Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 21/12/2019, 07:39 AM

Giải mã bí ẩn lời nguyền ở chùa Thiên Mụ

Đã từ lâu, chùa Thiên Mụ (TP. Huế) nổi tiếng với 108 tiếng chuông ngày ngày giữ nhịp thời gian, mang theo tâm nguyện từ bi gửi gắm đến chúng sinh, giải tỏa mọi muộn phiền đau khổ. ấy vậy mà, nơi chốn cửa Phật từ bi này còn được gán một lời nguyền nghiệt ngã.

>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về chùa Việt

Từ những câu chuyện bâng quơ của người dân Huế, đến những lời đồn đại trên các trang web, mạng xã hội của khách du lịch bốn phương, lời nguyền như nhập sâu vào tâm thức của bao người yêu nhau.

Chuông chùa gột rửa bụi trần

Tháp Phước Nguyên, biểu tượng chùa Thiên Mụ (Ảnh: ST)

Tháp Phước Nguyên, biểu tượng chùa Thiên Mụ (Ảnh: ST)

Chùa Thiên Mụ hiện có 2 quả chuông. Một quả chuông được đúc vào năm Canh Dần (1710) đặt trong một ngôi nhà bát giác phía bên trái tháp Phước Duyên nhìn từ ngoài cổng vào. Chuông cao 2,50m, đường kính miệng 1,40m, cân nặng 3.285kg. Trên chuông có khắc bài minh của chúa Nguyễn Phúc Chu chú nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Chuông này hiện nay chỉ được đặt như một pháp khí của chùa mà không đánh. Còn tiếng chuông Thiên Mụ từng được nhắc đến trong ca dao, là từ chiếc chuông được đúc vào năm Gia Long thứ 14 (1815), đặt trên lầu chuông bên trái cổng chùa dẫn vào điện Đại Hùng.

Bài liên quan

Chuông Thiên Mụ cấu thành từ một hàm lượng hợp kim đặc biệt, lại  mang trong mình giá trị tâm linh nên tạo nên âm sắc vang xa, bay vút lên trời cao thấu đến lòng người, khiến tâm thanh thản, giũ sạch bụi trần.

Nhà vua cũng cho xây dựng hai tiểu đình trước Nghi môn để dựng bia đá khắc bài minh Thiên Mụ chung thanh. Bài minh có đoạn: "Bách bát hồng thanh tiêu bách kết. Tam thiên thế giới tỉnh tam duyên". Nghĩa là: "Một trăm lẻ tám tiếng chuông tiêu tan trăm nỗi oan kết muộn phiền. Ba ngàn thế giới tỉnh ba duyên".

Thượng tọa Thích Trí Tựu, trụ trì hiện nay của chùa cho biết: "Từ xưa đến nay, chuông chùa vẫn đánh mỗi ngày hai lần, lúc 19h30 và 3h30 sáng. Mỗi lần đánh trong thời gian 60 phút, bằng 108 tiếng chuông để xóa đi 108 nỗi phiền muộn trong thế gian.

Khi được hỏi về con số 108, vị Hòa thượng điềm đạm cho biết: Theo giáo lý nhà Phật, chúng sinh trong tam giới (gồm dục giới, sắc giới và vô sắc giới) đều có chung  bát khổ (sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ, oán tằn hội, ái biệt ly khổ và cầu bất đắc khổ). Từ căn bản của 8 điều khổ sẽ dẫn đến 108 nỗi phiền não được chia nhỏ theo trạng thái tâm lý tình cảm.

Và trong mỗi tiếng chuông đều mang theo tâm nguyện từ bi gửi gắm đến chúng sinh, giải tỏa những nỗi oan khiên, chán chường.

Chùa Thiên Mụ nằm bên dòng sông Hương thơ mộng (Ảnh: ST)

Chùa Thiên Mụ nằm bên dòng sông Hương thơ mộng (Ảnh: ST)

Duyên cớ lời nguyền nơi cổ tự

Bài liên quan

Chuyện kể rằng, khi chúa Nguyễn vẫn còn cai trị vùng Đàng Trong, và tình yêu đôi lứa vẫn còn nằm trong sự sắp đặt của cha mẹ, có cô gái con nhà quan danh giá, xinh đẹp đem lòng yêu một chàng trai mồ côi, lại nghèo khó. Mối tình vụng trộm của họ như con thuyền trắc trở không bến đỗ vì bị gia đình nhà gái ngăn cấm quyết liệt.

