Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 28/02/2022, 17:46 PM

Lắng nghe sâu vì hòa bình

Khi một nước tấn công một nước khác, điều này có nghĩa là nỗi sợ hãi đã vượt quá giới hạn và cũng là vô minh của tập thể. Khi nhìn sâu, ta biết rằng hạnh phúc không đến từ việc sở hữu một ai đó hay bất cứ thứ gì, mà hạnh phúc đến từ sự tử tế, giúp người bớt khổ.

Khi bị cuốn đi bởi nỗi sợ hãi và định kiến, chúng ta không thể lắng nghe người khác. Chúng ta không thể chỉ mang hai bên đến cạnh nhau để bàn về hòa bình khi họ vẫn còn đầy giận dữ, thù hận và tổn thương - Ảnh: Làng Mai

Khi bị cuốn đi bởi nỗi sợ hãi và định kiến, chúng ta không thể lắng nghe người khác. Chúng ta không thể chỉ mang hai bên đến cạnh nhau để bàn về hòa bình khi họ vẫn còn đầy giận dữ, thù hận và tổn thương - Ảnh: Làng Mai

Không có việc lắng nghe sâu và những lời ái ngữ thì rất khó hướng tới sự hòa bình. Hòa bình chỉ trở thành sự thật khi các nhà lãnh đạo thế giới tụ họp trong những buổi thương thuyết mà có khả năng lắng nghe gốc rễ của các tổn thương, đau khổ của tất cả những xung đột. Vườn thiền theo truyền thống Việt Nam rất khác so với vườn thiền Nhật Bản.

Vườn thiền của chúng tôi được gọi là Hòn non bộ. Hòn non bộ mang tính chất hoang dã và xum xuê, tươi tắn hơn là vườn thiền mang tính chất khuôn khổ của Nhật. Vườn thiền của Việt Nam rất là dân dã. Đối với chúng tôi, toàn thể thế giới đều nằm gọn trong vườn thiền bình yên này. Tất cả những hoạt động của đời sống hiển bày thực sự yên bình trong đó: có một khu dành cho trẻ em đùa vui, một phần khác dành cho những người cao tuổi chơi cờ, đôi lứa đang dạo quanh, các con vật có thể tự do rong chơi. Những cái cây xinh xắn được trồng cạnh bên rất nhiều cỏ và hoa. Có nước chảy, những tạo hình của đá sỏi. Tất cả hệ sinh thái được trình bày một cách không phân biệt dưới dạng thu nhỏ, một tự nhiên thu nhỏ, một thế giới rất là bình yên. Đó là một sự ẩn dụ của sự sống tươi đẹp mà nền đạo đức mới toàn cầu có thể mang lại.

Khi ta nhìn sâu vào các cuộc chiến trong lịch sử gần đây, chúng ta phải chuyển hóa thù hận và hiểu lầm thành lòng từ bi. Chúng ta phải thấy được rằng những người đã khiến chúng ta đau khổ cũng là nạn nhân

Khi ta nhìn sâu vào các cuộc chiến trong lịch sử gần đây, chúng ta phải chuyển hóa thù hận và hiểu lầm thành lòng từ bi. Chúng ta phải thấy được rằng những người đã khiến chúng ta đau khổ cũng là nạn nhân

Chiến tranh không cần thiết cho cuộc sống. Gốc rễ của mọi cuộc chiến cũng như tất cả các xung đột chính là vô minh, vô minh về tự tánh tốt đẹp - Phật tánh - trong mỗi con người. Sự vô minh này luôn tiềm ẩn trong tất cả chúng ta, gây nên sự hiểu nhầm, dẫn đến những suy nghĩ cũng như hành vi bạo động. Mặc dù có thể vô minh và bạo động chưa biểu hiện trong cuộc sống của bạn nhưng khi đủ điều kiện, chúng sẽ xuất hiện. Đó chính là lý do tại sao tất cả chúng ta phải hết sức thận trọng để không tưới tẩm những hạt giống của bạo động, của vô minh, không để chúng sinh sôi phát triển.

