Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 29/10/2020, 09:51 AM

Dấu hiệu yêu quý hòa bình của Đức Phật thời niên thiếu

Đức Phật chủ trương hòa bình, quý trọng sự sống bởi một lẽ rất tự nhiên rằng cuộc đời quá vô thường và đời người chỉ trong gang tấc. Ngài nhấn mạnh sự mong manh vô thường của đời người để kêu gọi lối sống hướng thiện, sống chân chánh, có ý nghĩa.

F.W. Robertson cho rằng khát vọng sâu xa nhất của con người không phải là hạnh phúc (happiness) mà chính là hòa bình (peace) hay an ổn nội tâm. Theo ông, hòa bình hay an ổn nội tâm đối lập với dục vọng, khổ đau… một trạng thái trong đó không có các tham vọng, không có khổ đau, hối tiếc hay ray rứt (1).

Nếu hòa bình được hiểu theo nghĩa sâu sắc trên mà không chỉ là sự vắng mặt nhất thời của tham vọng và chiến tranh thì Đức Phật đích thực là một con người hòa bình và giáo lý của Ngài là giáo lý hòa bình.

Đức Phật là bậc toàn giác, một con người quá hoàn thiện đến độ người ta có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự vĩ đại của Ngài từ nhiều góc độ khác nhau (2). Chúng ta cần tập trung xem xét bức chân dung con người hòa bình của Ngài, một con người được mô tả là đãkhuất phục tự ngã, không còn tham sân si, đã thoát khỏi mọi ràng buộc khổ đau, không còn tham muốn, đấu tranh, hy vọng hay thất vọng, sống tịch tịnh an lạc ở đời, nỗ lực thuyết pháp vì lòng từ thương xót hết thảy chúng sinh.

Trước hết, chân dung con người hòa bình của Đức Phật có thể được thấy rõ qua các dấu hiệu yêu quý hòa bình của Ngài ngay từ thời niên thiếu, điều mà chúng ta sẽ khảo sát ở đây.

Đức Phật nhấn mạnh sự mong manh vô thường của đời người để kêu gọi lối sống hướng thiện, sống chân chính, có ý nghĩa.

Đức Phật nhấn mạnh sự mong manh vô thường của đời người để kêu gọi lối sống hướng thiện, sống chân chính, có ý nghĩa.

Tư tưởng hòa bình qua lời dạy của Đức Phật

Tài liệu nói về thời niên thiếu của Đức Phật còn lưu lại cho tới nay không nhiều, ngoài các tác phẩm được trước tác về sau và một vài thông tin nằm rải rác trong các tuyển tập Nikàya. Tuy nhiên hầu hết các tài liệu được truyền lại cho đến nay đều cho thấy ở độ tuổi niên thiếu Ngài đã biểu lộ tấm lòng đầy nhân ái và yêu quý hòa bình. Lòng thương người thương vật, tính ôn hòa trầm tư – dấu hiệu của một vị Phật tương lai – bộc lộ rất sớm trong con người Siddhattha.

Theo các truyền thuyết và một vài tài liệu Kinh tạng Pàli thì từ thuở nhỏ Siddhattha đã biểu lộ nhiều dấu hiệu yêu quý hòa bình và thiên về đời sống nội tâm. Truyền thuyết mô tả quang cảnh lễ hạ điền theo truyền thống hằng năm của vương tộc Sàkya cho biết vị hoàng tử nhỏ không vui khi trông thấy cảnh tượng các sinh vật bé nhỏ quằn quại trong đau thương bởi lưỡi cày của những người nông phu trong buổi lễ xuống đồng. Bởi vậy, thay vì nô đùa tung tăng như bao cậu trẻ khác trong buổi lễ hội đông vui, Siddhattha lặng lẽ tìm đến gốc cây quả hồng trên gò vắng ngồi trầm tư một mình. Tài liệu Đại kinh Saccaka, Trung bộ, ghi nhận sự kiện này, nói rằng vị thái tử trẻ nhanh chóng đạt được cảnh giới an tịnh sơ thiền lúc ngồi trầm tư một mình vào dịp lễ hạ điền.

