Đại đức Thích Thiện Đức: “Du lịch tâm linh có công năng chữa lành, tưới tẩm hạt giống an vui, giải thoát”
Đại đức Thích Thiện Đức - người có nhiều năm kinh nghiệm trong du lịch hành hương, đặc biệt là hành hương về đất Phật (Ấn Độ, Nepal) - đã nói như vậy.
Trong vai trò là người điều hành và lãnh đạo tinh thần của Du lịch Hoa Sen, thầy Thiện Đức có chia sẻ với Phatgiao.org.vn về giá trị của du lịch hành hương nhân dịp nghỉ lễ dài ngày và nhiều đợt hành hương đang diễn ra, đến các thánh tích, di tích Phật giáo trong và ngoài nước.
Đến để mà thấy
* Có sự khác nhau nào giữa du lịch hành hương và du lịch thông thường?
- Đại đức Thích Thiện Đức: Mỗi người sẽ có một cách nhìn nhận khác nhau, nhưng đối với du lịch hành hương hầu hết nghiêng về tâm linh là nhiều, vì hoạt động phần lớn là chiêm bái, sau đó là sự tìm hiểu về nguồn gốc, giá trị lịch sử của giáo pháp, hiểu được lộ trình, con đường mà Bậc Giác ngộ đã đi. Qua đó, mỗi người sẽ có một nỗi niềm riêng và có cách nhìn nhận chín chắn và thấu hiểu hơn đối với cuộc sống.
Khi một Phật tử hoặc chư tôn đức nào đã thực hiện chuyến chiêm bái Đức Phật, có thể thấy, ở vị ấy dường như hình thành sự nhìn nhận, thấu hiểu giáo pháp và đạo tâm cũng theo đó tăng trưởng hơn, Bồ-đề tâm cũng ngày một kiên cố hơn.
Mặt khác, chúng ta cũng cần có góc nhìn đúng đắn hơn về du lịch hành hương, nghĩa là ta cần hiểu được giá trị của chuyến hành hương đó. Một chuyến hành hương không chỉ đơn thuần là chuyến du lịch tham quan thắng cảnh, mà qua đó, ta còn tìm hiểu được nền tảng của thắng tích ấy, sự thăng trầm của giáo pháp chúng ta đang hướng về. Có như vậy, từ chuyến đi, chúng ta mới cảm nhận sâu sắc lộ trình giáo pháp mà bản thân đang theo đuổi, hay đặt niềm kính tin vào.
Có một số người, khi đi hành hương, họ đem theo tâm tư đang hỗn loạn của mình, đến trước những thánh tích, tâm hồn họ được sâu lắng lại, họ như buông xuống được tất cả những gánh nặng trong lòng.
Đây cũng là điểm khác nhau giữ du lịch thông thường và du lịch hành hương. Thực chất, nếu muốn tận hưởng những dịch vụ tiện ích mang tính giải trí, thông thường người ta sẽ chọn du lịch thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh, hay thăm thú trải nghiệm những điều kịch tính, sôi nổi, mới lạ. Ngược lại, muốn được tịnh tâm, tu tập và gieo trồng hạt giống thiện duyên, người ta sẽ chọn du lịch hành hương, chiêm bái những tàn tích chứa đựng văn hóa tâm linh. Chính nguồn năng lượng tích cực và thiêng liêng khó diễn tả được ở những nơi này, cũng phần nào xoa dịu nội tâm đang xáo động của người đi hành hương, giúp họ có thêm động lực, sức mạnh và được chữa lành từ sâu bên trong.
Theo đó, chiêm bái đất Phật là để giúp cho con người quay lại với giáo pháp, với chính mình, quay lại với nội tâm của mình nhiều hơn thông qua việc trực tiếp nhìn thấy, cảm nhận con đường đi của Bậc Giác ngộ và thẩm thấu chân lý giải thoát của Ngài.
Chuẩn bị tư lương cho một chuyến hành hương
* Để có một chuyến hành hương như ý, du khách cần chuẩn bị những gì, thưa thầy?
- Một người thật sự muốn đi hành hương, đặc biệt là đến đất Phật, điều tiên quyết cần có là tâm ý thuần thành, nghĩa là chúng ta cần hiểu rõ đây là chuyến đi chiêm bái, tu tập, kết gieo thiện duyên. Có được suy nghĩ này, người đi hành hương đã trang bị được cho mình hành trang vững chắc về tư duy và từ đó tạo nên một từ trường lành mạnh để tiếp nhận những điều tích cực, cộng hưởng với nguồn năng lượng thiện lành nơi đất Phật.
Công tâm mà nói, Ấn Độ không phải là quốc gia thích hợp và đáp ứng được nhu cầu du lịch, giải trí. Thậm chí, gai góc hơn, nếu Ấn Độ không phải nơi sinh thành và là nơi khởi nguồn của đạo Phật, có lẽ sẽ chẳng ai đến đó để du lịch, tham quan chứ chưa nói đến nghỉ dưỡng.
Tóm lại, khi đến Ấn Độ để hành hương, chúng ta không nên nhìn vào giá trị vật chất của họ như dịch vụ hiện đại, quan cảnh đường xá tráng lệ, hay ẩm thực đa dạng… mà nên phát tâm và thành tâm hướng về nơi thánh tích thiêng liêng sẽ được đặt chân đến.