Gốc rễ của chiến tranh

Khi một nước tấn công một nước khác, điều này có nghĩa là nỗi sợ hãi đã vượt quá giới hạn và cũng là vô minh của tập thể. Chẳng hạn ta có thể thấy rằng Pháp tấn công Việt Nam và biến Việt Nam thành thuộc địa của họ, vì họ nghĩ rằng nếu họ sở hữu được Việt Nam họ sẽ hạnh phúc. Vì vậy họ đã cho rất nhiều người trẻ đến Việt Nam để giết và bị giết. Khi nhìn sâu, ta biết rằng hạnh phúc không đến từ việc sở hữu một ai đó hay bất cứ thứ gì, mà hạnh phúc đến từ sự tử tế, lòng từ bi, từ việc giúp người bớt khổ.

Nếu tất cả người dân Hoa Kỳ cùng ngồi lại và nhìn sâu sắc, họ sẽ thấy rằng chiến tranh Việt Nam là hoàn toàn không cần thiết, cũng như họ sẽ thấy đời sống của họ không thể được cải thiện tốt hơn thông qua việc làm tổn thương nước khác hay tổn thương những người trẻ nơi nước của họ. Nước Mỹ đã tổn hại, phí phạm một cách vô tri nhiều sinh mạng trong cuộc chiến này; trong khi đó, với ngần ấy nguồn lực, đã có thể hỗ trợ cải thiện xã hội rất nhiều, cho nước họ đã làm tổn thương và cũng như bản thân nước họ. Và việc này thông thái hơn rất nhiều so với việc làm tổn thương, hiểu nhầm và đối đầu lẫu nhau. Nếu các nước Mỹ, Pháp có thể tôn trọng quyền tự trị của Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan, trợ giúp các nước này phát triển thay vì gây ra những cuộc chiến thì tất cả các bên đều đã được hưởng lợi trong mối quan hệ bạn bè thân thiện. Sau một thời gian dài đau khổ, thương tổn, những nước này đã tiến đến chiều hướng như vậy, nhưng điều này đã có thể xảy ra sớm hơn rất nhiều và không cần phải hy sinh nhiều mạng sống như vậy.

Tất cả sự bạo động đều bất công. Chúng ta không nên áp đặt sự bất công đó lên bản thân mình và người khác. Những nhà lịch sử, giáo viên cũng như các chính trị gia nên nhìn sâu vào những đau khổ gây ra bởi chiến tranh chứ không chỉ là những biện minh từ các chính phủ về chúng. Chúng ta phải dạy con cháu mình sự thực về chiến tranh để chúng có thể học từ những kinh nghiệm của ta và hiểu rằng bạo động và chiến tranh là không đúng và không lặp lại những điều không đúng này. Ta phải cho bọn trẻ thấy được rằng tất cả các bên trong những cuộc chiến đều là nạn nhân của vô minh và bạo động cắm rễ sâu từ trong xã hội và chính phủ của họ. Hãy nhớ rằng, cho đến cuối cùng không có bên nào là chiến thắng cả.

Ngay khi chúng ta cho phép sự thù ghét phát triển trong chúng ta, chúng ta sẽ tiếp tục làm cho bản thân và người khác. Khi ta nhìn sâu vào các cuộc chiến trong lịch sử gần đây, chúng ta phải chuyển hóa thù hận và hiểu lầm thành lòng từ bi. Chúng ta phải thấy được rằng những người đã khiến chúng ta đau khổ cũng là nạn nhân.

Với tư cách là những cá nhân, chúng ta làm thế nào để có thể gây ảnh hưởng đến ý thức tập thể quốc gia của mình và hướng đến hòa bình? Chúng ta làm điều này bằng cách nhổ tận gốc rễ của sự bạo động và chiến tranh trong chính chúng ta. Để ngăn ngừa chiến tranh, chúng ta phải vun trồng sự không bạo động. Chúng ta thực hành chánh niệm trong đời sống hàng ngày và do đó chúng ta có thể nhận biết và chuyển hóa những độc tố bên trong chúng ta cũng như là của quốc gia của mình. Khi chúng ta thực tập sự không bạo động trong đời sống hằng ngày, chúng ta sẽ thấy được những tác dụng tích cực lên trên gia đình, xã hội và chính phủ nước nhà.

