Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 31/05/2016, 15:18 PM

Giải mã Kinh Niệm Xứ chặng đường thoát khỏi khổ đau (P.4)

Người học Phật càng biết vận dụng cách quán thọ trên các thọ đúng đắn bao nhiêu, càng có thêm khả năng tự giúp mình phòng tránh bệnh, chữa bệnh tốt bấy nhiêu; và đồng thời cũng tránh được những căn ‘bệnh’ do cả tin, mê tín gây ra.

2.3 Quán tánh sanh khởi trên thọ. Quán tánh diệt tận trên thọ. Quán tánh sanh diệt trên thọ.

Các cách quán này đã được đức Thế Tôn trả lời rất cụ thể trong bài kinh 15.V. ‘Thuộc Sở Hữu’ của Tương Ưng Bộ [Ve.18.15]. Lược trích: “Rồi Tôn giả Ānanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến... Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, thế nào là các thọ? Thế nào là thọ tập khởi? Thế nào là thọ đoạn diệt? Thế nào là con đường đưa đến thọ đoạn diệt? Thế nào là vị ngọt của thọ? Thế nào là sự nguy hiểm của thọ? Thế nào là sự xuất ly của thọ?

- Có ba thọ này, này Ānanda, lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này Ānanda, đây gọi là các thọ. Do xúc tập khởi nên thọ tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt. Con đường Thánh đạo Tám ngành là con đường đưa đến thọ đoạn diệt, tức là Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Do duyên thọ khởi lên lạc hỷ nào, đấy là vị ngọt của thọ. Sự vô thường, khổ, biến hoại của thọ là sự nguy hiểm của thọ. Sự nhiếp phục dục và tham (chandarāga) đối với thọ, sự đoạn tận dục và tham là sự xuất ly của thọ…

Này Ānanda, Ta tuyên bố rằng đoạn diệt (nirodho) các hành là tuần tự. Khi chứng Thiền thứ nhất, lời nói được đoạn diệt. Khi chứng Thiền thứ hai, tầm tứ được đoạn diệt... Khi chứng Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ được đoạn diệt. Ðối với Tỳ kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tham được đoạn diệt, sân được đoạn diệt, si được đoạn diệt…” (Xem thêm trong TƯ4, 218 = [Ve.18.12]).

Người học Phật nhớ lại những bước đầu tìm hiểu giáo pháp cũng thấy rõ: nhờ có tiếp xúc chánh pháp nên từ đó mới phát sanh những cảm thọ thiện lành, hợp pháp. Nhờ tiếp xúc bạn lành, tiếp xúc hội chúng hiền thiện biết giữ giới, khiến thiện pháp tăng trưởng, ác pháp suy giảm nên mới đem lại sự an vui, an lạc cho bản thân mình, cho gia đình và cho xã hội. Ngược lại tiếp xúc, ái luyến tà pháp và thực hành tà hạnh sẽ đem lại những cảm thọ phi pháp, bất an cho mình và cho người khác. Điều này có nghĩa xúc ‘trắng’ sẽ sanh khởi thọ ‘trắng’, xúc ‘đen’ sanh khởi thọ ‘đen’.

Ở mức độ cao hơn, việc tìm hiểu mối quan hệ ‘xúc diệt thì thọ diệt’ trong thực hành thiền định nhằm tiến tới ‘xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh’ là một tiến trình tuần tự, không thể đốt giai đoạn, do vậy sẽ được nhận thức dần từng bước.

Bên cạnh các ý nghĩa trên, trong kinh điển Nikāya không ít lần đức Thế Tôn đã dạy về cách quán tánh sanh khởi và diệt tận thọ trong mối quan hệ với bệnh tật. Có thể nói, nhắc đến bệnh là nói đến thọ, nhắc tới thọ là nói tới bệnh. Có nhiều bệnh đem lại thọ khổ như nhức đầu, đau răng, đau bao tử… Cũng có những bệnh mang lại thọ ‘lạc’ (khi được thỏa mãn) như bệnh ghiền xì-ke ma tuý, bệnh nghiện rượu… (những lạc thọ này theo chiều hướng của dục, có hại cho mình và người khác, khiến ác pháp tăng trưởng, thiện pháp suy giảm nên chúng là bệnh). Cũng có những bệnh không có cảm giác như bệnh tâm thần vô cảm, phần thân thể bị bại liệt, trạng thái hôn mê, ngất xỉu…

Một khi đã mắc bệnh, điều quan trọng đầu tiên là phải tìm ra đúng nguyên nhân để việc điều trị từ gốc có khi đơn giản nhưng lại rất hiệu quả. Đã có người mắc bệnh viêm họng hạt nhiều lần đến độ phải dùng phương pháp đốt hạt nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Cuối cùng khi người bệnh tự tìm ra nguyên nhân và chỉ cần di dời chỗ làm việc vài thước tránh khỏi nguồn bụi bặm, tự khắc căn bệnh viêm họng hạt không còn. Tuy nhiên người này suốt đời phải gặp khó khăn vì cuống họng mang những vết sẹo do đốt các hạt. Đó là cái giá phải trả do không biết quán tìm nguyên nhân sanh bệnh, chỉ lo chữa ngọn chứ không chịu chữa từ căn gốc. Không ít người đã phải trả những giá mắc hơn, nặng hơn chỉ vì đã không biết quán tánh sanh khởi trên thọ, quán tánh diệt tận trên thọ và quán tánh sanh diệt trên thọ.
 
