Thứ, 07/04/2025, 08:53 AM

Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh: "Việt Nam - một dân tộc trọng Đạo, kính Trời, kính Đất…"

Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh trò chuyện với nhà báo Hoàng Anh Sướng về ngày giỗ Tổ Hùng Vương, bà nói: Những nguồn năng lượng tinh túy của trời đất hội tụ đến xứ sở này trong lễ hội, để một lần nữa chúng ta có thể khẳng định con người là sản phẩm của thiên nhiên.

Dưới đây là cuộc trò chuyện thú vị đó.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Thưa bà! Những ngày này, khắp các bản làng trên đất nước Việt Nam đã và đang diễn ra các lễ hội truyền thống để tôn vinh và tri ân các bậc tiền nhân có công với đất nước. Nhắc đến lễ hội, chúng ta không thể nhắc đến lễ hội đền Hùng, giỗ tổ Hùng Vương - ngày giổ Tổ chung lớn nhất, linh thiêng nhất của toàn thể người dân đất Việt. Xin bà vui lòng cho biết ý nghĩa của Giỗ tổ thiêng liêng này!

- Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh: Cứ mỗi độ mùa xuân về, mỗi Tết thanh minh đến, một câu ca dao từ ngàn xưa lại vang lên, động đến tất thảy trái tim mỗi người

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”

Câu thơ mộc mạc, ý thơ giản dị nhưng nó giống như một tiếng chuông ngân làm lay động trái tim của con dân nước Việt dù đó là người ở cố quốc hay đang phiêu bạt nơi xứ người. Đấy chính là nét đẹp văn hóa, là bản sắc dân tộc mà tổ tiên chúng ta đã để lại cho muôn đời sau. Có lẽ chỉ ở mỗi đất nước Việt Nam, một dân tộc trọng Đạo, kính Trời, kính Đất, biết trân trọng cội nguồn mới có một ngày lễ, ngày giỗ chung - Giỗ tổ Hùng Vương. Thật tự hào lắm thay!

“Cốt Rồng hạt ngọc là Cha

Cốt Tiên bầu sữa chính là Mẹ yêu

Hiền Lương để giải yếm điều

Bình Đà cha để sáo diều ngân nga”

Tiền nhân viết những vần thơ trên để muốn nói với hậu sinh rằng: chúng ta là con Hồng, cháu Lạc, là con Rồng, cháu Tiên.

Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh:
Nhà báo Hoàng Anh Sướng và nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh.

Vâng! Đúng như bà nói, mỗi khi kề cận ngày giỗ Tổ Hùng Vương, trong tâm thức tôi và của rất nhiều người Việt Nam đều có một cảm giác xao xuyến lạ lùng. Phải chăng trong dòng máu của chúng ta, trong tâm tuệ của chúng ta có cội nguồn là tổ tiên, có nguồn gốc là những người đã khai thiên lập quốc?

- Chúng ta khi về đền Hùng dâng lễ các vua Hùng, dâng lễ các bậc tiền nhân thủy tổ của Lạc Việt, chúng ta cung kính đức Kinh Dương Vương đã kết duyên cùng bà Long Nữ để đẻ ra cho dân tộc chúng ta những người con văn võ song toàn. Đó là Lạc Long Quân - người khai thiên lập quốc, chống thủy quái, dọn đường mở nước đã kết duyên với bà Âu Cơ - một người mẹ đã đẻ ra một cái bọc trăm trứng và một trăm trứng ấy nở ra một trăm người con hòa quyện giữa Thần và Tiên. Tự hào lắm thay! Năm mươi người con theo cha xuống biển để mở mang biên thủy, để học làm người, để mang tinh hoa của nhân loại khắp năm châu bốn biển về đất Mẹ. Năm mươi người con ở lại bên mẹ và người con trưởng lấy hiệu Hùng Vương. Dù đó là huyền tích hay sử tích thì huyền tích ấy thật là cao quý.