Hòa bình là điều có thể

Vào mùa hè năm 2001, trong cộng đồng của chúng tôi ở Làng Mai, Pháp, khoảng tám trăm người đã đến và thực tập cùng chúng tôi. Trong số đó có vài chục người Palestine và Israel. Chúng tôi tài trợ cho những người này, hy vọng họ có thể có cơ hội thực hành thiền đi bộ cùng nhau, chia sẻ bữa ăn cùng nhau, lắng nghe những lời dạy thực hành chánh niệm và học cách lắng nghe sâu sắc và nói lời ái ngữ nhẹ nhàng, yêu thương. Những người Israel và Palestine này đã dành hai tuần với chúng tôi, tham gia vào tất cả các hoạt động.

Vào cuối khóa tu, cả cộng đồng đã tập trung lại, các thiền sinh đứng lên bày tỏ. Chỉ sau hai tuần thực tập, họ đã chuyển hóa rất sâu sắc. Họ đã trở thành một cộng đồng của những người anh chị em, người Palestine và người Israel. Họ nói với chúng tôi, cộng đồng thân mến, thưa thầy Thích Nhất Hạnh, khi chúng tôi lần đầu tiên đến Làng Mai, chúng tôi không thể tin được. Làng Mai trông không thật với chúng tôi vì nó rất yên bình. Ở Làng Mai, chúng tôi không cảm thấy giận dữ, căng thẳng và sợ hãi những thứ mà chúng tôi cảm thấy liên tục ở Trung Đông. Mọi người nhìn nhau bằng ánh mắt ân cần, họ nói với nhau một cách yêu thương. Thực sự hòa bình, có truyền thông và có tình anh chị em. Một thành viên trong phái đoàn cho biết: “Chúng tôi đã trải qua hai tuần ở thiên đường”. Một người khác viết thư cho tôi sau khi anh ấy trở về nhà và nói: “Đây là lần đầu tiên tôi đã tin rằng hòa bình là điều có thể ở Trung Đông”.

Những người Palestine và Israel cùng tham dự khóa tu thiền Chánh niệm tại Đạo tràng Mai Thôn - Pháp năm 2001, đã vượt qua các định kiến, cùng thiền hành, kiến tạo không khí hòa bình, đầy cảm thông con người - Ảnh: Làng Mai

Những người Palestine và Israel cùng tham dự khóa tu thiền Chánh niệm tại Đạo tràng Mai Thôn - Pháp năm 2001, đã vượt qua các định kiến, cùng thiền hành, kiến tạo không khí hòa bình, đầy cảm thông con người - Ảnh: Làng Mai

Chúng tôi đã làm gì để khiến cho họ cảm nhận sự an lành và hòa bình có thể thực sự đối với họ? Thành thật mà nói, chúng tôi đã không làm gì nhiều cả. Chúng tôi chỉ xem những người bạn từ Trung Đông như anh chị em. Họ học cách thiền hành, hít vào và thở ra với chúng tôi, dừng lại và an trú trong giây phút hiện tại với chúng tôi, và tiếp xúc với những gì dễ chịu, nuôi dưỡng và chữa lành những đau khổ xung quanh họ và trong chính họ. Việc thực hành rất đơn giản, nhưng được hỗ trợ bởi một Tăng thân có thực tập, và do đó họ có thể thành công nhanh hơn là tự mình thực tập và họ chạm được vào sự bình yên và hạnh phúc trong mỗi người.

Tất cả chúng tôi cùng nhau tuân theo sự thực tập căn bản: làm mọi thứ một cách chánh niệm. Chúng tôi an trú vững chãi ở đây và bây giờ để có thể chạm vào sự sống sâu sắc. Chúng tôi thực tập chánh niệm trong khi chúng tôi thở, đi đứng, nói chuyện, đánh răng, chuẩn bị bữa ăn và rửa chén. Đó là những sự thực hành hàng ngày cơ bản mà bạn bè của chúng tôi đã học. Chúng tôi trong Tăng thân hiến tặng cho họ sự trợ lực bằng việc ngồi cùng nhau và thực hành lắng nghe với lòng từ bi.

