Hoạt động từ thiện đã “thức tỉnh” một nhà báo địa phương nổi tiếng
Chương trình Vòng tay nhân ái của Đài PT&TH Hà Tĩnh mỗi năm huy động được số tiền hàng tỷ đồng để giúp đỡ hàng chục hoàn cảnh, mảnh đời khó khăn, bất hạnh.
Đây là chương trình từ thiện nhân đạo số 1 ở Hà Tĩnh và là chương trình uy tín hàng đầu trong hệ thống phát thanh truyền hình khu vực Bắc Trung Bộ. Linh hồn của chương trình là nhà báo Trần Long - Phó Giám đốc, Trưởng phòng Chuyên đề của Đài.
Cuộc trò chuyện cuối năm thú vị của nhà báo Trần Long với Phatgiao.org.vn chia sẻ nhiều góc nhìn về từ thiện.
* Theo ông, từ thiện và việc làm từ thiện có ý nghĩa như nào đối với cộng đồng?
- Nhà báo TRẦN LONG: Mỗi người sinh ra trong cõi đời, ai cũng muốn một cuộc sống tự chủ, tự tại… Thế nhưng có những người sinh ra đã gánh trong mình “tội trời đày ở nhân gian”, với đủ thứ bệnh tật, khiếm khuyết. Có những người vì những biến động dồn dập của ngoại cảnh như bệnh tật, tai nạn, thiên tai… cũng dẫn đến cơ hàn. Họ sống theo cách nào nếu không có các nguồn trợ cấp xã hội đến từ nhà nước và sự sự giúp đỡ ủng hộ của tổ chức cá nhân thông qua hoạt động từ thiện?
Hiểu theo nghĩa hẹp: từ thiện là sự san sẻ một phần từ những người có điều kiện hơn về vật chất tinh thần đến những người không có điều kiện. Hiểu theo nghĩa rộng: từ thiện là cách để góp phần xây dựng các mối quan hệ xã hội trách nhiệm, yêu thương và biết nghĩ về nhau. Còn theo quan niệm tâm linh thì những người cơ cực trong cuộc sống thường là những người “gánh tội” để những người còn lại được thênh thang hơn trên đường đời rộng lớn và do vậy hoạt động từ thiện theo cách hiểu này chính là sự bù đắp.
* Vì sao trong nhiều năm làm báo ở Hà Tĩnh, ông chăm lo cho các việc làm từ thiện của mình và của Đài PTTH Hà Tĩnh nơi ông làm việc?
- Tôi đã có một thời trai trẻ làm báo sục sôi, nhăm nhăm vào các sai phạm tiêu cực, để vừa đấu tranh cho lẽ phải nhưng cũng là cách tạo dựng tên tuổi bản thân…Và cứ nghĩ thế là thành công.
Phải mất tới 18 năm mê đắm với sự vụ như vậy, cho đến một ngày chuyển sang môi trường làm việc mới. Tại đây tôi được giao tổ chức các chương trình chuyên sâu, phân tích bình luận và cả thêm một chương trình chuyên về hoạt động từ thiện nhân đạo mang tên Vòng tay nhân ái. Một sự thay đổi mang tính thức tỉnh để rồi bản thân có những sản phẩm báo chí vì cuộc đời hơn, trong đó có các sản phẩm từ thiện.
Đến nay chương trình Vòng tay nhân ái của Đài PT&TH Hà Tĩnh đã trở thành chương trình từ thiện nhân đạo hàng đầu trong hệ thống PTTH khu vực Bắc Trung Bộ với số tiền huy động mỗi năm từ 2,2 đến 2,5 tỷ đồng, ủng hộ cho khoảng 25 hoàn cảnh. Chúng tôi cũng đã kêu gọi xây tặng được 31 căn nhà, trị giá mỗi căn 100 triệu đồng.
Tôi cho rằng: nếu như những thông tin thiết thực, hữu ích, sự phản biện, cảnh báo, phân tích, bình luận của HTTV tạo dựng tâm lý nể vì thì hoạt động nhân đạo từ thiện sẽ thu nhận tình yêu thương, quý mến từ khán thính giả. Chúng tôi sẽ đầy đặn hơn trong mắt công chúng bởi các hoạt động như vậy. Với riêng bản thân, tôi cảm nhận được sự dịch chuyển trên hành trình làm báo vì thỏa mãn xúc cảm cá nhân sang làm báo vì sứ mệnh cộng đồng.
* Ông cảm nhận được điều gì khi tìm hiểu những số phận là đối tượng của những việc từ thiện ấy?
- Trong bài thơ Dặn con, nhà thơ Trần Nhuận Minh viết:
Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này.
Tôi luôn khắc cốt điều đó trên hành trình thiện nguyện. Bởi từ câu chuyện của các hoàn cảnh luôn cho thấy sự vô thường của cuộc sống. Rất nhiều người trở nên cơ hàn, bế tắc, cùng kiệt chỉ sau một vài biến cố dồn dập. Vậy nên cảm thương với các hoàn cảnh cũng là cách để tự nhắc mình trong ứng xử.
