Kinh Nghiệp báo sai biệt

Phật nói Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt Cho Trưởng giả Thủ Ca. Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt Cho Trưởng Giả Thủ Ca. Việt dịch: Thích Chánh Lạc. Hán dịch: Đời Tùy, Dương Xuyên Quận Thủ Cù Đám Pháp Trí).

Nghe như vầy, một thời Phật ở tại vườn ông Cấp Cô Độc, rừng cây ông Kỳ Đà, nước Xá Vệ.

Bấy giờ đức Phật bảo Đao Đề Tử Thủ Ca trưởng giả rằng:

- Này trưởng giả Thủ Ca, ta sẽ nói cho ông nghe về pháp môn sai biệt của nghiệp báo thiện ác. Ông hãy lắng nghe và khéo nhớ nghĩ.

Bấy giờ Thủ Ca liền bạch đức Phật:

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn, con muốn được nghe.

Đức Phật bảo Thủ Ca:

- Tất cả chúng sanh bị hệ thuộc nơi nghiệp, y chỉ nơi nghiệp, tùy nơi nghiệp của chính mình lưu chuyển, do nhân duyên đó mà có sự sai biệt lớn, vừa và nhỏ không đồng. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo chết yểu, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh được sống lâu, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo nhiều bệnh, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh được quả báo ít bệnh, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo thô xấu, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh được quả báo đoan chánh, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh có quả báo có ít oai thế, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh có quả báo có oai thế lớn, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo sanh vào dòng họ thấp kém, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh được quả báo vào dòng họ cao sang, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo có ít của cải, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh được quả báo có nhiều của cải, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo tà trí, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh được quả báo chánh trí, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo địa ngục, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo súc sanh, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo ngạ quỷ, bị quả báo A tu la, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh được quả báo loài người, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh được quả báo cõi trời, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh được quả báo cõi Sắc thiên, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh được quả báo cõi Vô Sắc thiên, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh được quả báo quyết định, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo bất định, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo sanh nơi biên địa, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh được quả báo sanh ở trung quốc, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo sanh trọn tuổi thọ ở địa ngục, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo sanh nửa tuổi thọ ở địa ngục, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo sanh trong địa ngục vừa vào liền ra, hoặc có nghiệp làm mà không tụ tập, hoặc có nghiệp tụ tập mà không làm, hoặc có nghiệp vừa làm vừa tụ tập, hoặc có nghiệp không làm không tụ tập, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh trước vui sau khổ, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh trước khổ sau vui, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh trước khổ sau khổ, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh trước vui sau vui, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh nghèo mà ưa bố thí, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh giàu mà keo kiết, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh nghèo mà keo kiết, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh thân được vui mà tâm bị khổ, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh tâm được vui mà thân bị khổ, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh cả thân tâm đều vui, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh cả thân tâm đều khổ, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh mạng tuy hết rồi nhưng nghiệp chưa hết, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh nghiệp tuy hết rồi mà mạng vẫn còn, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh cả nghiệp và mạng đều hết, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh cả nghiệp và mạng đều còn, có thể đoạn trừ các phiền não, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh sanh nơi ác đạo mà hình dung tuyệt đẹp, đôi mắt đoan nghiêm, da dẻ trong sáng, ai cũng ưa nhìn, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh sanh nơi ác đạo mà hình dung thô xấu, da dẻ xù xì, không ai thích nhìn, hoặc có nghiệp hay khiến cho chúng sanh sanh nơi ác đạo, thân miệng hôi thúi, các căn khuyết tật.

Hoặc có chúng sanh tập hành mười nghiệp bất thiện bị ác báo bên ngoài, hoặc có chúng sanh tập hành mười thiện nghiệp được quả báo thù thắng ở bên ngoài.

Lại nữa, này trưởng giả, hoặc có chúng sanh kính lạy tháp miếu của Phật được mười thứ công đức, cúng thí bảo cái được mười thứ công đức, cúng thí tràng phan được mười thứ công đức, cúng thí chuông linh được mười thứ công đức, cúng thí y phục được mười thứ công đức, cúng thí chén bát đồ dùng được mười thứ công đức, cúng thí đồ ăn thức uống được mười thứ công đức, cúng thí giày dép được mười thứ công đức, cúng thí hương hoa được mười thứ công đức, cúng thí đèn sáng được mười thứ công đức, cung kính chắp tay được mười thứ công đức.

Đó gọi là lược thuyết về pháp môn sai biệt của các nghiệp trong thế gian.

Đức Phật bảo:

- Này Thủ Ca, có mười loại nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo chết yểu.

1. Tự mình sát sanh.

2. Bảo người sát sanh.

3. Khen ngợi sự giết.

4. Thấy giết vui sướng.

5. Đối với người oán ghét thì muốn tiêu diệt.

6. Thấy người oán của mình bị tiêu diệt rồi trong lòng sung sướng.

7. Làm hư thai tạng của người khác.

8. Dạy người hủy hoại (thai tạng).

9. Xây dựng miếu thờ trời để giết hại chúng sanh.

10. Dạy người đánh nhau để hai bên bị tàn hại.

Do mười nghiệp này nên bị quả báo chết yểu.