Chúng tôi đã hướng dẫn họ nói theo cách mà phía bên kia có thể lắng nghe, hiểu và chấp nhận. Họ nói một cách điềm tĩnh, không lên án, không phán xét ai. Họ nói với phía bên kia về tất cả những đau khổ đã xảy ra với họ, con cái họ, cho xã hội của họ. Tất cả họ đã có cơ hội để nói về nỗi sợ hãi, giận dữ, thù hận và tuyệt vọng của mình. Nhiều người cảm thấy lần đầu tiên họ được lắng nghe và họ được thấu hiểu, điều này đã giải tỏa rất nhiều đau khổ trong họ. Chúng tôi lắng nghe sâu sắc, mở rộng trái tim với ý định giúp họ trình bày và tự chữa lành vết thương.

Hai tuần thực tập việc lắng nghe sâu sắc và sử dụng lời nói yêu thương đã mang lại rất nhiều niềm vui cho những người tham dự và cho tất cả chúng tôi ở Làng Mai.

Trước khi quay về, những người bạn Trung Đông đã hứa với chúng tôi rằng họ sẽ tiếp tục thực tập. Họ nói với chúng tôi rằng ở cấp địa phương, họ sẽ tổ chức các buổi gặp nhau hàng tuần để họ có thể tiếp tục đi bộ cùng nhau, ngồi và thở cùng nhau, chia sẻ bữa ăn cùng nhau và lắng nghe nhau. Mỗi tháng họ dành một lần để làm điều này. Họ thực hành hòa bình thực sự ngay cả giữa chiến tranh.

Đàm phán hòa bình thực sự

Khi bạn đến bất kỳ cuộc đàm phán nào, cho dù tại công sở hoặc trong một buổi gặp gỡ với cha mẹ, giáo viên hoặc hàng xóm, bạn phải có hy vọng cho hòa bình. Khi đại diện của bạn đi đến một bàn đàm phán, họ phải hy vọng cho hòa bình. Nhưng nếu bạn và họ không làm chủ được nghệ thuật lắng nghe sâu sắc và lời nói ái ngữ yêu thương, thì rất khó để tiến tới hòa bình trong mọi tình huống hoặc để có được kết quả cụ thể. Nếu chúng ta không chuyển hóa được khối sầu khổ, thù ghét, giận dữ và sợ hãi trong tâm mình, nó sẽ ngăn chúng ta nói cho nghe, để hiểu nhau và thiết lập hòa bình.

Tôi mong các quốc gia và chính phủ muốn mang lại hòa bình cho Trung Đông và các quốc gia khác hãy chú ý đến thực tế này. Chúng ta cần chính phủ của mình tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình để chúng thực sự có kết quả. Một yếu tố rất quan trọng để thành công là tạo ra một môi trường, một nơi mà sự truyền thông thực sự có thể diễn ra, nơi có thể lắng nghe sâu sắc và nói những lời nói nhẹ nhàng, yêu thương. Có thể mất một hoặc hai tháng chỉ để mọi người học cách lắng nghe nhau, nói chuyện để phía bên kia có thể lắng nghe và thấu hiểu. Điều quan trọng là đừng vội vàng đưa ra kết luận hoặc thỏa thuận về những gì cần làm cho hòa bình. Một hoặc hai tháng không là gì so với nhiều năm trường đớn đau, sầu khổ. Nhưng nếu chúng ta có một quyết tâm cao, thì năm ngày có thể đủ để khôi phục truyền thông giữa mọi người. Hai tuần là đủ để những người Palestine và Israel bắt đầu hiểu và chấp nhận nhau như anh chị em, để bắt đầu thực tập và thiết lập hòa bình. Hai tuần là đủ để họ có hy vọng.