Các thư tịch Phật giáo cũng cho biết vị hoàng tử trẻ không thích cảnh săn bắn thường là thú tiêu khiển của các vua chúa và vương tử đương thời. Người ta kể rằng một hôm, cùng dạo chơi trong rừng với Devadatta và Naradatta, Siddhattha đã tỏ ý thất vọng và phản ứng gay gắt khi hai bạn mình đang tâm sát hại các loài vật. Khi nhìn thấy con hạc trắng vừa bị Naradatta bắn hạ, vị thái tử trẻ lao nhanh đến chỗ con vật bị thương, rút bỏ mũi tên khỏi thân mình nhỏ bé của nó rồi vỗ về chăm sóc con vật.

Đức Phật nhấn mạnh sự nguy hại của lẽ sinh diệt để kêu gọi mọi người sống tinh cần, hòa bình, hòa hợp, sách tấn và trợ duyên cho nhau để giải thoát khổ đau.

Đức Phật nhấn mạnh sự nguy hại của lẽ sinh diệt để kêu gọi mọi người sống tinh cần, hòa bình, hòa hợp, sách tấn và trợ duyên cho nhau để giải thoát khổ đau.

Lòng thương người thương vật của Ngài càng biểu lộ rõ hơn trong cách Ngài đối thoại với Naradatta (3):

– Ôi con người đầy từ tâm Siddhattha. Bạn cho rằng con vật có một linh hồn, và chúng ta hoàn toàn sai khi làm nó đau đớn? – Thanh niên Naradatta tin theo thuyết duy vật của Ajita Kesakambali bước đến chỗ Siddhattha vừa cười vừa hỏi ra vẻ chế giễu.

– Tôi không biết nó có một linh hồn hay không. Nhưng bạn hẳn không thấy con vật nhỏ bé tội nghiệp nầy đang đau đớn ư? Bạn Naradatta, dường như bạn không cảm thấy hối tiếc khi làm cho kẻ khác đau khổ. – Siddhattha vừa buông lời tỏ ý trách móc vừa ngước nhìn bạn mình với vẻ thất vọng.

Lòng trắc ẩn đối với khổ đau của kẻ khác như thế này chắc chắn đã không ngừng phát triển trong con người Siddhattha bởi người ta thấy càng về sau Ngài càng tỏ rõ tâm từ rộng lớn đối với tất cả chúng sinh và tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc tôn trọng sự sống và hạnh phúc của muôn loài.

Đời sống Sa-môn khất thực không cho phép Ngài chọn món ăn theo ý mình, nhưng Ngài tuyệt nhiên không chấp nhận thọ dụng thịt các con vật bị giết vì lý do làm món ăn cho Ngài (4). Ngài cảm nhận nỗi đau của con vật khi nó bị kéo đi giết thịt (5). Ngài ngăn cấm mọi hành vi sát sanh và không tán thành các nghề nghiệp gây sát hại. Ngài khuyên dạy các đệ tử mình nuôi dưỡng tâm từ bi và đối xử bình đẳng với mọi loài.

Ngài chứng nghiệm với tâm mình rằng mọi chúng sinh đều yêu quý tự ngã (nghĩa là mong muốn sự an ổn cho tự thân); do đó, theo Ngài, nếu người ta đã yêu quý tự ngã của mình thì chớ làm hại tự ngã của người khác (6). Ngài cảm nhận tâm lý rất chung rằng tất cả chúng sinh đều yêu quý sự sống, lo sợ sự chết, mong muốn an lạc, chán ghét khổ đau. Bởi vậy Ngài khuyên mọi người hãy lấy bản thân mình làm ví dụ để không sát hại hay khiến người khác sát hại (7).

Thiền sư Thích Nhất Hạnh với pháp thoại 'Lắng nghe sâu vì hòa bình'

Đức Phật chủ trương hòa bình, quý trọng sự sống bởi một lẽ rất tự nhiên rằng cuộc đời quá vô thường và đời người chỉ trong gang tấc.