Quá đau khổ, đôi trai gái cùng nhau ra sông Hương tự vẫn, vì những tưởng sống không đến được thì chết sẽ bên nhau mãi mãi. Nhưng trớ trêu thay, khi trái tim chàng trai đã ngừng đập dưới đáy sông Hương sâu thẳm, cô gái lại may mắn dạt vào bờ và được những người địa phương tốt bụng cứu sống. Gia đình cô gái tìm về, ép nàng lấy một vị quan nhất phẩm trong triều mà họ đã nhắm từ trước.

Thời gian trôi qua, cô gái cũng dần nguôi ngoai nỗi buồn về người yêu cũ, thuận lấy chồng và sống một cuộc đời vinh hoa. Chờ người yêu mỏi mòn không thấy, oan hồn chàng trai uất hận cho số phận bất trắc của mình, bèn lang bạt vào chùa Thiên Mụ ngự trước mặt sông Hương, thề độc sẽ phá những đôi tình nhân đến đây viếng chùa.

Chùa Thiên Mụ nhìn từ trên cao (Ảnh: ST)

Chùa Thiên Mụ nhìn từ trên cao (Ảnh: ST)

Có lẽ vì tích đó mà người ta truyền miệng nhau rằng, những ai còn cô đơn đến đây thành tâm cầu nguyện sẽ gặp được người thương, còn nếu có người yêu mà dắt nhau tới chùa, ắt sẽ chia lìa tan tác.

Gặp nhóm bạn trẻ sinh viên trường Đại học sư phạm Huế cùng lên thăm chùa, các bạn thành thực cho biết: "Chúng em nghe nhiều lắm rồi về lời đồn đó, nó có thật hay không chẳng ai lý giải rõ ràng cả. Nhưng nếu nghe kể đôi tình nhân nào đó yêu nhau đến chùa Thiên Mụ rồi về đứt tơ duyên, người ta càng khẳng định lời nguyền trên ứng nghiệm(!?).

Còn những ai vẫn hạnh phúc vẹn đầy thì lời nguyền này chỉ  xem như câu chuyện đùa được thần thánh hóa, thêu dệt mà nên, tin hay không là tùy ở mỗi người mà thôi".

Phúc - họa ở chính mình
Bài liên quan

Đức Phật có câu: "Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn"- đại ý rằng, con người là chủ của mình, không là nô lệ của ngoại cảnh. Và, một trong các giáo lý của phật giáo là Lý duyên sinh. Mọi sự, mọi vật đều do nhiều duyên hợp lại mà thành, hết duyên thì mất.

Phật giáo cũng lại có câu: "Trên trời, dưới trời chỉ có ta là tối thượng”. ý nghĩa là không có thượng đế nào sinh ra ta, không có đấng tạo hóa nào sinh ra ta. Câu nói đó còn mang một ý nghĩa khác, ấy là cuộc đời của ta như thế nào: Sướng hay khổ, giàu hay nghèo, hạnh phúc hay bất hạnh tất cả đều do ta quyết định. Phật cũng muốn chỉ cho chúng sinh thấy rằng, con người phải bắt đầu với chính mình, mọi việc trên cuộc đời này là tự mình làm, tự mình quyết định lấy mình. Nếu không tự giác ngộ lấy, thì những điều phù phiếm, xấu xa sẽ chi phối, dắt dẫn khiến chúng ta trở nên ngu muội mà thôi.

Vậy thì ắt hẳn, lời nguyền kia có ứng nghiệm hay không, là bởi cái duyên của mỗi người mà thôi. Nữa, là nếu tình yêu đôi lứa nếu đủ chân thành và sự cố gắng nỗ lực vun đắp từ hai phía thì dù khó khăn, cách trở mấy cũng có thể vượt qua.

Ngôi chùa nằm ngay gần con sông Hương êm đềm và hiền hòa (Ảnh: ST)

Ngôi chùa nằm ngay gần con sông Hương êm đềm và hiền hòa (Ảnh: ST)

Từ xưa đến nay, người ta tin tưởng đạo phật là đạo từ bi, là đạo hiền lành, đạo vị tha.. Vì sự tin tưởng đó, cho nên khi đến chùa, tự nhiên cảm thấy mình gần với đức phật. Chuyện kể, trước đây có một ông Đốc học ở Tiền Giang dẫn một đoàn học trò của mình ra Huế. Sau khi viếng thăm một số chùa, ông buột miệng:  "Đi đến chùa rồi, tôi thấy đây là một chỗ tắm gội linh hồn của dân thành phố.

