Lời Phật dạy với người cư sĩ
Người Phật tử phải luôn vận dụng trí tuệ trong mọi lúc mọi nơ, lấy tinh thần lục hòa của nhà Phật để cùng nhắc nhở nhau tu tập, giữ gìn giới luật, sống hòa nhã với nhau, chia sẻ sự quan tâm, sự hiểu biết với nhau và coi những điều ấy như là tư trang trong cuộc sống.
Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, trong vườn cây bàn. Rồi Mahànàma đi đến đảnh lễ Thế Tôn:
- Cho đến thế nào, bạch Thế Tôn, là người Cư sĩ?
- Ai quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, cho đến như vậy, này Mahànàma, là người Cư sĩ.
- Cho đến thế nào, bạch Thế Tôn, là người Cư sĩ đầy đủ giới?
- Này Mahànàma, người Cư sĩ từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người Cư sĩ đầy đủ giới.
- Cho đến thế nào, bạch Thế Tôn, là người Cư sĩ đầy đủ tín?
- Ở đây, này Mahànàma, người Cư sĩ có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như lai: “Đây là Như lai, bậc A La Hán, Phật, Thế Tôn”. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người Cư sĩ đầy đủ tín.
- Cho đến thế nào, bạch Thế Tôn, là người Cư sĩ đầy đủ lòng bố thí?
- Ở đây, này Mahànàma, người Cư sĩ trú ở gia đình, tâm thoát khỏi cấu uế của xan tham, bố thí dễ dàng, bàn tay rộng mở, thích thú từ bỏ, chia sẻ vật bố thí. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người Cư sĩ đầy đủ bố thí.
- Cho đến thế nào, bạch Thế Tôn, là người Cư sĩ đầy đủ trí tuệ?
- Ở đây, này Mahànàma, người Cư sĩ thành tựu trí tuệ về sinh diệt, trí tuệ các bậc Thánh thể nhập, đưa đến đoạn tận khổ đau. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người Cư sĩ đầy đủ trí tuệ .
Lời bàn:
Để được gọi là người Cư sĩ Phật tử, thì một trong những tiêu chuẩn cơ bản nhất là quy y Tam bảo – còn gọi là ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng – để làm chỗ nương tựa vững chắc cho mình. Khi đã phát nguyện quy y trước Tam bảo thì nhờ năng lực của chư Phật, chư đại Bồ tát và Thánh Hiền Tăng sẽ giúp cho chúng ta giữ vững được tín tâm và phát khởi tâm Bồ đề rộng lớn, tinh tấn giữ trọn lời phát nguyện quy y. Và khi đã quy y rồi – tức là ta đã quy về nương tựa vào Tam bảo, hằng ngày chiêm ngưỡng, quán tưởng lễ bái và nguyện noi theo gương Phật để tinh tấn tu hành. Đó là một việc làm rất khó.
Người được quy y Tam bảo là người đã đầy đủ duyên lành trong nhiều kiếp, nên có câu:
“Nhân thân nan đắc,
Phật pháp nan văn”.
Nghĩa là: làm được thân người đã khó, còn gặp được Phật pháp thì lại khó hơn. Bởi vậy, ngoài việc phát tâm y quy Tam bảo, người Cư sĩ cần phải tích cực trau dồi đạo đức để tiến lên thêm một nấc thang cao hơn nữa. Đó là việc thọ trì ngũ giới, trau giồi phát triển thêm các hạnh lành và xây dựng niềm tin cho vững chắc vào ngôi Tam bảo, tin rằng Thế Tôn đã chứng đắc vô thượng Bồ đề, tin rằng Phật pháp do Thế Tôn thuyết giảng rất thiện xảo, đưa con người đến ly tham, ly thủ; tin rằng chư Tăng là những vị đi trên con đường giải thoát, đang sống trong sáu pháp hòa kính, là những bậc có thể chỉ đường giải thoát cho đời; tin rằng mỗi người đều có sẵn trong tự thân khả năng giác ngộ, đoạn trừ tham, sân, si. Ngoài ra, người Phật tử còn phải tinh tấn học hỏi giáo lý kinh điển và phát triển lòng từ bi, nỗ lực quán chiếu vô thường, sự sinh diệt của con người và vũ trụ, không có vật chi là trường tồn bất biến.
Nhờ quán chiếu như vậy, ta sẽ xả bỏ được sự cố chấp, diệt trừ tham ái và có được đời sống an lạc. Ngoài ra, người Cư sĩ cần phải lập hạnh bố thí cúng dường để tẩy xóa xan tham, cố bám víu vào vật chất – một tâm lý cố hữu của con người – cũng là nguyên nhân chủ yếu làm cho con người phải khổ đau và luân hồi sinh tử.
Bởi vậy, người Phật tử phải luôn vận dụng trí tuệ trong mọi lúc mọi nơi và luôn lấy tinh thần lục hòa của nhà Phật để cùng nhắc nhở nhau tu tập, nhắc nhở nhau giữ gìn giới luật, sống hòa nhã với nhau, chia sẻ sự quan tâm cũng như sự hiểu biết với nhau và coi những điều ấy như là tư trang trong cuộc sống; tin tưởng vào Chánh pháp để phóng thích những nỗi khổ, niềm đau. Một khi mê mờ đã bị trí tuệ diệt sạch, thì những khổ đau sẽ không thể tiếp diễn nữa. Khi đó, chúng ta sẽ có cuộc sống yên vui trong hiện đời và mãi mãi về sau.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân bệnh mà tâm không khổ
Lời Phật dạy 08:20 22/11/2024Già bệnh là một sự thật của thân này, ai rồi cũng phải trải qua. Hiếm hoi mới có người già mà ít hay không bệnh. Vấn đề là, làm sao khi thân già bệnh mà tâm bớt khổ hoặc không khổ?
Đánh mất sơ tâm
Lời Phật dạy 17:15 21/11/2024Với người hảo tâm xuất gia, tâm ban đầu khi đến với đạo thật đẹp đẽ, trong veo. Họ nhàm chán sinh tử cùng với những não phiền, nhiễu nhương của đời sống thế tục mà quyết chí ra đi.
Phật dạy 5 điều thân kính với bà con
Lời Phật dạy 08:05 21/11/2024Mối quan hệ bà con cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.
Có một “tâm oán thù xem như hết thuốc chữa”
Lời Phật dạy 19:35 20/11/2024Nếu không tha thứ được cho nhau lúc cả hai còn sống thì khi kẻ thù mất đi phải buông bỏ niềm đau, khép lại hận thù. Kiếp này không hỷ xả, bao dung được với nhau thì kiếp sau xin đừng oán kết.
Xem thêm