Lên núi Bà Đen nghe những chuyện ly kỳ và chiêm bái nhiều “bảo vật”
Phía trong hệ thống chùa, động, miếu và khu triển lãm Phật giáo trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh) có rất nhiều công trình và những câu chuyện kỳ thú mà không phải ai cũng biết.
Là một trong số các ngọn núi thiêng nhất tại Việt Nam, núi Bà Đen (Tây Ninh) trở thành biểu tượng tâm linh của người dân Nam bộ với một hệ thống 6 chùa, ngôi chùa cổ nhất có lịch sử 300 năm tuổi. Trên đỉnh núi là hệ thống công trình tâm linh độc đáo, với bức tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn bằng đồng cao kỷ lục châu Á và một khu triển lãm Phật giáo lớn ngay dưới chân tượng Phật Bà.
Rộng lớn và kỳ vĩ với nhiều hạng mục trải dài từ chân núi lên tới đỉnh, nên rất nhiều du khách đến núi Bà Đen nhiều lần nhưng vẫn chưa đi hết toàn bộ không gian thờ tự nơi này. Đây cũng là vùng đất thiêng gắn với nhiều câu chuyện ly kỳ cùng những dấu tích lịch sử, truyền thuyết độc đáo mà không phải ai cũng biết.
Chuyện kể về Suối Vàng
“Gia Định thành công chí” (Trịnh Hoài Đức - 1820) có chép về núi Bà Đen như sau: “Cả trấn đều kính ngưỡng, ở cách trấn về phía Tây 261 dặm rưỡi. Núi này đất đá lởm chởm cao, cây cối xanh tốt, có suối nước ngọt, đất đai màu mỡ, trên có chùa Vân Sơn, dưới có chằm hồ, cảnh trí thực u nhã, rừng rú, hang hố sâu thẳm, nhân dân đều nhờ món lợi của núi rừng. Ở đây, người ta thường đào được các vật xưa bằng vàng ngọc, tương truyền có khi trông thấy cả chiêng vàng trong hồ, cũng giống như việc cái khánh nổi ở bến sông Trường Giang vậy, nhưng đến gần thì biến mất. Có đêm trời quang mây tạnh lại thấy con rùa vàng lớn hơn một trượng, ẩn hiện bất thường, là do khí linh tụ lại chứ không phải việc quái đản”.
Câu chuyện về suối vàng tại núi Bà Đen đến nay vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Từng có chuyện chuyên gia Nhật Bản đã tới đây đem một túi cát vàng đi xét nghiệm, và họ cho rằng đó là một thứ “vàng non”. Hoà thượng Thích Niệm Thới (Pháp chủ chùa Bà tại núi Bà Đen) cũng khẳng định khe suối trên núi Bà Đen có chứa vàng non, và rất nhiều người lên núi múc nước suối uống hoặc mang về. “Nhiều người tin rằng mang nước khe suối tại núi Bà Đen về nhà uống chính là mang về tài lộc, may mắn và sức khoẻ” – ông nói.
Tượng ngọc duy nhất tại Tây Ninh được thờ ở Điện Bà
Tây Ninh có rất nhiều cơ sở tâm linh với nhiều loại hình tượng thờ được tạo tác từ nhiều chất liệu khác nhau như tượng đất sét, tượng gỗ, tượng đất nung nắn tay, tượng gốm, đồng, đá…, nhưng tượng ngọc là một chất liệu đặc biệt quý hiếm.
Tại Tây Ninh, chỉ có duy nhất một pho tượng ngọc là tượng Linh Sơn Thánh Mẫu đặt tại Điện Bà trên núi Bà Đen. Theo “Tây Ninh đất và người” (NXB Thanh Niên-2021), pho tượng này là do một gia đình hậu duệ của vua Gia Long hiến cúng vào khoảng năm 2013, khối đá ngọc để tạc tượng Linh Sơn Thánh Mẫu được lấy từ mỏ đá ở Myanmar đem về cho các nghệ nhân chế tác.
Điện Bà được dựng từ một hang đá, là nơi thờ Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát và là điểm đến linh thiêng bậc nhất mà mọi du khách đều đến chiêm bái khi thăm núi Bà Đen.
6 nơi thờ Linh Sơn Thánh Mẫu tại núi Bà Đen
Núi Bà Đen thực tế là một quần thể núi trải rộng khoảng 24km, gồm 3 ngọn núi: núi Bà, núi Phụng và núi Heo, trong đó núi Bà là ngọn núi cao nhất Nam bộ (986m). Đây cũng là nơi tọa lạc 6 ngôi chùa và cả 6 ngôi đều thờ Bà Đen, gồm chùa Quan Âm, chùa Hang, chùa Hoà Đồng, chùa Linh Sơn Tiên Thạch Tự, chùa Long Châu Phước Trung và chùa Linh Sơn Phước Trung.
