Thứ sáu, 26/09/2014, 15:32 PM

Đau khổ đến từ đâu?

Sáng ngày 01/09/Giáp Ngọ (24/09/2014), TT.Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã về thăm và thuyết Pháp tại Chùa Hưng Khánh (xã Đào Dương – huyện Ân Thi – tỉnh Hưng Yên). 

Tại đây, Thượng tọa đã chia sẻ với các phật tử về chủ đề “ĐAU KHỔ ĐẾN TỪ ĐÂU”, nhằm giúp các phật tử hiểu về nguồn gốc hình thành của khổ đau, từ đó đưa ra nhiều cách thức để hạn chế cho đến chấm dứt sự xuất hiện của nó.

Buổi thuyết Pháp được sự tham dự của Chư tôn đức ni, các vị quan khách Chính quyền và khoảng 2000 phật tử tham dự.
 
Mở đầu, Thượng tọa khẳng định niềm vui của mình khi được về thăm chùa, được gặp gỡ và nói chuyện với các phật tử nơi đây, đó là một duyên lành. Có được duyên lành đó là nhờ Ni sư trụ trì đã gìn giữ ngôi tổ đình Tam Bảo uy nghi để mọi người có nơi sinh hoạt, tu tập. Theo Thượng tọa, mọi người đến chùa tu đều hy vọng hết đi cái khổ trong cuộc đời. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hiểu và thấy rõ ngay từ lúc đầu rằng “Đời là bể khổ” nên đôi khi ta còn đi lệch ra khỏi con đường tu hành của đạo Phật. Chỉ có người nào nhận thức sâu sắc đời là bể khổ mới dốc hết sức tu hành và tu hành một cách tinh tấn. 
 
 
 
Khi các vị Thánh nói “Đời là bể khổ” là các vị nói bằng trí tuệ của Bậc đã vượt ngoài đau khổ. Còn chúng ta chỉ là những chúng sinh phàm phu, ta không bao giờ thấy rõ thân phận của mình, không thấy đời là khổ. Chỉ những bậc Thánh vượt lên mới thấy được cái gọi là niềm vui, khoái lạc của ta chỉ là trò rác rưởi.

Chẳng hạn ta vui sướng khi ăn được một món ăn ngon nhưng các vị ấy thấy thức ăn của ta là bẩn vì nó từ sự giết hại. Ta gặp được người yêu thì hạnh phúc ngập tràn trong khi các vị nhìn ta thì thấy ngấm ngầm có mầm chia ly vì tình cảm chỉ là duyên nợ, do vậy các Ngài phì cười và thương xót chúng ta. 
 
 
 
Từ phân tích trên, Thượng tọa khẳng định rằng: Thực sự, cuộc sống của chúng ta toàn khổ đau giăng bủa, thấy rõ khổ hay không chính là sự thử thách trí tuệ của mỗi người. Ai nghe câu “Đời là bể khổ” mà thấy ngờ ngợ, không thông suốt thì người đó vẫn còn rất bình thường.

Ngược lại, ai nghe mà giật mình, thấy rõ đời là khổ thì dù mang hình hài con người nhưng ở sâu trong tâm đã có phẩm chất của Thánh. Phải có cái nhìn vượt khỏi thân phận con người, chúng ta mới thấy được đời là khổ. Đây là sự giác ngộ đầu tiên, tiền đề của mọi sự giác ngộ khác. 

Từ đó, ta mới có mục tiêu, nhận thức, động cơ đúng đắn khi đến với Phật pháp, tìm ra con đường tu hành thoát khổ cho mình và chúng sinh. Chúng ta có thể vượt qua những điều tầm thường, khổ đau của cuộc sống; chúng ta tìm ra sự giác ngộ cao siêu chân thật khi đến với Phật pháp thì đó cũng là điều Đức Phật mong mỏi ở những đứa con của Ngài.

Nhìn tượng Phật, ta thấy Ngài ngồi đấy trầm mặc, uy nghiêm, không nói gì nhưng sự thật tâm Phật rất cao siêu, linh động, sáng chói, phủ trùm cả vũ trụ này. Khắp đất trời, không có điều gì Đức Phật không biết, không có một chúng sinh nào Đức Phật bỏ qua, không có một tâm niệm nào Đức Phật bỏ sót, cho nên ai đến với Đức Phật đều được tắm trong dòng suối thanh lương từ bi của Người.

Chúng ta là đệ tử của Đức Phật thì phải biết quỳ gối trước Ngài mà nói lên rằng: “Kính lạy Đức Phật, con hiểu đời là bể khổ, chúng sinh đã bị trầm luân sinh tử vì vô minh, ái dục, chấp ngã, nên nguyện cầu xin Đức Phật dìu dắt tâm hồn con, Người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời để con có thể tu hành chân chính, gặp được chân sư, gặp được thiện hữu mà tu tập, vượt khỏi chấp ngã, đi tìm được sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn để có thể lợi mình, và đem lại lợi ích cho mọi người khi có cơ hội”. 
 
 
 
Thượng tọa đã khẳng định mục đích cuối cùng của việc tu tập là làm giảm bớt sự khổ đau trong cuộc sống. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó thì chúng ta phải biết rõ nguồn gốc hình thành của nó thì mới có thể có cách hạn chế và khắc phục hiệu quả nhất. 

Nói về nguồn gốc của sự đau khổ, Thượng tọa đưa ra năm nguồn gốc chính:

Thứ nhất: Đau khổ đến từ hoàn cảnh.

Thứ hai: Đau khổ đến từ xúc giác nơi thân thể.

Thứ ba: Đau khổ đến từ quan niệm, quan điểm.

