Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Kinh Tứ Niệm Xứ

Con đã từng nghe như thế này/ Ku-ru quốc độ có một ngày/ Thế Tôn nói bốn phần trú niệm/ Con đường giác ngộ được hiển bày.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

 Tỳ kheo phải có căn bản thiền

Kiết già tĩnh tọa ngồi cho yên

Toàn thân biết rõ không còn sót

Hơi thở ra vào biết tự nhiên

 

Giữ thân bất động rất vững vàng

Nhưng là mềm mại chẳng gồng căng

Tay chân tụ lại về trước bụng

Lưng thẳng, chân đan, mắt rõ ràng

 

An trú toàn thân, biết toàn thân

Cảm giác toàn thân, một khối thân

Mình mẩy tay chân đều biết rõ

Rõ nhất xương cùng dưới thắt lưng

 

Hơi thở đi vào, biết đi vào

Thở ra, biết rõ như thế nào

Cơ thể tự nhiên là phải thở

Chẳng cần điều khiển chậm hay mau

 

Phật dạy rất nhiều lợi ích hay

Khi nhìn hơi thở như thế này

Nội lực âm thầm nuôi thân mạng

Tinh thần tỉnh sáng thêm từng ngày

 

Chính thức đi vào bốn NIỆM PHẦN

Bắt đầu hiểu rõ hết về Thân

Rồi hiểu rõ về từng cảm Thọ

Hiểu Tâm, hiểu Pháp rất cân phân

 

Hiểu rõ rằng THÂN được hợp thành

Bởi nhiều bộ phận khá hôi tanh

Thịt xương máu mủ da lông tóc

Đờm dãi ngày đêm vẫn thải nhanh

 

Hiểu rõ rằng thân rất mong manh

Nóng lạnh tai ương chực chờ quanh

Già bệnh cuối cùng không tránh khỏi

Xương tàn vùi đất kiếp tử sinh

 

Hiểu rồi an trú ngay nơi thân

Đối diện kiếp người rất phù vân

Ngay tại niềm đau mà ôm lấy

Sự thật thế nào, thấy rất gần

 

CẢM THỌ khổ vui nối tiếp nhau

Sợ Lo Mừng Tủi… những u sầu

Chúng sinh tìm kiếm niềm hạnh phúc

Chỉ là lọt bẫy dưới hầm sâu

 

An trú nơi từng cảm giác qua

Hiểu rõ buồn vui cũng chỉ là

Một thoáng vô thường nhưng đắt giá

Tạo nghiệp vì mê những bóng tà

 

Những lúc khổ đau đến tột cùng

Tưởng như đã cạn sức vẫy vùng

Can đảm niềm đau mà ôm lấy

Chẳng cần tránh né chỗ mông lung

 

Những lúc niềm vui đến ngập tràn

Nhìn xem cảm giác đó rõ ràng

Như xem người khách từ đâu đến

Như nhìn sương khói lúc chiều tan

 

Hiểu rõ về TÂM có ba điều

Một là Đạo đức được bao nhiêu

Hai là Động loạn hay Thanh tịnh

Trí tuệ - Ngu si cái nào nhiều

 

Chưa chứng cao siêu thánh vị nào

Chắc rằng Bất thiện vẫn sôi trào

Ích kỷ, tham lam, và ác độc

Còn trong sâu kín biết làm sao

 

Chánh định chưa từng nhập bao giờ

Thì tâm loạn động vẫn mịt mờ

Mà dẫu có yên vài khoảnh khắc

Vẫn là rất cạn, rất đơn sơ

 

Trí tuệ thì thôi, đã rõ rồi

Lỗi lầm ít thấy, cứ buông trôi

Nghiệp duyên nhân quả càng xa lạ

Đạo lý chỉ là nhai lại thôi

 

Niệm PHÁP nghĩa là hiểu bản thân

Dựa trên tội phúc đã bao lần

Tính ra tội hẳn nhiều hơn phúc

Nên lòng luôn sám hối ăn năn

 

Niệm Pháp nghĩa là biết Vô minh

Chấp ngã trầm luân kiếp tử sinh

Tứ Diệu Đế là vầng ánh sáng

Mục tiêu Vô ngã đón bình minh

 

QUÁN NIỆM và AN TRÚ bốn phần

Không rời một chỗ của bản thân

Mà nghiệm ra mọi điều đạo lý

Cúi đầu đảnh lễ trước Hồng Ân

 

Công đức phải huân tập vô ngần

Con đường giác ngộ mới đến gần

Tôn kính Phật và chư Hiền Thánh

Chan rải từ bi khắp chúng dân

 

