Ký ức mùa xuân
Qua Điều Nha, đến địa phận làng Đại, thằng Cường bảo người lái tắc- xi đi chậm lại để tôi có điều kiện nhìn cảnh cũ của làng.
Đến đoạn rẽ ngã ba Cầu Bục, Cường đứa cháu chi họ Nguyễn Duy hỏi tôi đột ngột: - Ông còn nhớ con sông này là con sông nào không? Nhắc đến tên con sông…tôi thốt lên khi nhận ra ngôi chùa Kim Liên thấp thoáng giữa những vòm nhãn sum suê bên dòng sông Giàn. Con sông Giàn chảy qua hai làng Thuần Lễ và Đại Quan (thuộc phủ Khoái Châu xưa) từ ngày hòa bình lập lại hai xã này đã đổi tên thành (Thuần Hưng và Đại Hưng). Dẫu gần năm mươi năm xa cách, Xuân này tôi mới có dịp trở về. Trong sâu thăm hồn tôi, ngôi chùa Kim Liên làng Đại và con sông Giàn vẫn còn lưu giữ cả một thời ký ức huyền sử; lưu giữ tất thẩy phần hồn vía quê hương của người dân làng Đại. Và với tôi, ngôi chùa Kim Liên hiện hữu kia không chỉ giữ phần hồn mà còn giữ cho tôi cả phần xác thân trên cõi đời này…
Lâu xa lắm rồi… nhưng không thể nào quên. Quên sao được ngày ấy quê tôi đói nghèo quay quắt. Vì đói nên bọn trẻ chúng tôi đứa nào đứa ấy cũng quắt queo, dài ngoằng như rãi khoai. Ruộng đất thì mênh mông hút tầm nhìn đến con sông Cái, nhưng vì mất mùa liên tiếp mà nhiều ngày tháng dân quê tôi phải ăn cháo kèm với củ chuối. Những người lớn tuổi như mẹ tôi, anh chị tôi nghĩ thế nào thì tôi chưa rõ? Chứ bọn trẻ chúng tôi thì lúc nào cũng thấy đói, thấy thèm cơm (…)
Hồi ấy bọn tôi học cuối cấp một. Trường liên cấp một hai được xây dựng trên phần đất của ngôi đình làng. Đình làng Đại quê tôi to lắm, nằm cạnh chùa Kim Liên. Không hiểu vì sao thời ấy, những ngôi đình, ngôi chùa cứ hay được xây dựng cạnh nhau- mẹ tôi thường kể: “Trước và sau cải cách ruộng đất, hầu hết những ngôi đình, ngôi chùa trong khu vực đều được phá đi xây dựng trường học và trụ sở uy ban. Nhưng ngôi chùa Kim Liên làng tôi thì vẫn tồn tại cạnh trường học”. Cứ vào ngày rằm mồng một, hai buổi sáng chiều, hương trầm, hương xôi chuối chùa Kim Liên tỏa thơm ngào ngạt nen nỏi vào lớp học. Đến tiết cuối, bọn trẻ chúng tôi lại đói cồn cào…