Bên cạnh đó, người Phật tử tham dự chuyến hành hương mang tâm nguyện thiện lành, nên nương tựa vào chư tôn đức. Tức, trong chuyến đi nên được đặt dưới sự dẫn dắt của chư tôn đức Tăng Ni. Tất nhiên, hàng cư sĩ vẫn có các vị rất giỏi về giáo lý nhà Phật, nhưng vẫn cần nương theo chư tôn đức. Vì sao? Không chỉ trong sự diễn đạt giáo lý, vị tôn đức ấy còn là vị chủ trì đạo tâm, hướng dẫn Phật tử thực hành các nghi thức trang nghiêm phù hợp.
* Còn chi phí cần có cho một chuyến hành hương đến Ấn Độ chiêm bái là bao nhiêu?
- Chi phí cũng là một trong những vấn đề cần thiết để trang bị chu đáo cho chuyến hành hương, đặc biệt là chuyến đi ra nước ngoài.
Theo đó, tối thiểu một chuyến hành hương chiêm bái đến Ấn Độ rơi vào khoảng 33 triệu đồng cho trọn gói dịch vụ lữ hành xuyên suốt 14 ngày. Chi phí này tăng hay giảm tỷ lệ thuận với số ngày hành hương Phật tử mong muốn.
Ngoài ra, chi phí tăng thêm còn phụ thuộc vào nhu cầu mua sắm, sử dụng dịch vụ khác, hay thực hiện từ thiện… phát sinh riêng cá nhân của người tham gia chuyến hành hương.
“Đặt chân đến đất Phật, tôi phát nguyện xuất gia!
- Có lẽ công việc này chọn tôi, vì ngẫm lại, tôi gặp khá nhiều may mắn khi gặp được nhiều người tận tâm chỉ dạy và nhiều mối nhân duyên thiện lành khác. Từ đó gắn bó được với công việc này ngót 12 năm.
Ban đầu, khi mới bước chân vào công việc du lịch hành hương, tôi vẫn chưa xuất gia. Cho đến khi có duyên khi được đặt chân đến thánh tích của Đức Phật, với tâm rung động sâu sắc, tôi mới phát nguyện dưới cội bồ-đề xin được xuất gia làm đệ tử Phật, được gieo mình trong giáo pháp của Ngài.
Người bạn đường cần thiết
* Theo thầy, vai trò của công ty lữ hành chuyên về các chuyến đi hành hương chiêm bái thánh tích Phật giáo là gì?
- Là một người làm về mảng du lịch hành hương, tại hành hương Hoa Sen, tiêu chuẩn đầu tiên tôi hướng đến và đặt ra cho các bạn hướng dẫn, đó là cái tâm chân thành dành cho đạo Phật.
Một hướng dẫn viên tham gia công tác hướng dẫn đoàn chiêm bái thánh tích, bên cạnh chuyên môn nghiệp vụ như bằng cấp, ngoại ngữ, kinh nghiệm trong nghề..., cũng cần có tâm thành kính và hết lòng vào chuyến đi, tương tự như lữ khách Phật tử vậy.
Ở đây (hành hương Hoa Sen), tôi không yêu cầu các em hướng dẫn viên là một Phật tử, hay phải theo đạo Phật, mà chính xác là tôi mong rằng, các em dù ở bất kể tôn giáo nào cũng chỉ cần luôn đặt tâm mình trọn vẹn cho chuyến đi để chu toàn cho cả đoàn hành hương. Bên cạnh việc nắm vững về chuyên môn, các em hướng dẫn viên cũng cần chu đáo và có sự thấu hiểu, sẵn sàng giúp đỡ cho các lữ khách Phật tử, vì phần lớn người tham gia các chuyến hành hương đều là những cô chú lớn tuổi.
Ngoài ra, về phía công ty khi tổ chức các chuyến đi hành hương, tôi vẫn thường dặn các em chuẩn bị các loại thuốc cơ bản, hay kết nối với các đơn vị lữ hành nước ngoài, chuẩn bị một bác sĩ đi theo cùng đoàn, nhất là đối với các chuyến đi dài ngày. Sức khỏe của đoàn hành hương cũng là điều luôn được tôi chú trọng trong mỗi chuyến đi.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Điều cần thiết nơi phẩm hạnh của người Thầy là đạo đức và tình thương”
Phỏng vấn 11:00 20/11/2024Đó là lời chia sẻ chân thành của Đại đức Thích Quảng Tịnh, trụ trì chùa Pháp Lạc ( xã Giang Điền, H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) với Phatgiao.org.vn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Voice talent Nguyễn Bình Nguyên - “Kẻ Trộm Hương”: “Sách của Thiền sư Nhất Hạnh dễ hiểu, dễ ứng dụng”
Phỏng vấn 09:51 15/11/2024Nguyễn Bình Nguyên (sinh năm 1989), nickname “Kẻ Trộm Hương” - một voice talent - vừa đọc lại cuốn sách “Đường xưa mây trắng” của thiền sư Thích Nhất Hạnh được nhiều người đón nhận.
Phật tử Phạm Trọng Đạt: “Nhờ thuyền từ Bát-nhã, con vượt qua nỗi đau mất 2 người thân nhất”
Phỏng vấn 10:33 10/11/2024Phạm Trọng Đạt, sinh năm 2001, pháp danh Pháp Hạnh - là một Phật tử thuần thành, thường làm các thiện sự và đặc biệt có duyên thân cận với các bậc tôn đức đạo cao đức trọng.
Thượng tọa Tâm Định: “Phật giáo xứ Thanh để lại dấu ấn đẹp trong lòng dân tộc”
Phỏng vấn 15:43 26/10/2024Trong hai ngày 30 và 31/10 và 1/11 tới, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập (1/11/1984 – 1/11/2024). Nhân sự kiện đặc biệt này Cổng thông tin Phật giáo thuộc GHPGVN (phatgiao.org.vn) đã có trao đổi cùng Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.
Xem thêm