Do vậy quán tánh sanh khởi trên thọ cần được hiểu thêm là quán nguyên nhân phát sinh căn bệnh mà mình đang cảm thọ.

Quán tánh diệt tận trên thọ là quán cách điều trị, diệt trừ căn bệnh từ gốc.

Quán tánh sanh diệt là phải quán nguyên nhân và điều trị cùng lúc mới đoạn diệt được căn bệnh.

Thông thường người phật tử có thói quen không tốt là bị bất kỳ bệnh gì hoặc hoàn cảnh bất ưng gì đều quy chung về một nguyên nhân duy nhất do nghiệp mà ra. Vì quan niệm một chiều như vậy nên dễ có xu hướng chấp nhận, cam chịu, không tích cực tìm hiểu những nguyên nhân đích thực hoặc tìm kiếm các giải pháp thích đáng khác, từ đó dẫn đến bệnh nhẹ thành nặng, cảnh ngộ dễ thành khó. đức Thế Tôn gọi những suy nghĩ đơn giản như vậy thuộc về tà đạo. Bài kinh Sīvaka đã minh chứng và giải thích rất cụ thể trường hợp này:

“Một thời Thế Tôn trú ở Rājagaha (Vương Xá) tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

Rồi du sĩ Moliya Sīvaka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, du sĩ Moliya Sīvaka thưa với Thế Tôn:
 
- Thưa Tôn giả Gotama, có một số Sa-môn, Bà-la- môn thuyết như sau, thấy như sau: “Con người cảm thọ cảm giác gì, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; tất cả thọ ấy đều do nhân đã làm trong quá khứ”. Ở đây, Tôn giả Gotama nói như thế nào?

- Này Sīvaka, ở đây, một số cảm thọ khởi lên, phát sanh từ mật (semhà). Này Siivaka, hoặc là Ông phải tự mình (sàma) biết rằng: “Ở đây, một số cảm thọ khởi lên, phát sanh từ mật”. Hay là, này Sīvaka, thế giới chấp nhận là đúng sự thật rằng: “Ở đây, một số cảm thọ khởi lên phát sanh từ mật”. Ở đây, này Sīvaka, những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào thuyết như sau, thấy như sau: “Con người cảm thọ cảm giác gì, lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ; tất cả thọ đều do nhân đã làm trong quá khứ”; nếu do họ tự mình biết, họ thật sự đi quá xa; nếu được thế giới chấp nhận là đúng sự thật, họ cũng đi quá xa. Do vậy, Ta tuyên bố rằng các Sa-môn, Bà-la-môn ấy thuộc về tà.

Này Sīvaka, ở đây, một số cảm thọ khởi lên, phát sanh từ đàm (niêm dịch)...

Này Sīvaka... thọ khởi lên, phát sanh từ gió...

Này Sīvaka... thọ khởi lên, phát sanh từ sự gặp gỡ các nước trong thân thể (sannipitikàni).

Này Sīvaka... thọ khởi lên, phát sanh từ sự gặp gỡ các thời tiết...

Này Sīvaka... thọ khởi lên, phát sanh từ sự gặp gỡ các nghịch vận...

Này Sīvaka... thọ khởi lên, phát sanh từ các công kích thình lình từ bên ngoài vào...

Do quả dị thục của nghiệp, này Sīvaka, ở đây, một số cảm thọ được khởi lên. Này Sīvaka, hoặc là Ông phải tự mình biết rằng: “Ở đây, một số cảm thọ khởi lên vì kết quả dị thục của nghiệp”. Hay là, này Sīvaka, thế giới chấp nhận là đúng sự thật rằng: “Ở đây, một số cảm thọ khởi lên vì kết quả dị thục của nghiệp”. Ở đây, này Siivaka, những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào thuyết như sau, thấy như sau: “Con người cảm thọ cảm giác gì, lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ; tất cả thọ đều do nhân đã làm trong quá khứ”; nếu do họ tự mình biết, họ thật sự đi quá xa; nếu được thế giới chấp nhận là đúng sự thật, họ cũng đi quá xa. Do vậy, Ta tuyên bố rằng các Sa-môn, Bà-la-môn ấy thuộc về tà…

Khi được nói vậy, du sĩ Moliya Sīvaka bạch Thế Tôn:

- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn... từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

Mật, niêm dịch và gió,
Sự gặp gỡ các loại nước,
Sự thay đổi thời tiết,
Sự gặp gỡ các nghịch vận,
Sự công kích thình lình,
Nghiệp quả là thứ tám”
(TƯ4, 230 = [Ve.18.21])
 
Như vậy cảm thọ từ bệnh phát sanh có rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Chúng có thể phát xuất từ những nguyên nhân nội tại như bị rối loạn các chức năng, bộ phận, nội tiết tố trong cơ thể; hoặc do những nguyên nhân bên ngoài như môi trường, thời tiết, dịch bệnh, sự tấn công từ bên ngoài; và nguyên nhân cuối cùng mới là do nghiệp quả chín muồi.

