Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 21/08/2023, 15:57 PM

Khảo cứu tư liệu bảo tháp Namo Buddha, Nepal - nơi tiền thân Đức Phật hiến mình cho hổ đói

Câu chuyện tiền thân Đức Phật hy sinh thân mình để cứu mẹ con đàn hổ đói là sự kiện chấn động lịch sử. Ngay từ thời vua A Dục (अशोक:304-232 BC), câu chuyện này đã lưu truyền (1) và trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ sáng tạo nên những kiệt tác bích họa còn mãi đến hôm nay (2).

Tượng Bồ-tát và đàn hổ trong quần thể bảo tháp Namo Buddha, Nepal

Tượng Bồ-tát và đàn hổ trong quần thể bảo tháp Namo Buddha, Nepal

Vì tính chất trọng yếu và thiêng liêng của sự kiện, nên đã được nhiều truyền thống Phật giáo lập tháp phụng thờ và xem đó như là Thánh địa. Với khảo sát sơ bộ cho thấy, có hai địa điểm xây tháp đánh dấu nơi thái tử xả thân. Một bảo tháp ở Gandhāra, thuộc Pakistan ngày nay và một bảo tháp khác được xây dựng tại thung lũng Kathmandu, ở miền trung Nepāl.

Từ những điều quá khác biệt về vị trí địa lý, cơ sở hình thành, niên đại lịch sử…đã làm động lực thôi thúc chúng tôi nỗ lực xác định đâu là ngôi tháp chính đánh dấu sự kiện quan trọng về hạnh bố thí trác tuyệt (pāramita: पारमित), mà tiền thân Đức Phật đã thực hành ở một kiếp xa xưa.

Cơ sở kinh điển của sự kiện

Câu chuyện tiền thân Đức Phật hiến thân cho hổ đói được lược thuật như sau. Ở một kiếp nọ, tiền thân Đức Phật làm một vị thái tử. Ngài có một tình thương lớn với mọi loài và đặc biệt rất quan tâm đến việc sẻ chia tài vật với những ai khốn khó. Nhân một lần du ngoạn chốn sơn lâm, thấy hổ mẹ vừa sinh nằm thoi thóp trong khe núi. Hổ mẹ đói lã do vừa sinh con nên không thể tự kiếm thức ăn. Đàn hổ con vừa sinh có nguy cơ chết yểu vì không có sữa để uống, hoặc có thể bị chính mẹ mình ăn thịt. Bàng hoàng và chấn động trước hiện cảnh nêu trên (Saṃvega:सवेग) (3), thái tử đã mình tự trích huyết và hy sinh tính mạng để cứu mẹ con đàn hổ đói.

Sau khi nghe tin thái tử bố thí thân mình, vương hậu đã gạt lệ thương tâm, ra lệnh chôn cất những gì còn lại và lập tháp phụng thờ. Theo ghi nhận của ngài Pháp Thạnh (法盛) và cả ngài Huyền Tráng (玄奘), ngôi bảo tháp này rất linh hiển trong việc cầu y, trị bệnh nên được vương quan, dân chúng kính ngưỡng, tô bồi và tồn tại mãi đến ngày nay.

Tư liệu về sự kiện này xuất hiện trong những bản kinh, luận sau.

1- Kinh Lục-độ tập (4), do Khương Tăng Hội (康僧會) dịch vào niên hiệu Thái Nguyên (太元) nguyên niên (251) (5).

2- Kinh Tiền thế tam chuyển, do Sa-môn Pháp Cự (法炬) dịch ở thời Tây Tấn (西晉:265-316) (6).

3- Kinh Hiền ngu (7), do Sa-môn Tuệ Giác (慧覺) cùng nhiều vị khác dịch ở thời Nguyên Ngụy (元魏: 386-534).

4- Phật nói kinh nhân duyên xây tháp Bồ-tát hiến thân cho hổ đói (8), do Sa-môn Pháp Thạnh (法盛) dịch ở thời Bắc Lương (北涼:401-439).

5- Kinh Kim quang minh (9) do ngài Đàm-vô-sấm (曇無讖: 385-433) dịch vào thời Bắc Lương, niên hiệu Huyền Thủy (玄始:412-428) (10).

6- Kinh Kim quang minh đế vương (Suvarṇaprabhāottamendrarājāsutra), do ngài Chân Đế (真諦:499-569) dịch vào niên hiệu Thái Thanh nguyên niên (547) (11).

7- Kinh Kim quang minh tiện quảng thọ lượng đại biện Đà-la-ni do ngài Da-xá-quật-đa (耶舍崛多) cùng với ngài Xà-na-quật-da (闍那崛多) dịch ở thời Bắc Chu (北周: 557-581).

8- Hiệp bộ kinh Kim quang minh (12). Bản kinh này do ngài Bảo Quý (寶貴), tổng hợp lại vào niên hiệu Khai Hoàng (開皇) năm thứ 17 (597) (13).