Lại có mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh được quả báo trường thọ:

1.      Tự mình không sát sanh.

2.      Khuyên người khác đừng sát sanh.

3.      Tán thán sự không sát sanh.

4.      Thấy người không sát sanh trong lòng vui mừng.

5.      Thấy người bị giết hại, phương tiện cứu thoát.

6.      Thấy kẻ bị cái chết khủng bố, an ủi họ.

7.      Thấy kẻ bị khủng bố, bố thí sự vô úy.

8.      Thấy người bị các khổ hoạn, khởi tâm thương xót.

9.      Thấy người bị các điều cấp nạn, khởi tâm đại bi.

10.  Dùng các thức ăn uống bố thí chúng sanh.

Do mười nghiệp này nên được trường thọ.

Lại có mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo nhiều bệnh:

1.      Thích đánh đập tất cả chúng sanh.

2.      Khuyên người đánh đập.

3.      Khen ngợi sự đánh đập.

4.      Thấy đánh đập thì hoan hỷ.

5.      Làm não loạn cha mẹ khiến cha mẹ buồn rầu.

6.      Não loạn Thánh Hiền.

7.      Thấy người oán của mình bị bệnh khổ, trong lòng vô cùng vui sướng.

8.      Thấy người oán của mình lành bệnh, trong lòng không vui.

9.      Đối với bệnh của kẻ oán thù, cho không đúng thuốc trị bệnh.

10.  Đồ ăn cách đêm khó tiêu lại ăn vào.

Do mười nghiệp này nên bị quả báo nhiều bệnh.

Lại có mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh được quả báo ít bệnh:

1.      Không đánh đập tất cả chúng sanh.

2.      Không khuyên người khác đánh đập.

3.      Tán thán sự không đánh đập.

4.      Thấy người không đánh đập, tâm sanh hoan hỷ.

5.      Cúng dường cha mẹ và các người bệnh.

6.      Thấy bậc Hiền thánh bị bệnh hoạn thì giúp đỡ trông coi, cúng dường.

7.      Thấy kẻ oán của mình lành bệnh sanh tâm hoan hỷ.

8.      Thấy người bệnh khổ, bố thí thuốc hay, cũng khuyên người khác bố thí.

9.      Đối với chúng sanh bệnh khổ, sanh tâm thương xót.

10.  Đối với đồ ăn thức uống, tự mình có thể tiết kiệm.

Do mười nghiệp này nên được quả báo ít bệnh.

Lại có mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo thô xấu:

1.      Ưa phẫn nộ.

2.      Ưa ôm lòng ghét giận.

3.      Dối láo mê hoặc người khác.

4.      Não loạn chúng sanh.

5.      Đối với chỗ ở của cha mẹ không có lòng kính yêu.

6.      Đối với chỗ các Hiền Thánh không sanh tâm cung kính.

7.      Xâm đoạt ruộng vườn sinh sống của các Hiền Thánh.

8.      Làm mất ánh sáng đèn đuốc nơi tháp miếu của đức Phật.

9.      Thấy người thô xấu thì hủy báng khinh chê.

10.  Tập các hạnh ác.

Do mười nghiệp này nên bị quả báo thô xấu.

Lại có mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh được quả báo đoan chánh:

1.      Không sân.

2.      Bố thí y.

3.      Thương yêu cha mẹ.

4.      Tôn trọng Hiền Thánh.

5.      Tu bổ sơ phết tháp Phật.

6.      Lau quét từ đường.

7.      Lau quét già lam.

8.      Lau quét tháp Phật.

9.      Thấy người thô xấu không có tâm khinh khi, nhưng lòng cung kính.

10.  Thấy người đoan chánh biết rõ do nhân đời trước (cảm nên).

Do mười nghiệp này nên được quả báo đoan chánh.

Lại có mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo ít oai nghi:

1.      Đối với chúng sanh khởi tâm ganh ghét.

2.      Thấy người khác được tài lợi, sanh tâm buồn rầu bực tức.

3.      Thấy người khác bị mất lợi, trong lòng vui mừng.

4.      Thấy người khác được danh tiếng, sanh tâm ganh ghét.

5.      Thấy người bị mất danh dự, trong lòng hân hoan.

6.      Thối tâm Bồ Đề, hủy hoại hình tượng của Phật.

7.      Đối với cha mẹ mình và chỗ ở của các Hiền Thánh không có tâm thờ phụng.

8.      Khuyên người tu tập hành động ít oai nghi.

9.      Làm chướng ngại kẻ khác tu tập hành động có oai nghi lớn.

10.  Thấy người có ít oai đức sanh lòng khinh dễ.

Do mười nghiệp này nên bị quả báo có ít oai thế.

Lại có mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh có quả báo được oai thế lớn:

1.      Đối với chúng sanh không có tâm đố kỵ.

