Ngôi chùa mang khát vọng hạnh phúc dài lâu
Chùa Một Cột hoặc Liên Hoa Đài là một ngôi chùa nằm giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Xung quanh ngôi chùa là những câu chuyện vô cùng độc đáo từ sự ra đời, tồn tại cho tới bảo tồn kiến trúc qua thăng trầm lịch sử…
Độc đáo về lịch sử ra đời và tồn tại
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, chùa được xây dựng vào mùa Đông tháng 10 Âm lịch nǎm Kỷ Sửu, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo 1 (1409) đời Lý Thái Tông. Vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) chiêm bao thấy Phật Quan Âm trên tòa sen đưa tay dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy vua nói với bề tôi và nhà sư Thiền Tuệ khuyên Vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa đất, với đỉnh cột là tượng Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen. Lối kiến trúc này cho phép liên tưởng đến cấu tạo của các kinh chàng (Thạch chàng/Cột kinh) - một loại kiến trúc Phật giáo, thường được dựng lên để kiến tạo công đức.
Nói về lịch sử ra đời của ngôi chùa, PGS.TS Trần Trọng Dương - nhà nghiên cứu Hán Nôm và cổ sử Việt Nam, hiện đang công tác tại Viện Hán nôm - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong bài viết “Chùa Một Cột: Qua thăng trầm thời gian” kể một chi tiết rằng “vua Lý Thánh Tông tuổi đã cao chưa có con nối nghiệp nhà, đêm mộng thấy đến thôn Một Cột, thấy vị Quan Âm gọi vua bảo: “Đất này rất linh, cột đồng làm thương tổn đến long mạch đã lâu rồi, nên kíp hủy bỏ đi thì vận nước lại lâu thêm mấy đời nữa, bằng không thì hết rồi đấy”. Nói xong, vời vua lên đài vàng, ẵm tiên đồng ban cho. Tỉnh mộng, vua sai xây chùa phía tây làng để thờ Quan Âm Bồ Tát, đổi niên hiệu làm Diên Hựu, hủy bỏ đồng trụ ám phù, năm sau sinh hạ hoàng tử”.
Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, khi quần thể chùa Diên Hựu khánh thành trong đó có chùa Một Cột hoặc Liên Hoa Đài, các sư chay đàn, tụng kinh cầu nhà vua sống lâu, vì thế chùa còn có tên chữ là chùa Diên Hựu, có nghĩa là hạnh phúc dài lâu. Hàng năm cứ đến ngày 8/4 Âm lịch, vua lại đến chùa làm lễ tắm Phật. Các nhà sư và nhân dân kinh thành Thăng Long cùng dự lễ. Sau lễ tắm Phật là lễ phóng sinh, Vua đứng trên một đài cao trước chùa thả một con chim bay đi, rồi nhân dân cùng tung chim bay theo trong tiếng reo vui của một ngày hội.
Chùa Một Cột – Ngôi chùa biểu tượng của nền văn hiến Việt
Lại nhắc đến câu nói của vị Quan Âm trong giấc mơ của nhà vua “cột đồng làm thương tổn đến long mạch đã lâu rồi, nên kíp hủy bỏ đi thì vận nước lại lâu”, câu chuyện về trấm yểm tại chùa Diên Hựu được đẩy lên đến tận đời nhà Đường. Những người kể chuyện dân gian đã cố lồng ghép câu chuyện cột đồng trấn yểm long mạch với chuyện hiếm muộn và cầu tự của vua Lý Thánh Tông. Có lẽ cũng từ đây mà Phạm Đình Hổ còn ghi lại một chuyện dân gian khác rằng: “Bùn đất trong ao lẫn vô số kể kim sắt…, người ta cho là nơi Cao Biền trấn yểm”.
Cũng trong bài viết của mình, PGS.TS Trần Trọng Dương nêu quan điểm rằng “rõ ràng là những câu chuyện bùa yểm của Cao Biền là một kiểu thêu dệt của các đạo lưu dân gian, nhằm đề cao các yếu tố phương thuật, trấn yểm, trừ tà của Đạo gia”.
Không chỉ độc đáo về lịch sử ra đời, trong suốt quá trình tồn tại cùng lịch sử, chùa Một Cột còn gắn với một câu chuyện thú vị nữa đó là chuyện về bức tượng Phật mà thuốc nổ không thể phá hủy.