9- Kinh Kim quang minh tối thắng vương kinh (14) do ngài Nghĩa Tịnh (635-713) dịch vào niên hiệu Trường An năm thứ ba (703) (15).

10- Luận Phân biệt công đức (16), không rõ người dịch, niên đại Hậu Hán (後漢:23-220), là bản chú giải bốn phẩm đầu kinh Tăng nhất A-hàm (17).

11- Luận Đại trí độ (18), quyển thứ mười sáu, do ngài Long Thọ (龍樹) trước tác vào khoảng thế kỷ thứ hai (19), được ngài Cưu-ma-la-thập (鳩摩羅什) dịch vào niên hiệu Hoằng Thủy (弘始) năm thứ sáu (404) (20).

12- Bồ-tát Bổn sanh man luận (21) do ngài Thánh Dũng (聖勇) và nhiều vị khác tạo, được dịch sang Hán tạng vào thời Bắc Tống (北宋:960-1127).

Trong mười hai nguồn tư liệu nêu trên, tư liệu có niên đại sớm nhất vào khoảng thế kỷ thứ hai và muộn nhất vào khoảng thế kỷ thứ mười. Đặc biệt, tư liệu của những bản kinh Kim quang minh có niên đại xuất hiện khá muộn, khoảng từ thế kỷ thứ năm đến thế kỷ thứ tám. Cần phải thấy rõ điều này vì cơ sở của bản kinh Kim quang minh có liên hệ đến Phật giáo ở Nepāl nói chung và ngôi bảo tháp ở Kathmandu nói riêng.

Bảng giới thiệu sự tích Bồ-tát hiến mình cứu hổ đói, bảo tháp Namo Buddha, Nepal

Bảng giới thiệu sự tích Bồ-tát hiến mình cứu hổ đói, bảo tháp Namo Buddha, Nepal

Về ngôi tháp cổ ở Kathmandu

Trong thung lũng Kathmandu hiện nay có ba thánh tích được các công ty du lịch nội địa và nước ngoài quan tâm khai thác. Một trong ba điểm đến, đó chính là quần thể tu viện Thrangu Tashi Yangtse ở quận Kavre, cách trung tâm Kathmandu khoảng 45km, được xây dựng vào năm 1978, thuộc dòng truyền thừa Karma Kagyu của Phật giáo Tây Tạng. Ngôi bảo tháp trong khuôn viên tu viện được xem là thánh tích kỷ niệm nơi Bồ-tát xả thân cứu mẹ con hổ đói, tiếng Tây Tạng gọi là Tagmo Lüjin, hoặc Stag mo lus sbyin, được dịch sang Anh ngữ là bảo tháp Namo Buddha (22).

Vì bảo tháp được xây dựng nhằm đánh dấu nơi (marks the site) tiền thân Đức Phật đã bố thí thân mình cho mẹ con hổ đói, thế nên xung quanh ngôi bảo tháp, có nhiều bức phù điêu và kể cả hình tượng miêu tả cuộc hy sinh chấn động trời đất này. Ngày nay, bảo tháp này là một trong những điểm đến của những tour du lịch khám phá Kathmandu (23). Là một thánh tích quan trọng liên quan đến tiền thân Đức Phật, nhưng những tư liệu làm cơ sở để xây dựng bảo tháp này còn rất mờ nhạt, không rõ ràng, mang quan kiến cá nhân. Điều này được bộc lộ từ những vấn đề sau.

* Thứ nhất, Nepāl là một tiểu quốc đã có mặt ở thời Phật tại thế, với tên gọi là nước Ni-bà-la (泥波羅國). Theo luật tạng của Hữu bộ (24), khi Đức Phật đang ở Xá-vệ, vườn Cấp Cô Độc thì có lục quần Tỳ-kheo muốn đến nước Ni-pa-la. Trên đường đi thì gặp xe chở lông dê của thương nhân bị hư chốt gãy trục, các vị Tỳ-kheo này được cúng dường lông dê bèn vác lên vai mà đi (自擔而去) trên một quảng đường dài. Nhân đó, Phật đã chế giới, cho phép Tỳ-kheo chỉ được mang lông dê không quá ba Du-thiện-na (踰膳那:Yojana:9 miles (25)), nếu quá, thì phạm Ba-dật-đề. Chúng tôi vẫn chưa tìm thấy dấu hiệu Đức Phật đã từng đến nước Ni-bà-la (泥波羅國) trong kho tàng kinh điển Phật giáo, ở Nam truyền và cả Bắc truyền. Không những vậy, tiểu quốc này nằm ở khu vực rất trở ngại về giao thông và đầy chướng khí. Theo ghi nhận của ngài Nghĩa Tịnh trong Đại Đường Tây vức cầu pháp cao tăng truyện (26), đường đi Tây vức cầu pháp có hai con đường, đường thủy và đường bộ. Đường bộ phải đi xuyên qua nước Ni-bà-la (泥波羅國) mới đến được Ấn Độ. Theo ngài Nghĩa Tịnh, đất nước này tựa hồ có độc dược, vì có nhiều vị thầy đã chết khi đi đến đây (泥波羅既有毒藥.所以到彼多亡也). Khảo tác phẩm của ngài Nghĩa Tịnh cho thấy, nhiều bậc cao tăng đã tử nạn hết mực thương tâm tại nơi này như Pháp sư Đạo Sanh (道生法師), Pháp sư Mạt-để-tăng-ha (末底僧訶), Pháp sư Huyền Hội (玄會)...

