Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Đức Phật: Nơi quy ngưỡng của tâm thức nhân loại

Trong muôn vàn những phát biểu trang trọng mà nhân loại trên hành tinh đã dành để bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với Đức Phật, có hai nhận định quan trọng nói về cuộc đời giác ngộ của Ngài, có thể giúp chúng ta hiểu lý do vì sao Liên Hiệp Quốc quyết định chọn Vesak làm ngày kỷ niệm và tôn vinh Ngài.

Nhận định thứ nhất là của cựu Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, ghi nhận về nhân cách thánh thiện của Đức Phật. Một cách trang trọng, Jawaharlal Nehru phát biểu:

“Đức Phật có cá tính rất đặc biệt đến độ ngày nay người ta vẫn còn nhớ như in mỗi khi nghĩ đến Ngài. Ngài là mẫu người hoàn chỉnh của sự uy nghiêm, thanh thản và dịu dàng, vô vàn trìu mến chúng sinh và thương cảm những kẻ bất hạnh, một con người hoàn toàn tự do về tinh thần và không hề có chút định kiến đối với bất cứ ai”. (1)

Nhận định thứ hai thuộc về một học giả người Đức, giáo sư H.W. Schumann, đánh giá về tầm ảnh hưởng và sự cống hiến to lớn của Đức Phật đối với lịch sử loài người. Học giả này nêu nhận xét:

“Rất hiếm nhân vật trong lịch sử tư tưởng nhân loại từng có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài như Đức Phật Siddhattha Gotama, và cũng không ai từng để lại dấu ấn sâu đậm lên toàn cõi châu Á như Ngài. Đạo giáo do Ngài sáng lập không chỉ đem lại nguồn an ủi cho vô số người mà còn cung cấp nền tảng học thuyết nhân bản cao thượng và một di sản văn hóa vô cùng tinh tế. Bài pháp đầu tiên do Ngài thuyết giảng ở Sarnath gần Benares vào năm 528 trước Tây lịch là một sự kiện lớn mang lại kết quả đầy lợi lạc liên tục mãi cho đến tận ngày nay”. (2)

Nam Mô A Di Đà Phật.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Như vậy, ngoài nhân cách thánh thiện luôn gợi cho người ta những cảm xúc ý nhị và suy nghĩ tích cực, ba đặc điểm cống hiến to lớn của Đức Phật - “học thuyết nhân bản cao thượng”, “di sản văn hóa tinh tế” và “nguồn an ủi cho vô số người” - mà học giả H.W. Schumann đã nêu ra là đủ cho chúng ta hiểu lý do vì sao nhân loại trên hành tinh cũng như các tổ chức văn hóa và nhân văn trên thế giới luôn luôn hướng về Ngài, cố gắng học tập gương hạnh giác ngộ và làm lan tỏa lời dạy đầy nhân bản của Ngài.

Trước hết, nhân cách thánh thiện của Đức Phật thể hiện rõ trong con người giác ngộ của Ngài, một con người đã rời bỏ địa vị cao quý ở thế gian, khước từ mọi danh lợi trần thế, đã thoát ly mọi trói buộc của cuộc đời, đã hoàn toàn giác ngộ, không còn ấp ủ ý muốn trở thành, chấp trì hạnh nguyện đi khất thực mỗi ngày để hóa độ chúng sinh và thức tỉnh cho cuộc đời. Có lẽ đối với mọi người, bức tranh gần gũi và thân thương nhất về cuộc đời Đức Phật là hình ảnh vị Sa-môn hiền thiện mỗi ngày lặng lẽ ôm chiếc bình bát đi khất thực, từng nhà một, không bỏ sót nhà nào, kiên trì ròng rã suốt 45 năm, chỉ để chia sẻ và khuyên dạy mọi người về lẽ sống giác ngộ an lạc. Phật đi khất thực để hóa độ chúng sinh. Mỗi bước chân của Phật là hiện thân của tâm giải thoát an lạc ở trong cuộc đời. Vì thế, khi mọi người trông thấy Phật thì hân hoan nhận ra lẽ sống giác ngộ an lạc. Phật đi khất thực mỗi ngày với tâm nguyện của bậc Đại trí Đại bi: Cứu người, giúp đời. Chiếc bình bát khất thực của Phật đong đầy và hóa giải mọi nỗi niềm của nhân thế. Theo sau những bước chân khất thực lặng lẽ của Phật, người người trở nên hân hoan hướng thiện, nhà nhà đầm ấm thuận hòa, xứ xứ an lạc thái bình.