Còn nhớ chiều ấy, khi vừa tan học, tôi và mấy đứa cùng lớp rủ nhau vô chùa Kim Liên. Tới cửa bỗng thấy hai vị Hộ pháp mặt đỏ phừng phừng tuốt kiếm trừng mắt! Cái Nga, cái Xuân cùng bọn con gái nhìn thấy sợ hãi, chuồn mất! Chỉ còn tôi và thằng Long không cầm được cơn đói vì mùi xôi chuối trong chùa réo gọi như có phép lạ khiến tôi và Long lần sâu vào Ban thờ tổ cạnh Tam bảo, phía ngoài là cây thị già, dưới gốc hai con sấu đá có nhiệm vụ canh giữ chùa Kim Liên, nơi đó rất thiêng! Ngoảnh đi ngoảnh lại, thấy vắng bóng người, tôi và Long nháy nhau cùng kiễng chân, với tay ôm gọn đĩa xôi và nải chuối trên ban thờ đang nghi ngút khói hương. Vừa quay ra thì gặp vãi Soải lòm khòm đi từ Tam bảo lại. Nhanh như cắt, tôi vội vàng ấn đĩa xôi vào nách, rồi vụt chạy như bay về phía cổng trường thoát chết! Còn thằng Long bị vãi Soải la lối gọi người bắt… Kệ thằng Long, tôi chạy một mạch ra bờ con sông Giàn, rúc vào bụi cây gần đó ăn ngấu nghiến hết đĩa xôi chỉ trong giây lát. Sớm hôm sau vui vẻ đến trường, thực hiện kỳ thi cuối cấp I. Cô giáo Thư vốn khó tính nghiêm khắc là thế, nhưng nhìn qua bài làm của tôi, cô gật đầu vẻ hài lòng…
Thời gian trôi chảy vô thường, tôi đã chứng trải bao nhiêu chuyện. Có những chuyện xảy đến chỉ tái hiện một lần rồi đi vào dĩ vãng. Nhưng ký ức về ngôi chùa Kim Liên lấy trộm xôi chuối của chùa bị vãi Soải hô hoán đuổi bắt, thì có lẽ kỷ niệm ấy suốt đời khắc sâu trong tàng thức không bao giờ phai nhạt. Và quên sao được cái buổi chiều cuối thu năm ấy, thằng Long bị những người làm phật sự ở chùa tóm được! Còn tôi thì chạy thoát chết tới bờ con sông Giàn ngấu nghiến ăn hết đĩa xôi một cách ngon lành. Bữa ấy, tôi còn nhớ cả xóm xôn xao kháo nhau: “Thằng Long con cả Bường xóm giữa, trộm xôi chuối nhà chùa bị vãi Soải phát hiện và mọi người tóm được đang ầm lên kia kìa”. Được tin, tôi chạy vô chùa Kim Liên; thấy tôi hốt hoảng chạy lại phía thằng Long bị giữ bên gốc nhãn, mọi người chỉ thẳng mặt: “không khéo vừa rồi trộm xôi chuối nhà chùa cũng có cả thằng này chả chơi”. Nhìn cảnh tượng thằng Long bị cầm giữ bên gốc nhãn, khiến tôi chẳng còn sợ hãi bèn nghĩ cách giải cứu. Nhưng vừa chợt nghĩ, thì sư Thầy từ trong chùa đi ra trước đám đông nhìn thằng Long sư thầy nói: “Thôi giữ nó đủ rồi…đói lòng nó trót ăn đĩa xôi, nải chuối thì thôi, trộm của chùa, đức Phật xá tội! Thả nó ra kẻo bố mẹ nó ở nhà mong…thật khổ! Chắc nó đã được ăn gì? Sư Thầy thương tình chỉ vào Ban Mẫu nói với mọi người xin cho thằng Long chút gì ăn tạm”. Cầm phẩm oản và mấy gói bỏng gọi là lộc chùa mọi người đưa cho. Tôi và thằng Long chẳng kịp chào ai, như chim sổ lồng chạy như bay ra khỏi chùa Kim Liên mà trống ngực còn đập liên hồi…Đó là ký ức tuổi thơ tôi một thời ở trường tiểu học quê nhà.