Trong khi đó, theo lịch sử Nepāl (History of Nepāl) biên soạn bằng ngôn ngữ Nepāl (Parbatiyā) do Daniel Wright biên tập và phiên dịch, cho rằng, Đức Phật đã từng đến nơi này cùng với chúng Tăng, là điều chưa được chứng thực bằng di chỉ hay kinh văn khả tín mà chỉ qua truyền khẩu (27). Ngay cả bậc thầy đi tiên phong trong nghiên cứu về lịch sử Nepāl, là ông Sylvain Lévi cũng thể hiện sự nghi ngờ khi cho rằng, Đức Phật chưa từng đặt chân đến Nepāl, được ghi nhận trong tác phẩm khảo cứu lịch sử Le Népal: Étude Historique d’un Royaume Hindou (28).

Một đất nước tự cho rằng Đức Phật đã từng quang lâm thuyết giáo, nhưng cơ sở khoa học chỉ dựa vào lòng tin; một cung đường xuyên quốc gia đầy lam sơn chướng khí với nhiều đoàn chiêm bái từng qua đây, nhưng chưa một ai ghi nhận bất cứ dấu hiệu nào về ngôi bảo tháp tiền thân Đức Phật hiến thân cho hổ đói. Đây là cơ sở thứ nhất cho thấy, ngôi tháp này có khả năng xuất hiện về sau.

* Thứ hai, ngài Huyền Tráng là bậc thầy về điền dã, đi đến đâu, ngài đều ghi chép rõ ràng, từ những sự kiện nhỏ nhặt trong chốn nhân gian cho đến những chứng tích liên quan đến Phật pháp. Khi đến Nepāl, ngài ghi chép nhiều dữ kiện, nhưng tuyệt nhiên không hề có dấu hiệu nào liên quan đến ngôi tháp tiền thân Đức Phật hiến mình. Cụ thể, trong Đại Đường Tây vức ký, quyển bảy ghi:

Nước Ni-bà-la nằm trong núi Tuyết có chu vi hơn bốn ngàn dặm. Đô thành của đất nước có chu vi hơn hai mươi dặm. Sông núi nối tiếp nhau nên thuận tiện trong việc trồng tỉa hoa màu, khai thác đồng đỏ, chăn thả bò yak ( 犛牛), nuôi chim Kỳ-bà-kỳ-bà (耆婆耆婆: 命命鳥). Mua bán thì sử dụng đồng tiền bằng đồng đỏ, khí tiết lạnh lẽo, phong tục dị thường, nhân tình ương ngạnh, khinh bạc đạo nghĩa. Không học nghề tinh chuyên nhưng có chút khéo léo. Tướng mạo khó coi, tin cả tà chánh. Già-lam hoặc miếu Trời đều có tường bao quanh. Tăng chúng trên hai ngàn người theo học cả Tiểu thừa và Đại thừa. Các tôn giáo khác thì không rõ số lượng.

Vua ở giai cấp Sát-đế-lợi thuộc dòng dõi Lật-chiếp-bà (栗呫婆: 離車: Licchavi), học vấn cao vời, thuần tín Phật pháp. Vị vua trị vì gần đây hiệu là Ương-thâu-phạt-ma (鴦輸伐摩:अंशुवर्मा: Aṃsuvarmā: ?-616 (29)), ngôn ngữ nhà Đường gọi là Quang Trụ (光胄) thông minh uyên bác, tự sáng tác luận Thanh minh (聲明論), trọng kẻ hiền tài, kính bậc đức độ, xa gần đều nghe danh.

Phía Đông nam đô thành có ao nhỏ, dùng mồi lửa (人火) (30) ném vào thì nước liền bốc cháy, nếu ném thêm bất cứ thứ gì đều hóa thành lửa đỏ (31).

Sự ghi nhận về nhân thân của vua Ương-thâu-phạt-ma (鴦輸伐摩) cũng như chu vi của thung lũng Nepāl, đã khẳng định rằng, ngài Huyền Tráng đã từng đặt chân đến đó và không ghi nhận bất cứ thông tin gì về ngôi bảo tháp thái tử xả thân.

