Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 16/04/2024, 10:25 AM

Một vài đặc điểm kiến trúc của ngôi chùa Việt

Ngôi chùa được xem là bảo tàng nghệ thuật, là nơi lưu giữ nhiều di sản Phật giáo có giá trị. Bản thân kiến trúc chùa còn chuyển tải nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và tôn giáo.

Audio

Và ngày nay, nhiều ngôi chùa như chùa Một Cột, chùa Thầy, chùa Tây Phương,… ở miền Bắc; chùa Thiên Mụ, chùa Báo Quốc, chùa Thập Tháp Di Đà,… ở miền Trung; chùa Giác Lâm, chùa Vĩnh Tràng,… và nhiều ngôi chùa Nam tông Khmer ở miền Nam,…

Nhìn chung, khi Phật giáo truyền bá ở mỗi vùng miền, đều uyển chuyển thích ứng và vì thế, trong kiến trúc đều mang những đặc điểm chung và riêng, làm nên tính đa dạng trong kiến trúc chùa Việt Nam. Ở bài tham luận này, chúng tôi chỉ nêu một số nét cơ bản về kiến trúc ngôi chùa ở ba miền Bắc – Trung – Nam trên phương diện bố cục ngôi chùa và bài trí tượng, từ đó đưa ra những đặc điểm khác biệt trong kiến trúc chùa ba miền.

Ngôi chùa Phật giáo Bắc Bộ

Ảnh chùa Thầy. Nguồn Internet.

Ảnh chùa Thầy. Nguồn Internet.

Về kiến trúc công trình chùa Bắc Bộ: Về cơ bản, ngôi chùa được xây dựng có vị trí đắc địa, có núi sông, hay ở những nơi cao, thoáng, những nơi có cảnh thiên nhiên đẹp, lại có môi trường xã hội thuận tiện cho các chư tăng tu dưỡng và giáo hóa chúng sinh. Thiền sư Pháp Loa đã nói rõ: “Khi đã liễu ngộ chính tông rồi thì phải chọn cảnh chùa mà trụ trì, tránh những nơi nước độc non thiêng. Cảnh có bốn điều: Một là nước, hai là lửa, ba là lương thực, bốn là rau. Đây là bốn điều cần. Lại cũng nên biết cảnh không gần nhân gian mà cũng không xa nhân gian, vì gần thì ồn ảo mà xa thì không ai giúp đỡ cho. Cảnh có thể trú là chỗ yên nghiệp, để dưỡng thân, nuôi tính, tâm linh sáng suốt, trường dưỡng thảnh thai, để được chứng đạo, ấy là cứu cánh” (223).

Cấu trúc chùa thường bắt đầu từ Tam quan với ba cửa biểu hiện ba cách nhìn huyền diệu của Phật giáo về thế gian. Một số chùa lớn như chùa Keo ở Thái Bình sau Tam quan ngoại còn có Tam quan nội. Qua Tam quan sẽ vào khu vực chính đó là Tam bảo với ba tòa Tiền dường, Thiêu hương và Thượng điện, gắn với nhau theo kiểu chữ Công và chữ Đinh tạo một không gian nội thất chung, cũng có khi theo kiểu chữ Tam. Ngoài ra có nhiều khu vực phụ mà đa phần là hành lang hai bên và thường có hậu đường ở đằng sau. Hành lang thường bày tượng La hán. Hậu đường có thể chia từng phần nhà Tổ, nhà Tăng và điện Mẫu. Ngoài ra một số chùa lớn thờ thêm các vị Thánh có nhiều gắn bó với Phật giáo, khi đó trong chùa có thêm một số tòa nhà nữa phân bố theo kiểu Tiền thần hậu Phật, hoặc Tiền Phật hậu Thánh, như chùa Keo Thái Bình – Nam Định, chùa Bối Khê – Hà Nội, chùa Trăm gian – Hà Nội,… Hầu hết các chùa có chuông đồng khá to treo ngay ở Tiền đường, một số chùa xây gác chuông kết hợp với Tam quan như chùa Đậu – Hà Nội, hoặc riêng trên trục chính của Tam bảo ở phía trước như chùa Bút Tháp – Bắc Ninh, hoặc ở phía sau như chùa Keo – Thái Bình, có khi lại có thêm cả gác khánh, gác trống xây đối diện với gác chuông như chùa Ninh Hiệp – Hà Nội có Gác chuông – Gác khánh, chùa Thầy – Hà Nội có gác chuông – Gác trống. Chùa còn xây tháp, một số chùa, Tháp cũng là nơi thờ Phật được xây cao trội lên và ở phía trước như Tháp Phổ Minh – Nam Định; tháp Cổ Lễ – Nam Định. Tháp là mộ của các sư thì sẽ xây bên cạnh hoặc phía sau chùa.