2.      Đối với chúng sanh được tài lợi sanh tâm hoan hỷ.

3.      Thấy người khác mất lợi sanh tâm thương xót.

4.      Thấy người khác được danh dự, trong lòng hân hoan.

5.      Thấy người khác bị mất danh dự, giúp cho bớt buồn lo.

6.      Phát tâm Bồ Đề, tạo hình tượng Phật, cúng thí bảo cái.

7.      Đối với cha mẹ mình và chỗ các Hiền Thánh cung kính nghinh rước.

8.      Khuyên người bỏ nghiệp ít có oai đức.

9.      Khuyên người tu hành nghiệp có oai đức lớn.

10.  Thấy người không có oai đức không đem lòng khinh chê.

Do mười nghiệp này nên được quả báo có oai thế lớn.

Lại có mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo sanh vào dòng họ thấp kém:

1.      Không biết kính Cha.

2.      Không biết kính Mẹ.

3.      Không biết kính Sa môn.

4.      Không biết kính Bà la môn.

5.      Đối với các bậc Tôn trưởng không biết kính ngưỡng.

6.      Đối với các Sư trưởng không cung nghinh cúng dường.

7.      Thấy các bậc Tôn trưởng không cung nghinh mời ngồi.

8.      Đối với chỗ ở của Cha Mẹ không tuân theo lời  giáo huấn.

9.      Đối với bậc Hiền Thánh không thọ giáo.

10.  Khinh chê kẻ thấp kém.

Do mười nghiệp này nên bị quả báo sanh vào dòng họ thấp kém.

Lại có mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh được quả báo sanh vào dòng họ cao thượng:

1.      Khéo biết kính Cha.

2.      Khéo biết kính Mẹ.

3.      Khéo biết kính Sa môn.

4.      Khéo biết kính Bà la môn.

5.      Kính hộ bậc Tôn trưởng.

6.      Thờ kính bậc sư trưởng.

7.      Thấy các bậc Sư trưởng cung nghinh mời ngồi.

8.      Đối với Cha Mẹ thì kính thọ lời giáo huấn.

9.      Đối với bậc Hiền Thánh thì tôn kính và thọ giáo.

10.  Không khinh kẻ thấp hèn.

Do mười nghiệp này nên được quả báo sanh vào dòng họ cao thượng.

Lại có mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo có ít của cải sinh sống:

1.      Tự mình làm việc trộm cắp.

2.      Khuyên người khác trộm cắp.

3.      Khen ngợi sự trộm cắp.

4.      Thấy trộm cắp là hoan hỷ.

5.      Đối với chỗ Cha Mẹ không lo làm ăn.

6.      Đối với chỗ Hiền Thánh thì chiếm đoạt tài vật.

7.      Thấy người khác được tài vật thì tâm không hoan hỷ.

8.      Ngăn cản người khác được lợi, làm cho họ thường gặp tai nạn.

9.      Thấy người khác bố thí, không có tâm tùy hỷ.

10.  Thấy người đời đói kém, tâm không thương xót mà lại vui sướng.

Do mười nghiệp này nên bị quả báo đời sống có ít của cải.

Lại có mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh được quả báo đời sống có nhiều của cải:

1.      Tự mình xa lìa trộm cắp.

2.      Không khuyên người trộm cắp.

3.      Không tán thán sự trộm cắp.

4.      Thấy người không trộm cắp sanh tâm hoan hỷ.

5.      Đối với chỗ ở của Cha Mẹ cung phụng sự làm ăn.

6.      Đối với các vị Hiền Thánh thì cung cấp những vật cần dùng.

7.      Thấy người khác được lợi, sanh tâm hoan hỷ.

8.      Thấy người cầu lợi thì phương tiện hỗ trợ.

9.      Thấy người bố thí thuốc (trị bệnh) sanh tâm hoan hỷ.

10.  Thấy người đời đói khổ, sanh tâm thương xót.

Do mười nghiệp này nên được quả báo đời sống có nhiều của cải.

Lại có mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo tà trí:

1.      Không hay học hỏi với Sa môn, Bà la môn có trí tuệ.

2.      Rao truyền pháp ác.

3.      Không thể tu tập thọ trì chánh pháp.

4.      Tán thán pháp không phải định, cho là pháp định.

5.      Tiếc pháp không chịu nói.

6.      Thân cận kẻ tà trí.

7.      Xa lìa chánh trí.

8.      Tán thán tà kiến.

9.      Xả bỏ chánh kiến.

10.  Thấy người ngu si, hung ác thì khinh khi chê bai.

Do mười nghiệp này nên bị quả báo tà trí.

Lại có mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh được quả báo chánh trí:

1.      Khéo có thể hỏi han những vị Sa môn, Bà la môn có trí tuệ.

2.      Rao truyền pháp lành.

3.      Nghe và thọ trì chánh pháp.

4.      Thấy người nói pháp định khen rằng: “Lành thay!”

5.      Ưa nói chánh pháp.