Chư Tăng nhiễu tháp Namo Buddha, Nepal

Chư Tăng nhiễu tháp Namo Buddha, Nepal

* Thứ ba, nội dung câu chuyện tiền thân Đức Phật hiến thân cho mẹ con hổ đói xuất hiện trong nhiều nguồn tư liệu ở trên và đặc biệt là ở kinh Kim quang minh. Với Phật giáo Nepāl, kinh Kim quang minh, Tạng ngữ ghi là Gser-’od dam-pa’i mdo (32), là một trong chín bộ pháp bảo cao quý (Nine dharma jewels) của Phật giáo nước này (33).

Trong quá trình khảo cứu bản kinh Kim quang minh phiên bản tiếng Mông Cổ (Mongolian version) tác giả Pentti Aalto đã phát hiện ra rằng, có nhiều bản kinh Kim quang minh bằng tiếng Tây Tạng (Tibetan). Bản thứ nhất có niên đại vào khoảng giữa thế kỷ thứ tám. Bản thứ hai được dịch trực tiếp từ ngôn ngữ Sanskrit, vào triều đại vua Ral-pa-čan (804-816). Bản thứ ba được dịch lại từ tiếng Trung Hoa theo bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh. Bản thứ tư rời rạc từng phần và thu thập từ nhiều nguồn khác nhau (34).

Theo khảo cứu của Wylie và Turrell trong tác phẩm Tín ngưỡng Tây Tạng trên xứ sở Nepal (A Tibetan Religious Geography of Nepal) thì cơ sở hình thành ngôi bảo tháp Hiến thân cho hổ mẹ (Giving the body to the tigress) được dựa trên kinh Kim quang minh tối thắng vương của ngài Nghĩa Tịnh qua bản dịch tiếng Tây Tạng, chương thứ XVIII với tên gọi là Stag-Moi Leu (35). Chúng tôi đã phối kiểm nguyên tác bản kinh này do Johannes Nobel biên tập (Herausgegeben), và xác tín rằng, đoạn trích dẫn đó hoàn toàn chính xác (36).

Như vậy, từ những cứ liệu đã minh chứng ở trên, đặc biệt là căn cứ vào niên đại bản kinh Kim quang minh tối thắng vương phiên bản Hán ngữ và Tạng ngữ, đã cho thấy rằng, cơ sở hình thành ngôi bảo tháp Tagmo Lüjin, hoặc Stag mo lus sbyin, hoặc Namo Buddha xuất hiện khá muộn, ít nhất là vào khoảng giữa hoặc cuối thế kỷ thứ VIII, tức là sau khi bản kinh này phiên dịch sang tiếng Tây Tạng và sau đó được quảng bố, lưu hành.

Về ngôi tháp cổ ở Gandhāra

Gandhāra là một khu vực thuộc Bắc Ấn gồm nhiều tiểu quốc ở thời Phật và đã có một thời hoàng kim của Phật giáo. Tại đây, có ngôi bảo tháp đánh dấu tiền thân Đức Phật hiến mình cho hổ đói, được nhiều nguồn tư liệu của các bậc cao tăng ghi nhận, sau đó được khai quật và xác tín bởi những nhà khảo cổ ngày nay.

Trước hết, theo ghi nhận của ngài Pháp Hiển (法顯:337-422), vào niên hiệu Long An (隆安) năm thứ ba (399) thời Đông Tấn, ngài Pháp Hiển cùng các vị đồng học như Tuệ Cảnh, Đạo Chỉnh, Tuệ Ứng…phát nguyện Tây du (37). Xuyên qua hơn ba mươi quốc gia và khu vực (凡所經歷三十餘國), ngài có dừng chân ở nước Trúc-sát-thi-la (竺剎尸羅: Takṣaśilā) ở Bắc Ấn. Tại đây, ngài Pháp Hiển đã ghi nhận:

Nước mang tên Trúc-sát-thi-la (竺剎尸羅). Trúc-sát-thi-la Hán dịch là Cắt đứt đầu (截頭). Khi Phật còn ở địa vị Bồ-tát, đã bố thí đầu mình ở chốn này nên lấy đó làm tên. Từ đây đi theo hướng Đông khoảng hai ngày thì đến chỗ (Bồ-tát) bố thí thân mình cho hổ đói. Hai nơi này đều xây tháp lớn, dùng các thứ trân bảo để trang nghiêm. Các quốc vương và dân chúng đã rải hoa, thiêu hương tranh nhau cúng dường mãi không ngớt.

Theo Tứ phần luật danh nghĩa tiêu thích (四分律名義標釋) của ngài Hoằng Tán (弘贊:1611-1685), thì nước Trúc-sát-thi-la (竺剎尸羅) chính là tên gọi của một thành thuộc nước Càn-đà-la (Gandhāra) (38).

