Nghệ thuật sống – Nguyên nhân khổ & tìm hiểu về nghiệp
Mọi đau khổ đều có nguyên nhân, và mỗi hiện tượng cũng đều có nguyên nhân. Luật nhân quả – kamma – phổ quát và là căn bản cho kiếp người.
CHƯƠNG 2: NGUYÊN NHÂN TRỰC TIẾP
Thế giới thật sự không giống thế giới thần tiên trong đó mọi người sống sung sướng đời đời. Chúng ta không thể tránh được sự thật: cuộc đời là không hoàn hảo, không trọn vẹn, không mãn nguyện – sự thật là khổ hiện hữu.
Biết được thực tế này, điều quan trọng chúng ta cần phải làm là tìm hiểu xem khổ đau có nguyên nhân không? Nếu có, ta có thể loại bỏ nguyên nhân để hết khổ không?
Nếu nguyên nhân này chỉ là ngẫu nhiên mà có, và chúng ta không kiểm soát hay ảnh hưởng gì được, thì chúng ta đành bó tay và bỏ ý định tìm đường thoát khổ. Hoặc giả, nếu chúng ta khổ vì sự quyết định độc tài và khó hiểu của một đấng toàn năng, thì chúng ta phải tìm cách nào làm vui lòng ngài để ngài không làm khổ chúng ta nữa.
Đức Phật đã hiểu rõ sự đau khổ của chúng ta không phải là sản phẩm của ngẫu nhiên. Mọi đau khổ đều có nguyên nhân, và mỗi hiện tượng cũng đều có nguyên nhân. Luật nhân quả – kamma – phổ quát và là căn bản cho kiếp người. Những nguyên nhân gây khổ cũng không ngoài vòng kiểm soát của chúng ta.
Kamma (nghiệp)
Chữ kamma (nghiệp) (chữ Sanskrit là karma) thông thường được hiểu là số mệnh. Tiếc thay, cách hiểu này lại trái ngược hẳn với ý nghĩa Đức Phật muốn nói. Số mệnh là một cái gì ngoài vòng kiểm soát của chúng ta, là mệnh trời, là một cái gì đã được sắp đặt trước cho chúng ta. Kamma theo nghĩa đen là “hành động”. Hành động của chúng ta là nguyên nhân gây nên những gì mà ta phải gánh chịu.
“Tất cả mọi chúng sanh đều là chủ nhân của hành động (nghiệp) của mình, thừa hưởng hậu quả của chúng, bị ràng buộc vào chúng. Những hành động (nghiệp) của họ là nơi nương náu của họ. Cuộc đời của họ sẽ thấp kém hay cao thượng tùy thuộc vào hành động (nghiệp) của họ.” 1
Tất cả mọi sự mà chúng ta gặp trên đời đều là kết quả hành động của chính mình. Vì vậy, chúng ta có thể làm chủ số mệnh của mình bằng cách làm chủ hành động của mình. Mỗi người chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về hành động đã tạo nên khổ đau cho mình. Mỗi người chúng ta đều có phương tiện chấm dứt đau khổ bằng hành động của chính ta. Đức Phật nói: “Quý vị làm chủ chính mình, quý vị tạo ra tương lai của mình.” 2
Như vậy, mỗi chúng ta giống như một người bị bịt mắt, chưa bao giờ học lái xe mà lại ngồi sau tay lái của một chiếc xe đang chạy nhanh trên xa lộ đông đảo. Người đó khó có thể đến đích mà không bị tai nạn. Người đó có thể nghĩ là mình đang lái xe, nhưng sự thật thì chiếc xe đang lái người đó. Nếu muốn tránh tai nạn, chứ đừng nói tới chuyện đến đích, người đó phải tháo miếng vải che mắt đi, học cách sử dụng xe và lái xe ra khỏi nguy hiểm càng sớm càng tốt. Tương tự như vậy, chúng ta phải ý thức được những gì ta làm, và học cách hành động để có thể dẫn dắt ta tới nơi mà ta muốn đến.