6.      Thân cận người có chánh trí.

7.      Nhiếp hộ chánh pháp.

8.      Siêng tu hạnh nghe nhiều.

9.      Xa lìa tà kiến.

10.  Thấy người ngu si, hung ác không có khinh chê.

Do mười nghiệp này nên được quả báo chánh trí.

Lại có mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo địa ngục:

1.      Làm nghiệp ác nặng.

2.      Miệng nói lời ác nghiệp nặng.

3.      Ý nghĩ nghiệp ác nặng.

4.      Khởi sanh đoạn kiến.

5.      Khởi sanh thường kiến.

6.      Khởi sanh vô nhơn kiến.

7.      Khởi sanh vô tác kiến.

8.      Khởi sanh vô kiến kiến.

9.      Khởi sanh biên kiến.

10.  Không biết báo ân.

Do mười nghiệp này nên bị quả báo địa ngục.

Lại có mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo súc sanh:

1.      Thân làm ác nghiệp bậc trung.

2.      Miệng nói ác nghiệp bậc trung.

3.      Ý nghĩ ác nghiệp bậc trung.

4.      Từ phiền não tham khởi ra các ác nghiệp.

5.      Từ phiền não sân khởi ra các ác nghiệp.

6.      Từ phiền não si khởi ra các ác nghiệp.

7.      Chửi mắng chúng sanh.

8.      Não hại chúng sanh.

9.      Bố thí vật bất tịnh.

10.  Làm việc tà dâm.

Do mười nghiệp này nên bị quả báo súc sanh.

Lại có mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo ngạ quỷ:

1.      Thân làm nghiệp ác nhẹ.

2.      Miệng nói nghiệp ác nhẹ.

3.      Ý nghĩ nghiệp ác nhẹ.

4.      Sanh tâm tham nhiều.

5.      Sanh tâm tham ác.

6.      Tật đố.

7.      Tà kiến.

8.      Ái trước của cải cuộc sống rồi bị mạng chung.

9.      Do đói mà chết.

10.  Bị khô khát bức bách mà chết.

Do mười nghiệp này nên bị quả báo ngạ quỷ.

Lại có mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo A Tu La:

1.      Thân làm nghiệp ác chút ít.

2.      Miệng nói nghiệp ác chút ít.

3.      Ý nghĩ nghiệp ác chút ít.

4.      Kiêu mạn.

5.      Ngã mạn.

6.      Tăng thượng mạn.

7.      Đại mạn.

8.      Tà mạn.

9.      Mạn mạn.

10.  Đem các căn lành hướng về Tu La đạo.

Do mười nghiệp này nên bị quả báo A Tu La.

Lại có mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh được quả báo sanh ở cõi trời:

1.      Không sát sanh.

2.      Không trộm cắp.

3.      Không tà dâm.

4.      Không nói láo.

5.      Không nói thêu dệt.

6.      Không nói hai lưỡi.

7.      Không nói lời ác.

8.      Không tham.

9.      Không sân.

10.  Không tà kiến.

Đối với mười nghiệp thiện, sứt mẻ, không hoàn toàn (mười điều ấy). Do mười nghiệp này nên được quả báo cõi người.

Lại có mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh được quả báo sanh vào trời cõi dục. Đó là tu hành đầy đủ mười điều thiện tăng thượng.

Lại có mười nghiệp hay khiến cho chúng sanh được quả báo sinh trời cõi sắc. Đó là tu hành mười điều thiện hữu lậu cũng tương ưng với định.

Lại có bốn nghiệp hay khiến cho chúng sanh được quả báo cõi Trời Vô Sắc:

1.      Vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt trừ có đối tưởng v.v… nhập vào Không xứ định.

2.      Vượt qua tất cả không xứ định, nhập vào Thức xứ định.

3.      Vượt qua tất cả Thức xứ định, nhập vào Vô Sở Hữu xứ định.

4.      Vượt qua Vô Sở hữu xứ định, nhập vào Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ định.

Do bốn nghiệp này được quả báo cõi Trời Vô Sắc.

Lại có nghiệp hay khiến cho chúng sanh được quả báo quyết định. Nếu ai đối với Phật, Pháp, Tăng và người giữ giới, khởi tâm tăng thượng bố thí. Do nghiệp thiện này, phát nguyện hồi hướng, liền được vãng sanh. Đó là nghiệp báo quyết định.

Lại có nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo bất định. Nếu tạo nghiệp không phải tâm tăng thượng, lại không tu tập, cũng không phát nguyện hồi hướng thọ sanh. Đó gọi là nghiệp báo bất định.

Lại có nghiệp hay khiến cho chúng sanh bị quả báo sanh ở biên địa. Nếu tạo nghiệp đối với Phật, Pháp, Tăng và người trì giới với chỗ ở của đại tăng, không phát tâm tăng thượng cúng thí, rồi do căn lành này sanh ở biên địa. Do vậy nên liền sanh ở biên địa, thọ quả báo tịnh và bất tịnh.