Vì vậy, khi mắc bệnh, người học Phật không nên vội vàng kết luận tất cả đều do nghiệp rồi nhắm mắt chấp nhận. Trái lại người phật tử phải tích cực tìm hiểu hoặc căn cứ vào những xác định chính xác của y học nhằm biết rõ nguyên nhân thực sự để có phương pháp điều trị đúng. Sau khi đã tự mình quán xét kỹ lưỡng và căn cứ vào y học đáng tin cậy nhưng vẫn không tìm ra yếu tố đích thực thì cuối cùng mới phải kham nhẫn chấp nhận nguyên nhân thứ tám còn lại là do nghiệp quả dị thục. Hơn thế nữa còn phải tích cực thực hành thiện nghiệp để hóa giải hậu quả.

Nói chung có những cảm thọ phát sanh từ những bệnh do ăn uống không hợp lý (ăn quá nhiều, hoặc khổ hạnh ép xác, hoặc thọ dụng chất có hại...) thì phải điều chỉnh ăn uống cho thích hợp. Có những cảm thọ phát sanh từ những bệnh do sinh hoạt không hợp lý (ít vận động, hoặc làm việc quá căng thẳng...) phải cân bằng hoạt động cho thích đáng. Có những cảm thọ từ những bệnh phải sử dụng thuốc để điều trị, nhưng cũng có những cảm thọ bệnh phải dùng tâm lý - vật lý trị liệu để điều trị, và có những cảm thọ bệnh phải kết hợp cả hai dược - lý để chữa trị. Riêng đối với những cảm thọ sanh khởi từ bệnh do nghiệp quả dị thục mang lại thì phải tích cực tu tập thực hành hạnh Từ-Bi-Hỷ-Xả, bố thí, trì giới... để giải trừ nghiệp nhanh hơn chứ không nên xuôi tay cam chịu.

Như đã nói ở trên, một căn bệnh cụ thể có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Xác định đúng nguyên nhân gây bệnh thì việc chữa trị sẽ hiệu quả hơn, ít phức tạp hơn. Ví dụ bệnh nhức đầu thông thường do rất nhiều tác nhân tạo nên như cảm nắng, thức khuya, thiếu ngủ, làm việc quá sức, lo lắng căng thẳng, não thiếu oxy, dùng chất kích thích…

Một khi biết được chính xác nguyên nhân nhức đầu, đôi khi chỉ cần một cái nón khi ra nắng, hoặc mở cửa sổ cho thông thoáng cũng có thể chữa lành căn bệnh này; thay vì cứ tiếp tục sử dụng thuốc trị nhức đầu bừa bãi dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc, phụ thuộc thuốc men một cách không thích đáng. Đã có không ít tình trạng ‘tiền mất tật vẫn mang’ là do người bệnh không biết quán nguyên nhân sanh bệnh, hay nói cách khác là không biết “quán tánh sanh khởi trên thọ”.

Tuy nhiên cũng có một số bệnh nếu chỉ quán nguyên nhân sẽ không thể chữa trị được mà cần phải quán cách điều trị thích ứng kịp thời. Ví dụ với người bị đau răng nếu chỉ quán tìm nguyên nhân không thôi sẽ không tránh khỏi đau khổ, trong trường hợp này cách tốt nhất là phải nhờ nha sĩ can thiệp điều trị. Hoặc một người bị bệnh đau ruột thừa cấp tính nếu chỉ ngồi quán tìm nguyên nhân mà không chữa trị đúng lúc cũng có thể gặp nguy hiểm. Vì vậy đối với một số bệnh phải biết quán cách điều trị thích đáng căn bệnh đó, nói cách khác là phải biết ‘quán tánh đoạn diệt trên cảm thọ’ đó.

Cũng có một số căn bệnh vừa phải quán tánh sanh khởi trên thọ vừa phải quán tánh đoạn diệt mới điều trị được. Ví dụ một bà mẹ thấy con mình bị tiêu chảy, một mặt bà phải tìm hiểu nguyên nhân nào khiến con bị tiêu chảy, mặt khác bà phải tìm cách điều trị đúng đắn bệnh tiêu chảy. Hẳn nhiên nếu chỉ biết nguyên nhân gây bệnh nhưng không chữa trị thích đáng để bệnh diễn tiến dài ngày cũng nguy hiểm; ngược lại nếu chỉ uống thuốc ngăn chặn nhưng không phát hiện nguyên nhân thì căn bệnh vẫn còn có khả năng tái diễn. Vừa quán xét nguyên nhân gây bệnh vừa quán tìm phương pháp điều trị thích hợp là ý nghĩa của cách ‘quán tánh sanh diệt trên thọ bệnh’.