Theo các tài liệu kinh điển còn lưu lại thì Đức Phật thường xuyên di chuyển rất xa để thuyết giảng nếp sống giác ngộ an lạc cho mọi người, mọi nhà, không phân biệt giai cấp hay giới tính, không phân chia ngôn ngữ hay văn hóa, không tỵ hiềm quốc gia hay dân tộc. Đi đến đâu Ngài đều khuyên mọi người bỏ ác làm lành, sống tiết độ, chân thực, không gian dối, sống từ tâm và hòa bình.

Giáo lý của Ngài vượt ra ngoài mọi ước lệ và phân biệt, mọi quy ước và áp đặt, mọi toan tính và chia cách. Giáo lý ấy là nguồn sống an lạc dành cho hết thảy mọi người. Nó thiết thân với con người và mỗi người bởi nó chỉ nói về con người, thân phận con người và bởi nó nhấn mạnh sự thật rất chung về con người là khổ đau và lòng mong muốn thoát khổ. Suốt cả cuộc đời, Đức Phật sống gần gũi chan hòa với mọi người và tập trung làm sáng tỏ hai vấn đề quan trọng liên quan đến thế giới loài người: khổ đau và sự diệt trừ khổ đau3.

Có một sự thật hiện rõ trong lời dạy của Đức Phật khiến cho nhân loại dù ở thời đại và hoàn cảnh nào cũng nhận ra Đức Phật là chỗ quy ngưỡng sâu xa của tâm thức mình. Đó là sự thật khổ đau gắn liền với đời sống con người và ước mong giải thoát khổ đau, tiếng nói chân thực của tâm thức nằm đằng sau mọi biến tướng của ngôn ngữ loài người mà Đức Phật đã tự thân chứng ngộ và tuyên thuyết. Đó là tiếng vọng muôn thuở của Phật pháp 4, tức “nhân loại cùng khổ và cùng ước mong thoát khổ”, theo đó con người hay loài người nói chung, dù thuộc các giai tầng khác nhau trong xã hội hay thuộc các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, đều có thể gặp gỡ và ngồi lại với nhau trong một bầu không khí hiểu biết, cảm thông, thân thiện và chia sẻ. Đức Phật ra đời, tuyên bố về sự khổ và sự diệt khổ, khiến cho nhân loại xích lại gần nhau.

Đức Phật tự thân chứng ngộ và xác nhận rằng tất cả mọi người và mọi loài đều khổ đau bởi sự kiện sanh, già, bệnh, chết và đều mong muốn giải thoát khổ đau. Đó là thông điệp của sự hiểu biết và lòng cảm thông sâu sắc mà Bậc Giác ngộ mong muốn gởi đến cho thế giới loài người. Bởi tất cả mọi người đều có chung số phận khổ đau sanh, già, bệnh, chết và đều mong muốn giải thoát khổ đau, nên hết thảy mọi người và mọi loài căn bản là giống nhau.

