Địa Tạng Phi Lai tự với tâm nguyện làm 'chuyến đò cuối' thu hút 10.000 người tham gia
Với tâm nguyện được làm "chuyến đò cuối" cùng trong tháng 7 - sự kiện diễn ra ngày 25/8 tại chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam) thu hút hơn 10.000 người tham gia.
Khác với nhiều ngôi chùa thường làm Đại lễ Vu lan báo hiếu vào trước hoặc đúng ngày Rằm tháng 7, chùa Địa Tạng Phi Lai hàng năm thường chọn tổ chức vào ngày Chủ nhật của tuần cuối cùng trong tháng 7 âm lịch – thời điểm gần với dịp ngày vía Đức Bồ tát Địa Tạng (người bảo hộ cho phần âm) không chỉ với tâm nguyện làm chuyến đò cuối cùng trong tháng 7 - chuyến đò đi chậm để cứu vớt những chúng sinh còn sót lại giữa những mê trầm đắm nhiễm – mà còn là một chuyến đò của những ân tình và những nhân duyên thiện lành để các Phật tử được trải nghiệm sâu sắc hơn với phương châm sống biết làm ơn và đền ơn - lối sống đẹp của mỗi người con Phật.
Đại đức Thích Minh Quang – trụ trì chùa Địa Tạng Phi Lai cho rằng: “Nhiều người thường nghĩ Rằng tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn nên mọi sự thường không may mắn. Nhưng thực tế thì tháng 7 đẹp nhất trong năm, là mùa xuân của Phật giáo. Sau 3 tháng an cư, chư Tăng tịnh hóa thân tâm, quay trở về hội lực phụng hóa chúng sinh để làm đẹp cho đời. Theo kinh Phật thì đây là tháng mười phương chư Phật đều hoan hỉ. Thêm nữa, Rằm tháng 7 còn là ngày Tết Trung Nguyên (Tết giữa năm). Vì vậy, không có cơ sở nào để nói rằng Rằm tháng 7 là không may mắn. Và nếu là tháng xấu thì sao lại có xá tội vong nhân? Vong nhân còn được xá tội huống chi con người? Chúng ta nên nghĩ tháng 7 là dịp bỏ qua mọi oán hận cho nhau, để cuộc sống chỉ còn lại điều may mắn”.
Theo vị trụ trì, pháp hội Vu lan báo hiếu – Cúng dường trai tăng – Lễ vía Đức Bồ tát Địa Tạng được nhà chùa tổ chức nhằm làm sống lại, lan tỏa tinh thần hiếu hạnh của Đức Địa Tạng Vương Bồ tát và Mục Kiền Liên tôn giả. Đó cũng là cơ hội để những người làm con, làm cháu hướng tâm vì cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ mà làm thiết lễ cúng trai tăng, dâng phẩm vật cúng dường trong mùa chư Tăng tự tứ, ghi khắc ơn sâu Tam Bảo.
Hòa thượng Thích Thanh Đàm (Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh GHPGVN) cùng hơn 500 chư tôn đức Tăng Ni đến từ các tỉnh: Nha Trang, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội... đã cùng về chứng minh, tham dự.
Cũng nhân dịp này, ngôi bảo điện của chùa được chính thức khánh thành. Thượng tọa Thích Minh Quang (Uỷ viên Hội đồng trị sự, Phó Chánh Văn phòng T.Ư GHPGVN, Phó ban kiêm Chánh thư ký GHPGVN tỉnh Ninh Bình, phó trụ trì chùa Bái Đính và chùa Tam Chúc) tặng hoa chúc mừng vị trụ trì chùa Địa Tạng Phi Lai.
Người dân Hà Nam bày tỏ niềm hoan hỷ khi có thêm một ngôi bảo điện được khánh thành. Sư thầy trụ trì chia sẻ: Đại lễ Vu lan năm nay được diễn ra tại chùa Địa Tạng Phi Lai là những điểm nhấn cần thiết để tô bồi thêm chiều sâu về đời sống văn hóa, tâm linh tín ngưỡng của người dân Hà Nam, mang một ý nghĩa tích cực trên con đường phá trừ màn lưới vô minh, tham lam, sân hận, nghi ngờ… - là những yếu tố gây khổ đau cho bản thân và tha nhân, để kiến thiết nhân gian Tịnh độ, phát huy tinh thần bình đẳng, vị tha, cầu nguyện cho đất nước thanh bình, nhân dân an lạc.
