Kẻ nghèo và bất hạnh nhất trên đời
Đã quay lưng với Thánh pháp thì nghèo nàn, cô thế rồi mà còn thân làm việc ác, miệng nói ác và ý nghĩ ác nữa là đang vay nợ. Vay nợ bất thiện!
Bần cùng, nghèo khổ là một điều bất hạnh. Chẳng ai muốn mình nghèo. Cho dù không muốn giàu sang phú quý tột đỉnh, tiền kho bạc đụn đi nữa thì cũng mong cho mình có một cuộc sống khá giả, sung túc, đầy đủ tiện nghi, chí ít là cũng có cái ăn, cái mặc, mái nhà che mưa nắng, có phương tiện để mưu sinh... Chứ nghèo đến nỗi không có miếng ăn, không có cái mặc thì quả là một điều bất hạnh.
Bất hạnh hơn nữa là đã nghèo mà còn mắc nợ. Mắc nợ người khác mà không có khả năng trả, cứ khất nợ, hẹn rày hẹn mai, rồi bị chủ nợ đến đòi, đòi hoài đòi mãi, cuối cùng chủ nợ phải xiết nhà, bắt trói, đánh đập... là điều đại bất hạnh. Sự bất hạnh ấy càng tăng thêm khi người nghèo ấy có quá nhiều tham muốn!
Ai cũng nghĩ như vậy. Các thầy Tỳ-kheo cũng nghĩ và trả lời như vậy khi được Đức Thế Tôn hỏi: “Ở đời, người có tham dục mà lại bần cùng, phải chăng là sự bất hạnh lớn?”. Nhưng theo Thế Tôn, người như vậy chưa phải là người nghèo nhất, bất hạnh nhất! Vậy thì, trong Phật pháp, người như thế nào mới là người bần cùng, nghèo khổ?
Đức Phật dạy: “Nếu ai đối với Thánh pháp mà không tin ở thiện pháp, không giữ cấm giới, không nghe nhiều, không bố thí, không trí tuệ; đối với thiện pháp, dù có nhiều kim ngân, lưu ly, thủy tinh, ma ni, bạch kha, loa bích, san hô, hổ phách, mã não, xa cừ, bích ngọc, xích thạch, tuyền châu, nhưng người ấy vẫn là kẻ nghèo nàn cô thế. Như vậy, trong Thánh pháp của Ta, gọi đó là sự bần cùng, bất thiện” (Kinh Bần cùng, Trung A-hàm, số 125).
Thì ra, cái nghèo về vật chất, nghèo đến nỗi phải vay nợ và không có khả năng trả nợ, đến nỗi bị chủ bắt trói, đánh đập, bị bỏ tù… vẫn chưa phải là cái nghèo khổ bất hạnh nhất ở giữa đời. Những ai không sở hữu được niềm tin đối với thiện pháp, không giữ cấm giới, không nghe nhiều, không biết chia sẻ, không có trí tuệ… mới thật sự là người nghèo khổ, bất hạnh nhất.
Rõ ràng, nếu sống mà không có niềm tin đối với thiện pháp, tức là không tin vào những điều tốt đẹp, điều lành, không tin nhân quả… thì không có ý chí phấn đấu để vươn lên nhằm thay đổi cuộc đời của chính mình, không thể thoát nghèo cho dù có được cứu trợ, ủy lạo, cấp vốn… Còn như không biết giữ cấm giới, không nghe nhiều, không biết chia sẻ, không có trí tuệ… thì có giàu đi nữa rồi cũng chẳng mấy chốc sẽ lại nghèo. Cho nên, cái nghèo thật sự đáng sợ nhất là nghèo tri thức, nghèo đạo đức!
Đối với Thánh pháp, tức là những lời dạy của Đức Phật, vốn như biển lớn, có chứa rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quý báu lạ mắt, đủ các loại trân kỳ như kim ngân, lưu ly, thủy tinh, ma-ni, bạch kha, loa bích, san hô, hổ phách, mã não, xa cừ, bích ngọc, xích thạch, tuyền châu… Chánh pháp của Như Lai cũng như vậy, đầy đủ trân bảo quý hiếm, đó là Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy Bồ-đề phần, Tám Thánh đạo… Phật pháp là châu báu, trân kỳ như thế mà không hay, không biết, không tin, không học, không tu hành… thì cho dù có giàu sang bao nhiêu vẫn là kẻ nghèo nàn cô thế. Cho nên, sự bần cùng, bất thiện nhất giữa đời là quay lưng với Tam bảo, với Thánh pháp.
Đã quay lưng với Thánh pháp thì nghèo nàn, cô thế rồi mà còn thân làm việc ác, miệng nói ác và ý nghĩ ác nữa là đang vay nợ. Vay nợ bất thiện! Trong cuộc sống nhiều khi chúng ta chỉ nhìn thấy những người đi vay tiền, đi mượn nợ. Khi mang nợ rồi thì tìm bằng mọi cách, làm mọi việc để trả nợ, cho dù việc đó là sai, là xấu ác vẫn bất chấp tạo nghiệp chẳng lành. Như vậy là thay vì trả nợ, người ta lại càng vay thêm nợ mà không hay biết!