***
Vượt qua những ngày đói quay quắt, không biết có phải vì sự vi diệu của đĩa xôi nhà chùa năm ấy mà tôi đã qua thời tiểu học nhanh chóng, rồi tiếp tục học lên cấp hai, cấp ba. Học trong nghèo đói và bom đạn giặc. Cuộc chiến tranh vệ quốc cùng với thế hệ trẻ cả nước lên đường ra trận chống Mỹ. Bao người bạn tôi đã ngã xuống mãi mãi tuổi hai mươi…rồi cả thằng Long bạn tôi cũng ngã xuống ở chiến trường. Tôi may mắn xuất ngũ trở về khi đất nước toàn thắng và thi đỗ vào Đại học. Ở trường đại học các thầy cô dạy tôi nhiều điều quý giá bổ ích qua môn ngữ văn. Ở môn văn học cổ, trong chương trình khảo cứu Hán Nôm, thầy Hy là người truyền dạy cho bọn chúng tôi những áng văn cổ và thầy bảo: “Con người thật cao quý biết bao. Có người vì lòng trung tín sáng trong, công hạnh của họ đã để lại cho Dân tộc những tấm gương soi ngàn đời không phai mờ”. Trải qua một thời gian khó, có những điều khiến tôi bây giờ mới nhận ra cái vô giá của con người. Đó là cái tâm mà Nguyễn Du nói trong truyện Kiều: “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Đến bây giờ tôi vẫn tâm khảm lời dạy của thầy Hy khi triết tự chữ nhân theo Hán ngữ và giải nghĩa cho chúng tôi nghe: “Nhân là lòng người vậy” nghĩa là chỉ lối đi hay con đường của người ta. Còn thầy Tuyên Hóa giải thích chữ tâm theo Phật giáo thì sâu sắc hơn về ngữ nghĩa rồi thầy ví von hóm hỉnh khi nói về chữ Tâm như thế này: “Con gà con chó xổng ra mà người ta còn toáng lên tìm về nhốt lại để nuôi nó. Nhưng cái tâm xổng ra không biết đường về thì người ta chẳng tìm cách nhốt lại, cứ để cho nó làm càn”. Cái tâm cái đức quý là thế mà chẳng giữ gìn thì sự học cũng vô ích vậy! Sợ bọn trẻ chúng tôi quên, thầy còn bảo: “Con người phải có tàm có quý”, nghĩa của hai chữ tàm quý là biết xấu hổ, biết sám hối với lỗi lầm của mình thì mới mong trưởng thành được. Bởi có lòng thương người, biết hy sinh vì nghĩa cả, ấy là người có cái tâm, cái trí cao thượng, nên cổ đức nói Duy tuệ thị nghiệp là vậy.
Chẳng hiểu vì sao, từ bài học của thầy Hy, thầy Tuyên Hóa mà đêm đêm ở nơi viễn xứ, tôi bỗng nghe văng vẳng trong tàng thức tiếng chuông chùa và mùi hương trầm chùa Kim Liên làng Đại. Từ đó, khiến tôi nhớ lại câu chuyện xa xưa của làng mà mẹ tôi thường kể: Ấy là Đức Nhã Bộ Đại Vương có tên tục là Lang, thời xa xưa các cụ ở làng Đại Quan thường kể chuyện này với con cháu: “Làng mình có nhiều người làm quan đến chức tứ phẩm (nên tên làng gọi Đại quan). Ngài Đại Lang có tâm thật lớn. Vì nghĩa cả với triều đình và đất nước, khi bị giặc phong kiến phương Bắc nhà Lương vây hãm, ngài không chịu hàng giặc, mà còn phỉ báng lũ giặc bá quyền là đồ súc sinh. Với lòng trung quân ái quốc (không chịu sa vào tay giặc) ngài đã tuẫn tiết bên bờ sông Cái, còn gọi sông Hồng. Dẹp xong giặc loạn phương Bắc, triều đình xiển dương khí tiết bất khuất của ngài đã phong sắc Thượng Đẳng Thần với hiệu là Nhã Bộ Đại Vương và là Thành Hoàng làng Đại quan. Cùng với tấm gương như Đức Nhã Bộ Đại Vương, những gương liệt sĩ như bà Trưng, bà Triệu, nữ tướng Lê Chân cũng oanh liệt chống quân xâm lược phương Bắc. Những chuyện này không chỉ nghe mẹ tôi kể, mà sư thầy cũng đã kể cho bọn tôi nghe nhiều lần khi vô chùa. Mỗi lần nghe những tấm gương hy sinh vì nghĩa cả với đất nước như thế, sư thầy lại nói đến chữ tâm, chữ đức của con người. Đến bây giờ sau gần nửa thế kỷ, mà tâm trí tôi vẫn chẳng mờ phai.