Chuyện rằng, cuối năm 1954 khi thi hành Hiệp định Genève, quân Pháp sửa soạn rút lui khỏi Hà Nội và miền Bắc thì có kẻ lạ mặt đặt thuốc nổ phá hủy chùa Một Cột ngày 11/9/1954 (nhằm ngày rằm tháng Tám âm lịch). Chùa bị phá hủy từ mặt sàn trở lên vì chất nổ được giấu ở dưới bát nhang. Tuy nhiên, pho tượng Quan Âm nơi đây, vẫn ngồi y nguyên ở gần ngay đấy, chỉ bị rời mấy cánh tay gỗ chắp. Sau khi tiếp quản Hà Nội được mấy tháng thì chính quyền tiếp quản quyết định phục hồi lại chùa.
Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á
Để hiểu vì sao chùa Một Cột được vinh danh là “ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á” cũng cần biết rằng chùa Một Cột hiện nay chỉ là một phần trong quần thể kiến trúc chùa Diên Hựu xưa, đã từng có một công trình kiến trúc vô cùng độc đáo.
Chùa có kết cấu hình vuông làm bằng gỗ, lợp ngói ta, mỗi cạnh 3m, có bốn mái, bốn đầu đao cong được đắp hình đầu rồng. Trụ đá gồm hai khối gắn liền với nhau, đường kính 1,2m, cao 4m (chưa kể phần chìm dưới đất). Lối đi lên chùa là một cầu thang nhỏ làm bằng gạch. Phần trên thân trụ gồm một hệ thống những thanh gỗ tạo thành bộ khung sườn kiên cố đỡ cho ngôi chùa dựng bên trên, giống như một đóa hoa sen vươn thẳng lên từ mặt hồ. Đây chính là nét kiến trúc vô cùng độc đáo của chùa Một Cột.
Nóc chùa có mặt nguyệt bốc lửa, đầu rồng chầu mặt nguyệt. Trong chùa, tượng đức Phật Quan Âm ngồi trên một bông sen bằng gỗ sơn son thiếp vàng, ở vị trí cao nhất. Phía trên tượng Phật là hoành phi “Liên hoa đài” gợi nhớ sự tích nằm mộng của vua Lý dẫn tới việc xây dựng chùa. Từ sân lên sàn chùa để tụng kinh lễ bái, phải bước qua 13 bậc thang rộng 1,4m, hai bên tường gạch, gắn bia đá giới thiệu lịch sử ngôi chùa.
Ngày 10/11/2012, tại Faridabad (Ấn Độ), Tổ chức Kỉ lục châu Á đã xác nhận Chùa Một Cột là “ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á”, sau nửa thế kỉ ngôi chùa được xếp hạng Di tích Lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia (1962), sau 6 năm chùa được ghi danh trong sách kỉ lục Guiness Việt Nam “ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam”.
Về kiến trúc, chùa Một Cột không giống với bất cứ một tháp Phật nào, chùa mang đậm tính triết lí nhân văn với vòng ngoài hình vuông tượng trưng cho âm, và cột hình tròn tượng trưng cho dương, trong âm có dương, trong dương có âm. Đây là quy luật tuần hoàn tương sinh, tương khắc của vũ trụ. Vẻ đẹp của nó vừa có vẻ uy nghi cổ kính, lại vừa mang phong thái nhẹ nhàng thanh thoát của cõi Phật.
Chùa ngày nay tuy không được tạo hình như những cánh hoa sen trên cột đá xưa nhưng hình ảnh về một ngôi chùa nằm giữa mặt nước vươn cao vẫn gợi hình về một bông hoa sen - loại hoa đẹp, tượng trưng cho vẻ đẹp tinh túy, cao sang - nằm ngay giữa lòng hồ. Không chỉ vậy, nó còn là biểu tượng của trí tuệ, của sự trường tồn, sự giải thoát qua nhận thức đậm chất trí tuệ để đi tới cõi niết bàn.
Nhắc lại câu chuyện sau khi chùa bị đặt mình phá hủy, khi tiếp quản Hà Nội, được mấy tháng thì chính quyền tiếp quản quyết định phục hồi lại chùa và ủy nhiệm cho chuyên viên Sở Bảo tồn Cổ tích Nguyễn Bá Lăng, nghiên cứu họa đồ và điều khiển công trường. Họa đồ đã được nghiên cứu căn cứ theo một ảnh chụp cũ khoảng cuối thế kỷ XIX của trường Viễn Ðông Bác Cổ.
Vì là ảnh chụp lập diện (géométral) nên những kích thước cũ, chiều rộng, chiều cao, độ dốc mái kể cả chi tiết đầu đao, lan can được phục nguyên một cách chính xác. Cột đá đường kính 1m20 và bộ con sơn xóc nách bên dưới vẫn được giữ nguyên, còn bên trên bình đồ vuông được phục nguyên mỗi mặt rộng 4m20, chiều cao từ sàn đến diềm mái là 2m20.
Có ý kiến cho rằng cột duy nhất của chùa có lúc được làm bằng cột gỗ, tuy nhiên nhiều nhân chứng lại cho rằng không có chuyện này. Tháng 5/1884, bác sĩ quân y Pháp Hocquard dạo chơi quanh Hà Nội, có ghé thăm chùa Diên Hựu, đã ghi lại chi tiết chứng minh: “Hai cụ từ giữ chùa ở trong một ngôi nhà rất ngộ nghĩnh. Nhà được xây cất trên cột đá dựng giữa một cái ao đầy bèo và sen. Trông như một cái tổ chim. Ngôi nhà được mấy thanh gỗ ngang gắn vào cột đá chống đỡ. Giống mấy cái nan ô được gắn vào cán ô”.
Những tấm hình về chùa Một Cột của Hocquard, của tác giả Dieulefils, của trường Viễn Đông Bác Cổ, của bưu ảnh, chụp trong khoảng từ cuối thế kỉ 19, sang đầu thế kỉ 20, cho đến năm 1950, đều cho thấy chiếc cột đá. Được biết, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã thực hiện một nghiên cứu cụ thể để trùng tu vào năm 1923. Lần đầu tiên kiến trúc một cột được vẽ kỹ thuật. Dựa trên bản vẽ này, Nguyễn Bá Lăng và nhiều kiến trúc sư sau này mới có cơ sở để trùng tu như dáng hình ngày nay.
Biểu tượng văn hóa nghìn năm
Sau khi Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp thực hiện nghiên cứu cụ thể để trùng tu vào năm 1923, thì cũng trong giai đoạn này, nhờ báo chí, hình ảnh chùa Một Cột được phổ biến rộng rãi, Nha bưu điện Ðông Dương nhiều lần phát hành tem hình Liên Hoa Đài. Hình ảnh kiến trúc Một Cột dần dần trở thành hình ảnh quen thuộc của cả quốc dân lẫn quốc tế từ đó. Sau khi chùa Một Cột được Bộ Văn hóa đã xếp hạng là Di tích Lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào ngày 28/4/1962, chùa được coi là biểu tượng văn hóa nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam. Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, hình ảnh một cột được quy định thành mẫu trong các sản phẩm văn hóa, được vẽ tranh cổ động, áp phích tuyên truyền, in trên tem, trên bao diêm, vỏ bao thuốc lá, mành tre trúc của các hợp tác xã, mà không được làm cái gì khác.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chùa Côn Sơn: Một trong ba trung tâm Thiền phái Trúc Lâm
Chùa Việt 14:07 01/11/2024Chùa Côn Sơn gắn với Thiền phái Trúc Lâm, cả ba vị Tổ của thiền phái đã từng tu hành và thuyết pháp ở đây. Cùng với chùa Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm, chùa Côn Sơn là một trong ba trung tâm của Thiền phải Trúc Lâm.
Chùa Khôsa Răngsây: Nơi có tủ sách cổ hàng trăm năm tuổi
Chùa Việt 10:58 31/10/2024Tọa lạc ngay trung tâm Q.Ninh Kiều (TP.Cần Thơ), ngôi chùa Khmer mang tên Khôsa Răngsây thu hút du khách hơn 60 quốc gia đến tham quan bởi nhiều nét độc đáo, trong đó có tủ sách cổ hàng trăm năm tuổi.
Độc đáo ngôi chùa hơn 400 năm tuổi, lộng lẫy như cung điện ở Sóc Trăng
Chùa Việt 20:32 30/10/2024Tại xã Viên Bình, H.Trần Đề (Sóc Trăng) có một ngôi chùa Khmer hơn 400 năm tuổi, chính điện được xây dựng nguy nga, lộng lẫy.
Huyền tích chùa thiêng trên đỉnh núi Tà Cú tại Bình Thuận
Chùa Việt 12:30 30/10/2024Trong hệ thống chùa chiềng tại tỉnh Bình Thuận, có một ngôi chùa thiêng gắn liền với tên tuổi của một nhà sư – người được xem là bậc 'cứu thế độ đời', danh đức của Ngài được người dân Bình Thuận cũng như Phật tử gần xa biết đến và cảm niệm hàng năm…
Xem thêm