Lại có nghiệp hay khiến cho chúng sanh được quả báo sanh ở trung quốc. Nếu khi tạo nghiệp đối với Phật, Pháp, Tăng, thanh tịnh trì giới, bên cạnh người phạm hạnh, và chỗ ở của đại chúng, khởi tâm tăng thượng, ân cần bố thí. Nhờ thiện căn này quyết định phát nguyện cầu sanh trung quốc, lại được gặp Phật và nghe Chánh Pháp, thọ được quả báo thanh tịnh thượng diệu.

Lại có nghiệp hay khiến cho chúng sanh mãi mãi ở trong địa ngục. Hoặc có chúng sanh, tạo nghiệp địa ngục rồi, không hổ, không thẹn, cũng không yểm ly, tâm không biết sợ sệt, trở lại còn sanh tâm hoan hỷ, lại không sám hối, còn tạo thêm nghiệp ác sâu nặng, như Đề Bà Đạt Đa v.v… Do tạo nghiệp này cho nên suốt đời ở trong địa ngục.

Lại có nghiệp hay khiến cho chúng sanh đọa vào địa ngục, nửa chừng thì mạng yểu, không hết tuổi thọ. Nếu có chúng sanh tạo nghiệp địa ngục, chứa nhóm thành rồi, sau sanh sợ sệt, xấu hổ nhàm chán xa lìa, sám hối từ bỏ, chẳng phải tâm tăng thượng. Do nghiệp này cho nên đọa vào địa ngục, sau biết hối cải, ở trong địa ngục nửa chừng thì yểu, không hết tuổi thọ.

Lại có nghiệp hay khiến cho chúng sanh đọa vào địa ngục, mới vào liền ra. Nếu có chúng sanh tạo nghiệp địa ngục, làm rồi sợ sệt, khởi lòng tin tăng thượng, sanh tâm xấu hổ, chán điều ác nên xả bỏ, ân cần sám hối, lại không tạo nữa. Như vua A Xà Thế giết cha, ác tội, vừa vào địa ngục liền được giải thoát. Bấy giờ đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:

“Nếu ai tạo tội nặng,

Tạo rồi tự trách mình.

Sám hối không tạo nữa

Nhổ hết nghiệp căn bản.”

Lại có nghiệp làm mà không nhóm tập. Nếu có chúng sanh thân khẩu ý tạo các ác nghiệp. Tạo rồi lo sợ, xấu hổ xa lìa, tự mình rất hối hận và than trách, không còn tạo ác lại nữa, đó gọi là làm mà không nhóm tập.

Lại có chúng sanh nhóm tập mà không làm. Nếu có chúng sanh tự không tạo nghiệp, do vì ác tâm khuyên người làm ác. Đó gọi là nhóm tập mà không làm.

Lại có nghiệp cũng vừa tạo tác cũng vừa nhóm tập. Nếu có chúng sanh tạo các nghiệp rồi, tâm không hối cải, mà lại thỉnh thoảng cứ tạo nghiệp, lại còn khuyên người khác tạo ác. Đó gọi là vừa tạo tác vừa nhóm tập.

Lại có nghiệp không tạo tác cũng không nhóm tập. Nếu có chúng sanh tự mình không tạo ác, cũng không dạy người khác tạo ác, thuộc về nghiệp vô ký. Đó gọi là không tạo tác cũng không nhóm tập.

Lại có nghiệp ban đầu thì vui, kết thúc thì khổ. Nếu có chúng sanh do người khác khuyên nên hoan hỷ bố thí, nhưng tâm bố thí không kiên cố, sau lại hối tiếc. Do nhân duyên đó sanh ở nhân gian, trước thì giàu có sung sướng, sau lại bần cùng nghèo khổ. Đó gọi là ban đầu thì vui kết thúc thì khổ.

Lại có nghiệp ban đầu thì khổ kết thúc thì vui. Nếu có chúng sanh nhờ người khuyên hóa, miễn cưỡng bố thí chút ít, nhưng bố thí rồi thì hoan hỷ, tâm không hối tiếc. Do nhân duyên này sanh ở nhân gian, ban đầu thì nghèo khổ nhưng về sau thì giàu có sung sướng. Đó gọi là ban đầu thì khổ nhưng kết thúc thì vui.

Lại có nghiệp ban đầu thì khổ kết thúc thì khổ. Nếu chúng sanh xa lìa thiện tri thức, không ai khuyến hóa dẫn dắt, cho đến không thể làm việc bố thí dù chút ít. Do nhân duyên này sanh ở nhân gian ban đầu đã bần khổ về sau cũng bần khổ. Đó gọi là ban đầu khổ mà kết thúc vẫn khổ.

Lại có nghiệp ban đầu sướng mà kết thúc cũng sướng. Nếu chúng sanh gần gũi thiện tri thức, họ khuyến hóa nên bố thí, rồi sanh tâm hoan hỷ, kiên cố tu nghiệp bố thí. Do nguyên nhân đó sanh ở nhân gian, ban đầu đã giàu có sung sướng, về sau cũng giàu có sung sướng.