Từ lâu, các hội nghị hòa bình là nơi mọi người đến và chiến đấu với nhau, không phải bằng vũ khí mà bằng nỗi sợ hãi của họ. Khi chúng ta bị cuốn đi bởi nỗi sợ hãi và định kiến, chúng ta không thể lắng nghe người khác. Chúng ta không thể chỉ mang hai bên đến cạnh nhau để bàn về hòa bình khi họ vẫn còn đầy giận dữ, thù hận và tổn thương. Nếu bạn không thể nhận ra nỗi sợ hãi và tức giận của mình, nếu bạn không biết cách làm dịu chính mình, làm thế nào bạn có thể ngồi vào bàn hòa bình với kẻ thù? Đối mặt với kẻ thù của bạn trên bàn, bạn sẽ chỉ tiếp tục chiến đấu. Không thể hiểu chính mình, bạn sẽ chỉ tiếp tục chiến đấu. Không thể hiểu chính mình, bạn sẽ không thể hiểu người khác.

Bí quyết tạo ra hòa bình là khi bạn lắng nghe một ai đó, bạn chỉ có một mục đích duy nhất: giúp cho người đó có một cơ hội để dọn dẹp gọn gàng tim họ. Nếu bạn có thể giữ cho sự tỉnh thức và lòng từ bi tồn tại trong bạn, bạn có thể ngồi trong một giờ và lắng nghe ngay cả khi người khác nói những lời nói chứa nhiều nhận thức sai lầm, lên án và cay nghiệt. Bạn có thể tiếp tục lắng nghe bởi vì bạn đã được bảo vệ bởi mật ngọt của lòng từ bi trong trái tim của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn không tập thở chánh niệm để giữ cho lòng từ bi đó tồn tại, bạn có thể đánh mất sự bình yên của chính mình. Kích động và tức giận sẽ xuất hiện, và người khác sẽ nhận thấy và sẽ không thể tiếp tục. Duy trì sự tỉnh thức của bạn cũng đồng nghĩa giữ cho bạn an toàn.

Các hội nghị hòa bình phải tạo ra môi trường có thể giúp mọi người điềm tĩnh và thấy rằng họ đang đau khổ và phía bên kia cũng đang đau khổ. Nhiều nhà lãnh đạo đã cố gắng tài trợ cho các cuộc nói chuyện và thảo luận, nhưng đây không phải là cách thực tập. Họ đã không thực tập để chuyển hóa tức giận và sợ hãi thành sự lắng nghe sâu và những lời ái ngữ. Khi các nhà lãnh đạo có thực tập, sẽ có cơ hội hòa giải thực sự. Sau khi thực tập lắng nghe sâu sắc và lời nói ái ngữ yêu thương đã làm tan biến cay đắng, sợ hãi và định kiến, mọi người có thể bắt đầu truyền thông với nhau. Sau đó hòa bình sẽ đạt được dễ dàng hơn nhiều. Hòa bình sẽ trở thành hiện thực.

Thực tập hòa bình là có thể thực tập với mỗi bước chân, với mỗi hơi thở. Chúng ta có thể cùng nhau thực tập, mang lại hy vọng và lòng từ bi vào cuộc sống hàng ngày, vào cuộc sống của gia đình, cộng đồng, quốc gia và thế giới

Thực tập hòa bình là có thể thực tập với mỗi bước chân, với mỗi hơi thở. Chúng ta có thể cùng nhau thực tập, mang lại hy vọng và lòng từ bi vào cuộc sống hàng ngày, vào cuộc sống của gia đình, cộng đồng, quốc gia và thế giới

Thực tập lắng nghe sâu sắc với những quốc gia khác

Nếu nước Mỹ đầu tư tất cả trái tim và tâm trí của mình vào sự thực tập này, thì những người khác cũng sẽ có thể nói lên sự đau khổ của họ. Nếu nước Mỹ quay trở lại với chính mình và khôi phục tinh thần của những thế hệ đi trước, nước Mỹ sẽ thực sự tuyệt vời. Sau đó, Hoa Kỳ sẽ ở một vị trí để giúp các quốc gia khác thành lập các diễn đàn tương tự, để mời các nhóm và quốc gia khác bày tỏ những khó khăn, đau khổ của mình.