Cũng cần nói thêm, ai cũng biết bệnh là khổ, vì thế không ai muốn bệnh, hoặc khi mắc bệnh ai cũng muốn sao cho mau khỏi, còn những người thân thì đâm ra lo lắng sợ hãi cho người bệnh. Chính vì những tâm lý thường tình này nên đã có biết bao những phương pháp chữa bệnh tà vạy ra đời, biết bao những ‘thần dược, thánh dược’ giả dối sản sinh, biết bao những ông thầy lừa bịp tung hoành trục lợi.

Người học Phật càng biết vận dụng cách quán thọ trên các thọ đúng đắn bao nhiêu, càng có thêm khả năng tự giúp mình phòng tránh bệnh, chữa bệnh tốt bấy nhiêu; và đồng thời cũng tránh được những căn ‘bệnh’ do cả tin, mê tín gây ra.
 
Tóm lại, trên đây là nội dung của Quán tánh sanh khởi trên thọ, quán tánh đoạn diệt trên thọ, quán tánh sanh diệt trên thọ để khắc phục tham ưu do bệnh tật gây ra.

Để kết thúc cho phần quán thọ, người học Phật cần như lý tư duy đoạn kinh dưới đây để nhận thức rõ thêm quan điểm của đức Thế Tôn về cảm thọ trong mối liên hệ với giới luật (khổ hạnh), sự chấp trì, sự tinh tấn, sự từ bỏ và sự giải thoát nói chung.

“Này Gia chủ, Ta không nói rằng tất cả khổ hạnh cần phải hành trì. Này gia chủ, Ta cũng không nói rằng tất cả khổ hạnh không nên hành trì.

Này Gia chủ, Ta cũng không nói rằng tất cả sự chấp trì cần phải được chấp trì. Này Gia chủ, Ta cũng không nói rằng tất cả sự chấp trì không nên chấp trì.

Này Gia chủ, Ta cũng không nói rằng tất cả sự tinh cần phải tinh cần. Này Gia chủ, ta cũng không nói rằng, tất cả sự tinh cần không nên tinh cần.

Này Gia chủ, Ta cũng không nói rằng, tất cả sự từ bỏ nên từ bỏ. Này Gia chủ, Ta cũng không nói rằng tất cả sự từ bỏ không nên từ bỏ.

Này Gia chủ, Ta cũng không nói rằng tất cả sự giải thoát nên giải thoát. Này Gia chủ, Ta cũng không nói rằng, tất cả sự giải thoát không nên giải thoát.
 
Này Gia chủ, phàm hành trì khổ hạnh nào, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện tổn giảm, khổ hạnh ấy, Ta nói, không nên hành trì. Nhưng này Gia chủ, phàm hành trì khổ hạnh nào, các pháp bất thiện tổn giảm, các pháp thiện tăng trưởng, khổ hạnh ấy, Ta nói nên hành trì.

Này Gia chủ, phàm chấp trì nào, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện tổn giảm, chấp trì ấy, Ta nói, không nên chấp trì. Phàm chấp trì nào, các pháp bất thiện tổn giảm, các thiện pháp tăng trưởng, thời chấp trì ấy, Ta nói nên chấp trì.

Này Gia chủ, phàm tinh cần nào được tinh cần, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện tổn giảm, thời tinh cần ấy, Ta nói rằng, không nên tinh cần. Phàm tinh cần nào được tinh cần, các pháp bất thiện tổn giảm, các pháp thiện tăng trưởng, thời tinh cần ấy, Ta nói nên tinh cần.

Này Gia chủ, phàm từ bỏ sự từ bỏ nào, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện tổn giảm, thời từ bỏ ấy, Ta nói, không nên từ bỏ. Phàm từ bỏ sự từ bỏ nào, các pháp bất thiện tổn giảm, các pháp thiện tăng trưởng, thời từ bỏ ấy, Ta nói, nên từ bỏ.

Này Gia chủ, phàm giải thoát sự giải thoát nào, các pháp bất thiện tăng trưởng, các thiện pháp tổn giảm, thời giải thoát ấy, Ta nói, không nên giải thoát. Phàm giải thoát sự giải thoát nào, các pháp bất thiện tổn giảm, các pháp thiện tăng trưởng, thời giải thoát ấy, Ta nói nên giải thoát” (TC X:94 = [I.10.94]).

Cũng vậy, quán thọ trên các thọ là quán xem những cảm thọ nào từ những giới luật nào khiến các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện tổn giảm, thì cảm thọ ấy, giới luật ấy không nên hành trì, không nên chấp thủ, cho dù là lạc thọ, huống hồ khổ thọ. Ngược lại, những cảm thọ nào từ những giới luật nào khiến các pháp bất thiện tổn giảm, các pháp thiện tăng trưởng, thì cảm thọ ấy, giới luật ấy nên hành trì, nên chấp thủ cho dù là khổ thọ, huống hồ lạc thọ.

Những lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong kinh Nikāya và luật Pātimokkha đều phân định rõ các nguyên tắc nêu trên.
 
