Lý tưởng giải thoát của Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa
Hình thành tại Ấn Độ từ thế kỷ VI trước Công nguyên, Phật giáo đã phát triển việc truyền bá chánh pháp khắp xứ Ấn Độ và nhiều quốc gia trên thế giới nhằm hướng mọi người tu tập để chuyển hoá khổ đau giữa cuộc đời này.
Trải qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử, đặc biệt, sự ra đời của Phật giáo Đại thừa đã làm phong phú thêm hệ thống triết lý của Phật giáo Nguyên thuỷ, trong đó có lý tưởng giải thoát.
Bối cảnh ra đời Phật giáo ở Ấn Độ
Khoảng thế kỷ IX trước Công nguyên, giai cấp Khattiya khoanh vùng quyền lực của giai cấp Brahmana trong xã hội. Khi đó, các quốc gia tranh giành lãnh thổ khiến Ấn Độ bị chia cắt thành 4 vương quốc lớn, gồm: Magada, Kosalà, Vạmsas, Avanti; và 12 tiểu quốc: Angà, Vajjì, Kurù,… Hoạt động kinh tế tại các kinh đô phát triển mạnh khiến người dân đổ về sinh sống, mật độ dân số phân bố không đều, sự phân hoá giàu nghèo và giai cấp ngày một sâu sắc.
Nền văn hóa chính tại Ấn Độ bấy giờ là văn hóa Vệ-đà (Veda), nghiêng về thờ phụng nhiều thần thánh. Các bộ lạc người Aryan xâm chiếm các vùng lãnh thổ Tây Bắc Ấn và lan rộng ra hầu hết bán đảo Ấn Độ hơn 1.000 năm trước Công nguyên, chuyển văn hoá Vệ-đà thành Bà-la-môn giáo và phân hoá xã hội thành bốn giai cấp chính, gồm: Brahmana hay Bà-la-môn (giai cấp thống trị), Khattiya hay Sát-đế-lợi (vua chúa), Vessas hay Vệ-xá (thương gia, địa chủ), Shudra hay Thủ-đà-la (thợ thuyền, tôi tớ). Trước sự khủng hoảng từ kinh tế, chính trị, văn hoá cho đến tôn giáo, cùng với sự xuất hiện triết lý Áo-nghĩa-thư và hệ tư tưởng Sa-môn đã tạo cho xã hội Ấn Độ bước chuyển mình sang thời kỳ tôn giáo mới. Đối kháng với hệ tư tưởng Vệ-đà trước đó, hệ tư tưởng Sa-môn với nhóm lục sư ngoại đạo và Phật giáo hình thành những quan điểm về thế giới quan và nhân sinh quan khác nhau.
Lý tưởng giải thoát của Phật giáo Nguyên thủy
Phật giáo bắt đầu từ khi Đức Phật thành đạo dưới cội cây Bồ-đề rồi đi giáo hóa cùng với các đệ tử của Phật cho đến khi nhập Niết bàn tại rừng Ta-la-song-thọ, thành Câu-thi-na. Đức Phật và chư thánh Tăng quán chiếu thấy tâm chúng sanh luôn bị năm chướng ngại [1] ngăn che khiến “tâm bị uế nhiễm không được nhu nhuyến, không dễ sử dụng, không sáng chói, bị bể vụn, không chơn chánh, định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc” [2]. Thêm vào đó, trong Kinh Ví Dụ Tấm Vải thuộc Kinh Trung Bộ liệt kê một số trạng thái tâm cấu uế như: “Tham dục, tà tham, sân, phẫn, hận, hư nguỵ, não hại, tật đố, xan tham, man trá, khi cuống, ngoan cố, cấp tháo, quá mạn, kiêu, phóng dật” [3].
Nguyên do chính bởi “ái đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái” [4]. Chính những uế nhiễm đó làm chướng ngại trên lộ trình tu học giải thoát, nên Đức Phật đã khuyến tấn hàng đệ tử phải nỗ lực tinh tấn tu tập con đường tám chánh (Bát chánh đạo), bốn tâm vô lượng (Tứ vô lượng tâm), bốn chỗ quán niệm (Tứ niệm xứ), quán mười hai nhân duyên,… lần lượt đoạn trừ mười kiết sử (Thập kiết sử) gồm: Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân (năm hạ phần kiết sử) và sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh (năm thượng phần kiết sử) [5], để chứng đắc các quả vị Thanh-văn.