An trú ngay nơi có lỗi lầm

Biết rằng đây chính là lỗi lầm

Nhẹ nhàng đối diện không tránh né

Can đảm niềm đau cứ thế ôm

 

Có một lỗi lầm rất lớn lao

Đó là chấp ngã rất thẳm sâu

Tạo nên sinh tử trầm luân mãi

Nên cần phải an trú dài lâu

 

Nhưng chẳng dễ tìm chấp ngã đâu

Vô hình trừu tượng ở tầng sâu

Nếu không có định và có phước

Làm sao vào được cửa nhiệm mầu

 

Tìm thấy chính mình, bước đầu tiên

Đặt chân lên đạo lộ tịnh thiền

Lặng lẽ nghìn năm không rời bước

Bản ngã tầng sâu rất diệu huyền

 

Nếu muốn tìm ra được chính mình

Phải nhờ ba cái biết phân minh

Một là cảm giác toàn thân thể

Hiểu lẽ vô thường biến dịch nhanh

 

Kế nữa là hơi thở vào ra

Chỉ biết mà thôi chẳng bôn ba

Không can thiệp nhưng không bỏ mất

Rất rõ từng hơi vào hơi ra

 

Đặc biệt không quên chỗ Xương Cùng

Gốc của toàn thân, dưới thắt lưng

Giúp cho sinh lực dồi dào mãi

Bình thản trú tâm biết không ngừng

 

Lúc này tâm có thể lắng yên

Trạng thái rỗng không rõ một miền

Nhưng chớ dại khờ nhìn nơi đó

Vì chẳng khác chi hướng ngoài hiên

 

Giữ ba cái biết không rời xa

Thêm chút ưu tư chưa tìm ra

Chính mình ẩn núp nơi nào đó

Vì duyên chưa đủ nên lầm qua

 

Chẳng hẹn thời gian sẽ bao lâu

Tìm được chính mình ở tầng sâu

Biết bao kỳ diệu chờ trong đó

Ta sẽ ngỡ như đắc đạo mầu

 

Ngoại đạo cũng từng tìm thấy rồi

Tự xưng chân tánh mãi không thôi

Chỉ có Như Lai siêu chánh giác

Vượt qua bản ngã rất tuyệt vời

 

Ta cũng sẽ đi hết con đường

Mà bao Hiền Thánh khắp mười phương

Đã từng đặt bước chân trên đó

Tìm thấy chính mình để đảm đương

 

An trú chính mình đến xa xăm

Mấy trăm hoặc cả mấy nghìn năm

Dù rằng trong đó là mầu nhiệm

Mục tiêu Vô ngã vẫn âm thầm

 

Nếu chỉ dừng ngang chỗ “chính mình”

Sẽ không thể hết sạch vô minh

Nhưng bỏ “chính mình” thì lạc hướng

Mục tiêu Vô ngã cũng không thành

 

Đây là Trung đạo khéo đi qua

An trú chính mình không rời xa

Nhưng biết “chính mình” còn bản ngã

Mục tiêu vô ngã vẫn thiết tha

 

Đỉnh cao TỨ NIỆM XỨ là đây

Lỗi lầm tự nó sẽ đổi thay

Nếu ta thấy rõ và an trú

Nơi chính lỗi lầm đã từng gây

 

Cả lúc tâm thiền rất lắng yên

Vẫn hiểu là chưa hết não phiền

Nên không vội vã xưng thần thánh

Còn phước mà đi đến vô biên

 

Nguyện cho pháp giới khắp chúng sinh

Ai cũng tìm ra được chính mình

Để rồi an trú qua nhiều kiếp

Cuối cùng tan vỡ, hết vô minh.

NAM MÔ ĐẤNG CHÁNH GIÁC ĐẠI TỪ BI ĐẠI TRÍ TUỆ THÍCH CA MÂU NI PHẬT (3 lần).

 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Kinh A Nậu La Độ

Kinh Phật 15:00 09/04/2024

Đây là những điều mà tôi đã được nghe hồi Bụt còn ở tại tu viện Trùng Các, trong rừng Đại Lâm, không xa thành phố Tỳ Xá Ly. Lúc bấy giờ đại đức A Nậu La Độ đang cư trú tại một cái am trong rừng, không xa nơi Bụt ở.

Kinh bồi đắp niềm tin

Kinh Phật 11:45 03/04/2024

Tuệ giác và niềm tin là những báu vật sáng chói nhất. Đó là những châu báu, tài sản cao cấp, trong khi đó thì tất cả các tài lợi, gia sản của thế gian đều vô thường.

Kinh phân biệt chánh tà

Kinh Phật 12:00 18/03/2024

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Nếu có người ở trong nhóm tà kiến thì có tướng trạng gì, có nhân duyên gì?

Xem thêm