* Từ thiện bền vững là cuộc từ thiện từ tâm thay vì phong trào. Tất nhiên từ thiện phong trào cũng có những ý nghĩa nhất định. Ý ông thế nào?
- Cùng với sự bùng nổ của truyền thông xã hội, làm từ thiện có thể được thực hiện bởi bất cứ ai. Người càng nổi tiếng, càng có tiếng nói thì càng dễ đứng ra kêu gọi. Trong một số cảnh ngộ đau thương, họ có thể thể thực hiện các sản phẩm truyền thông gây bão cộng đồng ở một số thời điểm nhất định, qua đó huy động số tiền rất lớn. Điều đó là rất quý. Nhưng câu hỏi đặt ra là những thời điểm khác thì sẽ như thế nào? Những hoàn cảnh khác sẽ trông cậy vào ai?
Chương trình Vòng tay nhân ái của Đài PT&TH Hà Tĩnh chọn cách tiếp cận thứ hai với mỗi tháng kể từ 2 đến 3 hoàn cảnh đau khổ, bế tắc. Có những hoàn cảnh được ủng hộ lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng cũng có những hoàn cảnh chỉ được vài ba triệu. Để không ai bị bỏ lại phía sau, chúng tôi đã cố gắng cân đối từ sự ủng hộ của các đối tác đồng hành. Nhờ vậy hoàn cảnh ít nhất cũng được hỗ trợ từ 40-50 triệu, hoàn cảnh nhiều lên đến hàng trăm triệu…Kinh nghiệm rút ra là phải xây dựng được một hệ thống cộng tác viên, hoặc những người bạn đồng hành. Người đứng đầu phải điều tiết nguồn lực một cách hợp lý. Ngoài yếu tố phương pháp, dĩ nhiên đó phải là sự từ thiện từ tâm, dứt khoát không thể là từ thiện phong trào.
* Là nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí địa phương, ông hẳn có lợi thế hơn nhiều người khi làm từ thiện. Theo ông, thật sự việc này có nằm ở vị thế nghề nghiệp hay không?
- Nếu khán thính giả ủng hộ chương trình vì cá nhân tôi hoặc anh em phóng viên thì chỉ cũng được một vài lần. Còn việc họ ủng hộ thường xuyên như lâu nay là vì thấy được uy tín và cách làm bài bản của HTTV. Bài bản từ việc lựa chọn hoàn cảnh đối tượng chính xác, đến sự công khai, minh bạch trong việc trao tiền hỗ trợ. Nghề nghiệp báo chí, uy tín của Đài PT&TH Hà Tĩnh chính là cơ sở quan trọng để chương trình Vòng tay nhân ái - HTTV thực sự lan tỏa.
* Và cuối cùng, theo ông, rút cuộc của việc từ thiện là gì?
- Với xã hội đó là cách chung tay nỗ lực “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Với bản Đài đó là cách tạo dựng hình ảnh đẹp trong lòng công chúng. Với ê-kíp thực hiện chương trình, đó là cách để sống và làm việc trách nhiệm hơn với cuộc đời. Với bản thân các hoàn cảnh, đó là sự cứu rỗi cả về vật chất lẫn tinh thần trong những thời điểm khó khăn nhất. Còn với riêng tôi, đó còn là một liệu pháp tâm linh.
* Cảm ơn ông!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Jun Phạm: "Tôi thích truyện tranh và đọc về Phật giáo"
Phỏng vấn 11:25 17/12/2024Đối với ca sĩ Jun Phạm, các cuốn sách như những người bạn đã đồng hành cùng anh từ khi còn là cậu bé đến khi trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng.
Á hậu Hạnh Nguyên chuyển hóa nội tâm nhờ sách về Phật pháp
Phỏng vấn 09:37 12/12/2024Á hậu Hạnh Nguyên chia sẻ về hành trình ăn chay đến tìm hiểu Phật pháp, thói quen đọc 5-20 trang sách mỗi ngày, cùng những tác động từ sách Phật pháp đến tư duy, cách sống và công việc.
Đỗ Thành Tín: “Âm thanh có khả năng giúp kết nối, hồi sinh…”
Phỏng vấn 11:39 11/12/2024Đỗ Thành Tín, chuyên gia chuông xoay, nghệ sĩ và là người tổ chức liveshow “Thanh âm mùa tái sinh” diễn ra vào lúc 12h ngày 12/12 sắp tới tại TP.HCM…
Trò chuyện với một người trẻ tập "thiền động", yêu cây
Phỏng vấn 15:56 07/12/2024Ở Đà Nẵng, có một bạn trẻ vô cùng yêu cây, mơ góp sức mình cho màu xanh đất mẹ - vị Bồ-tát từ bi nuôi dưỡng vạn loài. Đó là nhiếp ảnh gia 9x Đặng Công Lợi. Anh là chủ nhân của Fanpage “Thành phố màu xanh” và một kênh Vlog lan tỏa lối sống xanh.
Xem thêm