Triều đại Hùng Vương có 18 thế hệ, kéo dài hơn 2.000 năm lịch sử. Thông qua huyền tích này để khẳng định chúng ta có nguồn, có cội, có những người đã mở mang đất nước. Những con người vĩ đại ấy đã bước vào truyện cổ tích, sống mãi trong lòng dân. Tổ tiên chúng ta chính là sản phẩm tinh hoa, cao quý của trời đất. Bà có nghĩ như vậy không?

- Đúng. Những nguồn năng lượng tinh túy của trời đất hội tụ đến xứ sở này trong lễ hội, để một lần nữa chúng ta có thể khẳng định con người là sản phẩm của thiên nhiên. Cho nên, trong lễ hội đền Hùng và tất cả các lễ hội ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam bao giờ cũng có hai phần:

Phần thứ nhất là tế Thiên Địa - Trời Đất. Tế những người đã có công khai thiên lập quốc. Chúng ta không chỉ tri ân những con người bằng xương bằng thịt, mà chúng ta lồng vào đó để tri ân Mẹ Thiên Nhiên.

Phần thứ hai là phần Hội để nói lên con dân Việt Nam dù ai đi ngược về xuôi, vất vả lắm, gian truân lắm, nhiều việc lắm nhưng chúng ta vẫn dành một thời khắc vô cùng linh thiêng để nhìn về cội nguồn, nhìn về quá khứ mà tưởng nhớ các đấng liệt tổ liệt tông đã dày công vun đắp cho chúng ta có giang sơn, gấm vóc được như hôm nay. Phần Hội còn biểu hiện một nét văn hóa đặc sắc mà tạo hóa ban cho dân tộc Việt Nam. Đó là nền văn minh lúa nước.

Đã có người hỏi tôi: Với địa chính trị của Việt Nam thì lộc Trời ban cho đất nước chúng ta là gì? Tôi trả lời rằng: Lộc Mẹ thiên nhiên ban cho chúng ta chính là lộc nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp. Cứ nhìn vào hình đồ thì thấy, chúng ta có hơn 3.200km mặt biển. Đó là mặt tiền của ngôi nhà. Chúng ta có biết bao núi rừng. Rừng thì tàng khí, núi thì tàng thần. Có biết bao sản vật cỏ cây, hoa, lá, muông thú đang trưởng dưỡng cho con người Việt Nam sinh sôi, phát triển để xây dựng đất nước, để bảo vệ đất nước.

Việt Nam có tục thờ Vua Thần Nông, một vị Thần ở cõi trời chủ về nền nông nghiệp, ban cho con người một thứ báu vật “có thực mới vực được đạo”. Đây là bản sắc, là đặc thù của cảnh giới mà chúng ta gọi là trái đất, nhà Phật gọi là cõi Ta-bà.

Chúng ta còn có tục thờ cả thần núi, thần rừng. Phải chăng người Việt cổ đã biết trân trọng các vị thần. Họ chính là các nguồn năng lượng cao, thấp, sáng, tối khác nhau. Mỗi vị giống như một luồng hào quang, một nguồn năng lượng tích cực để giúp cho vạn vật và con người sinh sôi phát triển. Chính vì vậy, trong hội có thể hiện tất cả những trò chơi dân gian. Những nghi thức ấy đều nói lên con người chúng ta đã biết đón nhận tất cả các mối quan hệ giữa định luật của càn khôn và quy luật của vũ trụ. Ví dụ tiếng trống đồng, tiếng cồng, tiếng chiêng… Những thanh âm ấy chính là ngôn ngữ vũ trụ. Và khi lễ hội bắt đầu, tất cả những thanh âm ấy rung ngân lên như muốn nói với người Mẹ Thiên Nhiên rằng: “Mẹ ơi! Chúng con ở đây. Ngày hôm nay chúng con dành một thời khắc để tri ân, để tưởng nhớ và để thực hành những gì mà mẹ đã ban trao”.