Lại có nghiệp nghèo mà ưa bố thí. Nếu có chúng sanh trước đó đã từng bố thí, nhưng không gặp phước điền, bị lưu chuyển sanh tử, sanh ở nhân gian, vì không gặp được phước điền, nên được quả báo rất ít, vừa được liền mất. Do tập nhân đã bố thí nên dù có bần cùng nhưng vẫn hay làm việc bố thí.

Lại có nghiệp giàu có mà xan tham. Nếu có chúng sanh chưa từng bố thí, gặp thiện tri thức khuyên hóa nên tạm thời làm việc bố thí, gặp được phước điền tốt lành. Nhờ được ruộng tốt nên đời sống được sung túc. Vì trước không có tập nhân cho nên kẻ ấy tuy giàu có mà keo kiết.

Lại có nghiệp giàu có mà hay bố thí. Nếu có chúng sanh gặp được thiện tri thức tu hạnh bố thí thật nhiều, gặp được phước điền tốt. Do nhân duyên này nên được hết sức giàu có, được nhiều tiền của, mà vẫn có thể thực hành bố thí.

Lại có nghiệp nghèo mà xan tham. Nếu có chúng sanh xa lìa thiện tri thức, không ai khuyến hóa chỉ đạo, nên không thể thực hành bố thí. Do nhân duyên này, sanh ở nhà bần cùng mà vẫn xan tham.

Lại có nghiệp hay khiến cho chúng sanh được thân an lạc nhưng tâm không an lạc, như người phàm phu có phước.

Lại có nghiệp hay khiến cho chúng sanh tâm được an lạc nhưng thân không an lạc ,như A  La Hán có phước.

Lại có nghiệp hay khiến cho chúng sanh cả thân lẫn tâm an lạc đều an lạc, như A La Hán có phước.

Lại có nghiệp hay khiến cho chúng sanh cả thân lẫn tâm an lạc đều không an lạc,như kẻ phàm phu vô phước.

Lại có nghiệp hay khiến cho chúng sanh mạng đã tận mà nghiệp không tận. Hoặc có chúng sanh từ địa ngục, chết rồi cũng sanh lại địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, cho đến người, Trời, A tu la v.v… Cũng lại như vậy, đó gọi là mạng đã tận mà nghiệp không tận.

Lại có nghiệp hay khiến cho chúng sanh nghiệp đã tận mà mạng không tận. Hoặc có chúng sanh hết vui thì thọ khổ, hết khổ thì được vui… đó gọi là nghiệp đã tận mà mạng không tận.

Lại có nghiệp hay khiến cho chúng sanh cả nghiệp lẫn mạng đều tận. Hoặc có chúng sanh từ địa ngục ra lại sanh vào súc sanh hay ngạ quỷ, cho đến trời, người, A tu la v.v… đó gọi là cả nghiệp lẫn mạng đều tận.

Lại có nghiệp hay khiến cho chúng sanh cả nghiệp lẫn mạng đều không tận. Hoặc có chúng sanh đã tận trừ các phiền não. Đó gọi là Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán… đó gọi là cả nghiệp lẫn mạng đều không tận.

Lại có nghiệp hay khiến cho chúng sanh tuy sanh ở ác đạo nhưng hình dung lại tốt đẹp, mắt mày đoan nghiêm, da thịt trong sáng ai cũng thích nhìn. Nếu có chúng sanh do dục phiền não, khởi ra nghiệp phá giới. Do nhân duyên này, tuy sanh ác đạo mà hình dung tốt đẹp, mắt mày đoan nghiêm, da thịt trong sáng ai cũng muốn nhìn.

Lại có nghiệp hay khiến cho chúng sanh, sanh ở ác đạo, hình dung xấu xí, da thịt thô rít, chẳng ai muốn nhìn. Hoặc có chúng sanh do phiền não sân khởi ra nghiệp phá giới. do nhân duyên này sanh nơi ác đạo, hình sắc xấu xí, da thịt thô rít, chẳng ai muốn nhìn.

Lại có nghiệp hay khiến cho chúng sanh sanh nơi ác đạo, thân miệng hôi thúi, các căn khuyết tật, hoặc có chúng sanh do phiền não si khởi ra nghiệp phá giới. Do nhân duyên này sanh nơi ác đạo, thân miệng hôi thúi, các căn khuyết tật.