Khổ đau có muôn hình vạn trạng, không ai giống ai, nhưng đã sanh ra làm người thì ai cũng phải chịu cảnh sanh, già, bệnh, chết, cái khổ này là lớn nhất và chung cho tất cả. Như vậy, vượt ra ngoài những gì mà đầu óc con người gọi là hơn, thua, được, mất, thành, bại vốn nhỏ nhoi và rất mong manh của cuộc đời thì hết thảy mọi người và mọi loài đều bình đẳng dưới cái nhìn của Đức Phật. Bình đẳng về phương diện khổ đau sinh tử và bình đẳng về tâm lý mong muốn giải thoát khổ đau. Sự thật bình đẳng này được Đức Phật nêu ra có sức thuyết phục lớn, tạo nên bầu không khí hiểu biết và đồng cảm sâu sắc trong thế giới loài người, khiến xua tan mọi tâm lý mặc cảm và đố kỵ giữa con người và con người, đẩy lùi mọi ý tưởng phân biệt giai cấp và chủng tộc, phá vỡ mọi toan tính cục bộ hạn hẹp về chủ nghĩa quốc gia hay lòng tự tôn dân tộc.

Suy ngẫm cho thật kỹ lời Đức Phật dạy về thân phận khổ đau và ước mong thoát khổ của chúng sinh, mọi người hẳn sẽ nhận ra mình đáng thương và đáng tỏ rõ sự cảm thông chia sẻ với nhau hơn là hân hoan tự đắc hoặc mưu toan chia cách lẫn nhau. Đức Phật tâm sự và nhắn nhủ với mọi người:

“Tâm ta đi cùng khắp,

Tất cả mọi phương trời,

Cũng không tìm thấy được,

Ai thân hơn tự ngã.

Tự ngã đối mọi người,

Quá thân ái như vậy;

Vậy ai yêu tự ngã,

Chớ hại tự ngã người”.5

“Hết thảy chúng sinh đều sợ hình phạt, sợ tử vong và đều yêu quý sự sống; hãy lấy mình làm ví dụ để không giết hại hay khiến người khác giết hại”.6

Tất cả mọi người và mọi sinh linh đều có chung số phận khổ đau và đều mong muốn giải thoát khổ đau. Vì thế con người ta không nên có thái độ phân biệt và xử tệ với nhau chỉ vì lý do khác biệt nhỏ về màu da, tập quán, tín ngưỡng, chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa, đặc biệt là không nên vì lợi ích và hạnh phúc cá nhân mà gây khổ đau cho người khác hay làm tổn hại đến chúng sanh khác. Bởi tất cả chúng sinh đều yêu quý sự sống, lo sợ sự chết, mong muốn an lạc, chán ghét khổ đau, Đức Phật khuyên mọi người lấy ước mong chính đáng của mình làm cán cân để thực hiện lối sống đạo đức, không làm hại, tôn trọng sự sống và hạnh phúc của người khác:

“Này các gia chủ, hãy suy nghĩ và thực hành như thế này: ‘Ta muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ. Nếu có ai đến đoạt mạng sống của ta, một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với ta. Nhưng nếu ta đoạt mạng sống của một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho một người khác?’. Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ sát sanh, khuyến khích người khác từ bỏ sát sanh, nói lời tán thán từ bỏ sát sanh. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, này các gia chủ, hãy suy nghĩ và thực hành như thế này: ‘Nếu có ai lấy của không cho của ta, gọi là ăn trộm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta lấy của không cho của người khác, gọi là ăn trộm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?’. Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ lấy của không cho, khuyến khích người khác từ bỏ lấy của không cho, nói lời tán thán từ bỏ lấy của không cho. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, này các gia chủ, hãy suy nghĩ và thực hành như thế này: ‘Nếu ai có tà hạnh với vợ của ta, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta có tà hạnh với vợ của người khác, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp này không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho người khác?’. Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ tà hạnh trong các dục, khuyến khích người khác từ bỏ tà hạnh trong các dục, nói lời tán thán từ bỏ tà hạnh trong các dục. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.