Như vậy, ngay ở thế kỷ thứ tư, thông tin về ngôi tháp Bồ-tát hiến thân cho hổ đói đã được ngài Pháp Hiển xác nhận xây dựng ở Gandhāra.

Bảo tháp Mankiala, thuộc Pakistan

Bảo tháp Mankiala, thuộc Pakistan

Thứ hai, căn cứ vào tác phẩm Phật nói kinh nhân duyên xây tháp Bồ-tát hiến thân cho hổ đói, do Sa-môn Pháp Thạnh (法盛:406-479) dịch ở thời Bắc Lương (北涼: 401-439) ngoài việc cung cấp một dị bản sinh động về câu chuyện tiền thân Đức Phật bố thí thân mình cho hổ đói, mà qua đó còn xác định vài điều liên quan đến dư địa lý của ngôi tháp này. Theo kinh, Đức Phật đã từng đến Gandhāra, bản kinh này gọi là nước Càn-đà-việt (乾陀越國) (39).

Theo ngài Trí Thăng (智昇) trong tác phẩm Khai nguyên thích giáo lục, quyển thứ tư đã viết về Sa-môn Pháp Thạnh như sau.

Sa-môn Thích Pháp Thạnh là người Cao Xương (高昌), đã dịch kinh Hiến thân cho hổ đói (投身餓虎經) gồm một quyển ở thời nhà Lương. Trước đó, trong phần cuối của truyện về ngài cao tăng Đàm-vô-sấm có ghi: Lúc đó có Sa-môn Pháp Thạnh ở Cao Xương trong khi du lãm các nước đã ghi chép lại thành bốn quyển truyện. Hoặc trong phần cuối của kinh Hiến thân cho hổ đói ghi, lúc ấy quốc vương nghe Phật dạy xong, liền xây tháp lớn ở ngay chốn đó, gọi tên là tháp Bồ-tát hiến thân cho hổ đói. Ngày nay (thời ngài Pháp Thạnh - người viết chú) bên ngôi tháp này quan sát (今見在塔), hướng Đông thì đối diện với núi, phía dưới có tinh xá, nhà Tăng, giảng đường. Thường có năm ngàn chúng Tăng với đầy đủ bốn món cúng dường. Lúc này, ngài Pháp Thạnh thấy dân chúng ở các nước nếu gặp phải những tật bệnh như điên cuồng, mù, điếc, hủi, chân tay tật nguyền cùng các thứ tật bệnh khác đều đến bên tháp sửa sang quét tước, dùng hương làm đàn, thắp đèn, đốt hương chí thành lễ bái sám hối thì mọi bệnh tật đều chóng khỏi (40).

Theo ghi nhận trong Cao tăng truyện, ngài Pháp Thạnh sống cùng thời với ngài Đàm-vô-sấm, do vậy ngôi bảo tháp Hiến thân cho hổ đói ở Gandhāra lại tiếp tục được ghi nhận ở thế kỷ thứ năm.

Thứ ba, một trong những cơ sở làm bằng chứng để các nhà khảo cổ dựa vào đó tìm kiếm những thánh tích Phật giáo bị thời gian phủ kín, chính là những ghi chép của ngài Huyền Tráng trong tác phẩm Đại Đường Tây vức ký. Liên quan đến ngôi cổ tháp Bồ-tát hiến mình cho hổ đói, ngài Huyền Tráng đã ghi:

Từ đây trở về phía Bắc nước Đát-xoa-thủy-la (呾叉始羅: तक्षशिला: Takṣaśilā), vượt qua sông Tín-độ (信度:Indus), đi khoảng hai trăm dặm về hướng Đông nam, ngang qua cổng đá lớn (大石門), là chốn xưa kia vương tử Ma-ha-tát-đỏa đã hiến mình cho hổ đói (餓烏擇) (41), khoảng một trăm bốn mươi đến một trăm năm mươi bộ về hướng Nam có một tháp đá, là nơi Ma-ha-tát-đỏa thương cảm loài thú đói không còn sức lực nên đã đến đó bẻ tre khô tự cắt thân mình, lấy máu mớm cho hổ đói, nhờ vậy mãnh thú gượng dậy mà ăn thịt thái tử. Đất đai nơi đây cho đến cỏ cây đều ẩn tàng một màu đỏ thẩm giống như bị thấm máu vậy. Hành trạng của Bồ-tát cũng như phong thổ nơi đây nếu ghi lại thì người đời sẽ tin tưởng không nghi, nghe qua không ai không thương cảm.

Phía Bắc nơi Bồ-tát xả thân có một ngôi tháp đá, cao hơn hai trăm thước do vua A Dục xây dựng, điêu khắc tinh tế, quang minh rạng ngời, trang trí bằng nhiều tháp nhỏ và vô số khám thờ bằng đá bao quanh. Nếu ai có bệnh, nhiễu quanh tháp này thì bệnh tật phần lớn sẽ thuyên giảm (42).