Lại có mười nghiệp bị ác báo bên ngoài. Hoặc có chúng sanh đối với mười nghiệp bất thiện phần nhiều tu tập, cảm các ngoại vật đều không được đầy đủ:

1.      Do nghiệp sát cho nên khiến cho các quả báo bên ngoài như đại địa muối mặn, cỏ thuốc không có.

2.      Do nghiệp trộm cắp cho nên cảm ra bên ngoài như sương, mưa đá, trùng sâu… khiến cho đời sống bị đói khát.

3.      Do nghiệp tà dâm cho nên cảm ra gió mưa dữ dội, và các trần ai.

4.      Do nghiệp nói dối cho nên cảm sanh ngoại vật đều bị hôi thúi.

5.      Do nghiệp nói hai lưỡi, cho nên cảm ra đại địa bên ngoài cao thấp không bằng, bờ ao hang hiểm gồ ghề, gai gốc.

6.      Do nghiệp ác khẩu mà cảm sanh quả báo bên ngoài như ngói, đá, cát, sỏi, vật xấu tho rít không thể gần gũi.

7.      Do nghiệp nói thêu dệt nên cảm sanh quả báo bên ngoài, khiến thành cỏ cây rừng rậm, cành nhánh chông gai.

8.      Do nghiệp tham nên cảm sanh quả báo bên ngoài khiến cho mầm lúa, hạt giống vi tế.

9.      Do nghiệp sân hận cảm sanh quả báo bên ngoài, khiến cho cây cối có trái đắng.

10.  Do nghiệp tà kiến cho nên cảm sanh quả báo bên ngoài lúa mạ, hạt thu gặt ít ỏi.

Do mười nghiệp này bị ác báo bên ngoài vậy.

Lại có mười nghiệp được quả báo thù thắng ở bên ngoài. Nếu có chúng sanh tu mười thiện nghiệp mà không chống trái nên biết liền đạt được mười quả báo thù thắng ở bên ngoài. Hoặc có chúng sanh lạy tháp miếu của Phật, được mười món công đức:

1.      Được sắc đẹp, tiếng hay.

2.      Có nói ra điều gì ai cũng tin phục.

3.      Không sợ sệt trước mọi người.

4.      Trời người đều ái hộ.

5.      Đầy đủ oai thế.

6.      Có oai thế chúng sanh đều đến thân cận nương nhờ.

7.      Thường được thân cận chư Phật, Bồ tát.

8.      Có đầy đủ đại phước đức.

9.      Mạng chung được sanh lên trời.

10.  Mau chứng Bồ Đề.

Đó gọi là lạy tháp miếu của Phật được mười món công đức.

Hoặc có chúng sanh cúng thí bảo cái được mười món công đức:

1.      Sống ở thế gian như là cái dù che chở chúng sanh.

2.      Thân tâm an ổn xa lìa các nhiệt não.

3.      Mọi người đều kính trọng, không dám khinh mạn.

4.      Có oai thế lớn.

5.      Thường được thân cận chư  Phật, Bồ Tát, có oai đức lớn, lấy đó làm quyến thuộc.

6.      Hằng được làm Chuyển Luân Thánh Vương.

7.      Luôn luôn được thượng thủ tu tập thiện nghiệp.

8.      Có đầy đủ phước báo lớn.

9.      Mạng chung được sanh lên trời.

10.  Mau chứng Niết Bàn.

Đó gọi là cúng thí bảo cái được mười món công đức.

Nếu có chúng sanh cúng thí tràng phan được mười món công đức:

1.      Ở đời giống như cái tràng phan, từ quốc vương đại thần, thân hữu tri thức cung kính cúng dường.

2.      Giàu có tự tại, đầy đủ tài sản lớn.

3.      Tiếng tốt truyền khắp bao trùm các phương.

4.      Tướng mạo đoan nghiêm, thọ mạng lâu dài.

5.      Thường ở chỗ mình, thi hành kiên cố.

6.      Có danh xưng lớn.

7.      Có oai đức lớn.

8.      Sanh nhà thượng tộc.

9.      Thân hoại mạng chung được sanh lên trời.

10.  Mau chứng Bồ Đề.

Đó gọi là cúng thí tràng phan được mười công đức.

Nếu có chúng sanh cúng thí chuông linh được mười công đức:

1.      Được tiếng Phạm âm.

2.      Được tiếng tăm lớn.

3.      Tự biết kiếp trước.

4.      Nói ra điều gì ai cũng kính thọ.

5.      Thường có bảo cái để tự trang nghiêm.

6.      Có ngọc anh lạc đẹp làm đồ trang sức.

7.      Diện mạo đoan nghiêm, ai nhìn thấy cũng hoan hỷ.

8.      Có đủ đại phước báo.

9.      Mạng chung được sanh lên trời.

10.  Mau chứng Niết Bàn.

Đó gọi là cúng thí chuông linh được mười món công đức.

Nếu có chúng sanh cúng thí y phục được mười món công đức:

1.      Mặt, mắt đoan nghiêm

2.      Da thịt tề nhuyễn.

3.      Không dính bụi bặm.

4.      Lúc sanh ra có đầy đủ y phục tốt đẹp.

5.      Có ngọa cụ tốt đẹp, bảo cái che thân.

6.      Có đầy đủ y phục hổ thẹn.

7.      Ai thấy cũng kính yêu.

8.      Có tài bảo lớn.

9.      Mạng chung sanh lên trời.

10.  Mau chứng Niết Bàn.

Đó gọi là cúng thí y phục được mười món công đức.

Nếu có chúng sanh cúng thí đồ ẩm thực được mười món công đức:

1.      Được thọ mạng.

2.      Được sắc đẹp.

3.      Được sức lực.