Điện thờ Bà Đen lớn nhất tại đây thuộc Linh Sơn Tiên Thạch Tự - ngôi chùa ở vị trí thứ 4 tính từ đỉnh núi xuống. Đây là ngôi chùa cổ nhất tại núi Bà Đen, được tạo lập từ thế kỷ 18. Tại đây, ngai thờ bố trí 3 tượng Bà, với tượng ở vị trí cao nhất có khuôn mặt đen, đội mão phụng, áo khoác bào thêu rồng.
Như vậy, thay vì toạ lạc ở một vị trí duy nhất, Bà Đen đã “hiển linh” khắp vùng núi này. Ở mỗi điện thờ, Bà Đen được tạo tác dưới các diện mạo khác nhau (khi mặt đen, lúc mặt trắng), nhưng đều là biểu tượng của uy nghiêm, là vị nữ thần chủ uy linh của vùng đất.
Xá lợi Phật từ Myanmar được đặt tại đỉnh núi Bà
Dưới chân Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn trên đỉnh núi Bà Đen là khối đế cao 4 tầng với lối kiến trúc đồng tâm. Nhìn từ trên xuống, Tượng Phật Bà tựa như đang ngự tọa trên một đài sen được sắp xếp bởi những đĩa tròn khổng lồ. Có tổng diện tích lên tới 4.410 m2, bên trong khối đế này là một không gian triển lãm nghệ thuật Phật giáo độc đáo, với hàng trăm phiên bản mô phỏng những tác phẩm nghệ thuật Phật Giáo kinh điển, trưng bày các bảo vật quốc gia thông qua công nghệ hình ảnh 3 chiều (Hologram), hay công nghệ chiếu phim video mapping với các thiết bị trình chiếu, âm thanh hiện đại hàng đầu thế giới
Đặc biệt, tầng 4 là một không gian huyền bí lưu giữ và trưng bày Phật bảo Xá lợi Phật được các cao tăng Myanmar trao tặng tổ đình Vĩnh Nghiêm và được tổ đình cúng dường Tượng Phật bà Tây Bổ Đà Sơn trên đỉnh Bà Đen. Xá lợi Phật được cất giữ tại tháp đồng nhỏ, đặt trang trọng trong một tháp pha lê lưu ly 3 tầng, trưng bày trong không gian uy nghiêm.
Theo văn hóa Phật giáo, xá lợi có ý nghĩa như một bảo vật trấn quốc, được gọi là Phật bảo. Ngự tại ngay dưới chân Phật Bà, giữa đỉnh thiêng huyền thoại, xá lợi Phật là nơi gửi gắm niềm tin vào những mối duyên lành của Phật pháp tới du khách hành hương về với núi Bà.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Văn khấn cúng rằm tháng 10 Âm lịch 2024 tại gia cập nhật
Tâm linh Việt 11:30 13/11/2024Rằm tháng 10 được biết đến là ngày Tết Hạ Nguyên. Đây chính là một trong những ngày rằm quan trọng, ngày lễ lớn mang nhiều ý nghĩa tâm linh đối với người dân Việt.
Văn khấn cúng rằm tháng 9 Âm lịch tại gia cập nhật
Tâm linh Việt 14:45 16/10/2024Theo quan niệm của người xưa, vào ngày rằm, mặt trăng và mặt trời nhìn rõ nhau, thấu suốt nhau, soi chiếu vào mọi tâm hồn. Bởi thế con người trở nên sáng suốt và trong sạch, đẩy lùi được mọi điều đen tối vẩn đục trong lòng. Đây là thời điểm để con cháu tưởng nhớ đến tổ tiên.
Văn khấn rằm tháng 8 - Tết Trung thu chuẩn nhất
Tâm linh Việt 09:55 15/09/2024Trong ngày Tết Trung thu, mỗi gia đình Việt thường chuẩn bị mâm lễ cúng dâng lên ông bà tổ tiên. Bên cạnh đó việc chuẩn bị văn khấn ngày rằm tháng 8 âm lịch cũng được nhiều người chú trọng.
Văn khấn mùng 1 hàng tháng tại gia cập nhật
Tâm linh Việt 06:00 03/09/2024Vào ngày mùng 1 đầu tháng, người Việt thường thắp hương cúng thổ công và gia tiên theo phong tục truyền thống. Ngoài chuẩn bị các đồ lễ cúng đầy đủ, văn khấn cúng thổ công và gia tiên mùng 1 hàng tháng theo truyền thống cũng là một trong những nghi lễ quan trọng.
Xem thêm