Đức Phật chủ trương hòa bình, quý trọng sự sống bởi một lẽ rất tự nhiên rằng cuộc đời quá vô thường và đời người chỉ trong gang tấc.

Trong sinh hoạt hằng ngày, Ngài tuân giữ một nguyên tắc không đổ thức ăn dư thừa (xả rác) lên đám cỏ xanh hay nhận chìm xuống chỗ nước có các loài côn trùng sinh sống (8). Ngài an trú lòng từ cho đến trong một giọt nước với tâm niệm: “Mong rằng Ta không làm hại một chúng sinh nhỏ nào trong các cảnh giới bất hạnh của chúng” (9).

Trầm tư về thân phận khổ đau của kiếp nhân sinh là một dấu hiệu khác của nền tảng hòa bình mà người ta thấy biểu lộ rất sớm ở trong con người Đức Phật. Cũng theo truyền thuyết thì một hôm Ngài ra khỏi cung điện, dạo chơi thăm cảnh phố phường, và trông thấy một người già trong đám đông; hôm khác Ngài thấy một người bệnh nằm quằn quại lăn lóc trên hè phố; hôm khác nữa Ngài chứng kiến cảnh một người chết đang được những người thân khiêng đi đến chỗ hỏa táng. Người ta ghi nhận vị thái tử trẻ Siddhattha biểu lộ tâm lý không vui và càng ít nói hơn sau mấy lần dạo chơi bên ngoài cửa thành.

Tuyển tập Anguttara Nikàya ghi lời Ngài kể lại tâm trạng của mình lúc đó:

“Với Ta, này các Tỷ-kheo, được đầy đủ với sự giàu sang, được cứu cánh nuôi dưỡng tế nhị, Ta suy nghĩ rằng: ‘Kẻ vô văn phàm phu tự mình bị già, không vượt qua khỏi già, khi thấy người khác bị già, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm, quên rằng mình cũng như vậy. Ta cũng bị già, không vượt qua khỏi già, sau khi thấy người khác già, Ta có thể bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao? Như vậy, thật không xứng đáng cho Ta.’ Sau khi quán sát về mình như vậy, này các Tỷ-kheo, sự kiêu mạn của tuổi trẻ trong tuổi trẻ được đoạn trừ hoàn toàn. Này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ: ‘Kẻ vô văn phàm phu tự mình bị bệnh, Ta cũng bị bệnh, không vượt qua khỏi bệnh; kẻ vô văn phàm phu tự mình bị chết, Ta cũng bị chết, không vượt khỏi sự chết; sau khi thấy người khác bị bệnh, bị chết, Ta có thể bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao? Như vậy, thật không xứng đáng cho Ta.’ Sau khi quán sát về mình như vậy, này các Tỷ-kheo, sự kiêu mạn của không bệnh trong không bệnh, sự kiêu mạn của sự sống trong sự sống được đoạn trừ hoàn toàn” (10).

Người ta có thể cho rằng vị thái tử trẻ quá mẫn cảm và khá bi quan về cuộc đời khi có những suy nghĩ như vậy. Nhưng ít ai ngờ rằng chính nỗi niềm ưu tư khá bi quan thế kia lại trở thành tư tưởng cốt lõi của đường lối hòa bình Phật giáo. Từ các bản kinh còn lưu lại, chúng ta có thể nói rằng dấu hiệu trầm tư về sự thật già, bệnh, chết không thể tránh của kiếp nhân sinh biểu lộ rất sớm trong con người Đức Phật đã mở đường cho tư tưởng từ bi và đường lối hòa bình sau đó của Ngài.  

Đức Phật kêu gọi hòa bình, hòa hợp, không tranh chấp, không tranh luận, cho rằng không có gì đáng để người ta phải tranh hơn thua trong cục diện một thế giới luôn luôn bị chi phối bởi già, bệnh, chết và mọi thứ phải kết thúc bởi quy luật sanh diệt.

Đức Phật kêu gọi hòa bình, hòa hợp, không tranh chấp, không tranh luận, cho rằng không có gì đáng để người ta phải tranh hơn thua trong cục diện một thế giới luôn luôn bị chi phối bởi già, bệnh, chết và mọi thứ phải kết thúc bởi quy luật sanh diệt.