1 M.135, Cula Kamma Vihanga Sutta. | 2 Dhammapada, XXV.21 (380).
Ba loại hành động: VIỆC LÀM, LỜI NÓI, Ý NGHĨ
Có ba loại hành động: việc làm, lời nói và ý nghĩ. Thường thường, ta cho hành động bằng việc làm là quan trọng nhất, rồi mới tới lời nói, và sau cùng là ý nghĩ. Đánh một người đối với chúng ta nặng hơn là mắng chửi, và cả hai nặng hơn là có ý xấu với người đó. Dĩ nhiên đây là quan niệm về luật pháp do con người ở mỗi đất nước đặt ra. Nhưng theo Dhamma, luật tự nhiên, thì hành động bằng ý nghĩ quan trọng nhất. Hành động bằng việc làm và lời nói sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn, tùy thuộc vào ý định khi hành động được thực hiện.
Một y sĩ giải phẫu dùng dao để thực hiện một cuộc giải phẫu cứu mạng khẩn cấp, nhưng thất bại và bệnh nhân chết; một kẻ sát nhân dùng dao đâm chết nạn nhân. Việc làm của hai người đều giống nhau, nhưng đứng trên phương diện tinh thần thì chúng cách xa nhau một trời một vực. Vị y sĩ hành động vì lòng từ bi, kẻ sát nhân hành động vì oán ghét. Kết quả của mỗi hành động sẽ hoàn toàn khác, tùy thuộc vào tâm ý.
Cũng vậy, trong trường hợp của lời nói, ý định khi nói là quan trọng nhất. Một người cãi nhau với bạn đồng nghiệp, mắng nhiếc bạn là thằng khùng. Người đó nói vậy vì giận dữ. Cũng người đó khi thấy đứa con chơi trong bùn thì âu yếm gọi nó là thằng khùng. Ông ta nói vậy vì lòng thương yêu. Trong hai trường hợp, cùng một tiếng được nói ra, nhưng diễn tả hai trạng thái đối nghịch của tâm. Ý định của lời nói là yếu tố quyết định kết quả.
Lời nói và việc làm hoặc ảnh hưởng của chúng với bên ngoài chỉ là kết quả của tâm ý. Chúng được xét xử đúng đắn tùy theo tính chất của ý định khi chúng xảy ra. Chính hành động của tâm ý mới là kamma (nghiệp) thật sự, sẽ tạo ra quả trong tương lai. Hiểu rõ sự thật này, Đức Phật tuyên bố:
“Tâm đi trước mọi hiện tượng,tâm quan trọng nhất,mọi điều đều do tâm tạo.Nói hay làm với một tâm bất tịnh thì đau khổ sẽ theo sau,như bánh xe theo sau con bò kéo xe.Nói hay làm với tâm thanh tịnh,hạnh phúc sẽ theo saunhư bóng với hình.” 1
1 Ibid, I.1&22 Sutta Nipana, III.1
Nguyên nhân của khổ
Hành động nào của tâm quyết định vận mạng của chúng ta? Nếu tâm chỉ gồm có thức, nhận định, cảm giác, phản ứng thì cái nào gây ra khổ? Tất cả đều tham dự trong tiến trình tạo ra khổ. Tuy nhiên, ba bước đầu chỉ là thụ động. Thức chỉ thâu nhận những dữ kiện sống của kinh nghiệm, nhận định xếp loại các dữ kiện, cảm giác báo hiệu sự xảy ra của hai bước trên. Công việc của ba phần này chỉ là tiêu hóa những tin tức đã thâu lượm vào.
Nhưng khi tâm bắt đầu phản ứng, thì thụ động nhường bước cho sự hấp dẫn hay ghét bỏ, thích hay không thích. Phản ứng này khởi động một chuỗi biến cố mới. Đứng đầu là phản ứng. Vì vậy Đức Phật đã nói:
“Bất cứ khi nào khổ nảy sinh đều do nguyên nhân là phản ứng. Nếu mọi phản ứng chấm dứt thì không còn khổ nữa.” 2
2, Dvayatanupassana Sutta
Kamma thực thụ, nguyên nhân đích thực của khổ là phản ứng của tâm. Một phản ứng thoáng qua của thích thú hay ghét bỏ có thể không mạnh, và không tạo nên nhiều kết quả, nhưng nó có thể có một hậu quả tích tụ. Phản ứng được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gia tăng cường độ, và phát triển thành thèm muốn hay chán ghét. Đây là điều mà Đức Phật, trong bài giảng đầu tiên, gọi là tanha, có nghĩa là thèm khát: thói quen ao ước vô tận những gì không có, và bất mãn cùng cực với những gì đang có. 1
Sự ao ước và bất mãn càng mạnh bao nhiêu, thì ảnh hưởng của chúng vào ý nghĩ, lời nói, và việc làm càng sâu xa bấy nhiêu, và chúng càng gây ra nhiều đau khổ hơn.