III. QUÁN TÂM
Chánh Kinh

Này các Tỳ kheo, như thế nào là Tỳ kheo sống quán tâm trên tâm? Này các Tỳ kheo, ở đây:

Tỳ kheo với tâm có tham, tuệ tri: “Tâm có tham”; hay với tâm không tham, tuệ tri: “Tâm không tham”.

Hay với tâm có sân, Tỳ-kheo tuệ tri: “Tâm có sân”; hay với tâm không sân, tuệ tri: “Tâm không sân”.

Hay với tâm có si, Tỳ-kheo tuệ tri: “Tâm có si”; hay với tâm không si, tuệ tri: “Tâm không si”.

Hay với tâm thâu nhiếp, Tỳ-kheo tuệ tri: “Tâm được thâu nhiếp”; hay với tâm tán loạn, tuệ tri: “Tâm bị tán loạn”.

Hay với tâm quảng đại, Tỳ-kheo tuệ tri: “Tâm được quảng đại”; hay với tâm không quảng đại, tuệ tri: “Tâm không được quảng đại”.
 
Hay với tâm hữu hạn, Tỳ-kheo tuệ tri: “Tâm hữu hạn”; hay với tâm vô thượng, tuệ tri: “Tâm vô thượng”.

Hay với tâm có định, Tỳ-kheo tuệ tri: “Tâm có định”; hay với tâm không định, tuệ tri: “Tâm không định”.

Hay với tâm giải thoát, Tỳ-kheo tuệ tri: “Tâm có giải thoát”; hay với tâm không giải thoát, tuệ tri: “Tâm không giải thoát”.

Như vậy vị ấy sống quán tâm trên nội tâm; hay sống quán tâm trên ngoại tâm; hay sống quán tâm trên nội tâm, ngoại tâm. Hay sống quán tánh sanh khởi trên tâm; hay sống quán tánh diệt tận trên tâm; hay sống quán tánh sanh diệt trên tâm.

“Có tâm đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời. Này các Tỳ kheo, như vậy là Tỳ kheo sống quán tâm trên tâm.

Giải Trình

Cũng giống như trong phần quán thân và quán thọ, các tâm niệm được nêu ra trong phần quán tâm không liên quan đến đối tượng bên ngoài như phần quán pháp. Có thể hiểu nôm na các niệm tâm tham, tâm vô tham, tâm sân, tâm vô sân, tâm si, tâm vô si… ở đây chỉ có ý nghĩa thuộc bản thân ‘ta với ta’.

Nếu trong phần quán thân chỉ nói tới ‘thuốc’ chữa bệnh (niệm thân bất tịnh, niệm thân bốn đại vô thường, niệm thân biến hoại), còn trong phần quán thọ giới thiệu chung cả niệm thọ ‘thuốc’ và niệm thọ ‘bệnh’; thì trong phần quán tâm, các niệm tâm ‘bệnh’ và niệm tâm ‘thuốc’ được phân biệt một cách rất rõ ràng.

Cụ thể các tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm tán loạn, tâm không quảng đại, tâm hữu hạn, tâm không có định, tâm không giải thoát được xem là tâm “bệnh”. Còn các tâm vô tham, tâm vô sân, tâm vô si, tâm thâu nhiếp, tâm quảng đại, tâm vô thượng, tâm có định, tâm giải thoát chính là các tâm “thuốc” chữa bệnh tương ứng.

Muốn biết các tâm ‘thuốc’ chữa các tâm ‘bệnh’ như thế nào, phải quán các tâm niệm theo từng trường hợp cụ thể.

3.1 Quán tâm vô tham trên tâm tham

Tâm tham được nói đến ở đây là những niệm tham dục không nhắm vào một đối tượng cụ thể, chỉ đơn thuần do bản năng chi phối. Ví dụ: một người béo phì có thể bị thèm ăn liên tục, không nhất thiết thèm một món nào cụ thể, đây chỉ là cảm giác muốn ăn thuần túy; hoặc một người có ái dục cường liệt, sinh lực sung mãn, khi tâm tham dục bản năng phát khởi có thể tìm đến với bất kỳ cô gái làm tiền nào, không phân biệt là người mình có yêu hay không.

Nếu không tỉnh giác trước tâm tham dục của bản năng này, con người sẽ dễ bị trói cột lôi cuốn vào khổ đau trước mắt lẫn về lâu dài. Tâm tham được xem như tâm ‘bệnh’ và một khi không phát hiện sớm để ngăn chặn và chữa trị, tâm bệnh này có thể dẫn đến những đau khổ và nguy hiểm không lường. Chúng thể hiện dưới rất nhiều hình thức, nhiều hoàn cảnh khác nhau. Câu chuyện có thật sau đây phần nào nói lên ý nghĩa này:

B. là một kỹ sư trẻ có tất cả những gì mà nhiều người mơ ước: khoẻ mạnh, đẹp trai, tài năng, đức hạnh và cha mẹ giầu có. Là một chuyên gia giỏi nên B. được công ty cử sang nước láng giềng công tác. Thời hạn một năm đã mãn, trước ngày trở về quê nhà, B. cùng nhóm bạn đồng hương tổ chức tiệc chia tay. Dù không quen uống rượu nhưng trước niềm vui được trở về đoàn tụ gia đình và nể nang bạn bè nên B. cũng hơi quá chén. Khi tiệc gần mãn, có người đề nghị cả nhóm đi hát Karaoke, thế là tất cả đều thích thú tham gia. Men rượu chưa tan lại bị kích thích bởi môi trường ăn chơi trá hình khiến B. đã không kềm chế được bản năng của mình nên lần đầu tiên quan hệ bừa bãi với các cô gái bán hoa.

