Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 07/11/2023, 09:34 AM

Làm chủ cuộc đời bằng thiểu dục và tri túc

Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Vực thẳm dễ lấp, nhưng túi tham khó đầy”. Thật đúng như thế, khi chúng ta bị lòng tham chế ngự thì không bao giờ biết đủ. Thánh Gandhi cũng dạy rằng: “Trong thế giới này có đủ các thứ để cho mọi người sử dụng, thế nhưng không đủ cho một người có lòng tham vô đáy”.

Điều đó có nghĩa là nếu không có tâm biết đủ thì dù chúng ta đầy đủ tất cả vật chất trong đời cũng không sao thỏa mãn lòng tham của mình.

Lão Tử trong “Đạo đức kinh” nhấn mạnh đức tính “tri túc bất nhục”. “Biết đủ”, tức biết vui ở những thứ mình đang có, không buông thả theo lòng ham muốn của con người, thường không bao giờ thoả mãn, cứ được cái này lại muốn cái khác. Không làm chủ được lòng ham muốn sẽ đi đến sự nhục nhã, nhục nhã vì thất bại do việc làm quá sức mình, tệ hại hơn, là nhục nhã vì lương tâm và xã hội lên án nếu làm trái với pháp luật. Lão Tử còn viết “tri chỉ bất dãi, khả dĩ trường cửu” nghĩa là biết dừng lại sẽ không nguy hại, có thể lâu bền. “Biết ngừng lại” tức là biết chế ngự dục vọng, không để sự ham muốn lôi cuốn mình, có thế mới vững bền cuộc sống.

Theo Đại tự điển Bách khoa toàn thư thì: “Tri túc là biết đủ, biết cái mức coi như là đủ, không để lòng ham muốn vượt quá mức đó”. Nhưng nếu muốn được “tri túc” thì đòi hỏi chúng ta phải biết “thiểu dục”. Thiểu dục là  là ít ham muốn với những gì mình chưa có. Như vậy, thiểu dục tri túc là ít muốn và biết đủ, bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình.

Cụ Nguyễn Công Trứ có câu: “Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc. Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?” - "Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ. Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?"

Tri túc là biết đủ, biết cái mức coi như là đủ, không để lòng ham muốn vượt quá mức đó”.

Tri túc là biết đủ, biết cái mức coi như là đủ, không để lòng ham muốn vượt quá mức đó”.

Ham muốn và đắm say năm dục là nguyên nhân của bất an và đau khổ

Người đời thường tham lam không biết chán 5 món ngũ dục, gồm:

- Tài: là tiền bạc, của cải (nhà cửa, ruộng vườn, vật dụng...)

- Sắc: là sắc đẹp (vật dụng, người đẹp, quần áo...)

- Danh: là địa vị, quyền chức, tiếng thơm

- Thực: là món ăn ngon, cao lương mỹ vị, rượu thịt tràn trề.

- Thùy: là chỉ chung sự ngủ nghỉ cho sướng thân.

“Này các Tỳ-kheo, năm phẩm chất của dục vốn đáng chê trách, mà mọi người tham đắm. Những gì là năm? Mắt nhận biết sắc, đáng ưa đáng thích, là cái mà con người tham đắm. Tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân biết xúc, đáng ưa đáng thích, mọi người tham đắm. Sa-môn Thích tử không tán đồng những thứ khoái lạc như vậy. Cũng như có người cố ý sát sanh, cho đó là khoái lạc. Sa-môn Thích tử không tán đồng khoái lạc như vậy. Cũng như có người trộm cắp, cho thế là khoái lạc. Sa-môn Thích tử không tán đồng những thứ khoái lạc như vậy. Cũng như có người phạm tịnh hạnh, cho thế là khoái lạc. Sa-môn Thích tử không tán đồng khoái lạc như vậy. Cũng như có người phóng đãng buông trôi, cho thế là lạc. Sa-môn Thích tử không tán đồng khoái lạc như vậy. Cũng như có người hành khổ hạnh bề ngoài, cho thế là khoái lạc. Sa-môn Thích tử không tán đồng khoái lạc như vậy.