Đức Phật nói, một vài phản ứng giống như những đường vẽ trên mặt nước: ngay sau khi được vẽ ra, chúng liền bị xóa đi. Có những phản ứng khác giống như những lằn vạch trên bãi cát ở bờ biển: nếu chúng được vạch vào buổi sáng thì buổi chiều sẽ bị xóa đi bởi gió và nước thủy triều. Có những phản ứng giống như những vết khắc trên đá bằng dùi đục và búa. Chúng cũng bị xóa đi khi phiến đá bị xói mòn, nhưng phải mất nhiều năm tháng. 2
Trong đời, mỗi ngày tâm ta không ngừng tạo ra phản ứng, nhưng đến cuối ngày nếu chúng ta cố nhớ lại, thì chúng ta chỉ có thể nhớ lại một hay hai phản ứng có ấn tượng sâu đậm trong tâm khảm. Rồi đến cuối tháng chúng ta cố nhớ lại, chúng ta cũng chỉ nhớ được một hay hai phản ứng có ấn tượng sâu đậm nhất của tháng đó. Rồi đến cuối năm, chúng ta chỉ có thể nhớ lại một hay hai phản ứng gây ra những ấn tượng sâu đậm nhất của năm đó. Những phản ứng sâu đậm này rất nguy hiểm, và chúng đưa tới sự đau khổ triền miên.
Bước đầu tiên để thoát khỏi khổ đau là chấp nhận thực tế của khổ, không phải như một quan niệm triết học hay một đức tin, mà như là một thực tế hiện hữu, có ảnh hưởng đến mỗi chúng ta trong đời sống. Với sự chấp nhận và hiểu rõ khổ là gì và tại sao chúng ta khổ, chúng ta có thể chấm dứt bị lôi kéo và bắt đầu chủ động. Bằng cách học để trực tiếp hiểu rõ bản tính của mình, chúng ta có thể cất bước trên con đường thoát khổ.
1 S.LVI (XII). ii 1, Dhamma-Cakkappavattana Sutta. | 2 A.III.xiii.130, Lekha Sutta
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sự yên bình trong lòng là hạnh phúc
Sống an vui 13:00 04/11/2024Dưới bầu trời rộng lớn, ta cảm nhận được sự tự do và thanh thản. Đôi khi, chỉ cần đứng dưới bóng cây, nhìn những đám mây trôi qua, ta đã cảm thấy nhẹ nhàng và tự do như chim bay trên bầu trời xanh thẳm.
Uống nước ép rau này giúp tránh ung thư, hạ huyết áp
Sống an vui 11:41 04/11/2024Nước ép làm từ các loại thực vật tự nhiên cung cấp cho cơ thể nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống ô xy hóa. Mọi người thường dùng nước ép trái cây. Nhưng trên thực tế, nước ép từ các loại rau cũng mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe.
Khi tâm không chấp, lòng nhẹ như mây trôi
Sống an vui 09:20 04/11/2024Khi mọi vọng tưởng tan biến, khi mọi toan tính lắng xuống, ta nhận ra mình và vũ trụ vốn chẳng khác nhau, ta thấy mình là một phần của cái bao la, vô tận.
Tập buông bỏ để có được tâm bình an
Sống an vui 08:28 04/11/2024Trong cuộc sống, Phật giáo khuyên ta hướng đến trạng thái tốt nhất – đó là buông bỏ những tham cầu vật chất để tâm hồn được thanh thản và nhẹ nhàng hơn.
Xem thêm