Chín tháng sau khi trở lại nhà, B. như sụp đổ hoàn toàn khi biết mình bị nhiễm căn bệnh nan y chết người (bây giờ gọi là bệnh liệt kháng). Đau đớn hơn, người vợ mới cưới và đứa con trong bụng của cô cũng phải chịu chung số phận. Tấm thảm kịch xảy ra chỉ từ một phút giây buông thả theo bản năng đã mang lại đau khổ tột cùng cho cả ba sanh mạng. Nguyên nhân của đau thương trong trường hợp này cũng chỉ vì “dục vui ít, khổ nhiều, ở đây nguy hiểm lại càng nhiều hơn” (Nikāya).

Giả sử, có thể trở ngược lại thời gian trước đó, nếu biết như thật thảm cảnh khổ đau và nguy hiểm của tham dục như vậy, liệu B. có còn muốn quan hệ phóng túng không? Một người còn tỉnh táo chắc chắn phải trả lời là: ‘Không!’ Nếu mọi việc do rượu mà ra thì trở lại thời gian trước đó nữa, khi được mời cầm lên ly rượu, nếu B. cũng quán sát những nguy hiểm khổ đau đang chờ đón mình như thật, hẳn nhiên anh cũng đã dứt khoát từ chối ly rượu ấy.

Nhưng tất nhiên không ai có thể trở ngược lại thời gian để có dịp sửa chữa những hậu quả, những tai hại do tâm bất thiện gây ra. Vì vậy, cách hữu hiệu để vị tu sĩ tránh bị cột trói bởi tham dục là phải luôn quán xét sự khổ đau và nguy hiểm do dục ái gây ra.

Câu chuyện nêu trên chỉ là một ví dụ điển hình, trong thực tế bản năng gốc thể hiện dưới muôn vàn khía cạnh khác nhau, vui thú từ nó cũng có đấy nhưng thảm họa cũng thật khôn lường. Những thảm cảnh trực tiếp hay gián tiếp do tham dục gây ra không thể nói hết được, vì vậy thoát ly được tham dục là thoát ly được đau khổ.

Người tu sĩ cần phải tự mình quán xét thật rõ sự nguy hiểm của tham dục theo nhiều trường hợp hoàn cảnh khác nhau và phải thường xuyên như lý tác ý ‘dục vui ít, khổ nhiều, ở đây nguy hiểm càng nhiều hơn’. Tích cực thực hiện phương pháp này, khả dĩ vị Tỳ-kheo mới có thể ngăn ngừa và nhàm chán tham dục được, nhờ đó mới thoát ly dần khỏi những khổ đau do tham dục gây ra.

Trong kinh điển Nikāya, đức Thế Tôn bằng nhiều phương tiện, nhiều dẫn chứng khác nhau đã chỉ rõ những hệ lụy nhằm giúp vị tu sĩ an trú tâm trong sự xuất ly, giải thoát.

- “Và này các Tỳ kheo, cho đến khi nào các loài hữu tình chưa như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỳ kheo, các loài hữu tình không có thể an trú với tâm thoát ly, không có hệ phược, giải thoát, không bị hạn cuộc khỏi thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.

Và này các Tỳ kheo, cho đến khi nào các loài hữu tình đã như thật giác tri vị ngọt ở đời là vị ngọt, nguy hại là nguy hại, xuất ly là xuất ly, cho đến khi ấy, này các Tỳ kheo, các loài hữu tình có thể an trú với tâm thoát ly, không có hệ phược, giải thoát, không bị hạn cuộc khỏi thế giới gồm có Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.” (TC III:102, tr.471 = [I.3.94])

- “Này các Tỳ kheo, ai sống thấy sự nguy hiểm trong các pháp được chấp thủ, ái được đoạn diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt” (TƯ2, 84 = [U.51.52]).

Một vị Tỳ-kheo còn nhiễm dục vọng giống như một đứa trẻ bị mắc cây que hay hòn sạn trong cổ: “Các dục, này các Tỳ kheo, được tìm thấy với tuổi trẻ, các dục này hay các dục khác. Và này các Tỳ kheo, các dục hạ liệt, các dục trung đẳng, và các dục tối thắng, tất cả dục đều được chấp nhận là các dục.