Rồi trong hội có những trò chơi dân gian để làm cho con người khỏe về thể chất, tỏa sáng về mặt tinh thần. Trong lễ hội chúng ta còn có rất nhiều các cuộc thi như thi nấu ăn, làm bánh chưng, bánh dày. Bánh chưng, bánh dày đã đại diện cho đỉnh cao của nền văn minh lúa nước. Hạt lúa sơ khai, Mẹ thiên nhiên ban trao, tổ tiên chúng ta đón nhận, chúng ta đã biết biến hóa cái hạt gạo ấy, cái hạt ngọc ấy thành muôn vàn các sản phẩm mà mỗi địa phương được thụ hưởng một thứ. Chính vì thế, sau lễ hội còn có một giá trị, theo tôi vô cùng nhân văn. Đó là, để cho con người xích lại gần nhau, để chúng ta sẻ chia những cái đã thành công và cả những điều chúng ta đang gặp chướng ngại.

Mong rằng thông qua lễ hội, chúng ta có thêm những người bạn đồng hương, những người bạn tri âm, tri kỷ luôn ở bên ta mỗi khi ta vượt khó. Và từ lễ hội đền Hùng, cái chuẩn mẫu này nó lan tỏa đến tất thảy lễ hội ở các làng xã trên đất nước Việt Nam.

Có thể nói, tất cả những gì hiện hữu chúng ta được chứng kiến chính là những giá trị cốt lõi mà tổ tiên ta đã đúc rút, đã thể chế hóa để nó đi vào lòng người. Vì thế, mỗi khi đặt chân đến đất Tổ Hùng Vương, tôi mong tất cả chúng ta đều ý thức rằng:  chúng ta đang đặt vào dấu chân của các bậc tiền nhân, của các Đức Vua Hùng, của những người đã dày công vun đắp để giang sơn ta, để đất nước ta được như hôm nay.

Những chia sẻ của bà thật sâu sắc. Có một điều tôi muốn hỏi bà: Tại sao tổ tiên chúng ta lại đặt đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ? Và bên cạnh những giá trị tốt đẹp của Lễ, Hội mà bà vừa nêu trên, tôi thấy còn có một giá trị nữa cần phải hướng đến thế hệ trẻ. Đó là giáo dục cho họ ý thức giữ gìn, biết trân quý những gì mà chúng ta thường gọi là tinh hoa văn hóa của dân tộc. Xin bà vui lòng lý giải và cho biết ý kiến!

- Phú, triết tự, phải chăng ý tiền nhân là phú cường, là dân giàu nước mạnh. Thọ là giá trị nhân văn của hơn 4000 năm lịch sử sẽ sống mãi, sẽ trường tồn như gió, như mây, như mặt trời, như mặt trăng, như không khí, như hơi thở mà chúng ta đang thụ hưởng.

Một giá trị nữa, tổ tiên chúng ta, các bậc thánh nhân, các đức Vua Hùng, các Lạc hầu, Lạc tướng người xưa yêu giang sơn, gấm vóc bao nhiêu thì rất mong hậu sinh chúng ta, thế hệ các con, các cháu thời nay yêu như thế. Vậy thông qua lễ hội đền Hùng, tôi rất mong thế hệ trẻ hãy yêu lịch sử Việt Nam, hãy tìm hiểu lịch sử Việt Nam. Vì duy nhất, độc tôn nhất chỉ có người Việt Nam mới có Quốc giỗ, không dân tộc nào có đâu, mặc dầu họ có những chiều dài lịch sử vô vàn đáng kính, họ còn có thể được sắc phong là trung tâm văn hóa của nhân loại.

Đất nước Việt Nam của chúng ta tuy nhỏ bé nhưng có tinh túy trong cái tinh hoa, có các giá trị trường tồn mà hết thế hệ này đến thế hệ khác dù cho chiến tranh liên miên, nghìn năm Bắc thuộc, gần 100 năm Pháp thuộc xong Tổ muôn thuở vẫn là Tổ, con dân ở đâu, là ai, dù là hàng chí sĩ hay công, nông, thương đều luôn nhớ về cội nguồn. Mong các thế hệ trẻ càng biết trân trọng giá trị vô giá này.

