Khám phá rừng lim di sản nghìn năm tuổi và lời nguyền linh thiêng trên đền Cao
Hàng bao đời nay, ý thức bảo vệ ngôi đền Cao linh thiêng và rừng lim di sản đã ăn sâu vào tâm khảm người dân thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Không ai dám xâm phạm ngôi đền này cũng như có ý định chặt lim, kể cả nhặt bất cứ một cành khô, miếng gỗ nào mang về.
Xưa nay, mỗi khi nói tới rừng cây cổ thụ người ta thường nghĩ đến những cánh rừng heo hút miền núi cao. Vậy mà giữa đồng bằng thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương chỉ cách Hà Nội chừng 100km vẫn tồn tại rừng lim di sản và ngôi đền Cao gần 1040 tuổi với nhiều huyền tích tâm linh kỳ bí.
Rừng lim nghìn tuổi
Năm 2012, 54 cây lim tổ cụ ở đây đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. Trước đó, rừng lim có 60 cây lim tổ cụ, nhưng chỉ còn lại 54 cây sau thời kỳ cách mạng văn hóa.
Không biết chính xác rừng lim có từ bao giờ, nhưng các già làng đều cho rằng, năm xưa dựng đền thờ Đức Thánh họ Vương, lim được chọn làm cây trồng bảo vệ đền. Theo một thông tin khác, 54 cây lim còn sót lại trong khu rừng này là một phần của rừng lim trước kia trải rộng đến tận phía Quảng Ninh. Đây có thể là đời sau của rừng lim mà Ngô Quyền sai quân chặt cây, vót nhọn đầu dàn trận tại sông Bạch Đằng để tiêu diệt quân Nam Hán năm 938.
Lý giải về việc tại sao một rừng lim quý giá qua hàng nghìn năm vẫn vẹn nguyên ngay giữa đồng bằng, ông Nguyễn Công Văn, Trưởng ban khánh tiết đền Cao chỉ nói đến hai chữ “linh thiêng”. Nằm trên đỉnh núi bao bọc lấy ngôi đền, hàng chục cây lim um tùm xanh tốt không khi nào cần người canh giữ vẫn đều nguyên vẹn.
Ly kỳ “bướu” mặt cáo ở gốc lim phía Tây đền Cao
Người dân cho biết, trong số 54 cây lim ở đền Cao thì cây lim lớn nhất, kỳ lạ và cũng gây tò mò nhiều nhất chính là cây lim 700 tuổi ở phía Tây của đền. Trên cây có một chiếc bướu hình mặt cáo, cũng có người gọi là đầu hổ. Nhìn trực diện, chiếc bướu này giống hệt một chiếc đầu cáo. Nhìn từ trên xuống, lại giống một chú khỉ lông vàng.
Chiếc bướu này mang câu chuyện linh thiêng về ông Tổ Cụt rằng, từ xa xưa khi người Tàu còn đô hộ xứ ta, chúng giết hết đàn ông chỉ để lại 12 cô gái xinh đẹp. Một người đàn ông may mắn trốn thoát và nấp vào bãi dứa. Con chó của giặc đánh hơi được, chúng chọc giáo, chém phải tay ông. Giữa lúc nguy cấp thì một con cáo nhảy từ bụi dứa ra đánh lừa được giặc, nhờ đó ông thoát chết. Sau này, chính ông đã bày mưu để 12 cô gái đuổi giặc đi. Khi đất nước thanh bình trở lại, ông đi lại với cả 12 cô. Đây chính là nguồn gốc sinh sôi, nảy nở ra 12 dòng họ của nước Việt.
Nói về lý do hình thành chiếc bướu này, nhiều nhà khoa học giải thích có thể do nấm hoặc một số loại nấm đặc hữu như linh chi phát triển thành. Qua thời gian, chúng phát triển nhiều lên và ngẫu nhiên có hình dáng đó. Về lý thuyết thì bất kỳ cây sống lâu năm nào cũng có thể xuất hiện những chiếc bướu sần sùi trên thân cây.
Tuy nhiên, trong tín ngưỡng của dân gian, bướu mặt cáo có lẽ chính là sự hóa thân của ông Tổ Cụt mà dân gian gắn cho trí tưởng tượng của mình, trở thành một niềm tin, một mong ước được phù hộ độ trì. Đồng thời cây lim trở thành nơi thần thánh để người dân tìm về. Một ban thờ Tổ được dựng lên ngay dưới gốc cây, bởi thế quanh năm có người đến thắp hương khấn vái, lúc nào không gian nơi đây cũng thoang thoảng mùi hương trầm.