Di vật được khai quật trong bảo tháp Mankiala, Pakistan

Di vật được khai quật trong bảo tháp Mankiala, Pakistan

Thứ tư, công cuộc khảo sát những công trình Phật giáo cổ xưa ở Gandhāra được tiến hành vào thế kỷ XIX và đã phát hiện hàng loạt những di tích quan trọng. Trong số đó các nhà khảo cổ đã tìm thấy một ngôi tháp lớn ở làng Mankiala nên gọi tháp Mankiala. Ngày nay, bảo tháp này được xác định chính xác ở Pakistan, tỉnh Punjab, quận Rawalpindi, nằm trên tọa độ 33°26’53.12”N, 73°14’36.59”E.

Ngôi tháp này được phát hiện vào năm 1830 do Jean Baptister Vetura (1794-1858), một tướng quân người Ý, khi đang thực hiện sứ mạng cho cơ quan Maharaja Ranjit Singh of Punjab. Ông đã phát hiện ra ngôi tháp này cùng những đồng tiền cổ thời Kushan (3-373 AD) (43). Sau đó, công cuộc khảo sát bảo tháp Mankiala được ngài Alexander Cunningham (1814-1893) và Hội Khảo cổ học Ấn Độ (The Archaeological Survey of India) tiếp tục thực hiện. Đặc biệt, thông qua huyền thoại và truyền thuyết dân gian lưu truyền về quá trình hình thành ngôi tháp, cộng với những bằng chứng xác thực, ngài Alexander Cunningham đã xác quyết rằng, ngôi tháp này chính là bảo tháp mà tiền thân Đức Phật đã hiến mình cứu đàn hổ đói như ghi nhận trước đó của ngài Huyền Tráng (44).

Nhận định

Bằng chứng của nhiều ngành khoa học ngày nay đã góp phần khẳng định rằng, Đức Phật là một nhân vật lịch sử. Vì vậy, các điều kiện làm nên Đức Phật mà ở đây là hành động bố thí thân mạng cho hổ đói, cũng là một sự thật gắn liền với lịch sử.

Tuy nhiên trong quá trình phát triển của Phật giáo, do ảnh hưởng của văn hóa bản địa, do mong mỏi phát triển Phật giáo ở những vùng đất đặc thù và đôi khi do ảnh hưởng bởi quan kiến cá nhân, đã góp phần hình thành nên những biểu tượng liên quan đến Đức Phật, nhưng không gắn với sự thật lịch sử.

Khảo về hai ngôi bảo tháp đánh dấu sự kiện Đức Phật hiến mình cho hổ đói, một ở thung lũng Kathmandu và một ở Pakistan đã cho thấy, ngôi tháp Mankiala ở Pakistan có cơ sở lịch sử từ thời vua A-dục, được nhiều nhà chiêm bái như Pháp Hiển, Pháp Thạnh, Huyền Tráng ghi nhận và được ngành khảo cổ ngày nay chứng minh bằng những tư liệu khoa học, khả tín.

Trong khi đó, căn cứ vào lịch sử Phật giáo thuộc vùng đất Kathmandu, ghi chép của các nhà chiêm bái như Huyền Tráng, Nghĩa Tịnh…khi đi qua đây và đặc biệt là niên đại xuất hiện của kinh Kim quang minh ở Nepāl, đã góp phần khẳng định rằng, ngôi tháp Namo Buddha ở Kathmandu có niên đại hình thành muộn hơn và thiếu nhiều tư liệu lịch sử liên quan để bảo chứng.

Chú thích: 

(1)大正藏第 51 冊 No. 2087 大唐西域記, 卷第三. Nguyên văn:捨身北有石窣堵波,高二百餘尺,無憂王之所建也.

(2) Abigail Eliza Martin. Bodily transfer and sacrificial gestures: rethinking the Hungry Tigress Jataka in Mogao Cave 254. Thesis MA. Department of Art and Art History The University of Utah. 2014. p.19.

(3) Monier-Williams, M. A. Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014. p. 1115; Buddhadatta Mahāthera A.P. Consice Pāli-English Dictionary. Sri Lanka: University of Ceylon, 1949. p. 292.

(4) 大正藏第 03 冊 No. 0152 六度集經,卷第一, 四.

(5) 大正藏第 49 冊 No. 2034 歷代三寶紀, 卷第三.

(6) 大正藏第 03 冊 No. 0178 前世三轉經.

(7) 大正藏第 04 冊 No. 0202 賢愚經, 卷第一, 摩訶薩埵以身施虎品.

(8) 大正藏第 03 冊 No. 0172 菩薩投身飴餓虎起塔因緣經.

(9) 大正藏第 16 冊 No. 0663 金光明經.

