“Người thương ơi! Tôi đang giận. Tôi đang khổ”
Mỗi khi khổ bạn có bổn phận nói cho người bạn thương biết. Khi hạnh phúc chia sẻ đã đành, nhưng khi đau khổ cũng phải chia sẻ. Ngay cả khi bạn cho rằng người kia đã gây nên nỗi khổ của bạn, bạn cũng phải nói cho người kia biết.
Nói lên câu “Anh yêu em” là tốt, là quan trọng. Bày tỏ cảm tình thương yêu, hạnh phúc của mình với người mình thương là một điều tự nhiên thôi. Nhưng bạn cũng phải cho người bạn thương biết khi bạn đang khổ vì người đó, đang giận người đó. Phải nói lên cảm xúc của bạn. Bạn có quyền làm như vậy. Đây là tình yêu chân thật. “Người thương ơi! Tôi đang giận. Tôi đang khổ.” Hãy nói câu đó với tất cả chân tình hòa nhã.
Có thể là giọng nói của bạn có chứa ẩn một chút buồn, nhưng không sao. Nhưng đừng nói để trách móc hay để trừng phạt. “Người thương ơi! Tôi đang giận. Tôi đang khổ. Xin biết cho tôi điều đó.” Đây là tiếng nói của tình yêu, bởi vì bạn đã từng long trọng hứa rằng là sẽ nâng đỡ nhau trong cuộc sống chung. Giữa cha mẹ và con cái cũng vậy, giữa anh em, bạn bè cũng vậy, phải nói lên cảm xúc buồn giận, khổ đau của mình.
Mỗi khi khổ bạn có bổn phận nói cho người bạn thương biết. Khi hạnh phúc chia sẻ đã đành, nhưng khi đau khổ cũng phải chia sẻ. Ngay cả khi bạn cho rằng người kia đã gây nên nỗi khổ của bạn, bạn cũng phải nói cho người kia biết. Điều kiện duy nhất là phải nói trong bình tĩnh, phải dùng lời ái ngữ.
Sử dụng ái ngữ và lắng nghe sâu
Phải làm việc này càng sớm càng tốt. Không nên ôm giữ cái giận trong tâm quá hai mươi bốn giờ. Nếu không thì sẽ khó mà chịu đựng được, và sẽ bị cơn giận đầu độc. Để cho trễ quá là chứng tỏ rằng tình yêu và lòng tin của bạn đối với người kia còn yếu ớt. Vậy thì bạn phải nói lên cho người kia biết là bạn đang khổ, đang giận. Càng sớm càng tốt. Hai mươi bốn giờ là thời hạn chót.
Có thể là bạn cảm thấy chưa sẵn sàng vì chưa được bình tĩnh lắm. Bạn đang còn giận. Vậy thì bạn hãy thực tập hơi thở chánh niệm hay đi thiền hành ngoài trời. Cho đến khi cảm thấy được bình tĩnh rồi sẽ nói. Nhưng nếu sau hai mươi bốn giờ mà vẫn chưa sẵn sàng thì bạn có thể viết xuống một bức thư ngắn, một thông điệp hòa bình. Hãy trao bức thư này trước thời hạn hai mươi bốn giờ. Đây là một điều rất quan trọng. Bạn và người kia đã cam kết sẽ hành xử như vậy khi giận nhau. Nếu không thì bạn đã không giữ đúng những cam kết của thỏa hiệp sống chung an lạc.
“Tôi sẽ cố gắng hết lòng”
Nếu quyết tâm muốn cải thiện tình hình thì bạn có thể tiến thêm một bước nữa. Bạn viết thêm câu “Anh sẽ cố gắng hết lòng”. Nghĩa là bạn sẽ tự kiềm chế không hành động hấp tấp, sẽ thực tập hơi thở chánh niệm, thực tập thiền hành để ôm ấp cơn giận trong chánh niệm. Nghĩa là bạn thực tập theo đúng pháp môn đã dạy. Đừng nói câu “Anh sẽ cố gắng hết lòng” trừ khi bạn đang thực tập như vậy. Khi giận mà bạn biết sẽ phải thực tập như thế nào để bạn có quyền nói câu “Anh sẽ cố gắng hết lòng.” Câu nói đó sẽ làm cho người kia tâm phục và tin tưởng.” Tôi sẽ cố gắng hết lòng” có nghĩa là “tôi sẽ giữ đúng cam kết mà trở về với tự thân và chăm sóc cơn giận.”