Bài trí tượng thờ: Các lớp tượng cũng được phân bố theo các lớp kiến trúc tạo nên các con đường ngang dọc trong không gian chùa. Khác biệt trong bài trí tượng thờ không chỉ ở quy mô của Phật điện mà còn do ảnh hưởng của tông phái, do trình độ của người trụ trì, do được cúng tiến…

Không có một công thức duy nhất cho bài trí tượng thờ, nhưng có một số điểm chung giữa cách bố trí tượng thờ các chùa đã được các nhà nghiên cứu đi trước đề cập đến như Trần Lâm Biền, Trần Nho Thìn,… Một Phật điện thông thường gắn liền với khu Tam Bảo chữ Công thường được bố trí các tượng pháp theo nguyên tắc các lớp từ ngoài vào trong (cũng là từ thấp lên cao) gồm các nhân vật gần gũi với chúng sinh đến những nhân vật lý tưởng; các lớp luôn lấy hàng giữa dành cho nhân vật trung tâm, hai bên là nhân vật phù trợ theo thứ tự trái trước phải sau (trái, phải theo nhân vật ở giữa, tức nhìn ra cửa).

Tiền đường, là các gian bên trái, trước hết là bộ tượng Hộ pháp gồm hai vị thần bảo vệ pháp báu của Đức Phật đó là vị Khuyến thiện bên trái khuyên mọi người làm điều thiện. Vị Trừng ác bên phải tay cầm vũ khí, giới răn mọi người bỏ ác.

Gian hồi trái, cạnh khuyến thiện là tượng Đức ông tức Long thần, trực tiếp bảo vệ các tài sản nhà chùa và coi giữ đất Phật. Hai bên Đức ông là bộ tượng Già Lam – Chân Tế là hai vị thần hộ vệ Đức ông giữ gìn Phật pháp, bảo hộ con người. Bên cạnh tượng Trừng ác là Thánh Tăng, là hai vị đại diện cho hàng tăng chúng để truyền kinh pháp của Đức Phật cho chúng sinh. Hai bên Thánh Tăng là hai vị Điễm Nhiên – Đại Sĩ tượng trưng cho quỷ đói và những người tiên nghe tụng pháp môn- đà- na- ni để mọi người no đủ.

Tòa thứ hai là Thiêu hương để nhà sư thắp hương gõ mõ tụng kinh. Dọc hai bên tường là hai nhóm tượng. Nhóm bên trái là Giám Trai, tức vị thần trông nom việc ăn uống của các sư tăng, con bên phải là Thổ Địa trực tiếp trông nom đất đai trong khuôn viên chùa. Còn trong là 10 pho Diêm vương chia thành hai hàng ngồi đối diện, đó là các vị cai quản mười cửa ngục hồn người chết đều phải qua đó để định công luận tội cho đầu thai vào kiếp tương ứng.

Thượng điện thờ chính ở gian giữa và thờ phụ hai bên. Thông thường ở gian giữa các lớp bày từ ngoài vào trong, từ thấp đến cao gồm các nhân vật từ chỗ gần với con người tiến đến mẫu mực lý tưởng.