 Đức Phật chủ trương hòa bình, quý trọng sự sống bởi một lẽ rất tự nhiên rằng cuộc đời quá vô thường và đời người chỉ trong gang tấc. Ngài nhấn mạnh sự mong manh vô thường của đời người để kêu gọi lối sống hướng thiện, sống chân chính, có ý nghĩa. Ngài tán đồng quan điểm của quốc vương Pasenadi cho rằng trong cục diện con người bị già chết chinh phục thì tốt hơn cả là nên sống chân chính hòa bình, nỗ lực làm điều thiện, làm các việc công đức (11).

Người ta nghe Đức Phật khuyên dạy thế này:

“Này Bà-la-môn, ít ỏi là đời sống của loài người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Hãy giác ngộ! Hãy làm điều lành, sống đời phạm hạnh.

Ví như, này Bà-la-môn, giọt sương trên đầu ngọn cỏ, khi mặt trời mọc, mau chóng biến mất, không tồn tại lâu dài. Cũng vậy, này Bà-la-môn, như giọt sương là đời sống loài người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Hãy giác ngộ! Hãy làm điều lành, sống đời Phạm hạnh.

Ví như, này Bà-la-môn, khi trời mưa nặng hạt, bong bóng nước trên nước mau chóng biến mất, không tồn tại lâu dài. Cũng vậy, này Bà-la-môn, như bong bóng nước là đời sống của loài người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Hãy giác ngộ! Hãy làm điều lành, sống đời Phạm hạnh.

Ví như, này Bà-la-môn, con sông trên núi chảy xa, dòng nước chảy nhanh, lôi cuốn theo vật này vật khác, không có sát-na nào, không có giây phút nào, không có thời khắc nào dừng nghỉ; nó phải chảy tới, cuồn cuộn chảy, thúc đẩy chảy tới. Cũng vậy, này Bà-la-môn, ví như con sông ấy là đời sống của loài người, nhỏ bé, không đáng kể…

Ví như, này Bà-la-môn, người lực sĩ tụ lại một cục nước miếng trên đầu lưỡi và nhổ đi không có phí sức. Cũng vậy, này Bà-la-môn, ví dụ với cục nước miếng là đời sống loài người, nhỏ bé, không đáng kể…

Ví như, này Bà-la-môn, một miếng thịt được quăng vào một nồi sắt được hâm nóng cả ngày, mau chóng biến mất, không tồn tại lâu dài. Cũng vậy, này Bà-la-môn, ví như miếng thịt là đời sống con người, nhỏ bé, không đáng kể…

Ví như, này Bà-la-môn, con bò cái sắp bị giết, được dắt đến lò thịt, mỗi bước chân giơ lên là bước gần đến bị giết, gần đến chết. Cũng vậy, này Bà-la-môn, ví dụ với con bò cái sắp bị giết là đời sống con người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Hãy giác ngộ! Hãy làm điều lành, hãy sống đời Phạm hạnh” (12).

Đức Phật sống buông bỏ mọi tự ái ngã mạn và khuyên mọi người từ bỏ tự ái ngã mạn, bởi theo Ngài mọi thứ đều phải thay đổi và mọi người cơ bản đều giống nhau, tức phải đi đến kết cục già, bệnh, chết. Ngài thấy rõ tánh già nằm trong tuổi trẻ, tánh bệnh nằm trong sức khỏe, tánh chết nằm trong sự sống (13).

Đức Phật là ai?

Trầm tư về thân phận khổ đau của kiếp nhân sinh là một dấu hiệu khác của nền tảng hòa bình mà người ta thấy biểu lộ rất sớm ở trong con người Đức Phật.

Trầm tư về thân phận khổ đau của kiếp nhân sinh là một dấu hiệu khác của nền tảng hòa bình mà người ta thấy biểu lộ rất sớm ở trong con người Đức Phật.