Ví như, này các Tỳ kheo, có đứa con nít, trẻ nhỏ, ngây thơ đang nằm ngửa, do người vú vô ý, đứa nhỏ cầm một cây que hay hòn sạn cho vào miệng. Người vú hầu ấy phải mau chóng tác ý. Sau khi mau chóng tác ý, phải mau chóng móc cho ra. Nếu không có thể mau chóng móc ra được, thời với tay trái nắm đầu nó, với tay mặt, lấy ngón tay làm như cái móc, móc cho vật ấy ra, dầu có phải chảy máu. Vì cớ sao?

Này các Tỳ kheo, làm như vậy, có hại cho đứa trẻ. Ta nói rằng không phải không có hại. Như vậy, này các Tỷ kheo, người vú hầu phải làm như vậy vì muốn lợi ích, vì tìm hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ mẫn (đứa trẻ). Nhưng này các Tỳ kheo, khi đứa trẻ ấy đã lớn lên, và có đủ trí khôn, người vú hầu ấy không săn sóc nó nữa, nghĩ rằng: “Nay đứa trẻ đã biết tự bảo vệ mình, không phóng dật nữa” (TC V:7, tr.311 = [I.5.7.3])

Thực vậy, được thỏa mãn dục có thể đem lại vị ngọt nhất thời, thế nhưng những đau khổ từ nó thì không sao kể hết. Những tin tức, thảm cảnh đau thương từ dục xuất hiện hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ mới phần nào phản ảnh được những nguy hại này. Hơn thế nữa đối với vị Tỳ-kheo đệ tử Phật còn phải thấy sự nguy hiểm của dục dưới khía cạnh sanh tử luân hồi.

Theo pháp Nhân Duyên, chấp thủ những niệm tham dục phát khởi từ bản năng đơn thuần cũng chính là nguồn dục thủ dẫn đến dục hữu, khiến các loài hữu tình phải tái sanh luân hồi trong tương lai. Như vậy tâm tham dục của bản năng đã trói cột con người vào với đau khổ không những ở đời này mà còn trong đời sau, chính vì thế tâm tham ở đây được gọi là tham kiết sử.

Vì vậy, để chặt đứt sợi dây nguy hiểm này, vị Tỳ-kheo muốn thoát ly sanh tử khổ đau có lúc cũng phải biết “nghiến răng dán chặt lưỡi đưa lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm” (TB2, 85 = [Su.4.16]). Vị Tỳ-kheo phải có quyết tâm dành chiến thắng trong cuộc chiến đấu với chính bản thân mình, lấy tâm vô tham đánh bại tâm tham, lấy tâm vô dục đánh bại tâm dục để đi tới giải thoát cuối cùng.

Trên bước đường đó, các vị Tỳ-kheo hữu học thời Phật là những người có được phước duyên hy hữu, vì họ đã được chính đức Thế Tôn trực tiếp chăm sóc bảo vệ cho đến khi tự cứu chính mình.

Giờ đây khi đức Thế Tôn đã nhập diệt, những lời dạy của Phật vẫn như vị nhũ mẫu từ bi bên cạnh những người con của Ngài. Không những thế, vị Tỳ-kheo tu tập Chánh niệm cũng phải là vị nhũ mẫu cho chính mình, phải tự cứu mình bằng cách khi tâm tham dục khởi lên phải tức khắc tỉnh giác nhận diện “tâm có tham ta biết tâm có tham”. Liền ngay đó vị Tỳ-kheo phải mau chóng tự mình tác ý “dục vui ít, khổ nhiều, ở đây nguy hiểm lại càng nhiều hơn” và mau chóng tự mình ‘móc’ bật tham dục ra khỏi tâm bằng cách đặt tâm theo chiều hướng quán xét sự nguy hiểm của tham dục.

Vị Tỳ-kheo hữu học phải kiên trì lấy tâm vô dục của lý trí tỉnh giác đánh bại tâm tham dục của bản năng với quyết tâm cao nhất ‘một mất, một còn: dục phải mất, hạnh phải còn’, nhờ vậy mới có thể chặt đứt sợi dây oan nghiệt này.

Trong bài kinh Potaliya (TB1, 54 = [So.9]) và kinh Người Chiến Sĩ 2 (TC V:76, tr.465 = [I.5.76]), Đức Phật cũng đã mô tả sự nguy hiểm của dục qua nhiều hình ảnh cụ thể. Nguy hiểm và đau khổ từ dục được ví như khúc xương, như miếng thịt, như bó đuốc cỏ khô, như hố than hừng, như cơn mộng, như tài vật vay mượn, như cây có trái, như lò thịt, như gậy nhọn, như đầu rắn. Người tu Phật cần hiểu rõ và kiên trì quán xét kỹ lưỡng các ví dụ này để thấy như thật dục là vui ít nhưng khổ nhiều, não nhiều, tai họa ở đây càng nhiều hơn, từ đó mới có thể tẩy rửa dần tham dục tuỳ miên hoặc đã phát khởi trong tâm.