Chúng ta hãy sống làm sao để hồn thiêng của non nước, để nguyên khí của quốc gia, của các bậc Thủy tổ, các đức Vua Hùng, các bậc Tiên đế đã dày công dựng nước, giữ nước đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Song trong vận hội này, giữ chưa đủ mà chúng ta phải xây dựng đất nước to đẹp hơn, tỏa sáng hơn, hội nhập năm châu bốn biển. Đó là những giá trị mang tính căn cốt, về nghi thức giỗ Quốc Tổ - lễ hội Hùng Vương.

Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh:
Chúng ta hãy sống làm sao để hồn thiêng của non nước, để nguyên khí của quốc gia, của các bậc Thủy tổ, các đức Vua Hùng, các bậc Tiên đế đã dày công dựng nước, giữ nước.

Qua chia sẻ của bà, tôi thấy rằng: lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ mang ý nghĩa tri ân công lao của người khai thiên lập địa mà còn là cách giáo dục cho người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ về lòng yêu nước, hướng về cội nguồn. Và trong đó có một ý mà tôi rất tâm đắc, đó là lễ hội còn là dịp để gắn kết tình đồng bào của người Việt Nam. Thưa bà! Như tôi được biết, trong bất kỳ lễ hội nào, nghi thức quan trọng nhất vẫn là tế lễ. Xin bà nói kỹ hơn về nghi thức này!

- Trong di tích đền Hùng, người xưa đã tổ chức hệ thống điện thờ, theo tôi, đúng lẽ của Trời Đất.

Đền Hạ hàm nghĩa là thờ Đức Âu Cơ. Quan hệ của vũ trụ là quan hệ Mẫu hệ. Vậy Mẹ Thiên nhiên, Mẹ Âu Cơ phải chăng là một? Người đã hạ sinh ra một trăm người con, một trăm họ tộc Việt. Có người ở lại với mẹ, có người theo cha. Có người ở lại cố quốc, có người ra đi để học, để hỏi ở khắp năm châu, bốn biển, mang những tinh hoa về cho giang sơn đất nước nhỏ bé này. Song dù người đi hay người ở lại vẫn đều là một nhà.

Đền Trung là nơi các vua Hùng đàm luận, đàm đạo việc giữ nước, chế ngự thiên nhiên, xây dựng quốc gia với các bậc Lạc hầu, Lạc tướng. Đó là nơi nghị sự để tất cả mọi người vì dân, vì nước, vì đồng bào mà chăm lo cho giang sơn đất nước này.

Đền Thượng là nơi tế Trời Đất, cung kính Mẹ thiên nhiên. Vì không phải chỉ có con người mà từ cỏ cây, hoa lá, muông thú, vạn vật ở hành tinh này đều được Mẹ thiên nhiên sinh sôi, trường dưỡng, phát sinh phát triển để làm cho giang sơn gấm vóc tốt đẹp hơn.

Vậy ý nghĩa cao quý thứ nhất là tế càn khôn, vũ trụ, thiên địa, trời đất. Phải chăng Mẹ thiên nhiên không của riêng ai, không riêng của một quốc gia nào? Và từ cổ xưa người Việt Nam đã làm được việc này? Phải chăng các cụ đã thấu tỏ quy luật khách quan, đang chi phối vào vạn vật, muôn loài và con người.

Ý nghĩa cao quý thứ hai của việc tế lễ là xin cho mưa thuận, gió hòa, xin cho tứ pháp: pháp vân, pháp vũ, pháp lôi, pháp điện, âm dương cân đối, khí chất điều hòa. Đấy là tâm nguyện, là sở nguyện trong đạo làm người được xuyên suốt 4.000 năm nay.

