Dấu vết tiền nhân, bè trầm nơi cố đô!
Cố đô Huế, không chỉ có nhiều cổ tự, kinh thành và lăng mộ vua chúa nhà Nguyễn, mà hệ thống lăng mộ của hoàng thân, quốc thích, hoàng tử, công chúa... rất đồ sộ, nhưng đa số bị lãng quên trong hoang tàn đổ nát… Đó như bè trầm trong bản trường ca Huế, mà ít người biết đến.
San lấp lăng mộ vợ vua?
Cuối tháng 6/2017, dư luận cả nước xôn xao trước thông tin lăng mộ bà Tài nhân, một trong các phi tần của vua Tự Đức bị san ủi để làm bãi đậu xe cho du khách tham quan lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh tại phường Thủy Xuân, thành phố Huế.
Đây là ngôi mộ lâu đời, cỏ mọc um tùm, giữa khu mộ có một cây đa lớn và trong thời gian dài không có ai tới nhang khói. Do đó, chủ đầu tư dự án đã cho san ủi. Mấy ngày sau, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc tìm thấy tấm bia của lăng mộ tại bãi san ủi, ghi rõ đây là mộ bà Tài nhân, họ Lê, tên thụy là Thục Thuận - một trong những người vợ của vua Tự Đức, và xác định được huyệt mộ phía dưới còn nguyên vẹn. Con cháu Nguyễn Phước tộc cho biết, bà Tài nhân họ Lê hiện thờ tại Chí Khiêm Đường trong sơn lăng vua Tự Đức.
Câu hỏi dư luận đặt ra là tại sao lăng mộ một trong các bà vợ vua mà lại để hoang phế đến mức khi bị san ủi mới được phát hiện như vậy? Vua Tự Đức có đến trên 100 phi tần, nhưng không có con. Vì không có hậu duệ hương khói nên dâu bể thời gian khiến các ngôi mộ cổ lâm vào tình trạng gần như vô chủ. Hiện nay còn nhiều lăng mộ tiền nhân của Nguyễn Phước tộc rơi vào hoàn cảnh như thế, ngay cả những vị có hậu duệ, thậm chí hậu duệ làm vua… cũng bị thất lạc.
Các lăng vua nhà Nguyễn được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý, tu bổ thường xuyên. Lăng các chúa Nguyễn chủ yếu do Nguyễn Phước tộc chăm lo, còn lại hệ thống những lăng mộ khác liên quan đến nhà Nguyễn số lượng rất lớn chưa được quản lý.
Kể từ năm đầu tiên Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa 1558 đến 1945, với 400 năm lịch sử, hậu duệ của các vua chúa Nhà Nguyễn hình thành nên Nguyễn Phúc tộc rất lớn về số người. Theo quan niệm xưa, càng nhiều con thì càng có phước lớn, đối với vua chúa thì sinh nhiều con còn là một bổn phận để củng cố vương quyền của gia tộc. Do đó, vua Minh Mạng có 142 người con, trong đó có 78 hoàng nam, 64 hoàng nữ. Mỗi hoàng nam lại sinh ra rất nhiều con cháu. Vua Thiệu Trị là con trưởng của vua Minh Mạng, có 64 người con; Thọ Xuân Vương Miên Định có 144 người con; Tuy Lý Vương Miên Trinh có 77 người con…
Đa số lăng mộ ghi trong thế phả là táng tại Dương Xuân. Làng cổ Dương Xuân được thành lập vào khoảng thế kỷ XVII - XVIII, ở bờ Nam sông Hương. Lúc đầu làng có 10 ấp, Đông giáp các làng An Cựu, Vĩ Dạ và Thụy Lôi; Tây giáp làng Nguyệt Biều; Nam giáp làng Cư Chánh; Bắc giáp sông Hương; thuộc huyện Kim Trà, sau thuộc tổng Vĩ Dạ, huyện Hương Trà. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thành lập thị xã rồi thành phố Huế, đô thị mở rộng sang làng Dương Xuân. Tại đây, người Pháp cho xây dựng nhiều công trình kiến trúc như bệnh viện Huế, phủ lỵ Thừa Thiên, trường Quốc học... Vậy là lăng mộ xưa nằm trên đồi gò, nay có thể nằm giữa khu dân cư, khuất lấp sau những công trình mới, trong vườn nhà dân, mà đi ngoài đường không thể nhìn thấy.