(ĐTKVN, kinh Trường A hàm, kinh Thanh tịnh số 17)

 Muốn lợi tham danh trí rộn ràng

Ham tài đắm sắc táng thiên cang

Ham mùi phú quý thân lao khổ

Muốn cảnh lầu đài dạ xốn xang

Muốn miếng đỉnh chung đầy khổ não

Ham tên bia bảng lắm gian nan

Ham nhiều ruộng đất người người oán

Muốn tử tôn đa, lắm nghiệp oan!

(trích Tứ kệ Tĩnh tâm)

Câu chuyện về tác hại của sự tham muốn:

Có đôi vợ chồng ở dưới núi Phổ Đà làm nghề đốn củi, cuộc sống rất nghèo khó. Một hôm người chồng đào được ở dưới gốc cây một tượng La-hán bằng vàng! Gia đình ông trở nên sung túc giàu có.

Thế nhưng ông vẫn chưa thỏa mãn, suốt ngày cau có buồn bã, người vợ thấy vậy bèn hỏi: Bây giờ cái ăn, cái mặc chúng ta đã không thiếu lại có vườn tược tốt và nhà cao cửa rộng, sao trông ông lại còn buồn bã như vậy?

Người chồng bực tức quát: Bà là đàn bà biết gì chứ! Mười tám tượng La-hán mà tôi chỉ lấy được có một tượng mà thôi. Vậy mười bảy tượng La-hán còn lại được cất giấu ở đâu? Làm sao tôi có thể an tâm được chứ?

Người chồng tham lam cuối cùng sinh bệnh và chết với nỗi buồn đó.(Trích trong quyển Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Nếu không biết hài lòng với những gì mình đang có, chúng ta không có khả năng sống hạnh phúc trong hiện tại. Hãy quay về với hiện tại và biết bằng lòng với những gì mình đang có là pháp sống mang lại hạnh phúc đích thực!

Phương thức đối trị lòng ham muốn để được tri túc

Tổ Qui Sơn cũng nhắc lời Đức Phật trong Văn cảnh sách: “Bậc Đạo sư có dạy, khuyên gắng Tỳ kheo, nơi đạo sửa mình, ba thường (ăn, mặc, và ngủ nghỉ) chẳng đủ, người nhiều ham nó, say mê chẳng dứt, ngày qua tháng lại, phút chốc bạc đầu…”

Trong kinh Bát Đại Nhân Giác có dạy: “Đa dục vi khổ, sanh tử bì lao, tùng tham dục khởi, thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại”, nghĩa là Đa dục là khổ, sinh tử nhọc nhằn, do tham dục khởi, thiểu dục vô vi (3), thân tâm tự tại.

Phải nghĩ đến ngọn lửa vô thường thiêu đốt thế gian thì lòng ham muốn mong cầu được lắng dịu.

Đức Phật từng dạy trong kinh Di Giáo: “Tỳ kheo các ông phải biết người đa dục vì cầu lợi nhiều nên khổ não cũng nhiều, người thiểu dục không ham muốn thì không khổ não”. Người thiểu dục thì không dua nịnh để vừa ý người, cũng không bị các căn dẫn dắt. Người tu hạnh thiểu dục, tâm được thản nhiên không sự lo sợ, gặp việc có dư, thường không thiếu thốn. Người có thiểu dục thì có Niết bàn, ấy là công đức thiểu dục”.

Đức Phật dạy tiếp: “Tỳ kheo các ông nếu muốn khỏi các khổ não phải quán tri túc, vì pháp tri túc tức là chỗ giàu có, vui vẻ và an ổn. Người tri túc, tuy nằm dưới đất cũng được an vui. Người không tri túc dầu ở thiên đường cũng không xứng ý. Người không tri túc tuy giàu mà nghèo, người biết tri túc tuy nghèo mà giàu. Người không tri túc thường bị ngũ dục sai khiến, bị người tri túc thương xót, ấy là công đức tri túc”.