Môi trường đàm phán phải được thiết lập sao cho các bên cảm nhận được sự an toàn và yêu thương. Các quốc gia từ khắp nơi trên thế giới có thể đến với nhau không phải là kẻ thù ném bom và hủy diệt lẫn nhau mà là những người có trí tuệ trong các phiên lắng nghe sâu sắc. Tất cả các quốc gia có thể đến và giúp thực tập; những người từ các nền văn hóa và nền văn minh khác nhau sẽ có cơ hội nói chuyện với nhau như những người đồng loại sống cùng một hành tinh. Ngoài những chính trị gia hoặc những người có đầu óc chính trị, cũng phải nên có những người theo chủ nghĩa nhân văn, những người hiểu được nỗi khổ của người khác, những người biết cách ngồi và lắng nghe một cách điềm tĩnh, với lòng từ bi. Những người này sẽ biết cách tạo ra bầu không khí hòa bình mà không sợ hãi để những người khác có thể có cơ hội, cảm hứng và mong muốn được nói. Chúng ta phải kiên nhẫn. Quá trình tìm hiểu những đau khổ của người khác đương nhiên sẽ tiêu tốn thời gian.

Nếu một diễn đàn quốc tế như vậy được phát sóng trên toàn thế giới, mọi người đều có thể tham gia và có cơ hội tìm hiểu về nguyên nhân của sự đau khổ. Những chân lý cao quý thứ nhất và thứ hai của Đức Phật, nhận thức về đau khổ và nhận thức về nguyên nhân của đau khổ, có thể được thực hành cùng nhau bởi hàng tỷ người.

Chân lý cao quý thứ nhất và thứ hai sẽ đưa chúng ta đến chân lý cao quý thứ ba và thứ tư; cụ thể là nhận thức rằng có một con đường thoát khỏi đau khổ và con đường đó bao gồm một số bước cụ thể, như hiểu biết đúng, suy nghĩ đúng, nói năng đúng và hành động đúng.

Thiết lập hòa bình thế giới

Liều thuốc cho bạo động và thù hận chính là lòng từ bi. Không có phương thuốc khác. Thật không may, lòng từ bi không có bán trong các nhà thuốc. Bạn phải tạo ra mật ngọt của lòng từ bi trong trái tim bạn. Giáo lý của Đức Phật cho chúng ta phương tiện để tạo ra năng lượng từ bi. Nếu chúng ta quá bận rộn, nếu chúng ta bị các dự án, sự vô định, dục vọng của chúng ta cuốn đi mỗi ngày thì thử hỏi làm thế nào chúng ta có thể dừng lại và nhìn sâu vào tình cảnh của chính mình, của người mình thương, của gia đình mình, của quốc gia mình và các quốc gia khác? Khi nhìn sâu, chúng ta thấy rằng không chỉ mình chúng ta đau khổ mà cả người khác cũng phải chịu đựng sâu sắc. Không chỉ nhóm của chúng ta đau khổ mà cả nhóm người khác cũng vậy. Một khi sự tỉnh thức được thiết lập, chúng ta biết rằng hình phạt, bạo động và chiến tranh không phải là câu trả lời.

Người muốn trừng phạt thì bản thân họ là nơi trú ẩn của bạo động. Người chịu đựng sự đau khổ của người khác cũng là nơi trú ẩn của năng lượng bạo động. Bạo động không thể kết thúc bằng bạo động. Đức Phật nói rằng đáp lại hận thù bằng hận thù chỉ có thể làm tăng thù hận gấp ngàn lần. Chỉ bằng cách đáp lại hận thù bằng lòng từ bi, chúng ta mới có thể hóa giải hận thù.

Tương lai là một ý niệm. Tương lai được tạo thành bởi duy nhất một chất liệu, đó chính là hiện tại. Nếu bạn đang chăm sóc thật tốt cho phút giây hiện tại, tại sao bạn phải lo lắng về tương lai? Bằng cách quan tâm đến hiện tại, bạn đang làm mọi thứ có thể để đảm bảo một tương lai tốt đẹp. Bạn có thể làm gì khác không? Ta phải sống theo một cách mà bình yên và vui vẻ có mặt ngay bây giờ và ở đây. An trú hạnh phúc và bình yên hiện tại là điều tốt nhất chúng ta có thể làm để đảm bảo hòa bình và hạnh phúc trong tương lai.