Hơn nữa, do biến thiên của lịch sử, con cháu Nguyễn Phước tộc đa số sinh sống ở nhiều nơi trong cả nước và cả nước ngoài, nên lăng mộ tiền nhân lâu ngày không ai hương khói là điều dễ hiểu.
“Nhúm lửa nhỏ”
Trước thực trạng lăng mộ tiền nhân bị hoang phế, nhiều người từ phương xa về thăm cố đô không còn biết lăng mộ tổ tiên để thăm viếng, một số người trong Nguyễn Phước tộc sống ở Huế, đa số là những người đã nghỉ hưu, tụ họp nhau lại thành nhóm “Nhúm lửa nhỏ”, tự nguyện đi tìm lăng mộ tổ tiên. Hơn một năm qua, nhóm đã tìm ra hơn 300 lăng mộ thất lạc, trong đó có gần 40 ngôi đã được tu bổ nhỏ, gắn bia quốc ngữ và định vị trên bản đồ.
Trong buổi gặp gỡ các thành viên “Nhúm lửa nhỏ” ở quán cà phê Vĩnh Ấm Viên, đường Kim Long, ông Nguyễn Phúc Vĩnh Ba, một giáo viên nghỉ hưu, hậu duệ đời thứ 6 của vua Minh Mạng, là người cao tuổi nhất trong nhóm, có nhiệm vụ chính là dịch bia chữ Hán để xác định mộ, cho biết: Chúng tôi là một nhóm anh em cùng chung nỗi xót xa trước tình trạng nhiều lăng mộ tiền nhân bị lãng quên, hoang phế mà cùng nhau kết hợp đi tìm mộ. Nguyên tắc của nhóm là làm tùy theo sức, làm được đến đâu hay đến đó, không kêu gọi tài trợ và vô vụ lợi.
Tìm được ngôi nào thì thông báo lên Facebook, thông báo cho bà con Nguyễn Phước tộc biết. Những lăng mộ có sự ủng hộ của hậu duệ hay người hảo tâm, thì chúng tôi tiến hành tu bổ nhỏ như xây lại mộ, dựng bia. Còn lại đại đa số vẫn chưa được tu bổ, chúng tôi chỉ phát quang được cây cối rậm rạp xung quanh và định vị trên bản đồ, gắn tấm bia quốc ngữ để mọi người sau này dễ tìm kiếm.
Ông Tôn Thất Hộ, vốn là cán bộ ngành lâm nghiệp, là trưởng nhóm, đồng thời có nhiệm vụ định vị lăng mộ trên bản đồ cho biết, cách tìm chủ yếu là các thành viên dò hỏi người dân xem ở đâu có mộ cổ là tìm đến. Do đó, có tuần đi một lần, có tuần đi ba bốn lần. Trưởng nhóm cứ thông báo lên Facebook là những ông già U70 lại lấy xe máy lên đường, khi đi phải mang theo dao rựa, áo mưa, nước uống. Phần nhiều lăng mộ bị cây cối vây bọc um tùm, nên có thể gặp rắn rết, tổ ong là chuyện thường. Nhờ ông bà phù hộ, dẫu đã có người bị rết cắn, có người bị ong đốt nhưng đều bình an.
Có điều may mắn là người dân Huế rất coi trọng mồ mả nên dù mồ mả trong sân, trong vườn, không ai thăm nom, nhưng họ vẫn giữ nguyên, không ai dám san phá, thậm chí có nhiều ngôi còn được chủ nhà hương khói, hay tu bổ. Đầu tháng 12/2018, qua thông tin của người dân, nhóm đến địa điểm nhà số 6/166 đường Điện Biên Phủ ngay trong thành phố, tìm ra một nghĩa trang cổ, có đến gần 50 ngôi mộ, trong đó có nhiều ngôi mộ đất, nhiều ngôi được xây rêu mọc xanh rì và chỉ có ba ngôi mộ có bia. Qua thông tin trên ba tấm bia, đối chiếu với thế phả, nhóm đã xác định đây là khu nghĩa trang tảo thương, tức là nơi chôn cất những người con mất sớm của vua Minh Mạng.
Hiện nay, trong 300 lăng mộ nhóm đã tìm được, có lăng mộ bà Đoan Thục phu nhân Trần Thị Nga, thân mẫu của vua Dục Đức, cũng là bà nội của vua Thành Thái. Vua Dục Đức là con thứ hai của Thoại Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Y. Thoại Thái Vương là con trai thứ tư của vua Thiệu Trị, em trai vua Tự Đức. Nhưng hiện nay lăng mộ thân mẫu của Thoại Thái Vương là Thục phi Nguyễn Thị Xuyên cũng thất lạc, con cháu chưa tìm ra.