Để chứng được Sơ quả Tu-đà-hoàn, hành giả cần thực hành: “Đối với các giới luật, hành trì toàn phần, đối với định, hành trì một phần, đối với tuệ, hành trì một phần. Vị ấy có vi phạm học pháp nhỏ nhặt nhỏ nhiệm nào, vị ấy được xem là thanh tịnh. Vì cớ sao? Ở đây, này các Tỳ kheo, Ta không tuyên bố chúng làm cho vị ấy không có khả năng. Phàm có những học pháp nào là căn bản Phạm hạnh, tương xứng Phạm hạnh, ở đây, vị ấy kiên trì giới ấy, kiên trú giới ấy, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Vị ấy, do đoạn tận ba kiết sử, là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc đạt đến Chánh giác” [6]. Hành giả sau khi đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên, tức là thân kiến, nghi và giới cấm thủ, sẽ nhập vào dòng Thánh (dự lưu), từng bước đoạn trừ các pháp bất thiện và không còn thối đọa.
Vị Tu-đà-hoàn tiếp tục hành trì “đoạn dứt ba kiết sử, làm nhẹ bớt tham, sân, si, thành bậc Nhứt lai, còn phải sanh lại trong đời này một lần nữa trước khi diệt hẳn khổ đau” [7]. Sau khi vị đó làm giảm bớt những dục tham và sân trong tâm, sẽ chứng đắc Nhị quả Tư-đà-hàm, chỉ còn tái sanh lại một lần nữa (Nhất lai). Vị đó nỗ lực tu tập “đoạn dứt năm hạ phần kiết sử, thành vị hóa sanh, nhập Niết-bàn tại đây, không còn phải trở lại thế giới này nữa” [8] sẽ chứng đắc Tam quả A-na-hàm hay còn gọi là Thánh quả Bất Lai.
Quả vị cuối cùng trong Tứ quả Thanh-văn đó chính là Tứ quả A-la-hán. Vị A-na-hàm tu tập đoạn trừ năm thượng phần kiết sử gồm sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử và vô minh sẽ chứng đắc quả A-la-hán “các lậu hoặc đã được diệt tận, phạm hạnh đã thành, đã làm những việc phải làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt mục đích tối thượng, hữu kiết sử đã diệt, nhờ chánh trí đã được giải thoát” [9]. Đức Phật được xem là bậc Đại A-la-hán so với các đệ tử chứng đắc Thánh quả A-la-hán bởi: “Như Lai, này các Tỳ kheo, là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, làm cho khởi lên con đường (trước kia) chưa khởi, là bậc đem lại con đường (trước kia) chưa được đem lại, là bậc tuyên thuyết con đường (trước kia) chưa được tuyên thuyết, bậc tri đạo, bậc ngộ đạo, bậc thuần thục về đạo. Còn này, này các Tỳ kheo, các vị đệ tử là những vị sống theo đạo, tiếp tục thành tựu (đạo)” [10].
Theo quan điểm của Phật giáo Nguyên thuỷ, có hai loại Niết bàn: Hữu dư y Niết bàn và Vô dư y Niết bàn. Hữu dư y Niết bàn là trạng thái phiền não đã đoạn tận nhưng nhục thể còn dư tàn (Lục Tổ Huệ Năng, Thiền sư Vũ Khắc Minh, Thiền sư Vũ Khắc Trường,…). Ngược lại, Vô dư y Niết bàn tức chỉ cho các vị Thánh A-la-hán đã nhập Niết-bàn, tiêu biểu như Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên,…
Lộ trình tu tập chứng đắc Thánh quả của mỗi vị khác nhau: Có vị chứng quả nhanh (Ca-diếp, Xá-lợi-phất,…), có vị chứng quả chậm (Châu-lợi-bàn-đặc, A-nan). Ngoài việc nỗ lực chứng quả cho tự thân, các hàng đệ tử Phật còn đem chánh pháp như: Thập nhị nhân duyên, Tứ diệu đế, Thập thiện nghiệp, Bát chánh đạo, Ngũ uẩn, Tứ niệm xứ,… để hướng dẫn mọi người tu tập theo kinh tạng Nikāya (Kinh Trường Bộ, kinh Trung Bộ, kinh Tăng Chi Bộ, kinh Tương Ưng Bộ và kinh Tiểu Bộ) chuyển hóa khổ đau, chứng đắc Thánh quả.
