Bài kinh: Niệm Phật - Công đức thù thắng
Tôi nghe như vầy: Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành và truyền bá rộng rãi một pháp rồi sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được hưởng vị cam lồ, đến được chỗ vô vi, sẽ thành tựu thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm Phật. (1 chuông)
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Thế nào là tu hành niệm Phật sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được hưởng vị cam lồ, đến được chỗ vô vi, sẽ thành tựu thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?
Bấy giờ các Tỳ-kheo bạch đức Thế Tôn:
- Căn bản các pháp đều do Như Lai nói. Cúi mong Thế Tôn vì các Tỳ-kheo dạy diệu nghĩa này. Các Tỳ-kheo nghe Như Lai rồi, sẽ thọ trì. (1 chuông)
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ta sẽ vì các Thầy phân biệt rộng điều này.
Các Tỳ-kheo đáp:- Xin vâng, Thế Tôn.
Các Tỳ-kheo vâng lời rồi. Ðức Thế Tôn bảo rằng:
- Nếu có Tỳ-kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết-già buộc niệm ở trước, không có một ý tưởng nào khác, một lòng niệm Phật, quán hình tướng Như Lai chưa từng rời mắt, đã chẳng rời mắt, liền niệm công đức của Như Lai.
Thể của Như Lai vượt kim cương, đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy, giữa chúng dũng kiện. Dung mạo Như Lai đoan chính vô song, nhìn không chán mắt. Giới đức thành tựu vượt kim cương không thể phá hủy, thanh tịnh không tỳ vết vượt lưu ly. Tam muội của Như Lai chưa hề sút giảm, dừng lặng vĩnh viễn không có niệm khác; các tình cảm kiêu mạn, quật cường, các tâm ý dục, tưởng sân, ngu hoặc, do dự, buộc kết đều trừ sạch cả. (1 chuông)
Huệ thân của Như Lai, trí không bờ mé, không bị chướng ngại. Thân của Như Lai do giải thoát thành tựu, không còn sanh lại để phải nói rằng: “Ta sẽ đọa vào sanh tử nữa”. Thân Như Lai là độ tri kiến thành tựu, biết căn tánh người khác nên độ hay không nên độ, biết họ chết đây sanh kia, qua lại xoay vần bên bờ sanh tử, người có giải thoát, người không giải thoát đều biết hết cả. (1 chuông)
Ðó là tu hành niệm Phật, sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến được chỗ vô vi, sẽ thành tựu thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, các Tỳ-kheo, thường nên tư duy, chẳng lìa niệm Phật thì sẽ được các công đức lành này. Như vậy, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo, nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm. (3 chuông)
(Trích soạn nguồn: Đại tạng kinh Việt Nam, Kinh Tăng Nhất A-Hàm - Tập 1, phẩm Quảng Diễn, Bài kinh số 1, tr. 43-45, Chủ tịch Hội đồng chứng minh, chỉ đạo, phiên dịch và ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam: Hòa thượng Thích Minh Châu, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội năm 2005)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kinh Diệu pháp Liên Hoa tóm lược – Thí dụ ngôi nhà cháy (P.2)
Kinh Phật 10:20 15/12/2024Kinh Diệu pháp Liên hoa sử dụng hình ảnh các loại xe đại diện cho các phương pháp tu, mỗi người có một pháp môn ưa thích riêng, người hành theo bố thí Bồ tát đạo, người quán 12 nhân duyên, người ẩn cư, người tu pháp Bắc truyền…
Kinh A Di Đà bằng tranh
Kinh Phật 08:22 15/12/2024Trong Phật giáo thì Kinh A Di Đà chính là một bản kinh rất phổ biến được truyền tụng hàng ngày trong đời sống đạo của các Phật tử ở các nước Châu Á, đặc biệt là ở Việt Nam.
Kinh Diệu pháp Liên Hoa tóm lược (P.1)
Kinh Phật 17:19 14/12/2024Kinh Diệu pháp Liên Hoa thuộc kiểu kép giữa pháp và ví dụ. “Diệu” là diệu kỳ, diệu pháp muốn nói tới sự màu nhiệm của pháp, ở đây là so sánh với hoa sen (Liên hoa). Hoa sen được ví dụ cho "pháp", tuy mọc ở nơi bùn bẩn nhưng lại không nhiễm bẩn.
Kinh Phật thuyết A Di Đà tóm lược (phần 3)
Kinh Phật 13:57 12/12/2024Bộ kinh A Di Đà nói về tâm Vô thượng, danh hiệu Phật A Di Đà chứa muôn ngàn công đức. Vì vậy người trì niệm sẽ được chư Phật hộ trì. Thế nhưng, người nào còn tạp niệm dơ bẩn thì tuy có niệm danh hiệu Phật A Di Đà vẫn chẳng hiểu gì về tu.
Xem thêm