***
Cuộc đời xô đẩy, trôi giạt một thời ở nước ngoài, để rồi đến hôm nay tôi mới trở về quê hương. Đất nước sau bao năm đổi mới, những vùng quê nghèo trước đây giờ đã đổi thay, nếu thằng Cường đứa cháu tôi không nhắc tới các địa danh ngã ba Ngõ Vậy, đền Cửa Miếu đầu làng, hẳn tôi không nhận ra khu vực này, dẫu nơi đây đã hằn in dấu vết lũ trẻ chúng tôi thời chăn trâu cắt cỏ. Sự đổi thay nhanh chóng, khiến khu đất thiêng Cửa Miếu u tịch năm nào nay đã là khu chợ thương mại sầm uất liên xã và cánh đồng Bè Linh ngập úng trải dài tới bờ sông Hồng kia, hôm nay cũng là các khu trang trại tư nhân. Xuân này, cây lá vươn mình trổ hoa, hương đưa ngào ngạt đã sưởi ấm lòng tôi sau bao ngày xa cách.
Lần trở về này, dẫu không theo ý định ban đầu là đầu tư xây dựng Doanh nghiệp ở nơi mình vốn sinh ra. Bởi nơi đó với bao ký ức thẳm sâu về làng Đại, về ngôi chùa Kim Liên và con sông Giàn đầy ắp những kỷ niệm buồn vui thời thơ ấu. Nhưng do đặc thù dự án và yêu cầu của cấp thẩm quyền tôi đã cùng vợ con quyết định đầu tư vốn liếng mở doanh nghiệp của mình ở một tỉnh nghèo miền Trung Nam Bộ, quê ngoại vợ tôi.
Ra đi tay chẳng có gì, chỉ với lòng khát khao nơi vùng đất hứa. Và bây giờ trở về, dẫu là một chủ doanh nghiệp, với số vốn đầu tư cũng chẳng lớn lao gì: nhiều lúc tôi nghĩ, mình chẳng làm được những việc gọi là to tát cho đời, nhưng có một việc nhỏ khiến tôi nghĩ cũng ít ai làm được như tôi. Đó là việc tôi hay cho những người thiếu đói và kẻ ăn xin tiền gạo…Tôi làm điều này thật tự nhiên, không hề phô trương bản ngã. Và tôi dám chắc là, không một người thiếu đói hay ăn xin nào đã vào cửa nhà tôi mà phải ra không. Biết chuyện này, không ít người xì xèo, dè bỉu cho tôi là người thế nọ thế kia (kiểu Đại gia cỡ lớn). Có lần vợ tôi cằn kèo: “Ai cũng cho…bây giờ khối người giầu vẫn giả vờ đi ăn xin đấy!”. Thấy vậy, tôi nói với vợ: - Thế cô có biết ăn mày là ai không? Cô nàng xía mắt nhìn tôi rồi nói xẵng: “Ăn mày là ăn mày, chứ còn là cái gì nữa mà chữ với chả nghĩa”. Không kìm được ký ức tuổi thơ thiếu đói một thời, tôi đập tay vào ngực mình nói với vợ: - “Ăn mày là ta đây này…đói cơm rách áo thì ra ăn mày”. Người xưa nói thế đấy! Cô có cái tâm, cái đức để đặt hoàn cảnh của mình vào họ đâu mà hiểu được kẻ ăn mày, kẻ thiếu đói! Nghe xong vợ tôi nguýt dài một cái rồi giận dỗi lặng im. Tôi biêt mình vì quá xúc động với hoàn cảnh nên đã quá lời nhưng lại nghĩ, vợ tôi làm sao mà biết được chuyện xưa kia của tôi đã từng đói quay, đói quắt hơn cả kẻ ăn mày! Khi ấy tôi đã ăn hết cả phần xôi chuối của thằng Long lấy trộm ở chùa Kim Liên và hôm ấy thằng Long bị trói ở chùa làng khiến lòng tôi day dứt khôn nguôi đến tận bây giờ.