Lý tưởng giải thoát của Phật giáo Đại thừa
Trải qua thời kỳ bộ phái, Phật giáo Đại thừa được hình thành. Ảnh hưởng của những vị luận sư nổi bật tại Ấn Độ thời đó, như: Bồ tát Mã Minh với Đại thừa khởi tín luận, Bồ tát Long Thọ với Trung luận và Đại trí độ luận, Bồ tát Đề Bà với Bách luận, Bồ tát Vô Trước với Pháp tướng Duy thức tông và Du già sư địa luận, Bồ tát Thế Thân với Nhiếp đại thừa luận và Câu xá luận,… đã làm cho Phật giáo Đại thừa phát triển.
Về lý luận, Phật giáo Đại thừa đã bổ sung thêm nhiều pháp tu phù hợp bối cảnh xã hội, với nhiều phương pháp hoá độ của chư Phật (A Di Đà, Dược Sư, Đa Bảo,…) và Bồ tát (Văn Thù Sư Lợi, Phổ Hiền, Quán Thế Âm, Địa Tạng, Nhật Quang Biến Chiếu, Nguyệt Quang Biến Chiếu, Trí Tích,…). Về thực tiễn, Phật giáo Đại thừa nêu cao tinh thần lợi tha [11].
Để chứng đắc quả vị Đẳng giác Bồ tát, hành giả tu tập trải qua 50 địa vị Bồ tát như: Thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng và thập địa. Trước hết, thập tín (thập tín tâm): Mười niềm tin để một hành giả Bồ tát bước vào cửa Tam hiền, gồm: Tín tâm, Niệm tâm, Tinh tấn tâm, Định tâm, Huệ tâm, Giới tâm, Hồi hướng tâm, Hộ pháp tâm, Xả tâm và Nguyện tâm. Thành tựu thập tín, Bồ tát bước vào Tam hiền, gồm: Thập trụ (Phát ý trụ, Trì địa trụ, Ứng hành trụ, Sinh quý trụ, Trụ hành trụ, Chánh tâm trụ, Bất thối trụ, Đồng chân trụ, Liễu sinh trụ, và Bổ xứ trụ); thập hạnh (Hoan hỷ hạnh, Nhiêu ích hạnh, Vô sân hận hạnh, Vô tận hạnh, Ly si loạn hạnh, Thiện hiện hạnh, Vô trước hạnh, Tôn trọng hạnh, Thiện pháp hạnh, và Chân thật hạnh); và thập hồi hướng (Cứu hộ nhất thiết chúng sanh ly chúng sanh tướng hồi hướng, Bất hoại hồi hướng, Đẳng nhất thiết Phật hồi hướng, Chí nhất thiết xứ hồi hướng, Vô tận công đức tạng hồi hướng, Tùy thuận bình đẳng thiện căn hồi hướng, Tùy thuận đẳng quán nhất thiết chúng sanh hồi hướng, Như tướng hồi hướng, Vô phược vô trước giải thoát hồi hướng, và Pháp giới vô lượng hồi hướng). Cuối cùng để thành tựu bậc Thánh, vị đó trải qua mười địa vị (Thập địa, gồm: Hoan hỷ địa, Ly cấu địa, Phát quang địa, Diễm huệ địa, Nan thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn hành địa, Bất động địa, Thiện huệ địa, và Pháp vân địa).
Các Bồ tát với đại nguyện giáo hoá chúng sanh rộng khắp. Tiêu biểu, trong phẩm Phổ môn của kinh Pháp Hoa, hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm cứu đoàn lái buôn trên biển cả sóng gió, hiện các ứng hoá thân khác nhau như: Thân Phật, thân Thanh-văn, thân Tỳ kheo, thân trưởng giả, thân cư sĩ,… để cứu độ chúng sanh trong những hoàn cảnh khác nhau. Trong kinh Địa Tạng, Bồ tát Địa Tạng phát nguyện cứu độ hết chúng sanh khổ đau trong sáu đường. Bồ tát Thường Bất Khinh thường đi lễ lạy với câu nhắc mọi người: “Ta chẳng dám khinh quý Ngài. Quý Ngài chẳng bao lâu sẽ thành Phật”. Để thực hành hạnh nguyện lợi tha độ sanh, các Bồ tát nỗ lực tu tập sáu Ba-la-mật gồm: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tin tấn, thiền định và trí tuệ.