Lại nữa, này các gia chủ, hãy suy nghĩ và thực hành như thế này: ‘Nếu có ai làm tổn hại lợi ích ta với lời nói láo, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta cũng làm tổn hại lợi ích người khác với lời nói láo, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này... cho một người khác?’. Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ nói láo, khuyến khích người khác từ bỏ nói láo, nói lời tán thán từ bỏ nói láo. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh”.7

Rõ ràng, những lời Đức Phật dạy về khổ đau và tâm lý mong muốn thoát khổ nói trên là tuyệt đối cần thiết cho sự hiểu biết và lòng cảm thông lớn giữa con người với con người và giữa các dân tộc trên hành tinh. Thông điệp này của Ngài nói rõ thái độ hiểu biết và bao dung của đạo Phật, mở ra viễn cảnh hòa bình an lạc lâu dài cho thế giới loài người. Thông điệp này cũng nói rõ tâm thái từ bi trí tuệ của người Phật tử bởi nó nhấn mạnh sự thật bình đẳng gần như tuyệt đối giữa con người và con người, cùng lúc chỉ rõ cách thái chung sống hòa bình, tôn trọng sự sống và quyền sống hạnh phúc của tất cả chúng sinh.

Chấp nhận sự thật khổ đau và tâm lý mong muốn thoát khổ hoàn toàn giống nhau giữa mình và người khác là điều kiện căn bản và cần thiết cho tình thương và lòng từ bi nở hoa. Khi tình thương và lòng từ bi nở hoa thì ý tưởng hận thù và chiến tranh bị đẩy lùi, hòa bình và tình hữu nghị được thiết lập. Đức Phật tỏ rõ tình thương và lòng từ bi vô lượng bởi Ngài vượt ra ngoài khuôn khổ của mọi truyền thống và ước lệ xã hội và bởi Ngài hiểu rõ bản chất mong sống, sợ chết, muốn hạnh phúc, ghét khổ đau của tất cả chúng sanh. Tâm Đức Phật không phải là tâm một người Ấn Độ mà là Phật tâm. Phật tâm thì vượt ra ngoài mọi biên giới tự ngã, gia đình, giai cấp, chủng tộc và văn hóa, tìm đến với hết thảy mọi người và mọi loài, với một năng lượng thương yêu và che chở vô biên vô lượng:

“Mong tất cả những ai,

Hữu tình có mạng sống,

Kẻ yếu hay kẻ mạnh,

Không bỏ sót một ai,

Kẻ dài hay kẻ lớn,

Trung, thấp, loài lớn, nhỏ,

Loài được thấy, không thấy,

Loài sống xa, không xa,

Các loài hiện đang sống,

Các loài sẽ được sanh,

Mong mọi loài chúng sanh,

Sống hạnh phúc an lạc.

Mong rằng không có ai,

Lường gạt, lừa dối ai,

Không có ai khinh mạn,

 Tại bất cứ chỗ nào,

Không vì giận hờn nhau,

Không vì tưởng chống đối,

Lại có người mong muốn,

Làm đau khổ cho nhau.

Như tấm lòng người mẹ,

Đối với con của mình,

Trọn đời lo che chở,

Con độc nhất mình sanh.

Cũng vậy đối tất cả,

Các hữu tình chúng sanh,

Hãy tu tập tâm ý,

Không hạn lượng, rộng lớn.

Hãy tu tập từ tâm,

Trong tất cả thế giới”.8

Đáng chú rằng những lời dạy từ tâm của Đức Phật lưu xuất từ sự chứng ngộ của Ngài về con người, thân phận con người, tâm lý con người hay về sự thật khổ đau và ước muốn thoát khổ của chúng sinh nói chung đã có tác dụng rất lớn đối với lịch sử hiện hữu hòa bình rất đáng tự hào của đạo Phật. Được soi sáng và củng cố thường xuyên bởi những lời dạy đầy từ tâm của Bậc Đạo sư mà suốt cả chiều dài hiện diện hơn 25 thế kỷ, những người Phật tử luôn sống trong tâm niệm hòa bình, thể hiện tâm thái thân thiện, từ ái, tôn trọng sự sống, tránh làm tổn thương đối với muôn loài. Đức hiếu sinh, lòng bao dung độ lượng, tinh thần đoàn kết và tình thân hữu luôn luôn được tìm thấy trong đời sống của người Phật tử, kể cả khi họ nắm quyền lực trong tay.