Cũng trong khía cạnh tương tự, trường hợp của vua Pasenadi được nói đến trong bài kinh ‘Ăn nhiều’ (TƯ1, 81 = [Su.9.13]) cũng liên quan đến ý nghĩa này. Có lần nhà vua đã phải thú nhận là ông đã bị lôi cuốn tham đắm vật thực đến độ dường như ăn không biết chán các món ngon vật lạ hấp dẫn trong cung điện. đức Thế Tôn đã tinh tế nhắc nhở vua Pasenadi về sự nguy hại của ăn quá mức bằng việc chỉ rõ lợi ích từ việc ăn uống vừa đủ:

“Con người thường chánh niệm, Ðược ăn, biết phải chăng, Chừng mực, cảm thọ mạnh, Già chậm, tuổi thọ dài”.

Từ đó vua Pasenadi đã ra lệnh cho thanh niên Sudassana học thuộc bài kệ và đọc lên mỗi lần dọn thức ăn cho ông. Nhờ biết như lý tác ý, sau một thời gian vua Pasenadi đã tự chủ điều độ trong việc ăn uống nên cảm thấy mạnh khỏe, an lạc khiến ông đã cảm hứng thốt lên “Ôi, thật sự Thế Tôn đã thương tưởng nghĩ đến lợi ích cho ta, cả hai đời hiện tại và vị lai!”.

Vua Pasenadi là một trong những vị vua có tuổi thọ cao nhất khi ông đã ngự trị trên ngai vàng đến hơn tám mươi tuổi, và hẳn nhiên vua Pasenadi có hưởng được lợi ích lâu dài, một phần cũng là nhờ ông đã sớm thấy được sự nguy hại của thói tham ăn, kiên trì thường xuyên như lý tác ý, từ đó mới có thể tiến tới làm chủ được một bản năng cơ bản của mình để ngay trong hiện tại được an lạc, đồng thời có một sanh thú tốt lành trong tương lai.

Đối với vị tu sĩ, trước khi thọ dụng thức ăn, nên như lý tác ý theo lời dạy trong kinh Nikāya: “Ta thọ dụng món ăn khất thực đây không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ Phạm hạnh, nghĩ rằng: ‘Như vậy, ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn’”.

Từ những điển hình nêu trên có thể nêu lên một nhận định khác, đó là: Nếu biết thường xuyên quán xét kỹ lưỡng và như lý tác ý về sự nguy hiểm độc hại của rượu, thuốc lá, cờ bạc… cũng là cách hữu hiệu giúp đoạn trừ dần tâm tham ái nơi các đối tượng gây nghiện này. Tất nhiên muốn chiến thắng các ác hại này cũng phải tinh tấn theo phương châm: ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện.

Bên cạnh đó, trong bài kinh ‘Dục vọng’, đức Thế Tôn dạy rõ có năm sức mạnh giúp cho vị Tỳ-kheo hữu học tự bảo vệ mình khỏi ái dục, đó là: Có lòng tin, biết xấu hổ, biết sợ hãi, có tinh tấn và trí tuệ đối với thiện pháp. Việc vận dụng các thiện pháp này để đối trị với tham dục bản năng được đức Thế Tôn phân tích rất nhiều trong kinh tạng Nikāya. Bản giải mã này chỉ phản ánh một phần nhỏ, không thể nói hết được ý nghĩa các Diệu Pháp giúp đoạn trừ tham dục. Do đó người học Phật cần học hỏi kỹ những lời dạy của bậc Đạo Sư trong kinh tạng Nikāya nhằm trang bị thêm những phương tiện hữu hiệu giúp chiến thắng tham dục bản năng.

Tóm lại, khi đặt tâm theo chiều hướng tư duy quán xét để thấy rõ sự nguy hiểm và khổ đau của dục cùng các thiện pháp giúp đoạn trừ dục, thời tâm tham dục vắng mặt và như vậy chúng được gọi là tâm vô tham.

Người học Phật biết tích cực quán xét và như lý tác ý nhiều lần các khía cạnh nguy hiểm của dục và các thiện pháp tương ứng nhằm trưởng dưỡng tâm vô tham, nhờ vậy tâm tham dục phát khởi sẽ đi đến muội lược và tâm tham dục ngủ ngầm bị đoạn trừ tẩy rửa dần. 

Hoặc khi một niệm tham vừa khởi lên cần phải tuệ tri ngay ‘tâm có tham ta biết tâm có niệm tham’, ngay đó phải tiêu diệt tâm tham bằng tâm vô tham cũng như phải quán xét để thấy rõ sự khổ đau, nguy hại, tai họa của niệm tham dục đó.

Trên đây là gợi ý nội dung khái quát của phương pháp Quán tâm vô tham trên tâm tham để chế ngự tham ưu do tham kiết sử gây ra.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông là Đại sứ Văn hóa đọc TP.HCM nhiệm kỳ 2024 - 2025

Sách Phật giáo 11:04 24/04/2024

Sư cô Suối Thông (Thích nữ Hạnh Đức) - đang công tác tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, thành viên Ban Văn hóa Phật giáo TP vừa được trao nhiệm vụ này từ Sở TT&TT TP, trong ngày Sách và văn hóa đọc lần 3, hôm 19/4.

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Xem thêm