Nói về khó khăn khi đi tìm lăng mộ, ông Vĩnh Ba chia sẻ, do tập quán kỵ húy nên hầu hết các bia mộ không ghi tên húy, nhiều lăng mộ không ghi rõ triều vua, niên hiệu, ví dụ chỉ ghi: “Tiền triều, Tài nhân Cửu giai, Lê thị, thụy Thục Thuận, chi tẩm”, nghĩa là: Lăng mộ bà Tài nhân bậc thứ 9 của triều trước, họ Lê, tên thụy là Thục Thuận. Bia không có thông tin về thời gian dựng bia để xác định được “tiền triều” là triều vua nào. Vì thế, sau khi có nội dung bia, chúng tôi phải về tra thế phả để tìm ra vị nào thỏa mãn những thông tin đó để xác định. Tuy nhiên, do các tên thụy trùng lặp rất nhiều và các họ cũng trùng lặp nên không dễ xác định. Dù rất cố gắng nhưng đến nay, có đến một nửa số lăng mộ tìm được nhưng không xác định được lăng mộ của ai, nguyên nhân còn do nhiều lăng mộ không còn bia.
Do đó trả lời câu hỏi, trường hợp nào trong khi đi tìm lăng mộ khiến các bác vui nhất, thì tất cả đều nói, đó là tìm ra ngôi lăng mộ có bia và bia ghi đầy đủ. Bia ghi đầy đủ nghĩa là có đủ thông tin cơ bản về người nằm trong lăng mộ, có niên đại, có tên con cháu dựng bia, như vậy nhóm không mất công tra cứu “hậu kỳ” khá vất vả.
“Thật sự nhóm chúng tôi rất vui, cứ gặp nhau là vui, nên tham gia nhóm dù thường xuyên phải trèo núi leo đồi, phạt cây vạch cỏ rất vất vả, nhưng hình như ai cũng khỏe ra” – một thành viên nói.
Mỗi lăng mộ một thân phận
Có thể nói trong bạt ngàn lăng mộ liên quan đến Nhà Nguyễn, gồm hoàng thân, quốc thích, hoàng tử, công chúa, công hầu, khanh tướng, phi tần, cung nữ… cuộc đời của mỗi người gắn liền với lầu son gác tía, với những thăng trầm của số phận cá nhân cũng như lịch sử triều đại, đều là những cuốn tiểu thuyết vô cùng đa dạng và phong phú. Mỗi lăng mộ như bìa của cuốn tiểu thuyết đó.
Đơn cử một lăng mộ cũng được báo chí phản ánh, gây xôn xao dư luận mấy năm qua là lăng mộ bà Tam cung của vua Gia Long là Lê Ngọc Bình. Bà là Công chúa con vua Lê Hiển Tông, em gái khác mẹ của Công chúa Lê Ngọc Hân. Bà từng là Chánh cung Hoàng hậu của vua Cảnh Thịnh triều Tây Sơn. Năm Nhâm Tuất 1802, vua Gia Long dẹp được nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước đã lấy bà Lê Ngọc Bình làm Hoàng phi, phong là Chiêu Viên. Vậy là con vua lại làm vợ hai vua, số phận của bà kỳ lạ bậc nhất trong lịch sử Việt Nam, nhất là triều Tây Sơn và triều Nguyễn đối chọi nhau quyết liệt.
Bà sinh được hai hoàng tử là Quảng Oai công Nguyễn Phúc Quân, Thường Tín công Nguyễn Phúc Cự và hai công chúa là Mỹ Khê công chúa Ngọc Khuê và An Nghĩa công chúa Ngọc Ngôn. Năm 1810, bà từ trần được phong tặng là Đức phi, an táng ở làng Trúc Lâm, lập từ đường ở Kim Long.
Những năm 1980, lăng mộ của bà Đức phi bị kẻ gian đào bới để lấy đồ tùy táng. Đến năm 2008, người ta san ủi, hạ thấp khu đồi Trúc Lâm, để lại ngôi lăng mộ Đức phi trên cột đất chơ vơ cao đến 3 - 4 m, vì thế Nguyễn Phước tộc đã cải táng tẩm mộ bà về đồi Mâm Xôi, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà.