(10) 卍新續藏第 20 冊 No. 0361 金光明經照解, 卷上.

(11)大正藏第 49 冊 No. 2035 佛祖統紀, 卷第三十七.

(12)大正藏第 16 冊 No. 0664 合部金光明經.

(13)大正藏第 55 冊 No. 2154 開元釋教錄, 卷第七.

(14)大正藏第 16 冊 No. 0665 金光明最勝王經.

(15)大正藏第 49 冊 No. 2037 釋氏稽古略, 卷三. Nguyên văn: 長安三年譯金光明最勝王等經百一羯磨等.

(16)大正藏第 25 冊 No. 1507 分別功德論.

(17)大正藏第 55 冊 No. 2145 出三藏記集, 卷第四. Nguyên văn: 分別功德經五卷(一名增一阿含經疏迦葉阿難造).

(18)大正藏第 25 冊 No. 1509 大智度論.

(19)大正藏第 49 冊 No. 2035 佛祖統紀, 卷第五, 十三祖龍樹尊者.

(20)大正藏第 49 冊 No. 2034 歷代三寶紀, 卷第八.

(21)大正藏第 03 冊 No. 0160 菩薩本生鬘論.

(22) http://namobuddha.org/

(23) http://www.nepaladventuretrip.com/nepal/namobuddha-kathmandu-valley-trekking.html

(24)大正藏第 24 冊 No. 1458 根本薩婆多部律攝, 卷第六; 大正藏第 23 冊 No. 1442 根本說一切有部毘奈耶, 卷第二十一.

(25) M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield,VA: Nataraj Books, 2014, p.858.

(26) 大正藏第 51 冊 No. 2066 大唐西域求法高僧傳.

(27) Munshī Shew Shunker Singh-Pandit Shrī Gunānand. History of Nepal. Daniel Wright ed. Cambrigde: At the University Press. 1877. p.110.

(28) Sylvain Lévi.Le Népal: Étude historique d’un royaume hindou. Vol 2. Paris: Ernest Leroux Éditeur 1905. p.63.

(29) D. B. Shrestha, C.B.Singh. The History of Ancient and Medieval Nepal in a Nutshell With Some Comparative Traces of Foreign History. Kathmandu: HMG Press. 1972.p.13.

(30) Theo Tả Truyện (左傳) :凡火,人火曰火,天火曰災.

(31)大正藏第 51 冊 No. 2087 大唐西域記, 卷第七. Nguyên văn:尼波羅國,周四千餘里,在雪山中.國大都城周二十餘里.山川連屬,宜穀稼,多花菓,出赤銅,犛牛,命命鳥.貨用赤銅錢.氣序寒烈,風俗險詖,人性剛獷,信義輕薄.無學藝,有工巧.形貌醜弊,邪正兼信.伽藍,天祠接堵連隅.僧徒二千餘人,大小二乘,兼功綜習.外道異學,其數不詳.王,剎帝利栗呫婆種也.志學清高,純信佛法.近代有王,號鴦輸伐摩(唐言光胄).碩學聰叡,自製 “聲明論”,重學敬德.遐邇著聞. 都城東南有小水池,以人火投之,水即焰起,更投餘物,亦變為火.

(32) Wylie, Turrell. A Tibetan Religious Geography of Nepal. Roma: Instituto italiano per il Medio ed Estremo Oriente, 1970. p.24.

(33) Will Tuladhar-Douglas. Remaking Buddhism for Medieval Nepal: The Fifteenth-Century Reformation of Newar Buddhism. London: Routledge, 2006. p.86.

(34) Pentti Aalto.Notes on the Altan Gerel (the Mongolian Version of the Suvarnaprabhāsa-sūtra). Hensinki:Societas Orientalis Fennica. 1950.p.4.

(35) Wylie, Turrell. A Tibetan Religious Geography of Nepal.Roma: Instituto italiano per il Medio ed Estremo Oriente, 1970. p.24.

(36) Johannes Nobel. Suvarnaprabhasottama Sutra. Leiden: E.J. Brill. 1944.p. 154-174.

(37) 大正藏第 50 冊 No. 2059 高僧傳,卷第三, 釋法顯一.

(38) 卍新續藏第 44 冊 No. 0744 四分律名義標釋, 卷第十一. Nguyên văn:北天竺乾陀羅國城名也.

(39) 大正藏第 03 冊 No. 0172 菩薩投身飴餓虎起塔因緣經.

(40) 大正藏第 55 冊 No. 2154 開元釋教錄, 卷第四. Nguyên văn:沙門釋法盛.高昌人也.亦於涼代譯投身餓虎經一卷.故前高僧曇無讖傳末云.于時有高昌沙門法盛.亦經往外國有傳四卷.其投身餓虎經後記云.爾時國王聞佛說已.即於是處起立大塔.名為菩薩投身餓虎塔.今見在塔.東面山下有僧房講堂精舍.常有五千眾僧四事供養.法盛爾時見諸國中.有人癩病及癲狂聾盲手脚躄跛.及種種疾病悉來就此塔.燒香燃燈香泥塗地.修治掃灑并叩頂懺悔.百病皆愈.