Lời nguyền đền Cao
Đền Cao được xây dựng cách đây gần 1040 năm và là nơi thờ Đức Tam đại Vương Đức Minh - người con thứ ba trong một gia đình họ Vương có năm anh chị em (2 người con gái, 3 con trai).
Tương truyền, cả 5 anh chị em ruột của gia đình họ Vương đều có công giúp vua Lê Đại Hành đánh thắng giặc Tống (năm 981). Sau thành công "Phá Tống bình Chiêm", vua Lê Đại Hành (bấy giờ đóng đô ở Hoa Lư, Ninh Bình) muốn vời cả 5 anh chị em nhà họ Vương về cung để khao quân thưởng tướng. Nhưng 5 vị tướng quân xin khất vua trở về nhà chịu tang cha mẹ trước. Vào một đêm giông tố, sấm sét nổi lên ầm ầm sáng cả một vùng Dược Đậu trang. Trong giây lát năm anh em họ Vương đã biến vào ánh chớp.
Được tin, nhà vua vô cùng thương tiếc, liền cho lập Đền, cắt ruộng công dùng vào việc đèn hương thờ phụng mãi về sau và phong Thượng Đẳng Phúc Thần cho 5 vị tướng quân. Các triều đại tiếp theo đều có sắc phong thêm mỹ tự. Hiện nay, trong đền Cao còn lưu giữ được 12 đạo Sắc phong.
Đền Cao trước đây chỉ nhỏ giống như một ngôi miếu, lại được rừng lim um tùm tươi tốt bao phủ. Lịch sử đền Cao chỉ được hé mở vào năm 1988, khi ông Dương Văn Diệm - Trưởng ban Khánh Tiết đền Cao đề nghị với các cụ biết chữ Nho trong làng, đề nghị với xã, huyện, tỉnh, xin được mở Sắc phong và Ngọc phả.
Vậy là hơn 1.000 năm trước đó, bao đời người dân thôn Đại và các nơi lân cận mỗi khi nhang đèn khấn lạy chỉ biết tâu: "Con khấn lạy Tứ vị Đức Đại Vương, Nhị vị Đức Thánh Triều". Câu hỏi vì sao lịch sử đền Cao lại được giữ kín suốt dọc dài lịch sử được trả lời khi 12 đạo Sắc phong được mở. Đó là bởi lời nguyền từ các cụ xa xưa truyền lại: "Lịch sử đền Cao, biết không được nói, không biết không được hỏi". Biết bao đời các cụ nhà ta, vì muốn gìn giữ đền khỏi sự tàn phá của quân xâm lược, đã đặt ra lời nguyền giấu kín tung tích đền Cao.
Đến hôm nay, về chiêm bái đền Cao du khách thập phương sẽ được chiêm ngưỡng rừng lim cổ tỏa bóng mát sum sê che chở mưa nắng cho di tích. Với người dân An Lạc đây không chỉ là lá phổi xanh mà còn là một phần máu thịt đã quá đỗi quen thuộc và thân thiết trong đời sống tín ngưỡng tâm linh.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chùa Đại Lộc - ngôi chùa Nam tông đầu tiên trên đất Phật
Chùa Việt 15:18 19/11/2024Chùa Đại Lộc tọa lạc tại số 13/46 M-5 Khajuhi, Sarnath, Varanasi – 221007, U.P. (India) - nơi có tháp Chuyển Pháp Luân, là một trong Tứ Động Tâm của Phật giáo tại đất Phật Ấn Độ, Nepal.
Ngôi chùa được phong sắc tứ duy nhất tại Gia Lai
Chùa Việt 09:00 19/11/2024Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Ngôi chùa 900 tuổi đẹp nhất của Hà Nội xưa
Chùa Việt 16:47 18/11/2024Chùa Chiêu Thiền, hay còn gọi là chùa Láng, dù đã 900 tuổi vẫn đứng uy nghiêm giữa lòng Hà Nội với một vẻ đẹp lưu giữ nhiều thăng trầm của thời gian.
Vãng cảnh chùa Hang ở An Giang
Chùa Việt 08:50 18/11/2024Chùa Phước Điền (còn gọi là chùa Hang) tọa lạc trên triền núi Sam (TP. Châu Đốc), với kiến trúc độc đáo, cùng khung cảnh xanh mát, đây là một điểm đến ấn tượng tại thành phố vùng biên.
Xem thêm