4.      Được vô ngại biện tài an ổn.

5.      Được vô sở úy.

6.      Không có các sự biếng nhác, mọi người kính ngưỡng.

7.      Mọi người đều yêu thích.

8.      Có đủ phước báo lớn.

9.      Mạng chung sanh lên trời.

10.  Mau chứng Niết Bàn.

Đó gọi là cúng thí đồ ẩm thực được mười điều công đức.

Nếu có chúng sanh cúng thí giày dép được mười điều công đức:

1.      Có đầy đủ xe đẹp.

2.      Chân đi bình an.

3.      Bàn chân mềm mại.

4.      Đi xa khang kiện nhẹ nhàng.

5.      Thân không mệt mỏi.

6.      Dù đi đến đâu cũng không bị chông gai, ngói sạn làm chân bị tổn thương.

7.      Được thần thông lực.

8.      Đầy đủ các sử giả giúp đỡ.

9.      Mạng chung được sanh lên trời.

10.  Mau chứng Niết Bàn.

Đó gọi là cúng thí giày dép được mười điều công đức.

Nếu có chúng sanh cúng thí hương hoa được mười món công đức:

1.      Xử thế như bông hoa.

2.      Thân thể không hôi thúi.

3.      Hương phước hương giữ giới bay khắp các phương.

4.      Tùy sanh ở đâu, tỷ căn không hư hoại.

5.      Vượt trên thế gian được mọi người quy ngưỡng.

6.      Thân thường sạch thơm.

7.      Yêu thích chánh pháp, thọ trì đọc tụng.

8.      Đủ phước báo lớn.

9.      Mạng chung sanh lên trời.

10.  Mau chứng Niết Bàn.

Đó gọi là cúng thí hương hoa được mười công đức.

Nếu có chúng sanh cúng thí đèn sáng được mười công đức:

1.      Chiếu sáng thế gian như đèn.

2.      Tùy sanh ở đâu mắt thịt không bị tổn hoại.

3.      Được thiên nhãn.

4.      Đối với các pháp thiện ác, có trí tuệ biết rõ.

5.      Trừ diệt sự si ám lớn.

6.      Được trí tuệ sáng suốt.

7.      Lưu chuyển ở thế gian, thường không bị ở nơi tối tăm.

8.      Có đủ phước báo lớn.

9.      Mạng chung được sanh lên trời.

10.  Mau chứng Niết Bàn.

Đó gọi là cúng thí đèn sáng được mười công đức.

Nếu có chúng sanh cung kính chắp tay được mười công đức:

1.      Được phước báo thù thắng.

2.      Sanh nhà giòng tộc cao.

3.      Được sắc đẹp thù thắng.

4.      Được âm thanh hay thù thắng.

5.      Được bảo cái đẹp thù thắng.

6.      Được biện tài vi diệu thù thắng.

7.      Được đức tin vi diệu thù thắng.

8.      Được giới vi diệu thù thắng.

9.      Được đa văn vi diệu thù thắng.

10.  Được diệu trí thù thắng.

Đó gọi là cung kính chắp tay được mười công đức.

Bấy giờ đức Thế Tôn thuyết pháp này xong, trưởng giả Thủ Ca được tín tâm thanh tịnh đối với Như Lai.

Bấy giờ Thủ Ca, đầu mặt lạy đức Phật nói như vầy:

- Nay con thỉnh đức Phật đến thành Xá Bà Đề, đến chỗ cha của con, nhà của trưởng giả Đao Đề. Mong Ngài làm cho cha của con và tất cả chúng sanh mãi mãi được an lạc.

Khi ấy đức Thế Tôn vì lợi ích cho mọi người nên im lặng nhận lời.

Bấy giờ Thủ Ca nghe Phật dạy xong, trong lòng hết sức hoan hỷ, đảnh lễ rồi lui ra.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Kinh Ái sanh (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu)

Kinh Phật 17:30 20/12/2024

Phật nói Kinh Ái sanh, trích từ Trung Bộ Kinh tập 2, Kinh Ái sanh, số 87, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.

Kinh phân biệt về sự thật

Kinh Phật 19:00 19/12/2024

Phật nói Kinh Phân biệt về sự thật. Trích từ Kinh Trung Bộ III, Kinh Phân biệt về sự thật, số 141, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.

Kinh Diệu pháp Liên Hoa tóm lược – Thí dụ về 6 căn bản phiền não (P.3)

Kinh Phật 10:24 19/12/2024

Kinh Diệu pháp Liên Hoa sử dụng pháp môn phương tiện quyền xảo, khéo léo lấy nhiều ví dụ từ trần thế để mong giáo hoá được chúng sinh, dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi mê lầm.

Kinh phân biệt cúng dường (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu)

Kinh Phật 19:30 18/12/2024

Kinh Phân biệt cúng dường (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu), Phật nói Kinh Phân biệt cúng dường. Trích từ “Kinh Điển Tam Tạng - Tạng Kinh - Kinh Trung Bộ III", Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.

Xem thêm