Hành trình băng rừng trúc tìm về “nơi Đức vua hoá Phật”
Con đường bộ hành về Ngoạ Vân (Đông Triều, Quảng Ninh) – “thánh địa thiền phái Trúc Lâm”, ẩn dưới những tán thông rợp mát và băng qua rừng trúc bạt ngàn.
Quanh năm ẩn mình trong mây trắng, Quần thể di tích Am - Chùa Ngọa Vân là điểm đến độc đáo không chỉ dành cho tăng ni, Phật tử mà còn là nơi để mỗi người tìm về khám phá, tôn vinh những giá trị văn hóa - lịch sử và tri ân công đức của tiền nhân. Đây là 1 trong 14 điểm di tích quan trọng thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều. (Ảnh: Thu Trang)
Mỗi dịp đầu xuân, thay vì dùng cáp treo, nhiều khách hành hương chọn con đường bộ để lên núi Bảo Đài (xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).
Men theo dòng suối và những bậc đá chênh vênh, du khách theo dấu những nhà tu hành từ thế kỷ XIV khám phá những di tích như Tàn Lọng, Phủ Am Trà, Đô Kiệu – nơi dừng kiệu để lên núi…
Hơn nửa chặng đường gần 7km lên núi xuyên qua rừng trúc xanh mát, nên thơ khiến bao mệt mỏi đều tan biến.
Tới độ cao gần 400m, Thông Đàn giống như một điểm dừng chân vãn cảnh dành cho khách bộ hành. Di tích có các tháp mộ và dấu vết kiến trúc từ thời Trần, Lê, Nguyễn. Nơi đây có nhiều cây thông cổ, mỗi khi gió thổi qua tán cây, những cung bậc âm thanh tựa như tiếng đàn vang vọng.
Càng lên cao, khung cảnh mây núi càng hùng vĩ hơn. Con đường hành hương lên Ngoạ Vân cũng là nơi phát hiện hộp vàng Ngoạ Vân – Yên Tử có niên đại từ thời Trần, một bảo vật quốc gia khẳng định giá trị to lớn của di tích này gắn liền với quần thể di tích trải dài từ núi Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh).
Bước những bậc thang cuối lên chùa Ngoạ Vân Trung, du khách thấy bước chân như nhẹ nhàng hơn. Hoa đào rừng nở tươi thắm quanh sân chùa ở độ cao gần 700m.
Chùa Ngoạ Vân Trung nằm ở trung tâm sườn núi phía Nam của núi Bảo Đài. Từ nền di tích cổ, chùa được trùng tu và khánh thành năm 2016, góp phần “đánh thức” những giá trị của cả quần thể sau thời gian dài chìm trong mây mù.
Điểm dừng chân cuối của hành trình là Am – chùa Ngoạ Vân Thượng. Năm 1299, Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia tu hành tại núi Yên Tử, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - dòng thiền mang đậm màu sắc Việt Nam với triết lý Cư trần lạc đạo (gắn Đạo với Đời). Năm 1307, Ngài lên tu tại Am nhỏ trên núi Ngoạ Vân.
Nếu Yên Tử là nơi khởi đầu con đường thành đạo của Hương Vân Đại Đầu Đà thì Ngoạ Vân chính là nơi kết thúc trọn vẹn. Năm 1308, Ngài an nhiên nhập Niết Bàn tại Am Ngọa Vân.
Am Ngoạ Vân còn lưu giữ tượng mô phỏng Phật hoàng khi viên tịch. Tháp lớn trước sân chùa cũng là nơi lưu giữ một phần xá lị của Ngài. Sau khi Phật hoàng Trần Nhân Tông hóa Phật, triều đình và tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm là Pháp Loa đã cho mở mang Ngọa Vân thành một quần thể di tích chùa tháp lớn.
Chùa Thượng và Am Ngọa Vân được tu bổ trên cơ sở tôn trọng hiện trạng địa hình và cảnh quan di tích, đến nay đã cơ bản hoàn thành, mang đến không gian thành kính, thanh tịnh.
Lễ hội xuân Ngọa Vân kéo dài từ ngày mùng 9 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch hàng năm, là dịp để mỗi người hành hương về Ngọa Vân, hướng về cội nguồn, tri ân Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông và các bậc tiền nhân, những người không chỉ góp công lớn xây dựng, bảo vệ đất nước mà còn hun đúc, xây dựng nên nền tảng giá trị tinh thần cho cả dân tộc./.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Huyền tích Phù Sơn tự
Chùa Việt 11:16 04/11/2024Giữa cánh đồng mênh mông bát ngát, từ xa đã nhìn thấy tượng Phật Quan Âm và Phật Di Đà cao chừng 30 m, uy nghi sừng sững. Đó là Phù Sơn tự (còn gọi là Núi Nổi), tọa lạc tại giồng Trà Dên, thuộc xã Tân Thạnh, TX.Tân Châu, An Giang.
Ngôi chùa nằm giữa lưng chừng trời
Chùa Việt 20:34 03/11/2024Ngôi chùa Khmer mang tên Phnom Ta Pa nổi danh bởi vẻ đẹp độc đáo và tọa lạc trên ngọn núi Tà Pạ (xã Núi Tô, H.Tri Tôn, An Giang), với độ cao 45 m so với mặt đất.
Ngôi chùa nghìn năm tuổi ở Hà Nam, nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý giá
Chùa Việt 09:15 03/11/2024Chùa Bầu tên chữ là Thiên Bảo Tự, tọa lạc tại đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Hai Bà Trưng, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam có tuổi đời hơn 1.000 năm tuổi còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá từ triều Vĩnh Thịnh năm thứ 6.
Chùa Côn Sơn: Một trong ba trung tâm Thiền phái Trúc Lâm
Chùa Việt 14:07 01/11/2024Chùa Côn Sơn gắn với Thiền phái Trúc Lâm, cả ba vị Tổ của thiền phái đã từng tu hành và thuyết pháp ở đây. Cùng với chùa Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm, chùa Côn Sơn là một trong ba trung tâm của Thiền phải Trúc Lâm.
Xem thêm