Ý nghĩa cao quý thứ 3 mới là tế lễ các vị thủy tổ đã khai thiên lập quốc. Rừng vốn thiêng, nước vốn độc. Để có rừng xanh như hôm nay, để có nguồn nước trong lành, để có giang sơn gấm vóc, tổ tiên ta đã phải khai phá, phải làm không biết bao nhiêu công việc để non nước được như vậy.

Cho nên theo tôi, cái lễ ấy nó hòa quyện hai trục: nhân sinh quan là trục hoành, vũ trụ quan là trục tung. Để nó đạt đến một điểm thống nhất, để nó đi về cái đích đó là nhất nguyên. Vậy thì người Việt cổ trí tuệ lắm, thông minh lắm. Các cụ đã nhìn thấu tỏ ngũ kinh (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) bốn phương và tâm ở giữa để chúng ta dạy con dạy cháu đi về nhất nguyên. Có nghĩa là sống hòa thuận với thiên nhiên, sống hòa thuận với cỏ cây, hoa lá, vạn vật và sống hòa thuận với con người trong mỗi gia đình, trong mỗi dòng họ. Cho nên Lễ bao giờ cũng vậy. Trước khi vào lễ đó là rước. Chúng ta phải rước các bậc hiền nhân thủy tổ đã hiển Phật, hiển Thần, hiển Tiên, hiển Thánh mà chúng ta quen gọi đó là nguyên khí quốc gia để lên một đỉnh núi cao nhất. Phải chăng đó là phúc huyệt, quý huyệt?

Chúng ta xây đền Thượng để làm lễ bái tế thiên địa, trời đất và chúng ta tế Tổ để con người dầu bận trăm công ngàn việc nhưng trong dương vẫn có những thời khắc chúng ta  được hòa quyện vào đường âm. Theo tôi, đấy là giá trị rất tinh túy của người Việt cổ và cái quý là chúng ta đã giữ gìn từ triều đại này sang triều đại khác.

Xin cảm ơn bà đã dành thời gian chia sẻ!

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh: "Việt Nam - một dân tộc trọng Đạo, kính Trời, kính Đất…"

Phỏng vấn 08:53 07/04/2025

Nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh trò chuyện với nhà báo Hoàng Anh Sướng về ngày giỗ Tổ Hùng Vương, bà nói: Những nguồn năng lượng tinh túy của trời đất hội tụ đến xứ sở này trong lễ hội, để một lần nữa chúng ta có thể khẳng định con người là sản phẩm của thiên nhiên.

Trịnh Công Sơn: "Phật giáo làm ta yêu đời hơn..."

Phỏng vấn 23:58 01/04/2025

"Thuở nhỏ, tôi hay đi chùa vì thích sự yên tĩnh. Có thể vì tuổi trẻ đã có cơ duyên đi qua cổng nhà Phật nên trong vô thức, bên cạnh những di sản văn hóa Đông Tây góp nhặt được còn có lời kinh vô tình nằm trong lời ca".

ThS Nguyễn Thị Thanh Bình: “Biết ơn ta sẽ có hạnh phúc”

Phỏng vấn 15:22 20/03/2025

Nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), ThS Nguyễn Thị Thanh Bình, Ủy viên BCH Hội hữu nghị Việt Nam - Thuy Điển thuộc Liên hiệp Hội hữu nghị TP.HCM, giảng viên Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, chia sẻ: “Hạnh phúc đến từ cách mỗi người cảm nhận và trân trọng những gì mình đang có”.

Tác giả Phan Việt: "Đời sống vốn dĩ là cuốn kinh lớn"

Phỏng vấn 09:49 09/03/2025

Xuất gia nhưng vẫn tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại trường đại học ở Mỹ, từng là gương mặt văn chương mới được độc giả yêu mến nhưng rẽ hướng với dòng sách mới mà cô gọi là sách chia sẻ với mọi người về sống sáng.

Xem thêm

Phật Giáo
Phật Giáo

Từ điển Phật giáo

Phật Giáo
Phật Giáo
Phật Giáo