Đúng là chuyện xưa cũ, nhưng chuyện tôi đã ăn ngấu nghiến hết cả đĩa xôi trộm hôm ấy ở chùa Kim Liên, thì có lẽ chẳng bao giờ cũ. Trong chiều vắng, tiếng chuông chùa lại ngân vang thôi thúc xé lòng! Từ sâu thẳm lòng tôi đang dằng xé với ký ức một thời, dường như thằng Cường hiểu được tâm trạng nó ra hiệu cho người lái xe đi chậm lại. Ôi cái làng quê lưu giữ núm ruột của tôi, một vùng đất phù sa bao đời vẫn mát xanh dịu ngọt hoa trái. Xa kia là dòng sông Giàn như dải lụa xanh mềm mại, uốn quanh xóm mạc như ôm giữ hồn vía quê hương. Dòng sông ấy, vừa là tên con sông, vừa là tên phiên chợ của làng Thuần Lễ tháng họp đôi lần. Phiên chợ Giàn ngày hai mươi sáu tết (tức phiên cuối cùng trong năm) nó quan trọng đến nỗi, người dân trong vùng quê tôi thường ví von: “Bỏ con bỏ cháu, không ai bỏ hai sáu chợ Giàn”. Phiên chợ Giàn cuối năm ấy, tôi đã từng theo mẹ đi sắm tết và đường đến chợ phải qua ngôi chùa Kim Liên: hình ảnh và ký ức còn đây, những thân nhãn già, cây si, cây thị còn đó vẫn in dấu tháng năm xù xì mốc thếch. Khắc nghiệt là thế, nhưng cứ đến độ tết đến xuân về lại bừng hoa nở. Nói đến con sông Giàn, chùa Kim Liên, lòng tôi lại bồi hồi xúc động. Nhiều khi nghĩ về ngôi cổ tự ấy, con tim tôi lại đập mạnh đau nhói. Bởi ở đó, tôi đã được sinh ra, lớn lên và đi học; mảng đất đình làng và ngôi cổ tự ấy đã chở che tôi. Ở đó tôi đã sống một tuổi thơ gian khó và đầy tinh nghịch, bởi hoàn cảnh cha mất sớm, mẹ hà khắc nhưng nồng ấm kỷ niệm. Với ký ức tâm linh sâu đậm và ám ảnh trong tàng thức dường như nơi đó tôi đã từng được Phật và Bồ-tát gia trì để có ngày này.
Tới cổng chùa Kim Liên, Cường ra hiệu cho người lái xe dừng lại. Tôi lặng lẽ vào chùa thắp nén tâm hương sám hối trước Tam bảo. Trong hương trầm lan tỏa, tôi không quên nhắc đến thằng Long người bạn cũ của tôi một thời lầm lỗi! Trải lòng trước Tam bảo, tôi hành trì nghi lễ khá lâu mà lòng vẫn cảm như còn thiếu điều gì. Trong hương trầm chánh niệm, tôi chiêu cảm về những thiếu sót tội lỗi…Phút quay ra, vừa đến hiên chùa thì bỗng gặp sư Thầy năm xưa. Thầy vẫn mặc chiếc áo cà-sa mầu đất bãi. Tay thầy run run cây gậy trúc mòn vẹt, từ nhà tổ chậm rãi bước ra. Măc dù sau gần năm mươi năm, sư thầy đã già đi nhiều lắm! Nhưng tôi vẫn nhận ra nét thuần thành nơi pháp thân của thầy. Tôi chạy ào tới quỳ xuống vội lạy sư thầy:
-Bạch thầy! Con về thăm quê, thăm sư thầy ạ!
Sư thầy ngạc nhiên dừng bước, miệng niệm danh hiệu Phật, đưa mắt nhìn tôi hồi lâu rồi bỗng nhiên điềm tĩnh thuần hậu:
-Con mới về hả! Có phải cậu Long không? Đã từ lâu thầy chiêu cảm điều này mà, đi xa về chắc là thấy khác xưa nhiều lắm nhỉ… Mấy bữa nay làm gì ở đâu? Cậu giận dỗi gì quê nghèo mà cả ngần ấy năm bây giờ mới về quê hả..!?