Bởi vậy Ngài kêu gọi hòa bình, hòa hợp, không tranh chấp, không tranh luận, cho rằng không có gì đáng để người ta phải tranh hơn thua trong cục diện một thế giới luôn luôn bị chi phối bởi già, bệnh, chết và mọi thứ phải kết thúc bởi quy luật sanh diệt. Ngài thấy cả thế giới đang bị sóng tử thần cuốn phăng đi từng giây phút mà cảm thương cho loài người cứ rơi vào tranh chấp mưu hại lẫn nhau chỉ vì thỏa mãn một chút tham vọng, tự ái hay ngã mạn (14).

Ngài dạy: “Có gì đáng tự hào và hân hoan khi cuộc đời mãi bị thiêu đốt bởi tham lam và sân hận, bị che phủ bởi si mê; sao người ta không tìm ngọn đèn thoát khỏi sự vô minh đang thiêu đốt ấy?” (15).

Ngài nhắc nhở các học trò mình nỗ lực để chiến thắng tham sân si của bản thân và khuyên họ suy gẫm nhiều về sự kiện vô thường – già, bệnh, chết để sống tinh cần, hòa bình, hòa hợp, giải thoát khổ đau, tránh cạnh tranh, tranh chấp, tranh luận (16), diệt trừ mọi tự ái ngã mạn (17). Chắc chắn những lời dạy về vô thường của Ngài đã là bài học lớn ảnh hưởng sâu sắc lên thái độ hòa bình của cuộc đời bởi, dù sớm hay muộn, hầu như mọi người đều nhận ra sự vô ích ngớ ngẩn của thái độ tranh chấp hơn thua một khi phải đối diện với sự thật già, bệnh, chết. Thánh giả Sàriputta nói rằng khi người ta hiểu rõ tấm thân ngũ uẩn của mình là dơ dáy, tàn tạ, bị thủng chảy như chiếc bị rách thì người ấy chẳng bao giờ có ý nghĩ tranh hơn thua hay làm điều gì khiến người khác phiền lòng (18).

Các thông tin Kinh tạng Pàli cho thấy Đức Phật là con người hòa bình và theo đuổi đường lối hòa bình triệt để. Ngài sẵn sàng kham nhẫn mọi thứ ở đời, không vui khi được khen, không buồn khi bị chê (19). Ngài chủ trương không tranh chấp, không tranh luận với một ai ở đời (20) bởi theo Ngài thì kẻ thắng lẫn người bại đều cùng chung sự thất bại lớn nhất là bị cuốn trôi bởi dòng sinh tử vô thường (21).

Ngài nhấn mạnh sự nguy hại của lẽ sinh diệt để kêu gọi mọi người sống tinh cần, hòa bình, hòa hợp, sách tấn và trợ duyên cho nhau để giải thoát khổ đau (22). Ngài cho rằng cuộc đời mong manh không đáng cho người ta rơi vào tranh chấp, hành hạ, xâu xé lẫn nhau chỉ vì lý do thỏa mãn một chút danh lợi, tự ái hay ngã tính hão huyền (23). Theo Ngài, khi con người hiểu ra cái gọi là được mất, hơn thua ở đời chẳng có ý nghĩa và giá trị gì trước cơn bão tố vô thường của cuộc đời thì bấy giờ mọi tranh chấp, tranh luận sẽ lắng êm (24).

Nắm bắt tư tưởng này của bậc Đạo sư, quốc vương Pasenadi hình như đã nhận ra “cơn mộng lớn” của cuộc đời khi nói rằng các trận chiến chính trị, kinh tế hay quân sự không đem đến một hướng đi (gati), một điểm tựa cho con người khi bị già chết chinh phục; chỉ có nếp sống chân chính đúng pháp, làm các việc lành, làm các công đức mới khiến cho đời người có ý nghĩa (25).

Đức Phật dạy: “Có gì đáng tự hào và hân hoan khi cuộc đời mãi bị thiêu đốt bởi tham lam và sân hận, bị che phủ bởi si mê; sao người ta không tìm ngọn đèn thoát khỏi sự vô minh đang thiêu đốt ấy?