Năm 2017, một lần lên thăm lăng, ông Vĩnh Khánh, hậu duệ Tuy Lý Vương, người nhiều năm qua cũng mải mê đi tìm lăng mộ tiền nhân, phát hiện thấy người dân đã an táng và xây cất một ngôi mộ lớn cho một người đàn ông mới qua đời gần mộ Đức phi. Ngay sau đó, Nguyễn Phước tộc cho xây vòng thành thấp bao quanh khu lăng mộ này.
Mỗi ngôi lăng mộ, gợi ý cho hậu thế rất nhiều điều bí ẩn, hấp dẫn về những sinh hoạt, điển chế, thâm cung bí sử của cung đình xưa. Do đó, hệ thống lăng mộ này có thể là điểm tham quan du lịch cho những người hoài cổ hay muốn nghiên cứu về triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.
Mới đây, nhân sự kiện lăng tẩm bà Tài nhân bị san ủi, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết, Trung tâm đã trao đổi với Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc và lấy ý kiến một số nhà nghiên cứu Huế, để thực hiện một đề tài lớn khảo sát, đánh giá toàn bộ lăng tẩm triều Nguyễn. Trong đó bao gồm lăng mộ các bà vợ vua, hoàng thân quốc thích, hoàng tử công chúa, các vị đại thần có công lao. Sau đó, Trung tâm bảo tồn sẽ phân loại, số hóa trên bản đồ toàn tỉnh và đề xuất giải pháp đối với những công trình có giá trị kiến trúc, mỹ thuật để giao cho các đơn vị chuyên môn tập trung quản lý. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng, không chỉ đối với Nguyễn Phước tộc mà đối với cả các nhà nghiên cứu, khách du lịch trong nước và quốc tế quan tâm đến Huế.
**
Đối với tâm linh của người Huế thì lăng mộ và nơi thờ tổ tông là thiêng liêng và quan trọng nhất. Những người như ông Vĩnh Ba, ông Vĩnh Khánh, ông Tôn Thất Hộ và các thành viên “Nhúm lửa nhỏ” đều là những người giữ gìn chữ Hiếu rất kiên cố, một lòng thành kính đối với tiền nhân. Những ngày vừa qua, dù Huế mưa tầm tã nhưng họ vẫn đội mưa, đi xe máy lên tạ mấy ngôi lăng mộ vừa được tu bổ. Mặc cho mưa gió, ai nấy đến giờ hành lễ vẫn mặc áo dài, khăn đóng cung kính quỳ lạy cho đúng lễ nghi theo truyền thống của gia tộc.
Trò chuyện, lắng nghe câu chuyện của họ, tôi cảm thấy rõ quá khứ vẫn sống động, vẫn rất gần gũi trong đời sống tinh thần của người Huế. Có lẽ vì thế mà người Huế sâu lắng, như dòng sông Hương duyên dáng vẫn lặng lẽ ngàn năm soi bóng thế sự đổi dời tang hải, giấu trong lòng nó biết bao niềm vui, nỗi buồn của trời đất cố đô.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Công bố quyết định thành lập tự viện, bổ nhiệm trụ trì và Ban Quản trị tịnh xá Minh Đức (Tiền Giang)
Tin tức 21:30 03/11/2024Sáng ngày 03/11/2024 (nhằm ngày 03/10 năm Giáp Thìn), Thường trực Ban Trị sự GHPGVN huyện Gò Công Tây long trọng tổ chức lễ Lễ công bố quyết định thành lập Cơ sở và Ban Quản trị tịnh xá Minh Đức tại địa chỉ ấp Bình Đông, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.
Lễ khánh thành trụ sở Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lạng Sơn
Tin tức 15:00 03/11/2024Sáng ngày 3/11, BTS GHPGVN tỉnh Lạng Sơn đã long trọng tổ chức lễ khánh thành Trụ sở BTS tại chùa Thành (phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn) với sự tham dự của đông đảo nhân dân Phật tử thập phương.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM viên tịch
Tin tức 11:30 03/11/2024Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh, Thành viên Hội đồng Chứng minh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, vừa viên tịch vào sáng nay, 3-11-2024 (nhằm mùng 3 tháng 10 năm Giáp Thìn); trụ thế 89 năm, 63 hạ lạp.
Tượng đài Hòa thượng Thích Minh Châu sẽ được xây dựng tại Đại học Nalanda
Tin tức 10:00 03/11/2024Đây không chỉ là biểu tượng tri ân những đóng góp của Hòa thượng mà còn góp phần củng cố mối quan hệ giữa hai nước. Buổi gặp mặt tạo nên nền tảng vững chắc, hướng tới sự phát triển lâu dài của giáo dục.
Xem thêm