Nói rồi sư thầy chậm rãi kéo tôi ngồi xuống bên gốc nhãn cổ thụ năm nào. Sư thầy ngồi lặng im lâu lắm! Dường như hồi suy lại ký ức về lũ trò tinh nghịch như quỷ sứ chúng tôi, rồi thầy gọi Long (tên bạn) chứ đâu biết tên thật của tôi. Sự nhầm lẫn ấy có thể vì thời gian đã lâu. Nhưng trong tiềm thức và ánh mắt thầy, tôi và Long (người bạn cũ đã đi xa) chỉ là một. Với cánh tay run rẩy đưa lên, bỏ miếng bã trầu trong miệng, sư thầy nhân hậu nhìn tôi…Và tôi lặng lẽ nhìn gương mặt hiền như Bụt của sư thầy như nhìn vào một tấm gương sạch bụi của trần thế. Tôi cảm thấy sư thầy như một báu vật của Đức Từ Phụ đang hành đạo giữa thế gian này. Sự có mặt của sư thầy như làm vơi đi nỗi khổ trầm luân của kiếp người!
Với những mặc cảm tội lỗi… phải lâu lắm tôi mới dám thưa chuyện và hỏi sư thầy:
-Dạ, thầy còn nhớ chuyện hồi xưa của bọn con đã làm gì vô lễ nơi cửa chùa không? Trầm tĩnh nghĩ lại giây lát như tìm trong tàng thức, sư thầy mỉm cười:
-À…à… nhớ ra rồi, chuyện cậu Long trộm xôi chuối bữa ấy của chùa phải không?
Không giấu được xúc động và tội lỗi, tôi vội bạch thầy:
-Dạ, Long đã hy sinh ở chiến trường Đông Nam Bộ rồi thầy ạ ..!
-Thôi mà, chuyện đã lâu rồi con, nhắc lại làm chi! Đức Phật và Bồ-tát sẽ xá tội cho lũ trẻ các con. Chuyện bữa ấy ta biết cả rồi. Vâng, đúng như lời sư thầy nói. Tôi khép hờ đôi mắt, chánh niệm nhớ tới Long (người bạn cũ). Lòng thành thật cầu nguyện sám hối chư Phật, Bồ-tát về những chuyện quá khứ. Trong tĩnh lặng tôi suy ngẫm lời sư thầy:
“Con đã biết sợ…biết xấu hổ… và đã về chùa sám hối- hồi hường đức Phật! Đấy là giải thoát rồi! Cõi Phật, cõi tịnh độ chẳng đâu xa…Ở ngay chính lòng mình và ở đây, bây giờ mà con..!”
Đi qua những ngày đông buốt giá ở xứ người, dường như mùa xuân trong tôi của những trước đó chỉ là những ký ức nhạt nhòa. Để đến hôm nay tôi đã ngộ ra câu nói ấy của sư thầy và lòng bỗng thấy mùa xuân thật sự ấm áp trên đất mẹ quê hương sau những ngày viễn xứ.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Khai hội Di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc
Xuân Muôn Nơi 17:47 25/02/2024Lễ khai hội Di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) lần thứ VI - năm 2024, diễn ra hôm 23/2.
Hơn 12.000 người dự lễ cầu an tại chùa Viên Quang
Xuân Muôn Nơi 10:44 23/02/2024Tối 21/2, chùa Viên Quang (xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, Nghệ An) tổ chức lễ cầu quốc thái dân an Xuân Giáp Thìn 2024, hơn 12.000 người tham dự.
Lễ hội truyền thống làng Ngọc Trà - chùa Bồng Hinh
Xuân Muôn Nơi 12:29 21/02/2024Lễ hội truyền thống làng Ngọc Trà - chùa Bồng Hinh (xã Quảng Trung, H.Quảng Xương, Thanh Hóa) khai hội hôm 18/2.
Xuân thung dung
Xuân Muôn Nơi 19:15 20/02/2024Nắng vắt hiên Đông, đá mỉm cười/ Chừ Xuân năm mới ghé đây chơi/ Bộn bàng, chuyện cũ chôn hang hốc/ Xơ xác, cành khô nẩy tượt chồi...
Xem thêm