Hàng dưới cùng, ở giữa là tượng Thích Ca sơ sinh đứng trên bông sen, tay phải chỉ đất, tay trái chỉ trời, một số chùa còn có 9 con rồng nên gọi là tượng Cửu Long. Hai bên thường có tượng Đế Thích và Phạm Thiên là vua cõi trời xuống đón mừng Thích Ca ra đời. Có chùa tượng Thích ca sơ sinh đặt giữa 4 tượng tứ thiên vương là Trị quốc thiên vương ở phía Đông, Tăng trưởng Thiên vương ở phía Nam, Quảng Mục thiên vương ở phía Tây và Đa văn thiên vương ở phía Bắc là bốn vị trông coi ở tầng trời thấp nhất; hoặc 4 vị Bồ tát là Quyển – Sách – Ái – Ngữ ở bốn phương của thế giới biểu hiện cho Từ – Bi – Hỉ – Xả.

Hàng thứ hai, du nhập từ Đạo giáo vào chùa gồm Ngọc hoàng Thượng đế, là bên trái là Nam Tào trông coi sổ sinh, bên phải có Bắc Đẩu quản sổ tử, gắn với sinh mệnh của con người.

Hàng thứ ba thường được bày bộ tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh gồm tượng đức Phật Như Lai đội mũ Tì lư, xua tan u ám, nuôi dưỡng vạn vật, giúp chúng sinh hoàn thành mọi sự nghiệp. Hai hiệp sĩ đứng hầu là Bồ tát Văn Thù ở bên trái và bồ tát Phổ Hiền ở bên phải.

Hàng thứ tư, là bộ tượng Nhất Phật Vị tôn giả gồm Đức Thích Ca thành đạo thường được gọi là Phật Thế Tôn ở giữa và hai đệ tử sau này là Tổ thứ nhất đó là Ca Diếp ở bên trái và Tổ thứ hai là A Nan Đà ở bên phải.

Hàng thứ năm, là bộ tượng Di Đà Tam Tôn gồm Đức phật A Di Đà ở giữa, bên trái là Bồ Tát Quan Thế Âm đại từ đại bị giàu lòng thương người, bên phải là Bồ Tát Đại Thế chí tiêu biểu cho trí tuệ, để tiếp dẫn chúng sinh về nơi cực lạc. Hàng tượng trên cùng, cao nhất là bộ tượng Tam thế gồm ba pho tượng Phật tượng trưng cho “Tam thế tam thiên Phật” tức ba ngàn Đức Phật trong ba đời là quá khứ, hiện tại và tương lai. Một số chùa lớn, hai bên thượng điện rộng còn bày tượng các vị Tổ kế đăng trong 28 vị tổ người Ấn Độ. Những ngôi chùa rộng có hành lang dài ở hai bên thường bày tượng 18 vị La Hán và các vị Tổ kế đăng gần giống nhau (224). Ở đầu hồi các tòa Tiền Đường hoặc Thượng điện, nhiều chùa còn có tượng Hậu, tức là những người đã cúng tiền hoặc ruộng vào chùa được dân tình bầu làm Hậu Phật, đảm bảo lễ tiết, cúng giỗ cho. Phía sau hoặc bên cạnh các khu thờ trên còn có Hậu đường làm nhà Tổ hoặc điện Mẫu.

Ngôi chùa Phật giáo Trung Bộ

Trước thời Trần, tại Thuận Hoá (Quảng Trị và Thừa Thiên Huế hiện nay) đã có nhiều chùa thờ Phật với kiểu kiến trúc gỗ, tranh thấp bé. Phật giáo từ thời Trần trở đi hưng thịnh, nhiều chùa thuộc về Thiền Tông được xây dựng trên vùng đất Trung Bộ. Ðến thời các chúa Nguyễn, một số chùa được trùng tu hoặc tôn tạo như chùa Thiên Mụ (1601), chùa Sùng Hoá (1602), chùa Thuận An (1688)… Trong khoảng thời kỳ này, hình thức thảo am (tiền đề cho những ngôi chùa) được dựng lên rất nhiều như thảo am trên núi Hàm Long nay là chùa Báo Quốc. Những ngôi chùa như chùa Từ Ðàm, chùa Từ Lâm, chùa Vĩnh Ân,… cũng đều phát triển từ thảo am (225).