Khi giận, cơn giận là đứa con của ta và ta phải săn sóc nó. Cũng như khi đau bao tử ta phải trở về với tự thân mà chăm sóc bao tử. Khi đó bao tử là đứa con của ta. Bao tử thuộc phần thân, cơn giận thuộc phần tâm. Ta phải chăm sóc cơn giận cũng như chăm sóc bao tử. Ta không thể nói rằng: “Này sân hận, mày hãy đi đi, mày không phải là của ta!” Vậy thì khi ta nói “Tôi sẽ cố gắng hết lòng” là vì ta đang ôm ấp và chăm sóc cơn giận của ta. Ta đang thực tập hơi thở chánh niệm và bước chân chánh niệm để giải tỏa năng lượng sân hận và biến nó thành một năng lượng tích cực.
Trong khi ôm ấp cơn giận ta thực tập quán chiếu sâu sắc để thấy rõ bản chất của cơn giận bởi vì ta biết rằng có thể ta là nạn nhân của một tri giác sai lầm. Có thể là ta đã hiểu lầm những gì ta nghe hay thấy. Có thể là ta đã có một nhận thức sai lầm về điều người kia đã nói hay đã làm. Cơn giận phát xuất từ nhận thức sai lầm và vô minh. Khi nói câu “Tôi sẽ cố gắng hết lòng” ta ý thức rằng trong quá khứ ta đã từng giận vì đã có tri giác sai lầm như vậy. Cho nên bây giờ ta phải rất cẩn thận và nhớ đừng tin chắc rằng ta là nạn nhân của lời nói hay hành động của người kia. Có thể chính ta đã tự tạo lấy địa ngục.
“Xin giúp tôi”
Câu thứ ba tiếp theo hai câu trước một cách tự nhiên. “Xin giúp anh, người thương ơi, anh đang cần em giúp.” Đó là ngôn ngữ của tình yêu chân thật. Khi giận bạn thường hay nói ngược lại: “Đừng đụng tới tôi. Tôi không cần ai cả. Để tôi yên một mình. Có sao đâu!” Nhưng mà đã có lời cam kết săn sóc nhau rồi! Vậy thì khi đau khổ tuy đã biết cách tu tập ta cũng cần đến sự giúp đỡ của người kia trong sự tu tập. “Người thương ơi, anh đang cần em giúp, em giúp anh đi!”
Nói lên được ba câu trên tức là có khả năng yêu thương chân thật. Ba câu đó là tiếng nói đích thực của tình yêu chân thật.
“Người thương ơi! Anh đang giận. Anh đang khổ. Xin biết cho anh điều đó. Anh đang cố gắng. Anh không trách móc ai, kể cả em. Vì chúng ta gần gũi nhau biết chừng nào, vì chúng ta đã có lời cam kết là sẽ chăm sóc cho nhau cho nên anh cần em giúp để thoát ra khỏi tình trạng khổ đau, hờn giận này."
Cách bạn hành xử khi giận như thế sẽ đem lại sự vững tâm, lòng tin tưởng và tâm khâm phục trong người kia và cả trong chính bạn. Đây là một điều không mấy gì khó khăn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Pháp tu soi gương
Kiến thức 15:52 05/11/2024Pháp thoại này Thế Tôn dạy Tôn giả La-vân (La-hầu-la) quán chiếu về thân nghiệp giống như đang soi gương thấy rõ mặt mình dơ hay sạch. Nếu không soi gương, chúng ta sẽ không biết mặt mình như thế nào.
Ác nghiệp đã trót gieo, phải làm sao để ác báo không trổ ra?
Kiến thức 10:35 05/11/2024Mỗi ngày chúng ta đều gieo trồng những nhân thiện, ác lẫn lộn. Những nhân này tuyệt đối không hề mất đi, nó được lưu trữ trong tàng thức của chúng ta. Quá trình từ nhân đi đến quả đều cần phải có duyên. Vậy làm sao để tránh được duyên ác?
Đi về phía an lạc hạnh phúc
Kiến thức 09:20 05/11/2024Kinh Trường bộ ghi: Đường này đến an lạc giải thoát Niết bàn, chấm dứt khổ đau; Đường kia đến ưu phiền não loạn khổ đau trong sinh tử luân hồi, các người muốn đi đường nào?
Muốn mau lành bệnh
Kiến thức 07:03 05/11/2024Ai cũng biết Đức Phật ngoài mười hiệu tôn quý còn được xưng tán là Y vương, bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh của chúng sanh. Không chỉ chữa trị tâm bệnh, Đức Phật còn là một vị thầy thuốc đúng nghĩa chữa trị cả thân bệnh nữa.
Xem thêm