Bài liên quan

Có lẽ chính bởi nhịp sống xô bồ, ồn ào, đầy rẫy bon chen khiến con người mỗi lần đến chùa thì tâm hồn sẽ được gột rửa được buồn bực, chán nản. Lối kiến trúc độc đáo, mộc mạc đã khiến cho chốn cổ tự mang lắm nét trầm mặc, tĩnh tại. Con người trần tục đến đây, ngắm nhìn những di vật xa xưa, đắm mình trong cái không gian thoáng đãng, xanh mát của đất trời, cỏ cây, cũng thấy lòng mình thanh thản đến lạ thường".

Xin được mượn 4 câu thơ của nhà thơ Huyền Không để kết thúc chuỗi bài viết này: "Quê tôi có gió bốn mùa, có trăng giữa tháng có chùa quanh năm/ Chuông hôm gió sớm trăng rằm/Chỉ thanh đạm thế âm thầm thế thôi".

Mái chùa che chở hồn dân tộc như bao đời nay người ta vẫn nói. Thế nên, không có nghĩa lý gì khi người ta phải tin vào những lời nguyền không rõ gốc tích, phải vậy không?

Dị bản của lời nguyền nghiệt ngã

Hồ Tứ giác (còn gọi là hồ bán nguyệt) nơi phát sinh dị bản lời nguyền nghiệt ngã.

Bài liên quan

Thực hư câu chuyện này ra sao, không ai rõ, cũng không ai kiểm chứng được nên nó nghiễm nhiên được xem như nguồn gốc lời nguyền. Theo dòng thời gian, câu chuyện được thêu dệt biến hóa ra nhiều dị bản.

Chẳng hạn đến nay, giới trẻ Huế vẫn rỉ tai nhau chuyện về đôi cựu học sinh trường Quốc học yêu nhau sáu năm trời nhưng không thành, bèn dẫn nhau đến hồ bán nguyệt (nay được xây lại thành hồ tứ giác) phía sau khuôn viên chùa Thiên Mụ tự vẫn với lời nguyền độc địa: "Bất cứ đôi tình nhân nào đặt chân đến hồ này đều chia tay".

Lại cũng có ý kiến cho rằng, đây chỉ là tác phẩm của những người dân đất cố đô xưa dựng lên, để cho chốn chùa chiền được thanh tịnh, không vẩn đục bụi trần phàm tục...

Theo 24h.com

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Phương thức niệm Phật đời Trần

Tư liệu 08:23 18/04/2024

Không phải ngẫu nhiên đến đời Trần, phương thức niệm Phật được Thiền phái Trúc Lâm chú trọng trong việc vận dụng vào đời sống thực nghiệm tâm linh trong các Thiền đường nước Đại Việt.

Cha mẹ là ruộng phúc trong 3 cõi

Tư liệu 08:10 16/04/2024

Phật bảo Ngài A Nan rằng: - Cha mẹ, chúng Tăng, là hai thứ ruộng phúc của tất cả chúng sinh, là diệu quả của cõi Nhân cõi Thiên, Niết Bàn giải thoát, cũng do đó mà được thành tựu vậy!

Thiện duyên của người mẹ cúng dàng 500 vị Bích Chi Phật

Tư liệu 06:58 16/04/2024

Theo kinh Ðại phương tiện Phật báo ân, vào thời quá khứ xa xưa có một người nữ, do một bất thiện nghiệp ở tiền kiếp đã sinh ra làm con của một con nai cái. Nhưng cũng nhờ những nghiệp nhân tốt đẹp khác, cô gái do nai sinh ra có một tướng mạo đoan chính, tính tình bao dung, hiền thiện.

Chú chó theo chủ tu hành

Tư liệu 18:40 15/04/2024

"Tôi niệm một tiếng miệng của nó cũng mấp máy theo và ngồi ngay ngắn. Lúc tôi không có ở đó thì mở máy niệm Phật để trước tượng Tam Thánh, nó cũng chạy đến ngồi yên lắng nghe danh hiệu Phật. Mỗi khi tôi tắt máy thì nó không vui, nhìn tôi mà sủa “gâu, gâu”."

Xem thêm