Lợi ích của hạnh tri túc

- Đối với bản thân: cảm thấy an lạc, không lo lắng, thất vọng, không phạm giới, tổn phước.

- Đối với người xung quanh: không xâm phạm quyền lợi người khác, xây dựng được tình thân ái, cuộc sống hòa bình.

- Đối với môi trường tự nhiên: không tàn phá, không làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn được hệ sinh thái cân bằng.

Câu chuyện “hạnh phúc ngay ở chỗ ta với hiện tại đầy đủ”:

Chuyện kể đời xưa có ông vua nọ ham hố tràn bờ, ông cứ đem quân chinh phục nơi này xứ nọ gom về vàng bạc châu báu, lấy đó làm cái ham mê tuyệt vời, bao nhiêu kho tàng vàng bạc kho báu, ông vẫn hằng mở kho ngắm nhìn, vì cứ sợ ai đó cướp lấy. Đời ông hoàn toàn biến mình cho nỗi ham hố bao la như cánh dơi định mệnh phủ suống. Ông sống trong nỗi bất an vì cứ nghĩ còn bao châu báu ở mọi chân trời mà mình nổ lực xông pha đem về, gom về rồi cứ lo sợ bị cướp mất thình lình. Đời ông chưa bao giờ thấy được đâu là cái bình yên thanh thản. Sau đó, ông cử một tốp quan quân đi chinh phục, kiếm tìm hạnh phúc thanh thản cho ông. Đám quan quân ấy ruỗi ngựa tìm khắp nhân gian hạnh phúc mà ông đang muốn gom về.

Lần nọ, đám quan quân ấy đi qua cánh đồng, thấy một nông dân kia cày bừa mồ hôi nhuể nhại dưới nắng gắt, anh ta mặc cái áo tám lỗ rách bươm, cày xong, anh thả trâu ra, gồi bên gốc cây hóng gió hút thuốc, uống nước nhìn trời mây, nghe chim hót lấy làm khoái chí, tâm hồn bình yên như nắng vàng bình trị, có vẻ không chút gì đắn đo lo lắng, suy nghĩ lao lung.

Đám quan ghé lại hỏi: Ông thấy hạnh phúc sung sướng bao giờ chăng? Ông đáp rằng ông sống đầy đủ với mấy mẩu ruộng, cày bừa, cấy hái, không có gì lo toan, nghĩ ngợi tìm kiếm món gì cả, nên thấy bằng lòng bình yên thanh thản. Đám quan kết luận, như vậy là anh có hạnh phúc. Người nông dân gật đầu, hỏng chừng cái bình yên ấy là hạnh phúc. Cuối cùng họ cùng kết luận dứt điểm ấy là hạnh phúc của một đời sống bình yên. Đám quan quân nọ trở về triều tâu vua là đã  tìm thấy người có hạnh phúc.

Nhà vua hỏi, đám quan tường thuật lại đời sống lao động của anh nông dân này. Họ bảo thấy anh chàng mặc cái áo tám lỗ rách rưới, họ kết luận cái áo ấy đem lại hạnh phúc cho người nông dân kia. Nhà vua bảo đi mượn ngay cái áo đó. Nhà vua mặc vào áo ấy nhưng thấy hôi hám tìm nghe mà không thấy hạnh phúc đâu cả, rồi ra lệnh bắt anh nông phu vào triều. Anh ta cứ tuần tự thưa vua về sự sinh hoạt của mình và kết luận là chính vì không lo toan tìm kiếm cái gì khác ở bất cứ đâu nên anh ta thấy bình yên tâm hồn như trời đất chung quanh.

Nhà vua bùng tỉnh ra, chính hạnh phúc ngay ở chỗ ta với hiện tại đầy đủ, chứ không phải là chạy tìm nó ở đâu đâu. Nhà vua thưởng cho anh nông dân mớ vàng bạc, anh này từ chối, bảo: Con lấy về thì lòng con lại nổi lên bao lo sợ, ăn cướp biết, chúng đến cắt họng con. Con sống với căn nhà tầm thường khỏi đóng bây lâu nay, tối ngủ không  phải lo ngại cái gì, cứ bình yên mà sống với mái gia đình như thế. Từ đó nhà vua tỉnh ngộ, giải trừ lần hồi cái ham hố cứ dày vò tâm hồn, hành động ông bấy lâu, ông thấy hạnh phúc từ chỗ bình yên sâu lắng của tâm hồn.