Đức Phật dạy: “Có gì đáng tự hào và hân hoan khi cuộc đời mãi bị thiêu đốt bởi tham lam và sân hận, bị che phủ bởi si mê; sao người ta không tìm ngọn đèn thoát khỏi sự vô minh đang thiêu đốt ấy?

Thập đại đệ tử Ni và những nữ tín chủ được đức Phật ngợi khen

Chú thích:

1. T.W. Rhys Davids, Indian Buddhism, tr.161-162.

2. Theo các nhận xét đương thời, ‘Sa-môn Gotama có đến vô lượng ưu điểm’, một trong số đó là Ngài chính là bậc A-lahán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. (Kinh Sonadanda, kinh Kùtadanta, Trường bộ; kinh Brahmàyu, Trung bộ).

3. Davids J & Indrani Kalupahana, The Way of Siddhartha – A Life of the Buddha, tr.21.

4. Kinh Jìvaka, Trung bộ.

5. Như trên.

6. Kinh Mallikà, Tương ưng bộ.

7. Kinh Pháp cú, kệ số 129-131.

8. Kinh Thừa tự pháp, Tiểu kinh Rừng sừng bò, Trung bộ.

9. Đại kinh Sư tử hống, Trung bộ.

10. Kinh Được nuôi dưỡng tế nhị, Tăng chi bộ.

11. Kinh Ví dụ hòn núi, Tương ưng bộ.

12. Kinh Araka, Tăng chi bộ.

13. Kinh Già, Tương ưng bộ.

14. Kinh Pháp cú số 47-48.

15. Kinh Pháp cú, kệ số 146.

16. Kinh Các sợ hãi tương lai, Tăng chi bộ; Kinh Pháp cú, kệ số 6.

17. Đại kinh Giáo giới Ràhula, Trung bộ.

18. Kinh Sau khi an cư, Tăng chi bộ.

19. Kinh Xà dụ, Trung bộ.

20. Kinh Bông hoa, Tương ưng bộ.

21. Kinh Pháp cú, kệ số 6.

22. Kinh Các sợ hãi về tương lai, Tăng chi bộ.

23. Kinh Pháp cú số 47-48.

24. Kinh Pháp cú, kệ số 6.

25. Kinh Ví dụ hòn núi, Tương ưng bộ.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Thời niên thiếu của Tôn giả Mục-kiền-liên

Đức Phật 19:20 26/03/2024

Tôn giả Mục-kiền-liên, bậc Thánh đứng hàng thứ hai trong mười vị Đại đệ tử của đức Phật. Ngài được đức Thế Tôn khen ngợi là vị có thần thông đệ nhất và hiếu tâm lớn nhất trong hàng đệ tử xuất gia của Phật.

Ý nghĩa ngày Đức Phật nhập Niết bàn

Đức Phật 09:04 24/03/2024

Ngày Rằm tháng Hai vào năm 544 TCN, Đúc Phật Thích Ca đã nhập Niết Bàn. Ngay lúc ấy, mặt đất rung động mạnh. Trời, người, muôn vật đều khủng khiếp kinh hoàng. Chư Thiên Trời Đao Lợi ở giữa hư không rải hoa như tuyết rơi để cúng dường Đức Như Lai.

Cả đêm, rừng Sālā không ngủ

Đức Phật 13:25 22/03/2024

Thế là đến chiều tối, đức Phật và chúng tỳ-khưu mới tới được nơi dự định. Trăng vừa lên, sương mù bàng bạc, không gian như trải một màn lụa mỏng. Đất trời thanh sạch như không nhiễm một chút bụi trần, có lẽ là do có sự hiện thân của một nhân cách siêu việt chăng?

Thiền sư Khương Tăng Hội – Người khai sáng Thiền tông Việt Nam

Đức Phật 09:03 20/03/2024

Người khai sáng Thiền tông Việt Nam là Thiền sư Khương Tăng Hội – sơ Tổ của dòng phái Thiền Việt Nam, người đã có công góp phần xây dựng cơ sở nền móng hoạt động để Trung tâm Phật giáo thứ II ở vùng Đông Bắc Bộ phát triển từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XI.

Xem thêm