Thứ tư: Cái khổ đến từ một nội tâm loạn động, bất an.

Thứ năm: Mấu chốt cuối cùng của đau khổ đó là vô minh chấp ngã của bản thân và Người đã phân tích thật chi li theo thứ tự năm hạng mục đã nhận định đó đi kèm với nhiều ví dụ nêu bật hình ảnh, khiến người nghe dễ hiểu,  dễ nhớ và đi vào lòng người. 

Rồi từ năm nguồn gốc trên, Thượng tọa đã chỉ ra năm cách khắc phục tương ứng.

Cụ thế như sau:

Thứ nhất, để khắc phục cái đau khổ đến từ hoàn cảnh, thì chúng ta phải đi làm việc thiện thật nhiều. Chỉ có làm việc thiện, tạo phúc thì chúng ta mới mong có một cuộc sống tốt hơn. Luật nhân quả dạy chúng ta rất rõ ràng là ta gieo nhân nào thì ta sẽ gặt được quả đó. Kiếp này ta nghèo, ta không xinh đẹp, không may mắn là do kiếp trước ta mắc lỗi. Vì vậy ở kiếp này, chúng ta phải  biết giúp người khác, biết chia sẻ với những người kém may mắn hơn, biết tiết kiệm, v.v… 

Thứ hai, cái khổ đến từ cảm giác của thân. Cái này là cái nghiệp cố hữu của chúng sinh từ muôn đời, từ thời mà loài người chưa văn minh. Khi xã hội chưa văn minh thì chúng ta mạnh được, yếu thua. Giờ xã hội văn minh rồi thì chúng ta không ứng xử như vậy nữa mà sống theo pháp luật. Phải hiểu, hôm nay, chúng ta hay bị va vấp, bệnh tật bởi đó là cái nghiệp của kiếp trước ta sống hơn thua, hay bắt nạt những kẻ yếu sức hơn mình. Ngày nay, xã hội tiến bộ thì ta chủ trương bảo vệ cho người yếu thế hơn và con người luôn ứng xử với nhau một cách hiền hòa, nhường nhịn.

Thứ ba, khi cái khổ đến từ những quan niệm thì chúng ta phải tự mình cởi những quan niệm đó ra thì ta mới sống bình an. Trên đời này, có vô số quan niệm rất vô lí ràng buộc ta. Đã đến lúc ta cởi bỏ những điều đó ra, quan trọng là hãy làm những điều đúng với chuẩn mực đạo đức, đúng với luật pháp, với lương tâm. 

Nếu cái đau khổ đến từ loạn động, bất an thì chúng ta phải thiền định. Chỉ có thiền định thì tâm ta mới yên bình. Đó cũng là con đường mà Đức Phật đã đi qua và đắc đạo cũng bằng chính con đường này. Tuy nhiên, thiền ngày nay đã bị biến tấu, khác đi rất nhiều so với thiền của Đức Phật.

Vì vậy, các phật tử muốn thiền tốt thì trước hết phải tìm cho mình một phương pháp tu thật chuẩn, thật căn bản theo đúng lời dạy của Đức Phật.

Còn nếu cái khổ đến từ sự vô minh, chấp ngã thì rất khó khắc phục, vì phải người chứng tới Thánh quả cao nhất là A La Hán thì mới diệt được đầu mối đau khổ này. Nhưng không vì thế mà ta từ bỏ. Hôm nay, ta bắt đầu đặt bước chân đầu tiên, đó là đi chùa nghe Pháp, tu tập, lễ Phật, và ý thức được rằng đời là bể khổ để 100 kiếp sau ta diệt được đầu mối vô minh, chấp ngã, dứt được đau khổ hoàn toàn, để đạt được sự giác ngộ, giải thoát trọn vẹn, viên mãn. 

Thượng tọa  nhắc nhở: Khi tu hành, không bao giờ ta được để cho lòng mình mất đạo tâm, mất niềm tin với Phật Pháp. Trong cuộc tu hành này ta cần những người thiện hữu tri thức để nâng dậy tâm hồn, bảo vệ đạo tâm cho ta. Đồng thời, ta cũng phải là một người thiện hữu tri thức để bảo vệ đạo tâm cho biết bao người xung quanh mình. 

Lại nữa, chúng ta biết việc tu hành là lâu dài, vất vả nên ta phải cố gắng tu tập để rèn luyện khả năng chịu đựng. Nếu sức chịu đựng của ta kém thì ta sẽ rất dễ nản lòng, buông xuôi khi gặp khó khăn, sóng gió trên con đường tu tập. Bên cạnh đó, ta phải siêng năng bồi tạo công đức, làm phước từ việc nhỏ nhất vì đạo đức và trí tuệ sẽ theo ta mãi từ kiếp này đến kiếp khác.  Ngoài ra, trên con đường tu hành không bao giờ ta được phép tu một mình. Lúc nào ta cũng phải nhìn xung quanh để giữ gìn đạo tâm cho huynh đệ, dìu dắt huynh đệ mình, đưa bước cho những người còn lạc lối, chưa có giác ngộ để họ được về với chánh đạo như ta.

Bài giảng của Thượng tọa đã giúp cho các phật tử thấy được mục đích cuối cùng trong việc tu hành của mình, từ đó nổ lực học tập và tu luyện cho tinh tấn.

Nếu vận dụng tốt bài giảng này, cuộc sống của các phật tử và những người xung quanh sẽ tốt đẹp hơn. Mọi người biết yêu thương nhau, biết nhắc nhở nhau tu tập và biết cầu cho pháp giới chúng sinh đồng trọn thành Phật đạo.
                                                                                         
Tuệ Đăng

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm