Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 02/09/2017, 07:38 AM

Mẹ kế con chồng và nàng dâu hiếu thảo

Những ngày tháng sống bên bố, mẹ chồng. Chị đã lấy “Tâm Hiếu” của mình để phụng dưỡng cha mẹ chồng hết mực. Lúc khỏe cũng như lúc trái nắng trở trời. Trong căn phòng nhỏ mà ấm áp tình người, tình đạo. Có hai cái giường; một là dành cho ông và một là dành cho bà. Đêm đêm chị vẫn ngồi bóp chân tay cho ông, bà trước khi đi ngủ, chăm nom từ miếng ăn đến giấc ngủ ở tuổi xế chiều.

Con đường về quê chị nép sau những triền đê thoai thoải cói và cánh đồng lúa đang mùa giáp hạt. Sau cơn mưa trời đã dần lên cao len theo hương lúa tràn vào tận trong ngõ xóm. Từ lâu tôi đã nghe nhiều người kể về chị và biết chị một thời gian cũng khá dài. Chị là Lê Thị Quyên, sinh năm 1973, thôn 7 Nhân Nhượng, xã Tế Tân, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Cuộc đời chị giản dị như những bông lúa giáp hạt chuẩn bị vào mùa. Bữa nắng, bữa mưa cằn cỗi nhọc nhằn đã hun đúc cho chị sự kiên cường trong cuộc sống để vươn lên. Cái đẹp dung dị trong con người chị không thể tiếp xúc một lần mà kể hết được. Chị Quyên sinh ra không được may mắn như người khác, khi chị chưa đầy hai tuổi mẹ chị đã lâm bệnh và rời xa chị mãi mãi. Đến nay đã mấy chục năm trời, nhưng mỗi khi nhắc đến mẹ chị lại rơm rớm nước mắt, tủi hờn.

“Sương khuya nhỏ giọt mất rồi,
Giờ không còn mẹ ai ngồi ôm con.
Lời ru ấm áp giấc tròn
Chông gai mẹ dẫm lối mòn con đi”

Khi mẹ mất, chị được ông, bà nội chở che chăm sóc, dưỡng nuôi. Thời gian thấm thoát thoi đưa, năm năm sau bố chị đi bước nữa, chị lại từ bàn tay nuôi dưỡng của ông, bà nội về với mẹ kế. Nhân duyên đã đưa chị đến với hoàn cảnh mới. Mẹ mất đi là một tổn thất không gì bù đắp nổi khi chị còn trứng nước. Nhưng chị may mắn được vòng tay thương yêu của người mẹ kế sớm khuya chăm sóc, nuôi dưỡng chị lớn lên thành người. 

“Những đêm trăng sáng, gió hiu
Mợ đưa cánh võng ngâm kiều ru tôi
Ấp iu giọt máu mồ côi
Tưởng chừng u hát trong lời mợ ru”

Chị Quyên tâm sự: “Mẹ kế thương chị lắm và chị luôn xem mẹ như mẹ đẻ của mình”. Tình mẹ kế con chồng tốt đẹp đã làm thay đổi quan niệm trong tôi: 

“Mấy đời bánh đúc có xương,
Mấy đời dì ghẻ có thương con chồng”

Có lẽ tình yêu thương của mẹ kế đã làm xóa đi khoảng cách giữa con đẻ và con riêng. Cái nhân của mẹ gieo lành ở quá khứ thì hôm nay mẹ được hưởng quả lành báo ứng trong cuộc sống hiện tại. Chị Quyên với pháp danh “Diệu Liên” từ lúc nào đã bén duyên với Phật pháp, chị tham gia các khóa tu học tại chùa Thanh Hà. Một hạnh phúc vô bờ là mẹ kế và bố đẻ đã quy y và tu học tại chùa Vĩnh Thái cùng chị.
 
Bố chị sau khi mất chị đã thực hiện tang lễ theo nghi thức Phật giáo tại gia. Đó là một phúc báo rất lớn mà chị đã nhiều năm trì tụng Chú Đại Bi và thực hành nếp sống đạo pháp ứng dụng vào trong hoàn cảnh thực tiễn của mình.

Ánh sáng cuộc đời mở ra, chị được cắp sách đến trường như bao người bạn khác. Tuổi thơ mất mẹ nhưng chị có bao tình thương yêu khác của gia đình và bà con cô bác đùm bọc, chở che cho chị lớn lên. Đến năm lớp 10 do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn chị phải nghỉ học và xin dạy trường mầm non tại quê hương Nhân Nhượng. 

Nhìn hai mẹ con tình cảm bên ruộng lúa trước nhà. Tôi cảm nhận được tình thương yêu của hai mẹ con qua cử chỉ và ánh mắt. Tình yêu thương ấy còn được tỏa sáng hơn khi cả hai mẹ con đồng là phật tử, cùng một con đường đạo hạnh lợi lạc tha nhân.

Năm 1990 chị tròn 18 tuổi, lứa tuổi đẹp của thời con gái. Chị đã sánh duyên cùng anh Lê Văn Đông ở quê nhà. Từ đây chị đã bước sang một trang mới, đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc đời làm dâu của chị. Chồng chị anh Lê Văn Đông sau khi rời quân ngũ trở về bên lũy tre xanh, anh có nhiều đóng góp cho quê hương; từng làm bí thư, thôn trưởng nhiều năm và tham gia hội đồng nhân dân cấp xã 15 năm. 

Trở về sau trận đánh, dù ở mặt trận nào anh cũng thể hiện được bản chất tốt đẹp của người lính cụ Hồ năm xưa. Đến nay anh đã nghỉ hưu và tham gia làm công tác trang trại phát triển kinh tế để nuôi con ăn học và trang trải cuộc sống riêng của gia đình. Bản thân chị Quyên là người năng động, dáng người hoạt bát, đôi mắt như biết cười, biết nói. Chị tham gia nhiều phong trào xây dựng cho quê hương như: 

- Phó Chi hội Hội phụ nữ thôn.

- Trưởng Ban khuyến học của thôn 7 Nhân Nhượng.

- Tham gia các phong trào văn nghệ

Về công tác phật sự:

- Đảm nhiệm tổ phó Hội Phật tử xã Tế Tân chùa Vĩnh Thái.

- Quyên góp từ thiện…

Những ngày tháng sống bên bố, mẹ chồng. Chị đã lấy “Tâm Hiếu” của mình để phụng dưỡng cha mẹ chồng hết mực. Lúc khỏe cũng như lúc trái nắng trở trời. Trong căn phòng nhỏ mà ấm áp tình người, tình đạo. Có hai cái giường; một là dành cho ông và một là dành cho bà. Đêm đêm chị vẫn ngồi bóp chân tay cho ông, bà trước khi đi ngủ, chăm nom từ miếng ăn đến giấc ngủ ở tuổi xế chiều.

Tiền bạc, công danh và lợi lộc nhiều không bằng có một người con hiếu, có một người con hiếu đã khó, có một người con dâu thảo như chị lại càng khó hơn. Không phải ngẫu nhiên mà đức Phật dạy rằng: 

“Tâm hiếu là tâm Phật,
Hạnh hiếu là hạnh Phật”

Với truyền thống người Việt Nam, hiếu thảo là một nền tảng đạo đức rất cần thiết, rất thiêng liêng và cao cả. Có hiếu trong gia đình thì mới có thể là một công dân tốt ngoài xã hội. Hiếu là bước đầu để xây dựng một gia đình tốt đẹp, một xã hội văn hóa và tiến lên thành một quốc gia cường thịnh, văn minh. Chị đã sống và làm tròn lời Phật dạy khi phụng dưỡng cha mẹ chồng như chính cha, mẹ thân sinh ra mình.
 
Một lần tôi chứng kiến chị đang cầu kinh cho một gia đình phật tử, trời đã xế chiều, đàn kinh vẫn còn chưa xong, chị giật mình nói với tôi: “Em biết không, chữ Hiếu là quan trọng nhất, anh nhà chị đi vắng, không ai nấu cơm cho ông, bà ở nhà, chị đi chị lo lắm em à, chị phải xin phép thầy về để nấu cơm cho ông bà”. 

Từ lâu bố, mẹ chồng đều đã được chị hướng đạo lành là quy y và có pháp danh tại chùa Vĩnh Thái – Nông Cống. Với người chưa thông hiểu Phật pháp và tin sâu ở đạo giải thoát thì xem đây là sự bình thường. Nhưng với người hiểu nhân quả và thực hành giới luật Phật pháp thì xem đây là một việc làm đầy ý nghĩa nhân văn, có báo ứng hiện tiền.

Nhiều lần chị hỏi dò ông: “Trong bấy nhiêu người con thì “Thày” thương ai nhất?”. Ông trả lời: “Tau chỉ thương mi với thằng Út, vì mi tất tưởi lắm”. Bữa chị tắm cho ông, ông thều thào nói: “Tau biết ơn mi lắm, vì giờ tau già rồi không giúp mi được”. Tôi xin trích dẫn một câu danh ngôn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh để luận giải cho câu chuyện vừa kể ở trên: “Khi ta trồng cây, mà cây không lớn tốt, ta không đổ lỗi cho cái cây, mà đi xem xét các lí do vì sao lại như vậy: thiếu nước, thiếu phân bón, hay thiếu ánh nắng mặt trời. Vậy nhưng khi ta có vấn đề với bạn bè hay gia đình ta, ta lại đổ lỗi cho họ. Nếu ta biết cách quan tâm họ, họ cũng sẽ "lớn tốt", như cây cối vậy. Đổ lỗi cho ai đó hoàn toàn là vô nghĩa, tranh cãi cũng vậy. Đó là kinh nghiệm của tôi. Không đổ lỗi cho ai, không tranh cãi, chỉ đơn giản là hiểu. Nếu ta hiểu vấn đề và thể hiện ra điều đó, ta sẽ luôn có thể yêu thương và vấn đề đó sẽ được giải quyết”.

Ngày 27 tháng 6 năm 2017 âm lịch vừa rồi, bố chồng chị vì tuổi già sức yếu, trong một cơn bạo bệnh đã về cõi vĩnh hằng, đó là một tổn thất và đau thương không gì sánh nổi. Một lần nữa ánh sáng đạo từ lại tỏa sáng ở gia đình chị, khi chị cùng gia đình thực hiện tang lễ cho ông theo nghi thức Phật giáo. Trong suốt thời gian ông mất chị luôn thực hiện nghiêm ngặt giới luật ăn chay, nghi thức cúng dường chay tịnh tại gia và làm lễ cầu siêu cùng đạo tràng cho bố chồng tại chùa Vĩnh Thái. 

Việc chị làm không những thể hiện cái tâm, trách nhiệm mà còn thể hiện tình thương của người phật tử tại gia đối với cha mẹ, ông, bà. Bản thân chị luôn làm việc thiện, tu học theo lời Phật dạy, bố thí, cúng dường, tụng kinh, niệm Phật để hồi hướng phước lành cho cha, mẹ chồng và cha mẹ thân sinh ra chị. Như kinh Nhẫn Nhục đã ghi: 

“Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu,
Điều ác, ác nhất không gì hơn bất hiếu”

Khi đất trời vào thu, cái se se lạnh của cơn gió chiều thổi hắt từ dòng sông cái qua khe cửa sổ vào nhà. Tôi cảm nhận được hương lúa quê mùa như giáp hạt nhiều hơn. Như chính con người chị đã truyền cho tôi thêm sức mạnh vào cuộc sống. Và như nhắc nhở chính mình hãy sống sao cho tròn hiếu thảo với cha mẹ. Và lòng hiếu thảo của mỗi chúng ta không những mang đến hạnh phúc cho cha mẹ mà điều đó còn khiến giá trị của bản thân được tôn vinh và được mọi người kính trọng.
        
Nguyễn Văn Tuấn (Pháp danh: Tuệ Tâm)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chuyện tử tế: Trụ trì chùa chăm lo cho hơn 1.000 sinh viên nghèo

Gieo mầm thiện 14:25 18/04/2024

Suốt 27 năm qua, Thượng tọa Lý Hùng, trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây (P.An Cư, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), đã chăm lo việc học cho hơn 1.000 sinh viên nghèo là con em đồng bào Khmer khắp miền Tây.

10 năm 'vác tù và hàng tổng' của ông chủ thư viện làng

Gieo mầm thiện 09:20 15/04/2024

Trong phòng khách nhà mình, năm 2013, Phùng Bá Hưng thành lập Thư viện Dương Liễu, ban đầu chỉ có một bộ bàn ghế và vài giá sách.

Bánh mỳ 0 đồng dành cho người nghèo và người khuyết tật

Gieo mầm thiện 16:55 13/04/2024

Từ nhiều năm nay, đều đặn mỗi sáng, tủ bánh mì 0 đồng tại địa chỉ 296 đường Thống Nhất (TP. Nha Trang) phục vụ cả trăm ổ bánh mì cho những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Nha Trang. Tuy trị giá mỗi ổ bánh mì không lớn nhưng chứa đựng tình cảm ấm áp của người cho.

Ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt trao hơn 600 triệu đồng cho người nghèo Thừa Thiên-Huế

Gieo mầm thiện 21:54 10/04/2024

Vừa qua, ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt (trụ trì chùa Phổ Hiền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cùng đoàn thiện nguyện mang hơn 600 phần quà nghĩa tình từ miền Nam trao cho người nghèo tại Thừa Thiên-Huế.

Xem thêm