Chúng ta, cũng như một quốc gia, phải cùng nhau thực tập nhìn sâu nếu muốn thoát khỏi tình trạng khó khăn này của chiến tranh và khủng bố. Sự thực tập của chúng ta sẽ giúp các quốc gia khác thực tập. Tôi chắc chắn rằng nước Mỹ có nhiều khả năng trừng phạt. Hoa Kỳ có thể bỏ bom; cả thế giới đều biết Hoa Kỳ rất có khả năng làm điều đó. Nhưng nước Mỹ thật tuyệt vời khi hành động với sự sáng suốt và lòng từ bi. Tôi mong rằng khi chúng ta đau khổ, khi chúng ta đi qua cú sốc, chúng ta không nên làm gì cả, chúng ta không nên nói bất cứ điều gì. Chúng ta nên trở về nhà và tập thở và đi bộ chánh niệm để cho phép bản thân điềm tĩnh và thiết lập sự tỉnh thức, để chúng ta có thể hiểu được gốc rễ thực sự của sự đau khổ và cũng như đau khổ của thế giới. Chỉ với sự hiểu biết đó, lòng từ bi mới có thể phát sinh. Nước Mỹ có thể là một quốc gia tuyệt vời nếu biết hành động với lòng từ bi thay vì trừng phạt. Chúng ta có thể tạo dựng hòa bình. Chúng ta có thể cung cấp những sự chuyển hóa và chữa lành.

Mong muốn sâu sắc của tôi là người dân Mỹ và cư dân các quốc gia khác trở thành đồng minh tâm linh và cùng nhau thực tập từ bi. Không có chiều kích và sự thực tập về mặt tâm linh, chúng ta không thể thực sự cải thiện tình hình thế giới. Chúng ta có thể đến với nhau như một gia đình để nhìn sâu vào tình cảnh của chính chúng ta và tình hình của thế giới.

Thực tập hòa bình là có thể thực tập với mỗi bước chân, với mỗi hơi thở. Chúng ta có thể cùng nhau thực tập, mang lại hy vọng và lòng từ bi vào cuộc sống hàng ngày, vào cuộc sống của gia đình, cộng đồng, quốc gia và thế giới.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Đi về phía an lạc hạnh phúc

Kiến thức 09:20 05/11/2024

Kinh Trường bộ ghi: Đường này đến an lạc giải thoát Niết bàn, chấm dứt khổ đau; Đường kia đến ưu phiền não loạn khổ đau trong sinh tử luân hồi, các người muốn đi đường nào?

Muốn mau lành bệnh

Kiến thức 07:03 05/11/2024

Ai cũng biết Đức Phật ngoài mười hiệu tôn quý còn được xưng tán là Y vương, bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh của chúng sanh. Không chỉ chữa trị tâm bệnh, Đức Phật còn là một vị thầy thuốc đúng nghĩa chữa trị cả thân bệnh nữa.

Hãy từ bỏ những nghề tạo ra ác nghiệp

Kiến thức 19:30 04/11/2024

Trong cuộc sống, mỗi người có một công việc, một nghề nghiệp riêng. Xét về phương diện tác nghiệp thì những nghề như đồ tể, đao phủ là những nghề tạo ra ác nghiệp, không có lợi ích cho tự thân ở đời này và đời sau.

Cách sám hối ngắn gọn súc tích Phật tử nên biết

Kiến thức 13:30 04/11/2024

Phương pháp đọc các bài sám hối, để gọi là đọc đúng, đó là không quá chú trọng việc đọc, mà tập trung vào việc hiểu. Đọc chậm cũng được, đọc vấp cũng được, đọc đi đọc lại một câu, một đoạn cũng được....cốt yếu là để hiểu thật kĩ nghĩa của những lời sám hối đó.

Xem thêm