Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: Tăng sự và đào tạo Tăng Ni là Phật sự quan trọng hàng đầu
Trước thềm Đại hội đại biểu Phật giáo TP.Hà Nội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội đã dành cho Báo Giác Ngộ cuộc phỏng vấn.
* Thưa Hòa thượng, Hà Nội hiện sau khi sáp nhập Hà Tây, là thành phố rộng lớn bậc nhất cả nước, nơi có tới 30 đơn vị Ban Trị sự Phật giáo cấp quận huyện trực thuộc. Trong nhân duyên ấy, việc điều hành các Phật sự có gì khó khăn?
- Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: So với các tỉnh thành trong cả nước thì TP.Hà Nội là nơi có nhiều đơn vị hành chánh nhất. Theo đó, GHPGVN TP.Hà Nội có tới 30 đơn vị Ban Trị sự Phật giáo cấp quận, huyện, thị xã. Với địa bàn rộng lớn như vậy sẽ đem đến những khó khăn nhất định cho Ban Trị sự nếu phải sát sao từng việc một, đặc biệt đối với các hoạt động Tăng sự.
Bên cạnh đó, với quan niệm “đất vua, chùa làng”, gần đây có hiện tượng nhân dân tự mời một số Tăng, Ni từ các nơi khác về, chỉ hợp thức hóa với chính quyền địa phương mà không thông qua Ban Trị sự, dù con số này chỉ chừng 10 trường hợp, nhưng cũng ít nhiều tạo thêm sự khó khăn cho Ban Trị sự Phật giáo thành phố. Qua đây, chúng tôi mong rằng chư Tăng Ni về các địa phương trên địa bàn TP.Hà Nội sinh hoạt tôn giáo thì nên và cần đăng ký với Giáo hội để vấn đề quản lý được thống nhất và tránh những hiện tượng đáng tiếc xảy ra, gây ngộ nhận và không tốt cho Phật giáo cũng như tình hình ổn định chung.
* Còn về thuận lợi, thưa Hòa thượng?
- Thuận lợi lớn nhất là chúng tôi thừa kế truyền thống được giữ gìn bao đời của Phật giáo xứ Đoài và Phật giáo Thăng Long trước đây, có nề nếp, đặc biệt là Tăng Ni thuần túy thuộc Phật giáo cổ truyền phía Bắc cho nên có sự hòa hợp một cách tự nhiên.
Thuận lợi lớn nữa là chính quyền các cấp, từ thành phố cho đến các phường, thị xã nhận thức thống nhất nên theo đó các Phật sự cũng được tiến hành một cách dễ dàng, ngoài một vài trường hợp mà chúng tôi đã đề cập trên.
* 5 năm của khóa VIII, theo Hòa thượng, thành tựu Phật sự nào của Phật giáo Hà Nội là quan trọng nhất?
- Từ khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, đặc biệt là trong 5 năm qua của khóa VIII mà chúng tôi được suy cử làm Trưởng ban, thành tựu nổi bật nhất của Phật giáo Hà Nội, theo tôi, đó là Tăng sự luôn ổn định.
Liên quan tới Tăng sự, chúng tôi lấy giáo dục Tăng Ni làm việc quan trọng hàng đầu. Tại Hà Nội, hiện nay 100% Tăng Ni đều tốt nghiệp trung cấp Phật học.
Những thiện nam tín nữ mới vào chùa xuất gia, nếu thầy nghiệp sư không đăng ký nhập tu thì được xem là bất hợp pháp, sẽ không được thụ giới sau này. Sau khi đăng ký nhập tu, chúng tôi bắt buộc các em mới xuất gia phải theo học tại một trong 3 lớp sơ cấp Phật học tổ chức tại chùa Bà Đá (quận Hoàn Kiếm); chùa Mộ Lao (Hà Đông) hoặc chùa La Gián (thị xã Sơn Tây); sau đó phải qua khóa đào tạo trung cấp Phật học. Như vậy, tối thiểu mỗi Tăng Ni tại các chùa ở TP.Hà Nội sau khi xuất gia được đào tạo căn bản từ ngay khi mới bước chân vào thiền môn, bắt buộc phải học 6 năm, bao gồm hệ sơ cấp (2 năm) và trung cấp Phật học (4 năm).
Chúng tôi cũng đã thống nhất việc tốt nghiệp trung cấp Phật học là một trong những điều kiện để thụ giới Tỷ-khiêu/ Tỷ-khiêu-ni, đồng thời là một trong những điều kiện để xét bổ nhiệm trụ trì sau này đối với Tăng Ni thuộc sự quản lý của Giáo hội.
Bên cạnh đó, chúng tôi đánh giá cao những hoạt động của ngành hoằng pháp, văn hóa… trong nỗ lực bảo tồn nét đặc trưng văn hóa truyền thống xứ Đoài, Thăng Long, giữ gìn được bản sắc truyền thống trong xã hội hiện đại.
