sau khi tìm hiểu nghiên cứu các nguồn tài liệu trong kinh tạng Nikāya về cuộc đời Tôn giả Mahā Kassapa, chúng con càng bội phần kính ngưỡng đối với Ngài. Từ khi chào đời cho đến lúc nhập diệt, Ngài luôn sống trong thanh tịnh, hoàn thành chí nguyện xuất gia cũng như lối sống phạm hạnh đầu đà của mình.

Cả cuộc đời Ngài đã hành hạnh lợi tha vì an lạc cho quần sinh, vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người, vì lợi ích và sự trường tồn của chính pháp.

Với những công hạnh vĩ đại ấy, chúng con nhận thấy rằng, đối với thế hệ tăng, ni trẻ chúng con ngày nay, được sống trong một xã hội phát triển đầy đủ mọi tiện nghi vật chất thì khó có ai thực hành được công hạnh thiểu dục tri túc như Ngài. Đặc biệt là công hạnh ly tham, mặc dù sống chung với người vợ xinh đẹp dịu hiền nhưng chí xuất trần của Ngài quá lớn nên cái duyên nợ phu thê kia không làm lay chuyển được chí nguyện của Ngài cũng như của Bhaddā.

Thật là một tấm gương vĩ đại để chúng con học hỏi và noi theo, đúng như tâm nguyện của lí do mà Ngài đã chọn lối tu khổ hạnh: “Vì lòng từ mẫn đối với chúng sinh sắp đến, mong rằng các chúng sinh sắp đến sẽ bắt chước.”

Học theo công hạnh Mahā Kassapa, chúng con nguyện sống biết đủ trong cuộc sống sung mãn này, nguyện cắt đứt những sợi dây tình cảm để tu và học theo chính pháp với tâm trong sáng thanh tịnh, xứng đáng với những gì mình đã thọ nhận. Được như vậy chúng con mới phần nào góp phần giữ gìn chính pháp cũng như đền đáp tứ ân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kinh Tương Ưng, HT Thích Minh Châu dịch, tập II, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 1991.

2. Kinh Tăng Chi, HT Thích Minh Châu dịch, tập I, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 1996.

3. Kinh Tiểu Bộ, HT Thích Minh Châu dịch, tập II, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2017.

4. Kinh Trường Bộ, HT Thích Minh Châu dịch, tập I, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 1991.

5. Lệ Như Thích Trung Hậu sưu khảo, Tôn giả Maha Kassapa, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2017.

Chú thích: 

(1). Trưởng Lão Tăng kệ, Kinh Tiểu Bộ, tập II, tr. 478_479.

(2). Tương Ưng Kassapa, chương V, Kinh Tương Ưng, tập II, tr. 380_381.

(3). Phẩm người tối thắng, chương I, Kinh Tăng Chi, tập I, tr. 49.

(4). Tương Ưng Kassapa, chương V, Kinh Tương Ưng, tập II, tr. 349.

(5). Sách đã dẫn, tr. 350.

(6). Tương Ưng Kassapa, chương V, Kinh Tương Ưng, tập II, tr. 335_337.

(7). Trưởng Lão Tăng kệ, Kinh Tiểu Bộ, tập II, tr. 479_480.

(8). Tương Ưng kassapa, chương V, Kinh Tương Ưng, tập II, tr. 372.

(9). Sách đã dẫn, tr. 376.

(10). Kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường Bộ Kinh, tập I, tr. 676.

(11). Sách đã dẫn, tr. 677.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Cuộc đời Tôn giả Mahã Kassapa qua kinh tạng Nikãya

Nhân vật Phật giáo 09:00 11/10/2024

Từ khi chào đời cho đến lúc nhập diệt, Ngài luôn sống trong thanh tịnh, hoàn thành chí nguyện xuất gia cũng như lối sống phạm hạnh đầu đà của mình.

Tôn giả Ananda và 8 đặc ân khi làm thị giả của đức Phật

Nhân vật Phật giáo 07:35 31/05/2024

Sau khi nghe Đại đức Ānanda giải thích ý nghĩa của mỗi đặc ân, Đức Phật chấp thuận đủ tám đặc ân của Đại đức Ānanda. Bắt đầu từ thời gian ấy, Đại đức Ānanda chính thức là thị giả thường trực ngày đêm lo chăm sóc, phục vụ Đức Thế Tôn, cho đến lúc Đức Thế Tôn tịch diệt Niết Bàn.

Thời niên thiếu của Tôn giả Mục-kiền-liên

Nhân vật Phật giáo 19:20 26/03/2024

Tôn giả Mục-kiền-liên, bậc Thánh đứng hàng thứ hai trong mười vị Đại đệ tử của đức Phật. Ngài được đức Thế Tôn khen ngợi là vị có thần thông đệ nhất và hiếu tâm lớn nhất trong hàng đệ tử xuất gia của Phật.

Thiền sư Khương Tăng Hội – Người khai sáng Thiền tông Việt Nam

Nhân vật Phật giáo 09:03 20/03/2024

Người khai sáng Thiền tông Việt Nam là Thiền sư Khương Tăng Hội – sơ Tổ của dòng phái Thiền Việt Nam, người đã có công góp phần xây dựng cơ sở nền móng hoạt động để Trung tâm Phật giáo thứ II ở vùng Đông Bắc Bộ phát triển từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XI.

Xem thêm