Về phương diện này, vua Asoka trị vì ở Ấn Độ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch là tấm gương và niềm tự hào lớn của Phật giáo trong lịch sử loài người. Asoka thấm nhuần giáo lý từ bi của Đức Phật nên quyết tâm thu phục lòng người bằng đạo đức nhân ái (Dharma-vijaya) 9, dùng Pháp âm (Dharma-ghosa) thay cho tiếng trống trận (bherì-ghosa)10. Chẳng thế mà trong một cuộc đàm đạo với vị vua Hy Lạp Manender, Tỷ-kheo Ngasena đã ví sự nghiệp thuyết pháp của Đức Phật “giống nhưmột trận mưa lớn đổ xuống trần gian nắng hạn lâu ngày khiến thấm sâu vào vô lượng chúng sinh, làm cho muôn vật đâm chồi nẩy lộc, người người no vui hỷ lạc, thịnh mãn phước báo, sanh trưởng đức tin và trí tuệ, tẩy sạch bụi bặm cấu uế, dập tắt lửa tham sân si. Khi nước từ bi ấy chảy tràn qua lịch sử, chảy qua các quốc độ, chảy qua thời gian, có mặt ở đâu thì ở đó không có hận thù, oan trái, kẻ cướp buông đao, hung dữ mỉm cười, tình tương thân tương ái, thuận hòa làm mát mẻ trái tim, làm phơi phới lòng người”.11

Như vậy, khổ đau là căn bệnh lớn của con người và mỗi người nhưng không phải không có cách chữa trị tận gốc hoặc chí ít là để xoa dịu. Cuộc đời và những lời dạy của Đức Phật cho thấy nhận ra nỗi khổ chung giữa mình và người khác cũng như tâm lý mong sống, sợ chết, muốn lạc, ghét khổ của bản thân và của người khác để tránh làm hại hay khiến người khác làm hại chính là cách thức loại trừ khổ đau.

Tương tự, ý thức rằng giận dữ là khổ đau để chuyển hóa giận dữ thành không giận dữ, bất thiện thành chí thiện, xan tham thành thí xả, gian dối thành chân thật12 là cách mà nhân loại có thể làm để xoa dịu và loại trừ khổ đau cho mình và cho người khác. Dĩ nhiên, có nhiều cách thức làm lắng dịu và loại bỏ các nỗi khổ trần thế nhưng phương pháp chuyển hóa bản thân theo lời Phật dạy là tuyệt đối căn bản. Khổ đau là con đẻ của nhận thức sai lầm và lòng tham lam vị kỷ.

Chuyển hóa bản thân có nghĩa là chuyển đổi ý tưởng mê lầm sang nhận thức sáng suốt nhằm chuyển hóa mọi hành vi của bản thân từ xấu thành tốt, từ ác sang thiện. Như vậy, nếu mọi người trên hành tinh lưu tâm về lời dạy của Đức Phật và nỗ lực sống đúng với lời dạy của Ngài, nghĩa là thấy rõ sự thật khổ đau và tâm lý mong muốn thoát khổ hoàn toàn giống nhau giữa mình và người khác để cảm thông thay vì nghi ngờ, để thương yêu thay vì thù hận, để chia sẻ thay vì đố kỵ, để tương trợ thay vì phân hóa, để chung sống hòa bình thay vì tiến hành chiến tranh, thì thế giới sẽ thái bình, nhân loại sẽ an lạc.