Không HAM chẳng MUỐN có chi phiền

Chẳng MUỐN không HAM thế mới tiên

Chẳng MUỐN lửa lòng đều diệt sạch

Không HAM vật chất hết tiền khiên

Không HAM tước vị đời tự tại

Chẳng MUỐN quyền oai bậc đại hiền

Chẳng MUỐN sắc tài thân vĩnh viễn

Không HAM khoái lạc sống trường miên.

Không HAM chẳng MUỐN dứt ưu phiền

Chẳng MUỐN tình đời đứng bậc tiên

Chẳng MUỐN lợi danh xa khổ não

Không HAM vật chất hết tiền khiên

Không HAM phú quý hàng tri kỷ

Chẳng MUỐN công hầu bậc Thánh Tiên

Chẳng MUỐN cõi trần tu giải thoát

Không HAM tửu sắc sống trường thiên.

(trích Tứ kệ Tĩnh tâm)

Kết luận

Nếu chúng ta không hệ lụy vào vật chất thì chúng ta sẽ được cái cảm giác nhẹ nhàng, khoan khoái, tâm hồn thư thái, không lo âu muộn phiền những việc đã qua và mong cầu ở tương lai. Sống biết đủ cũng là cách sống yêu thương, san sẻ mình vì mọi người. Khi tham muốn thôi thúc, ta không có tinh thần vị tha đích thực, đơn giản vì ta không thể chia sẻ điều mình ước muốn cho người khác. Ở đâu có tham muốn, ở đó có ích kỷ. Ở đâu không có tham muốn ở đó có vị tha. Với tâm tham muốn ích kỷ, hẳn nhiên chúng ta sẽ vướng mắc hệ lụy và gây ra khổ đau cho mình và mọi người. Với tâm hài lòng biết đủ thì chúng ta đang trải nghiệm hạnh phúc trong hiện tại và tương lai.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Người tu quý trọng đạo đức

Kiến thức 16:00 04/05/2024

Tất cả Tăng Ni cần ý thức được việc bổn phận của mình, đó là phải cố gắng tu và xả bỏ cái ngã riêng tư cùng những hư danh hão huyền, để đạt được đạo chân thật mới là cứu cánh. Đừng mắc kẹt vào những cái nhỏ mà quên mất việc lớn, uổng một đời tu của mình.

Tinh tấn siêng năng được an lạc hạnh phúc

Kiến thức 13:45 04/05/2024

Khi nói tinh tấn là nói sự nỗ lực siêng năng cần cù cố gắng hướng thiện, hướng thượng chân chánh thành tựu định lực trí tuệ từ bi giác ngộ, rồi tận tâm giáo hóa cứu giúp chúng sanh vượt thoát khổ đau trong sáu nẻo luân hồi.

Còn hiện hữu là còn Khổ

Kiến thức 12:00 04/05/2024

Mục đích của sự tu tập theo đạo Phật là để chấm dứt luân hồi tái sinh, chấm dứt sự hiện hữu dù bất cứ ở đâu dưới mọi hình thức nào, gọi là Vô dư Niết-bàn, có nghĩa là không còn bất kỳ một lộ trình tâm nào nữa.

Đức Thế Tôn và hạnh vô úy

Kiến thức 07:56 04/05/2024

Cuộc sống vốn có những mối quan hệ chằng chịt, đan chéo lẫn nhau. Sự tương tác ấy đã tác động đến mọi lãnh vực của cuộc sống xã hội, từ lối sống cho đến văn hóa…mà kinh, sách lại là những sản phẩm, gia tài văn hóa của các bậc tiền nhân đã lưu lại.

Xem thêm