Không khí buổi lễ Vu lan Báo hiếu gây xúc động cho các Phật tử. Nhắc lại trong kinh Đức Phật dạy: Tột cùng của điều ác là bất hiếu, tột cùng của điều thiện đó là hiếu, các sư thầy khẳng định: “Báo hiếu thì không có mùa, nhưng dịp Vu lan là cơ hội tốt hơn để chúng ta hướng về hai đấng sinh thành. Sau pháp hội Vu lan Báo hiếu ở đây, quý vị nào bận bịu chưa có thời gian về thăm mẹ, chúng ta hãy dành thời gian về thăm cha thăm mẹ, hoặc gọi điện động viên. Mong quý Phật tử hãy dành nhiều thời gian hơn nữa để cầu nguyện cho hai đấng sinh thành, cửu huyền thất tổ đã quá vãng của chúng ta được nhờ Phật lực vãng sinh về miền Cực lạc thảnh thơi. Và đây cũng là cơ hội để chúng ta tri ân tới hai đấng sinh thành vẫn còn hiện tiền”.
Ca sĩ Quách Tuấn Du và Tú Thanh - ca nương nhỏ tuổi nhất Việt Nam tham gia chương trình với các ca khúc: “Phật là ánh từ quang”, “Mục Kiền Liên cứu mẹ”.
Lễ cắt băng khánh thành ngôi chính điện chùa Địa Tạng Phi Lai (tên cũ là chùa Đùng). Theo lời kể của dân làng và qua tìm hiểu, chùa Đùng được xây dựng khoảng thế kỷ X với 120 gian chùa cổ, và rất nhiều đời vua chúa đã về đây, đã có 42 đời sư từng làm trụ trì ở chùa. Sau đó vài trăm năm, không có người trụ trì, chăm sóc, chùa bị bỏ hoang, xuống cấp dần. Cuối năm 2015, sư thầy Thích Minh Quang về nhận trông nom, tu sửa lại thành một quần thể không gian thiền vị như hiện nay.
Một nữ Phật tử từ Hà Nam về tham dự bày tỏ: "Tôi tâm đắc nhất ở sự kiện này là được sư thầy khai ngộ cho mọi người về vấn đề đốt vàng mã mùa Vu lan. Đó là thay vì đốt vàng mã, chúng ta nên mua quần áo thật để cúng, rồi hạ xuống mặc hoặc làm từ thiện. Nếu muốn cúng tiền thì nên để vào phong bao, đặt lên chiếc đĩa nhỏ dâng tổ tiên. Không nên dùng tiền thật mua tiền giả về cúng rồi lại đốt đi. Tình cảm và tấm lòng nhớ ơn tổ tiên mới là điều thiết thực, cần gìn giữ chứ không không là việc đốt ít hay nhiều vàng mã. Bởi tấm lòng của mỗi người hướng đến điều tốt đẹp là nghi lễ và món quà lớn nhất".
“Noi gương hiếu hạnh của Mục Kiền Liên tôn giả, mọi người nên dành tình cảm yêu thương cho gia đình, người thân. Dù ai đi xa cũng nên quay về tri ân, báo hiếu hai đấng sinh thành, bởi đó là những vị Phật tại gia. Sau đó, mỗi người hãy mở rộng tình thương để đền ơn những người đã mang lại điều tốt đẹp cho mình trong cuộc sống” – sư thầy Thích Minh Quang chia sẻ.
Không chỉ háo hức về dự lễ, các bạn trẻ còn tranh thủ tìm cho mình những phút bình yên, thư thái trong không gian núi rừng đẹp như trong phim tại ngôi chùa có hơn 1000 năm tuổi này.
Mặt chính diện của ngôi chùa được nhiều người quan tâm, tìm về trong các sự kiện Phật giáo.
Theo: VTCNews
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Khai mạc Khóa bồi dưỡng thiết kế truyền thông năm 2024 tại TP.HCM
Tin tức 22:17 21/11/2024Sáng 21/11/, Lễ khai mạc Khóa bồi dưỡng thiết kế truyền thông 2024 do Ban Thông tin - Truyền thông thuộc Phật giáo TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Trụ sở Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM – Việt Nam Quốc Tự.
Kinh lá buông - “báu vật” của đồng bào Khmer An Giang
Tin tức 15:30 21/11/2024Là một trong Tam bảo của Phật giáo Nam Tông Khmer, kinh lá buông được xem như “báu vật” có giá trị đặc biệt trong đời sống tâm linh của đồng bào Khmer vùng Bảy núi An Giang.
Nét đẹp tri ân của Tăng Ni sinh Học viện PGVN tại Hà Nội
Tin tức 13:31 21/11/2024Tối 20/11, tại Hội trường Bảo tàng Học viện PGVN tại Hà Nội đã trang nghiêm tổ chức kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.
Rải tiền công đức bằng cần cẩu ở một ngôi chùa tại Thái Lan
Tin tức 09:45 21/11/2024Lễ cúng dường Kathin Samakkhi tại chùa Wat Derm Bang, tỉnh Suphanburi có hoạt động rải tiền công đức từ trên cần cẩu.
Xem thêm