Chúng ta đã quen với khái niệm vay nợ tiền bạc, vật chất mà chưa nghe đến khái niệm vay nợ bất thiện. Khái niệm vay nợ bất thiện cho chúng ta thấy nhiều khi người ta đang giàu lên rất nhanh bằng cách vay nợ bất thiện; thân không từ việc ác, miệng không ngại nói sai sự thật, ý không ngừng suy tính làm lợi cho mình bất chấp nhân nghĩa, đạo đức, pháp luật…
Khi đã tạo nghiệp bất thiện rồi lại muốn che giấu việc làm ác của thân, không tự tỏ bày, không muốn nói ra, không thích bị quở trách, không ưa theo điều phải; muốn che giấu lời nói ác, ý nghĩ ác, không tự tỏ bày, không muốn nói ra, không thích bị khiển trách, không ưa theo điều phải, như thế trong Thánh pháp của Phật gọi là sự khất nợ bất thiện.
Tại sao cuộc đời có nhiều người nghèo khổ?
Thói thường, người ta không những chỉ che giấu việc làm ác của thân, của lời nói, của ý nghĩ xấu ác mà còn bao biện, bào chữa cho hành vi bất thiện của mình. Nếu như che giấu không thành công, có người phát hiện và khuyên ngăn, rằng làm như thế, hành vi như thế, ác như thế, bất tịnh như thế là cái gai, người ấy liền bào chữa, rằng tôi không làm như vậy, không có hành vi như vậy, không ác như vậy, không bất tịnh như vậy, cũng không phải là cái gai của thôn ấp. Như thế, trong Thánh pháp của Phật gọi là sự đòi nợ bất thiện.
Cho dù ở trong rừng vắng, hoặc ở núi non, dưới gốc cây, hoặc ở chỗ vắng vẻ, ẩn cư gọi là tu tập nhưng vẫn niệm tưởng ba việc bất thiện: dục, sân, hại. Như thế trong Thánh pháp của Phật gọi là sự không ngớt đòi nợ bất thiện.
Một khi thân đã làm việc ác, miệng đã nói lời ác và ý đã nghĩ điều ác, do đó, kẻ ấy khi thân hoại mạng chung nhất định sanh vào chỗ ác, sanh trong địa ngục. Như thế, trong Thánh pháp của Phật gọi là sự trói buộc của bất thiện.
Đức Phật kết luận: “Ta không thấy có sự trói buộc nào đau khổ bằng, nặng nề bằng, tàn khốc bằng, khó yêu nổi bằng sự trói buộc trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ba sự trói buộc đau khổ này chỉ có bậc Tỳ-kheo A-la-hán lậu tận mới biết rõ và diệt tận, nhổ phăng cội rễ, vĩnh viễn không còn tái sanh” (Trung A-hàm, kinh Bần cùng).
Do vay nợ bất thiện mà chúng sanh bị trói buộc trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Đó là cảnh giới đau khổ, nặng nề, tàn khốc, khó yêu nhất. Cho nên, khi sống ở đời, thay vì nỗ lực thoát nghèo vật chất bằng cách vay nợ bất thiện thì thà rằng “đói cho sạch, rách cho thơm” để khỏi bị trói buộc trong ba đường ác. Còn những người đã giàu, đang giàu lên rất nhanh về của cải vật chất cũng nên nhìn lại xem mình có vay nợ và mắc nợ bất thiện hay không?
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Ác nghiệp đã trót gieo, phải làm sao để ác báo không trổ ra?
Kiến thức 10:35 05/11/2024Mỗi ngày chúng ta đều gieo trồng những nhân thiện, ác lẫn lộn. Những nhân này tuyệt đối không hề mất đi, nó được lưu trữ trong tàng thức của chúng ta. Quá trình từ nhân đi đến quả đều cần phải có duyên. Vậy làm sao để tránh được duyên ác?
Đi về phía an lạc hạnh phúc
Kiến thức 09:20 05/11/2024Kinh Trường bộ ghi: Đường này đến an lạc giải thoát Niết bàn, chấm dứt khổ đau; Đường kia đến ưu phiền não loạn khổ đau trong sinh tử luân hồi, các người muốn đi đường nào?
Muốn mau lành bệnh
Kiến thức 07:03 05/11/2024Ai cũng biết Đức Phật ngoài mười hiệu tôn quý còn được xưng tán là Y vương, bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh của chúng sanh. Không chỉ chữa trị tâm bệnh, Đức Phật còn là một vị thầy thuốc đúng nghĩa chữa trị cả thân bệnh nữa.
Hãy từ bỏ những nghề tạo ra ác nghiệp
Kiến thức 19:30 04/11/2024Trong cuộc sống, mỗi người có một công việc, một nghề nghiệp riêng. Xét về phương diện tác nghiệp thì những nghề như đồ tể, đao phủ là những nghề tạo ra ác nghiệp, không có lợi ích cho tự thân ở đời này và đời sau.
Xem thêm