Bài kinh tâm vô thường của nàng Liên Hoa Sắc
Thuở xưa, đức Phật trú trên núi Kỳ-xà-quật thành La-duyệt-kỳ. Lúc ấy, trong thành có một nàng kỹ nữ tên là Liên Hoa. Nàng này nhan sắc xinh đẹp, cả nước không ai sánh bằng. Thanh niên con em các nhà quyền quý ai cũng hâm mộ, tranh nhau tìm đến.
Một hôm, nàng Liên Hoa bỗng khởi thiện tâm, muốn bỏ việc đời xuất gia làm Tỳ-kheo Ni. Nàng từ bỏ tất cả tìm đến núi Kỳ-xà-quật nơi đức Phật đang cư trú. Giữa đường, gặp một suối nước mát, nàng Liên Hoa liền ghé lại uống nước rửa tay. Làn nước mát trong xanh, long lanh hiện lên vóc dáng của nàng, vẻ mặt hồng thắm, mái tóc mượt bóng, thân hình cân đối đến mức hoàn hảo.
Tự nhìn thấy nhan sắc xinh đẹp của mình, nàng Liên Hoa hối tiếc nghĩ rằng: “Ta sinh ra có được nhan sắc mặn mà như vậy, sao lại nỡ bỏ đi để làm Sa-môn? Ta nên nhân lúc còn trẻ mà hưởng thụ cho thỏa mãn những khao khát riêng mình”. Nghĩ như vậy xong, nàng liền đi về.
Đức Phật biết Liên Hoa có thể độ được, nên hóa ra một thiếu nữ nhan sắc tuyệt trần hơn cả Liên Hoa từ phía khác đi ngược chiều lại. Liên Hoa trông thấy vô cùng yêu mến, liền đến hỏi thăm:
- Nàng từ đâu đến? Chồng con cha mẹ anh em nàng ở đâu mà đi một mình vậy?
Thiếu nữ đáp rằng:
- Tôi ở trong thành có việc ra ngoài, nay trở về nhà. Chị em mình mới quen nhau cùng về chung nhé? Gần đây có bờ nước mát trong xanh, chúng ta trước hãy đến đó nghỉ ngơi, trò chuyện một lát.
Liên Hoa vui vẻ đáp:
- Vậy thì hay lắm.
Hai người đến bên bờ nước chuyện trò tâm sự. Một lát sau, thiếu nữ mệt mỏi tựa vào gối chân Liên Hoa nằm ngủ. Không ngờ, mới đó thiếu nữ liền chết, thi thể sình lên, giòi bò lúc nhúc, răng tóc rụng rời, tứ chi tan rã, mùi hôi thối bốc ra thật là khó ngửi.
Liên Hoa thấy thế hết sức kinh sợ nghĩ rằng: “Nàng ấy trẻ đẹp hơn ta như vậy mới đó mà đã từ giã cuộc đời. Huống chi thân ta, làm sao bảo đảm sống được dài lâu?”
Nghĩ vậy, nàng liền khởi tâm tinh tấn cầu đạo trở lại, tiếp tục tìm đến chỗ ở của Phật. Đi đến nơi rồi, nàng đỉnh lễ đức Phật, rồi thuật lại đầy đủ những việc đã thấy.
Đức Phật nói với Liên Hoa:
- Người ta có bốn việc không thể nương cậy. Đó là những gì?
Một là: Trẻ trung phải già yếu.
Hai là: Mạnh khỏe phải tử vong.
Ba là: Thân thuộc vui vẻ phải xa lìa.
Bốn là: Của cải tích trữ phải phân tán.
Bấy giờ, đức Phật liền nói kệ:
Già thì hình sắc suy
Bệnh khiến thân này hoại
Khi mạng đã hết rồi
Thân rã tan, hư hoại.
Thân này có gì quý
Đồ dơ tuôn chảy hoài
Bị bệnh tật phủ vây
Phải chịu họa già chết.
Buông lung theo thị dục
Tăng thêm điều phi pháp
Đâu biết sự đổi thay
Mạng người trong hơi thở!
Dầu cho là con ruột
Hay cha mẹ anh em
Khi cái chết đến nơi
Không nương cậy ai được
Nàng Liên Hoa nghe pháp xong hân hoan giải ngộ, quán thân như huyễn hóa, mạng sống chẳng dài lâu, chỉ có Niết-bàn là an ổn vĩnh cửu, nên đến trước Phật xin xuất gia làm Tỳ-kheo Ni.
Phật nói:
- Lành thay!
Tóc Liên Hoa liền tự rụng, thành Tỳ-kheo Ni. Sau đó, nhờ công phu tư duy thiền quán, Tỳ-kheo Ni Liên Hoa đã chứng quả A-la-hán.
Những vị được nghe pháp trong pháp hội, ai nấy đều hoan hỉ.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Kinh Ái sanh (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu)
Kinh Phật 17:30 20/12/2024Phật nói Kinh Ái sanh, trích từ Trung Bộ Kinh tập 2, Kinh Ái sanh, số 87, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
Kinh phân biệt về sự thật
Kinh Phật 19:00 19/12/2024Phật nói Kinh Phân biệt về sự thật. Trích từ Kinh Trung Bộ III, Kinh Phân biệt về sự thật, số 141, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
Kinh Diệu pháp Liên Hoa tóm lược – Thí dụ về 6 căn bản phiền não (P.3)
Kinh Phật 10:24 19/12/2024Kinh Diệu pháp Liên Hoa sử dụng pháp môn phương tiện quyền xảo, khéo léo lấy nhiều ví dụ từ trần thế để mong giáo hoá được chúng sinh, dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi mê lầm.
Kinh phân biệt cúng dường (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu)
Kinh Phật 19:30 18/12/2024Kinh Phân biệt cúng dường (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu), Phật nói Kinh Phân biệt cúng dường. Trích từ “Kinh Điển Tam Tạng - Tạng Kinh - Kinh Trung Bộ III", Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.
Xem thêm