Dưới thời nhà Nguyễn từ 1802 đến 1945, chùa chiền ở Huế phát triển mạnh, các chùa được trùng tu, tôn tạo. Nhiều chùa được xây mới thời kỳ này như chùa Diệu Ðế (đời Thiệu Trị), chùa Từ Hiếu (1834). Từ cuối thế kỷ XIX, với sự xâm nhập của người Pháp đã mang theo thành quả kỹ thuật xây dựng theo kiểu kiến trúc của phương Tây. Một số ngôi chùa được xây dựng bằng bê tông cốt thép như chùa Viên Thông (trùng tu lớn năm 188), chùa Thuyền Tôn (năm 1973), chùa Diệu Ðế (đại trùng tu năm 1950), chùa Linh Quang (đại trùng tu năm 1960).

Về kiến trúc chùa Trung Bộ, hầu hết chùa miền Trung trong giai đoạn đầu là những am tranh một gian hai chái. Chùa Huế mang đặc trưng riêng trong phong cách kiến trúc, tổ chức vườn chùa, và cả cách hành lễ, giới luật của chư tăng. Các chùa ở Thuận Hoá đều nằm trên đồi cây cao bóng mát, là những ngôi chùa thực sự có cảnh trí tĩnh lặng, môi trường thiên nhiên trong lành,… có thể nói là nét đặc sắc của chùa miền Trung phụ thuộc rất lớn vào địa hình đã được lựa chọn. Các điện thờ thì hầu như có một phong cách chung là bình dị, thoáng đãng và trang nghiêm. Sau điện thờ thì thường có vườn hoa, sân, cây cảnh, non bộ, khu tháp mộ được đặt phía sau chùa.

Do sự phân chia quyền lực phong kiến Ðàng Trong – Ðàng Ngoài nên kiến trúc chùa miền Trung không giống như kiến trúc chùa miền Bắc. Tuy nhiên các loại hình kiến trúc có sớm hơn cũng được kế thừa tại đây. Ví dụ như chùa bố trí theo lối chữ tam: chùa Thiên Mụ (Huế). Ðặc biệt chùa Thiên Mụ mang ảnh hưởng rõ rệt của Nho giáo với bố cục kiểu cung đình, không khép kín ẩn mình mà lại phơi bầy ra tiền hậu tả hữu với chính điện là trung tâm của quyền lực.

Chùa miền Trung thường được bố cục theo kiểu chữ “Nhất” như chùa Ba La Mật, chùa Trường Xuân, chùa Quang Ðức, chùa Thiên Lương – Huế, chữ Môn (chùa Hải Ðức – Huế), chùa Từ Ðàm có mặt bằng hình chữ đinh, cả hai chùa này đều có gác chuông, gác trống hai bên đầu chính điện, đây là sự hỗn dung tín ngưỡng thần phật.

Ðặc điểm khác biệt với miền Bắc là xuất hiện ngôi chùa chữ “Khẩu” ra đời, ví dụ chùa Quốc Ân khánh thành năm 1684 (Huế), chùa Hàm Long (Huế) xây dựng cuối thế kỷ XVII, chùa Thiền Tông (Huế) xây dựng năm 1708, chùa Từ Hiếu (Huế) xây dựng năm 1848, chùa Thập Tháp Di Ðà ở Bình Ðịnh xây dựng năm 1677, chùa Long Khánh xây dựng năm 1655 (Bình Ðịnh), chùa Ðông Thuyền (Huế)… Chùa chữ khẩu ra đời có thể do người Kinh vào đây tiếp thu văn hoá ấn Ðộ giáo qua người Chăm coi số 4 rất thiêng liêng, nên xây dựng chùa gồm 4 toà nhà. Chùa chữ khẩu gồm khu chính điện trước thờ Phật, phía sau thờ Tổ, khu nhà hậu làm nhà Thiền, khu Ðông đường và Tây đường hai bên là nơi tiếp khách và chỗ ở của tăng chúng. Từ Quảng Trị trở vào thì xuất hiện nhiều chùa thuộc hệ phái Nam Tông và hệ phái Khất sĩ. Kiến trúc và Phật điện của các hệ phái này tương tự như ở miền Nam.

Bài trí tượng thờ: Phật giáo miền trung cho rằng việc thờ Tổ trở nên quan trọng hơn, thường bàn thờ sư tổ được đặt ngay sau bàn thờ Phật tạo thành cách thờ Tiền phật hậu tổ (đề cao thờ cúng tổ tiên – sư tổ trụ trì chùa, nói lên vị thế quan trọng của con người trong việc mở mang Phật giáo ở Trung Bộ). Các chùa theo cách thờ tiền Phật hậu tổ như chùa Quốc Ân (Huế), chùa Từ Hiếu ( Huế), chùa Chúc Thánh (Hội An) đều có dạng chính điện, phía trước thờ Phật, phía sau ngăn ra thành gian thờ Tổ hoặc các tăng chúng quá cố.

Nhìn chung, việc bài trí tượng thờ tại các chùa miền Trung không thống nhất. Thông thường các chùa thờ tượng Di Lặc với mong ước tương lai tươi sáng hơn, thờ Quan Âm để cứu khổ cứu nạn cho con người, thờ Ðịa Tạng bồ tát mong muốn chống lại thiên tai ác nghiệt tại vùng đất này. Các chùa ở Thuận Hoá thường bị ảnh hưởng đậm nét của phong cách Trung Hoa trong việc tạo tác tượng Phật cùng như bài trí Phật điện, vì vậy nhiều chùa không thờ bộ Tam thế mà chỉ thờ Di đà tam tôn hoặc thờ độc tôn đức Thích ca (chùa Từ Ðàm). Một số trường hợp đặc biệt khác như chùa có ban thờ Quan Thánh (chùa Quốc Ân), chùa không có ban thờ Tổ như chùa Thánh Duyên – Huế.

Cùng với hệ thống tượng Phật, các tượng thuộc các tôn giáo khác cũng có phần thay đổi. Trong các chùa Huế ta không thấy tượng Bát Bộ Kim Cương hoặc Mẫu Liễu Hạnh, thay vào đó là thờ Thiên Yana và Tiêu Diện. Xu hướng tạc tượng thờ các ông hoàng bà chúa, quan lại nhà Nguyễn đã có công đóng góp xây dựng cho nhà chùa và các vị khai canh khai khẩn tương đối phổ biến ở đây.

Ngôi chùa Phật giáo Nam Bộ

Thời chúa Nguyễn, ở Ðàng Trong với địa thế thuận lợi, nơi gặp gỡ của các dân tộc khác nhau, giao lưu giữa các nền văn hoá khác nhau dẫn đến tính chất đa dạng của Phật giáo trong cộng đồng người Nam Bộ đến nay. Các ngôi chùa xây dựng trong thế kỷ 18 còn lại cho đến ngày nay trở thành đặc trưng cho kiến trúc chùa cổ Nam Bộ như Giác Lâm, Giác Viên,…

Phật giáo Nam Bộ thời kỳ Pháp thuộc bắt đầu bị suy thoái. Từ năm 1860 – 1865, nhiều ngôi chùa cổ bị đập phá hoặc sử dụng làm phòng tuyến, đồn bốt. Thế kỷ 16 với sự phân chia Ðàng Trong, Ðàng Ngoài đã là một mốc quan trọng đối với lịch sử và kiến trúc Phật giáo Nam Bộ. Những ảnh hưởng từ kiến trúc truyền thống miền Bắc dường như không đến được miền Nam tạo cho Ðàng Trong các nét đặc trưng rất khác biệt. Chùa ở Nam Bộ về cơ bản có thể chia thành 2 loại: kiến trúc cổ và mới, mang những đặc điểm chủ yếu của chùa miền Trung.

Về kiến trúc công trình chùa Nam Bộ, Với chất liệu bằng gỗ, tre những ngôi chùa Nam Bộ trong buổi đầu thường tạo thành một quần thể kiến trúc chùa và vườn chùa. Ban đầu chùa chưa có tháp Tổ. Những thế kỷ trước chùa Nam Bộ không có cổng tam quan. Cổng Tam quan của chùa Giác Lâm chỉ được xây vào năm 1955, còn cổng chùa Núi Châu Thới mới xây vào năm 1989 (226). Chùa có kiến trúc gỗ với chính điện nhiều gian thường thấy ở Ðông Nam Bộ như chùa Linh Sơn (năm 1936 ở Ðà Lạt), chùa Hội Khánh (1745) ở thị xã thủ Dầu Một. Chùa lối chữ khẩu cũng xuất hiện ở một số địa phương do ảnh hưởng chùa Trung Bộ nhưng đến ngày nay thì không còn được phát triển nữa như chùa Long Bàu (Vũng Tàu) xây dựng năm 1845. Ða số các chùa ở Nam Bộ quay về hướng Nam. Kiến trúc chùa cổ thường gặp với nhiều toà nhà song song nối lại với nhau và phát triển theo chiều sâu. Chùa Nam Bộ thường 1 gian 2 chái ở dạng chữ nhất. Dạng chữ nhị có sân thiên tỉnh ở giữa (chùa Phụng Sơn, chùa Giác Viên xây dựng năm 1805), hoặc dạng nhà chữ tam và có sân thiên tỉnh (chùa Giác Lâm xây dựng năm 1774, chùa Phước Tường năm 1741). Chùa luôn có sân thiên tỉnh và không gian chuyển tiếp với bên ngoài là hành lang bao quanh các mặt chùa tạo điều kiện cho ánh sáng đi gián tiếp vào sâu bên trong công trình. Ðôi khi mặt bằng chùa cũng có dạng chữ công và chữ đinh. Ðặc biệt có chùa hình vuông do kết cấu chịu lực cột và tường đầu bằng đá như chùa Thiên Thai (Vũng Tàu) (227). Tính đa dạng kiến trúc chùa càng tăng khi các ngôi chùa hiện tại ra đời với ảnh hưởng mỹ thuật của Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, phương Tây như chùa Vĩnh Trang (Tiền Giang), Vĩnh Nghiêm (TP Hồ Chí Minh), Niết Bàn (Bà Rịa- Vũng Tàu)… và sự xuất hiện các ngôi chùa tịnh xá kiểu bát giác của hệ phái Khất sĩ. Chùa của người Hoa có vẻ riêng theo lối kiến trúc “Trùng thiềm điệp ốc” với nhiều lớp mái chồng lên nhau, các đầu đao cong vút, toàn thể ngôi chùa bao phủ màu hồng đậm (228). Có một số đặc điểm của chùa Nam Bộ hiện nay đã ảnh hưởng đến miền Bắc và Trung Bộ đó là thờ tượng Ðức Quan Âm Bồ Tát ngoài sân dạng đài hoặc có mái che và thường được đặt trước chính điện. Ðặc trưng này xuất hiện trước năm 1975 ở Nam Bộ có thể là do con người ước nguyện cho hoà bình, mong muốn Phật Bà Quan Âm thấu hiểu nỗi đau khổ của con người mà ra tay cứu vớt nhanh chóng hơn. Ở Nam Bộ, dấu ấn về phong tục cũng được thể hiện qua bình phong án ngữ trước mặt tiền chính điện và ra vào chính điện bằng hai lối cửa bên.

Bài trí tượng thờ: Chùa Nam Bộ phổ biến việc thờ Tổ ngay trong không gian thờ Phật như Chùa Giác Hải (1890), chùa Giác Lâm tại thành phố Hồ Chí Minh. Các vị sư tổ có công hoằng dương Phật Pháp. Thờ tượng Ðạo Lão cũng gặp ở một số chùa, ví dụ thờ Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Ðẩu ở chùa Sắc Tứ Từ Ân. Miếu thờ Linh Sơn Thánh Mẫu trong khuôn viên chùa Giác Lâm là một minh chứng cho sự cộng sinh của tôn giáo và tín ngưỡng

Một số đặc điểm khác biệt chủ yếu của kiến trúc Phật giáo ba miền

– Về niên đại, các ngôi chùa ở Bắc Bộ thường có lịch sử lâu đời từ vài trăm năm đến ngàn năm. Trong khi đó, ở miền Trung, chùa cổ nhất còn lại có thể kể đến chùa Thiên Mụ có lịch sử gần 400 năm, còn ở Nam Bộ thì trên dưới 300 năm. Chùa ở Hà Nội và Huế thường xây từ đầu thế kỷ XX trở về trước, trong khi đó, ở thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 2/3 số chùa xây từ sau năm 1954. Do đó, nhìn chung ở Bắc Bộ và Trung Bộ, kiến trúc chùa mang vẻ cổ kính hơn.

– Miền Bắc không gian kiến trúc nhìn chung thường thiên về chiều ngang hơn chiều dọc với kiến trúc thường thấy nhất là chữ đinh, chữ công, nội công ngoại quốc. Trong khi ở miền Trung, kiến trúc quy mô nhỏ hơn và thường thấy nhất lại mang dạng chữ môn, chữ khẩu. Khác với hai miền trên, chùa Nam Bộ lại có mặt bằng chữ khẩu, chữ tam thiên về chiều dọc hơn chiều ngang (đối với các ngôi chùa từ năm 1954 trở về trước).

– Chùa Bắc Bộ thường có quy mô lớn, rất ít chùa xây dựng trước năm 1945 có quy mô nhỏ với dạng một gian hai chái như thường thấy ở miền Trung và Nam Bộ.

– Chùa Bắc Bộ phần lớn chỉ sử dụng cho mục đích thờ cúng của chư tăng và tín đồ, rất ít chùa có giảng đường, trong khi miền Nam thì rất nhiều chùa có giảng đường để làm việc, học tập và tiếp khách của chư tăng trong cùng khuôn viên chùa.

– Tính truyền thống được bảo lưu lâu dài trong kiến trúc chùa Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ do con người coi trọng và có ý thức gìn giữ những thành tựu trong quá khứ. Còn Nam Bộ, kiến trúc chùa vô cùng đa dạng do tính cởi mở của người dân nên kết cấu hiện đại, thậm chí mỹ thuật của ấn Ðộ, Nhật Bản, Trung Quốc, Phương Tây,… xuất hiện ở khá nhiều ngôi chùa.

– Về kiến trúc, chùa chiền Bắc Bộ, Trung Bộ vẫn mang tính chất cổ kính, thâm nghiêm. Chùa Nam Bộ thiên về xu hướng cách tân lộng lẫy. Hai miền cũng có những ảnh hưởng đến nhau, một số chùa Nam Bộ có mặt bằng chữ công giống miền Bắc (chùa Vĩnh Nghiêm). Hiện nay, với sự du nhập cách bài trí Nam Bộ, rất nhiều chùa Bắc Bộ xây tượng Quan Âm Bồ Tát tay cầm cành dương liễu, bình cam lồ trước cửa chùa (Chùa Hưng Ký, chùa Tứ Kỳ).

– Hệ thống tượng thờ ở ngoài Bắc đa dạng và phong phú, hầu hết các chùa đều có gian thờ mẫu, ban thờ các nhân vật Nho giáo và Ðạo giáo. Hệ thống tượng Phật miền Trung đã giản lược đi rất nhiều, đây đó xuất hiện những chùa thờ Phật độc tôn. Trong khi đó ở Nam Bộ, những chùa cổ có hệ thống tượng tương đối giống miền Bắc, phổ biến kiểu thờ tiền Phật hậu Tổ, ban thờ Tổ đặt ngay sau chính điện.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã có từ nhiều nghìn năm, trong đó Phật giáo có lịch sử khoảng 2000 năm gắn bó với lịch sử dân tộc. Trước khi tiếp nhận Phật giáo, dân tộc Việt Nam đã đạt tới một trình độ văn minh khá cao với các nền văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung và văn hóa Óc Eo ở miền Nam. Trước đó dân tộc ta cũng là dân tộc đa tín ngưỡng như tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ đá, tín ngưỡng phồn thực… Phật giáo bén rễ, hòa quyện với tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Việt Nam tạo thành Phật giáo của với bản sắc riêng của Việt Nam. Phật giáo ở mỗi miền của đất nước cũng mang bản sắc văn hóa vùng miền. Di sản Phật giáo ở mỗi miền lại là những công trình kiến trúc, điêu khắc mang phong cách văn hóa của cư dân vùng miền, cùng với sự giao thoa phong cách văn hóa của mỗi miền của đất nước và các nước khác trên thế giới để tạo nên một di sản văn hóa Phật giáo mang bản sắc văn hóa Phật giáo Việt.

Chú thích:

223. Hà Văn Tấn, Chùa Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 17.

224. Xem thêm, Chu Quang Trứ, Sáng giá chùa xưa mỹ thuật Phật giáo, Nxb Mỹ thuật, 2012, tr. 41-47.

225. Thích Đại Đồng, Thích Thọ Lạc (đồng chủ biên), Lịch sử Phật giáo Nghệ An, Nxb Tôn giáo, 2021, tr.357.

226. Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lửa, Trần Hồng Liên, Sđd, tr. 13.

227. Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lửa, Trần Hồng Liên, Sđd, tr.15.

228. Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lửa, Trần Hồng Liên, Sđd, tr. 7.

Tài liệu tham khảo:

1. Hà Văn Tấn (1993), Chùa Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

2. Nguyễn Quảng Tuân, Huỳnh Lửa, Trần Hồng Liên (1994), Những ngôi chùa ở Nam Bộ, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Chu Quang Trứ (2012), Sáng giá chùa xưa mỹ thuật Phật giáo, Nxb Mỹ Thuật.

4. Chu Quang Trứ (2010), Kiến trúc chùa với bia đá và chuông đồng, Nxb. Lao động.

5. Trương Minh Dục (2001), “Một vài đặc điểm của phật giáo miền Trung trước năm 1945”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 7+8.

ThS. Chử Thị Kim Phương – ThS. Trần Anh Châu

Nguồn: Tạp chí Văn hoá Phật giáo

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Một vài đặc điểm kiến trúc của ngôi chùa Việt

Chùa Việt 10:25 16/04/2024

Ngôi chùa được xem là bảo tàng nghệ thuật, là nơi lưu giữ nhiều di sản Phật giáo có giá trị. Bản thân kiến trúc chùa còn chuyển tải nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và tôn giáo.

Ngôi chùa cổ nằm chênh vênh trên vách núi hơn 500 năm

Chùa Việt 08:30 15/04/2024

Tương truyền, chùa Vô Vi được khởi dựng từ thời Đinh (thế kỷ X), sau nhiều biến cố của lịch sử, chùa được dời lên vách núi như ngày nay đã hơn 500 năm.

Hàng cây cổ thụ độc nhất vô nhị dẫn lối vào ngôi chùa màu hồng hơn 400 năm tuổi

Chùa Việt 07:45 14/04/2024

Chùa Hàng Còng, ngôi chùa duy nhất trong tỉnh An Giang có hàng cây còng cổ thụ nối dài từ cổng vào đến bên trong khuôn viên với bề dày lịch sử hàng trăm năm.

Phát huy di sản chùa Thầy

Chùa Việt 11:23 13/04/2024

Chùa Thầy là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Việt Nam nằm trong Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội.

Xem thêm