* Hướng về tương lai, trước sự kiện Đại hội đại biểu Phật giáo thủ đô lần thứ IX để suy cử tân Ban Trị sự, Hòa thượng có thể chia sẻ về việc chọn nhân sự và định hướng quan trọng cho chặng đường 5 năm tiếp theo?
- Vâng, trước nhất chúng tôi muốn chia sẻ cùng chư tôn đức lãnh đạo, chư Tăng Ni, tất cả những việc mà chúng ta làm cần phải căn cứ trên tinh thần lục hòa mà Đức Phật đã dạy, kế đến là nguyên tắc bình đẳng trong đạo Phật, nói theo ngôn ngữ hiện nay là “công khai dân chủ”. Đó là điều chúng tôi luôn đặt ra trước mắt khi làm công tác nhân sự, giới thiệu để Đại hội đại biểu Phật giáo TP.Hà Nội suy cử trong Đại hội lần thứ IX tới.
Chúng tôi cũng đã học được nhiều từ cách làm nhân sự của Phật giáo TP.HCM dưới sự chỉ đạo của Đức Quyền Pháp chủ GHPGVN - Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng vừa được tổ chức viên mãn. Nhân sự phải được công khai, đưa ra để được bàn bạc kỹ lưỡng theo ba lớp: Ổn định của các bậc trưởng thượng trong tình hình thực tế của Phật giáo thủ đô, thứ đến các vị đang độ tuổi hoạt động hiệu quả và sau đó là các vị trẻ có năng lực, uy tín cũng như đạo hạnh.
Trên tinh thần và nguyên tắc đó, chúng tôi phải luôn lắng nghe để có những điều chỉnh kịp thời trên tinh thần dân chủ. Ví dụ, có một nhân sự được giới thiệu tham gia Ban Trị sự thành phố khóa IX đã được thông qua tại các phiên họp chính thức Ban Thường trực, tuy nhiên khi nghe ý kiến khác ở bên ngoài các cuộc họp, chúng tôi lập tức đưa ra lại để xin ý kiến tập thể, quyết định thay đổi dù thời gian Đại hội đã cận kề. Vấn đề là làm sao để giữ được tinh thần cởi mở, lấy cái hòa chung làm chính, luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến khác để đem lại không khí hoan hỷ.
Nhân đây, tôi cũng mong chư tôn đức không chỉ tại Hà Nội mà các tỉnh thành khác, cần chú trọng công tác đào tạo Tăng Ni một cách bài bản theo truyền thống thiền môn trên hai phương diện bác học lẫn dân gian để có những ứng xử phù hợp trong thực tế của xã hội Việt Nam chúng ta.
Qua các đợt bùng phát của đại dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta một lần nữa chứng kiến sự tín tâm vững mạnh của giới Phật tử. Do đó, chúng ta cần có sự chăm sóc các đạo tràng tu học của Phật tử các lứa tuổi, trong đó có giới trẻ. Và để làm được điều đó, chúng ta cần có chương trình đào tạo giảng sư, đào tạo Tăng Ni một cách bài bản hơn nữa, đáp ứng yêu cầu thực tế để có sự phát triển đồng đều, thống nhất của Giáo hội.
Chân thành tri ân Hòa thượng!
Diệu Nghiêm/Báo Giác Ngộ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Điều cần thiết nơi phẩm hạnh của người Thầy là đạo đức và tình thương”
Phỏng vấn 11:00 20/11/2024Đó là lời chia sẻ chân thành của Đại đức Thích Quảng Tịnh, trụ trì chùa Pháp Lạc ( xã Giang Điền, H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) với Phatgiao.org.vn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Voice talent Nguyễn Bình Nguyên - “Kẻ Trộm Hương”: “Sách của Thiền sư Nhất Hạnh dễ hiểu, dễ ứng dụng”
Phỏng vấn 09:51 15/11/2024Nguyễn Bình Nguyên (sinh năm 1989), nickname “Kẻ Trộm Hương” - một voice talent - vừa đọc lại cuốn sách “Đường xưa mây trắng” của thiền sư Thích Nhất Hạnh được nhiều người đón nhận.
Phật tử Phạm Trọng Đạt: “Nhờ thuyền từ Bát-nhã, con vượt qua nỗi đau mất 2 người thân nhất”
Phỏng vấn 10:33 10/11/2024Phạm Trọng Đạt, sinh năm 2001, pháp danh Pháp Hạnh - là một Phật tử thuần thành, thường làm các thiện sự và đặc biệt có duyên thân cận với các bậc tôn đức đạo cao đức trọng.
Thượng tọa Tâm Định: “Phật giáo xứ Thanh để lại dấu ấn đẹp trong lòng dân tộc”
Phỏng vấn 15:43 26/10/2024Trong hai ngày 30 và 31/10 và 1/11 tới, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập (1/11/1984 – 1/11/2024). Nhân sự kiện đặc biệt này Cổng thông tin Phật giáo thuộc GHPGVN (phatgiao.org.vn) đã có trao đổi cùng Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.
Xem thêm