Đức Phật ra đời đã chẩn mạch được căn bệnh trầm kha của con người và tâm lý sâu lắng của chúng sinh. Đó là khổ đau và lòng mong muốn thoát khổ. Ngài xuất hiện ở đời đáp ứng ước mong thoát khổ của muôn loài. Cứ liệu kinh điển cho hay mọi người thường vui mừng thốt lên như vầy, sau khi được nghe lời dạy của đấng Giác ngộ: “Con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo”. Thế giới hiện đại vẫn đổ đầy bao nỗi bất hạnh khổ đau vì nhiều nguyên nhân mà căn bản là do thái độ thiếu hiểu biết và thiếu cảm thông của con người.

Chính vì thế, sự ra đời của Đức Phật được xem là vận may lớn cho muôn loài, trước đây cũng như hôm nay, bởi sự xuất hiện của Ngài đánh dấu sự quy ngưỡng của tâm thức nhân loại, tức sự hiểu biết và lòng bao dung, tình thân ái và sự cảm thông, tinh thần đoàn kết và tình thân hữu được thể hiện trên cuộc đời, mang lại niềm tin yêu hướng thiện cho thế giới loài người. Đặc biệt, những lời dạy của Đức Phật về con người, thân phận con người, tâm lý con người đi đôi với lời khuyên của Ngài về đạo đức, nhân ái, cảm thông và hòa bình mãi mãi là kim chỉ nam cho cuộc sống an bình của muôn người và muôn loài sinh sống trên hành tinh.

Chú thích: 

1. Phạm Thủy Ba dịch, Phát hiện Ấn Độ, tập I, tr. 212.

2. H.W. Schumann, The Historical Buddha, tr.ix.

3. Kinh Ví dụ con rắn, số 22, Trung bộ.

4. Trong bản kinh Ví dụ con rắn, số 22, Trung bộ, Đức Phật tuyên bố xưa cũng như nay, Ngài chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ.

5. Kinh Mallikà, Tương ưng bộ.

6. Kinh Pháp cú, kệ số 129-130.

7. Kinh Những người ở Veludvàra, Tương ưng bộ.

8. Kinh Từ bi, Kinh Tập, Tiểu bộ.

9. Thích Tâm Minh, A Dục Vương (Asoka): Cuộc đời và sự nghiệp, tr.22, 113-114, 302-303, Nxb Tôn Giáo, 2004.

10. Thích Tâm Minh, A Dục Vương (Asoka): Cuộc đời và sự nghiệp, tr.22, 113-114, 306, Nxb Tôn Giáo, 2004.

11. Thích Giới Nghiêm, Mi Tiên vấn đáp, tr.881-883.

12. Kinh Pháp cú, kệ số 223.

 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Đức Phật đến với chúng ta

Đức Phật 09:12 05/11/2024

Chúng sinh hay hữu tình là những loài bị trói, không phải bởi một giây phiền não, mà cả trăm giây phiền não, cả ngàn giây phiền não, cả vô số vô biên giây phiền não.

Đức Phật: Nơi quy ngưỡng của tâm thức nhân loại

Đức Phật 11:05 28/10/2024

Trong muôn vàn những phát biểu trang trọng mà nhân loại trên hành tinh đã dành để bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với Đức Phật, có hai nhận định quan trọng nói về cuộc đời giác ngộ của Ngài, có thể giúp chúng ta hiểu lý do vì sao Liên Hiệp Quốc quyết định chọn Vesak làm ngày kỷ niệm và tôn vinh Ngài.

Cuộc đời Tôn giả Mahã Kassapa qua kinh tạng Nikãya

Đức Phật 09:00 11/10/2024

Từ khi chào đời cho đến lúc nhập diệt, Ngài luôn sống trong thanh tịnh, hoàn thành chí nguyện xuất gia cũng như lối sống phạm hạnh đầu đà của mình.

Những đức tánh của Phật

Đức Phật 17:40 02/10/2024

Luận Nhiếp đại thừa viết: Đức tánh của Phật đà có 7 thứ mà ai niệm Phật cũng phải tưởng niệm những đức tánh ấy.

Xem thêm