Ngoài hai cảnh giới Niết bàn như trong Phật giáo Nguyên thuỷ, Phật giáo Đại thừa còn có thêm hai cảnh giới khác là: Vô trụ xứ Niết bàn và Tự tánh thanh tịnh Niết bàn. Bồ tát với tâm từ bi bao la rộng lớn thương xót chúng sanh khổ đau nên không trụ nơi Niết bàn, dùng Bát-nhã cứu độ chúng sanh nên không trụ trong sanh tử. Như trong Bát-nhã tâm kinh có ghi rằng: “Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết chúng sanh” [12]. Đó chính là Vô trụ xứ Niết bàn của Bồ tát Quán Thế Âm trong việc dùng trí tuệ hoá độ chúng sanh tu tập giải thoát khổ đau. Cảnh giới Tự tánh thanh tịnh Niết-bàn (hay còn gọi là Bản lai thanh tịnh Niết bàn, Tánh tịnh Niết bàn) là chỉ cho tự tánh xưa nay vốn thanh tịnh, có đầy đủ công đức không thể nghĩ bàn nhưng do chúng sanh bị khách trần phiền não ngăn che nên không nhận ra, chỉ có bậc Thánh chứng ngộ mới rõ biết.
Có thể thấy, giữa quan điểm về giải thoát của Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa đều cùng từ một nền tảng là giáo lý của Đức Thế tôn, tôn trọng chánh pháp căn bản như: Tứ đế, Tam pháp ấn, Duyên khởi hay Thập nhị nhân duyên, Nhân quả nghiệp báo, Bát chánh đạo, Ngũ uẩn, Luân hồi, Bình đẳng, Tam vô lậu học,… nhưng trong đó Duyên khởi làm nền tảng và chúng xuất gia và tại gia nỗ lực đạt được sự giác ngộ giải thoát.
Tóm lại, lý tưởng giải thoát của Phật giáo Nguyên thuỷ và Đại thừa đều rất thiết thực cho lộ trình tu tập của hàng xuất gia và tại gia. Để tiến bước trên con đường giác ngộ mỗi mỗi chúng ta đều cần một sự nỗ lực tu tập tinh nghiêm của tự thân và sự hộ trì chánh pháp của hàng cư sĩ tại gia. Hành giả đó đêm ngày hạ thủ công phu ngõ hầu thành tựu đạo đức giải thoát tự thân và đem chánh pháp truyền bá lợi ích tha nhân, khiến cho Phật pháp mãi rạng ngời trong lòng dân tộc Việt Nam và khắp thế giới nói chung.
Chú thích:
[1] Năm triền cái: Dục tham triền cái, sân triền cái, hôn trầm thuỵ miên triền cái, trạo hối triền cái, nghi triền cái.
[2] ĐTKVNNT (2018), Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, chương Năm pháp, phẩm Triền cái, Kinh Các Uế Nhiễm, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.618.
[3] ĐTKVNNT (2017), Kinh Trung Bộ, tập 1, Kinh Ví Dụ Tấm Vải, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.61-62.
[4] ĐTKVNNT (2018), Kinh Tương Ưng Bộ, Đại phẩm, chương Tương ưng sự thật, phẩm Chuyển Pháp luân, Kinh Như Lai Thuyết, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.783.
[5] ĐTKVNNT (2018), Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, chương Mười pháp, phẩm Hộ trì, Kinh Các Kiết Sử, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.540.
[6] ĐTKVNNT (2018), Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, chương Ba pháp, phẩm Sa-môn, Kinh Hữu Học, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.263.
[7] ĐTKVNNT (2018), Kinh Trường Bộ, Kinh Mahàli, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.146.
[8] ĐTKVNNT (2018), Kinh Trường Bộ, Kinh Mahàli, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.146.
[9] ĐTKVNNT (2018), Kinh Trường Bộ, Kinh Khởi Thế Nhân Bổn, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.557.
[10] ĐTKVNNT (2018), Kinh Tương Ưng Bộ, tập 3: Thiên uẩn, chương 1: Tương ưng uẩn, mục B: Năm mươi kinh ở giữa, phẩm Tham luyến, Kinh Chánh Đẳng Giác, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.693.
[11] Thích Mãn Giác (2007), Lịch sử triết học Ấn Độ, Nxb.Văn hoá Sài Gòn, tr.220.
[12] Thích Đăng Quang (soạn) (2015), Kinh nhật tụng, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.31.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Duyên khởi là cốt tủy, là hạt nhân của mọi triết lý Phật giáo
Kiến thức 11:20 03/11/2024Các triết lý quan trọng của Phật giáo như Vô ngã, khổ, vô thường, tính không, nhân quả đều được đặt trên nền tảng cơ sở của duyên khởi.
Tìm lại chính mình
Kiến thức 09:00 03/11/2024Một lần Đức Phật đang tĩnh tọa ở bìa rừng thì có 30 thanh niên từ đâu chạy tới, thấy Đức Phật, họ hỏi: Thưa Sa-môn, Ngài có thấy một cô gái chạy qua đây không?
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Xem thêm