(41) Cụm từ này dễ bị hiểu nhầm. Trong Đại tạng kinh nhiều thời kỳ, đã sử dụng chữ 莵 thay thế chữ 烏擇. Theo Từ điển Khang Hy, người nước Sở dùng chữ 虎để chỉ cho莵 (楚人謂虎爲於菟). Cũng theo kinh Kim quang minh chiếu giải, ngài Tông Hiểu (宗曉:1151-1214) đã giải thích vì sao chữ 莵 được dùng thay cho chữ虎. Xem, 卍新續藏第 20 冊 No. 0361 金光明經照解, 卷下. Nguyên văn: 見有一虎說文曰虎山獸之君也或名白額侯方言謂陳魏宋楚之間以虎為李父江淮南楚以虎為李耳亦曰於菟見左傳準玄奘三藏傳西域虎稱烏擇(音徙).

(42) 大正藏第 51 冊 No. 2087 大唐西域記, 卷第三. Nguyên văn: 從此復還呾叉始羅國北界,渡信度河,南東行二百餘里,度大石門,昔摩訶薩埵王子,於此投身飤餓烏擇(音徒).其南百四五十步有石窣堵波,摩訶薩埵愍餓獸之無力也,行至此地,乾竹自刺以血啗之,於是乎獸乃噉焉.其中地土,洎諸草木,微帶絳色,猶血染也.人履其地,若負芒刺,無云疑信,莫不悲愴.捨身北有石窣堵波,高二百餘尺,無憂王之所建也.雕刻奇製,時燭神光.小窣堵波及諸石龕動以百數周此塋域,其有疾病,旋繞多愈.

(43) Jason Emmanuel Neelis. Early Buddhist Transmission and Trade Networks. Vol 2. Boston: Leiden, Brill. 2011 p.201. See also: HISTORIA I ŚWIAT, nr 4 (2015). Abhijeet Kuma. Looking at Gandhāra. p.439.

(44) Population census of Pakistan 1961. District Census Report Rawalpindi. Part I-V.p.21. Cf: About 14 miles south of Rawalpindi and three miles from Rewat lie the ruins of Mankiala. Raja Man or Manik, is said to have built the great stupa to the south of this village. The old town is usually said to have been called Manikpur or Maniknagar. And it is so named in most versions of the legend or Rasalu according to which it was the residence of Rakshasas, or demons, in the old city to the north of the great lope. The legend of Rasalu runs as follows:-Rasalu, son of Salivahana, Raja of Sialkot, was the enemy of the seven rakshasas who lived at Manikpur, or Udinagar, to the west of the Jhelum. Every day these rakshasas ate a man, the victim being drawn by lot from the people of Manikpur. One day Rasalu came to the city where he found a woman cooking her food, and alternately weeping and singing. Astonished at her strange behaviour, Rasalu addressed the woman, who replied: “ I sing for joy, because my only son is to be married today, and I weep for grief because he has been drawn by lot as the victim of the rakshasas”. “Weep no more”, said Rasalu “ and keep your son, for f will encounter the rakshasas.” Accordingly Rasalu offered to take the place of the victim and went forth to meet the seven demons. He boldly attacked them and killed them all, except Thera, who is said to be still a live in a cavern of Gandgarh.This legend General Cunningham identifies with the Buddhist legend of Sakay’s offering of his body to appease the hunger of seven tiger cubs. The scene of this legend is placed by Hiwen Tsang 33 miles to the south-east of Taxila,which is the exact bearing and distance of Mankia la from the mined city near Shahdheri.

Nguồn: Báo Giác Ngộ

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Trì niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ tát, bệnh lâu năm không thuốc mà tự khỏi

Tư liệu 19:00 05/11/2024

Dung Tông Tố bị bệnh tê liệt, có người gọi là phong thấp, chữa trị đã nhiều, nhưng vẫn không thấy hiệu nghiệm. Mỗi khi gặp thời tiết biến đổi, bệnh lại phát ra, chân tay sưng lên, đi lại bất tiện, xương cốt trong mình rất là đau nhức khổ sở.

“Chắc đây là nghiệp chướng của tôi”

Tư liệu 16:20 05/11/2024

Tôi kể ra câu chuyện này không phải để dọa các vị, mà là muốn các vị hiểu rõ để không sát sinh và đừng kiếm sống bằng những nghề sát sinh. Mong quý vị hãy tự bảo vệ tốt cho mình!

Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?

Tư liệu 15:36 02/11/2024

Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?

Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng

Tư liệu 15:06 02/11/2024

Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.

Xem thêm